Trang:Nam Phong Tap Chi 1.pdf/14

Trang này cần phải được hiệu đính.
10
NAM PHONG

I

Trong một bộ tiểu-thuyết chước-danh của một nhà đại văn-hào Pháp ngày nay, có kể truyện một người thiếu-niên châu Á-tản (Alsace), trong bụng nhiệt-thành yêu tổ-quốc Pháp, có cái chí cao-thượng muốn thờ tổ-quốc một cách đặc-biệt, khiến cho người Đức cũng phải cảm-phục. Bèn quyết-chí ở đất Á-tản, không xin về nước Pháp, đến tuổi binh-dịch lại nhận đăng làm lính với Đức, tự nghĩ rằng : mình là con nhà Pháp-lan, đại-biểu một lối văn-minh cao-thượng, lạc loài ở cùng với một giống người thô bỉ cường-bạo, cái nghĩa-vụ của mình là phải ở chốn nhượng-địa này, như người lính canh bờ cõi, để giữ cho cái văn-minh tổ-quốc, phát-biểu cái văn-minh ấy ra mà cảm-hóa bọn thô-bỉ kia. Một năm giời ở trong trại quân Đức, thực là được lòng đủ mọi người, quan trên yêu, bạn-bè phục, sử với ai cũng rất mực nhã-nhặn, đến lúc mãn-khóa ra về, ai nấy đều tiếc ; khi từ-giã viên đội Phổ già coi mình trước thì được tin con gái lão vừa mới chết, bèn đi mua ngay một vòng hoa sắt đến viếng. Hai vợ chồng lão đội thấy anh ta sắp biệt mình mà còn sử tử-tế như thế, rất cảm-động trong lòng, mà nói rằng : « Phải chịu rằng người nước Pháp có nhiều nhân đạo hơn người các nước khác. ».....

Một câu của lão đội già nước Đức ấy thực là tóm-tắt được cái tinh-thần, cái đặc-sắc của văn-minh nước Pháp vậy.

Dân Pháp xưa nay vẫn là dân có cái nhân-đạo phong-phú hơn các dân khác. Trong các dân-quốc đời xưa đời nay, có lắm dân còn hiển-hách hơn dân Pháp nhiều. Nhưng chưa thấy dân nào gồm được đủ cái tư-cách chung của nhân-loại bằng dân Pháp vậy.

Một nhà thi-nhân Pháp đã có câu thơ rằng :

Plus je suis Français, plus je me sens humain.

(Tôi càng là người Pháp bao nhiêu thì tôi càng thấy tôi là người bấy nhiêu).

Người các nước khá thì thường càng gần cái quốc-tính bao nhiêu lại càng xa cái « nhân-tính » bấy nhiêu, vì quốc-tính là cái đặc-biệt, mà « nhân tính » là cái thông-thường vậy. Xem như nước Đức : người Đức càng là người Đức bao nhiêu thì lại càng phản-đối với nhân-loại bấy nhiêu, vì cái nghĩa của người Đức không giống cái quyền-lợi chung của thế-giới, càng sai-biệt bao nhiêu thì lại càng xa-cách bấy nhiêu. Đến như người Pháp thì có cái đặc-tính quan-sát mọi sự mọi vật theo cái phương-diện chung hơn là cái phương-diện riêng, theo cái thông-thường hơn là cái đặc-biệt, thành ra người Pháp càng gần quốc-tính bao nhiêu lại càng gần « nhân-tính » bấy nhiêu. Cho nên nói rằng người Pháp có nhiều nhân-đạo hơn các người khác là thế.

Nhân đạo là cái gì ? Nhân-đạo tức là cái người ta sở-dĩ là người ta vậy. Muốn nói dản-dị hơn thì nhân-đạo là cái cách làm người, cái thuật làm người theo một cái lý-tưởng thông-thường. Như thế thì trong thế-giới này-không có dân nào thuộc cái cách ấy bằng dân Pháp vậy.

Cả văn-minh học-thuật nước Pháp đều là nhuần-nhiễm một cái chất nhân-đạo ấy cả. Muốn minh-chứng điều ấy thì phải nghiên-cứu bốn cái bộ-phận nhớn nó dựng thành ra nền văn-minh một nước : 1◦ là văn-chương ; 2◦ là triết-học ; 3◦ là tôn-giáo ; 4◦ là lịch-sử.