Trang:Nam Phong Tap Chi 1.pdf/16

Trang này cần phải được hiệu đính.
12
NAM PHONG

Nói rút lại thì văn-chương thế-kỷ 17 là văn-chương chữa đời, chủ sự ích-lợi cho người đời, tức là một pho tâm-lý, một bài luân-lý thực-hành vậy. — Thế-kỷ thứ 18 cũng là vụ cho người đời được sung-sướng. Các nhà làm văn đời cách-mệnh cũng chỉ nghiên-cứu một cái vấn đề về sự hạnh-phúc của người ta, nhưng khác người đời trước, là đời trước lấy cái hạnh-phúc ở sự kiềm-chế, đời này lấy cái hạnh-phúc ở sự tự-do, đời trước chủ sự duy-trì, đời này dùng kế phá-hoại vậy. Đời trước dạy người đời tính vốn ác, đời này xướng người đời tính vốn lành. Người đời đã tính vốn lành thì mọi sự khổ sở ở đời là bởi xã-hội cả, xã-hội đã không ra gì thì phải phá đổ xã-hội đi, mà hồi-phục lấy cái bản-tính của người ta lúc mới sinh-thành. Bởi thế mà các nhà làm văn chỉ thấy công-kích xã-hội, mà tán-tụng đời cổ-sơ là cái « hoàng-kim thời-đại » của loài người. Xem thế thì cái hai cái tư-trào của thế-kỷ thứ 17 cùng thế-kỷ thứ 18 thực là trái ngược nhau vậy. Nhưng xét kỹ có phải cái tôn-chỉ cùng là giống nhau không ? Hai đời tuy xét người đời ra hai phương-diện khác nhau, song đều là chủ tìm cái cách cho người đời được sung-sướng, đều là vị cái nhân-đạo vậy.

Đã cai-quát hai thế-kỷ nhớn trong văn-học sử, lại bắt đầu từ khi mới có văn-chương cho đến đời cận-thế, lục ra những sách nào là lưu-truyền hơn cả mà xét xem sở-dĩ làm sao mà những sách ấy được lưu-truyền như thế, thì thấy những sách ấy đều là diễn giải cái nhân-đạo một cách tuyệt-phẩm vậy. Kể từ sách Roland anh-hùng ca (La Chanson de Roland) là nền văn-chương cổ nhất của nước Pháp, đến bài tuồng Le Cid của ông Corneille, đến tập Tư-tưởng lục (les Penséès) của ông Pascal, đến những bài hí-kịch của ông Molière, đến sách Vạn pháp tinh-lý (l'Esprit des lois) của ông Montesquieu, cho đến thơ ông Lamartine, cho đến tiểu-thuyết bà George Sand, cho đến những bài phê-bình của ông Sainte-Beuve, tuy cái văn-chương phong-phú như thế, mà rút lại trong bấy nhiêu sách cái tôn-chỉ cũng là một, là tả con người ta ra đủ mọi cách, trong đủ mọi cảnh : khi sướng, khi khổ, khi vui, khi buồn. — lúc khôn-ngoan, lúc khờ-dại, — lúc khao-khát những sự vô hạn, lúc mưu-toan những việc trị-bình — lúc khổ vì cái ái-tình uốn-éo, lúc than vì thế-sự ngặt nghèo....

Xét như thế thì từ xưa đến nay phàm những sách hay trong văn-chương Pháp, được người đương thời cảm-phục, hậu thế suy-tôn, chính là những sách có nhiều cái nhân-đạo hơn cả. Văn-chương Pháp có nhiều nhân-đạo vì văn-chương Pháp chủ nghiên-cứu người ta, mà trọng nhất là những cái vấn-đề quan-hệ đến người ta, đến cuộc hạnh-phúc ở đời, phép xử-thế cùng đường vận-mệnh. Nhà thi-nhân La-mã có câu thơ rằng : « Tôi là người, phàm cái gì quan-hệ đến người ta không phải là không quan-hệ đến tôi. » Câu thơ ấy thực là cái biểu-hiệu của các nhà làm văn nước Pháp vậy.

Xưa nay người ta vẫn khen văn Pháp có ba cái tính-cách hay nhất : một là phân-minh, hai là giản gị, ba là thành-thực. Ba cái tính-cách ấy cũng là bởi cái nhân-đạo trong văn-chương mà ra cả. Như người Anh, người Đức, người Ý, làm văn thường là để sướng lấy một mình, để diễn lấy cái giấc mộng riêng ở trong lòng mà làm một mối khóai-lạc cho mình. Người Pháp làm văn vị người hơn là vị mình, cầm ngòi bút viết là chủ nói cái gì cho người đời nghe. Vậy cốt nhất là cho người ta hiểu mình. Nên phàm xướng ra cái tư-tưởng gì, không phải cứ mộc-mạc thế mà đem diễn ra đâu ; còn suy đi nghĩ lại, chắt lọc chung đức mãi, gạn lấy cái tinh-hoa rồi mới diễn nó ra thành nhời ; cái nhời văn ấy cũng không phải là cẩu-thả, thực là