Hôm hôm ra đứng đầu cầu,
Dưới chân nước biếc trên đầu non xanh.
Có tôi với một vài anh,
Thấy vài cô nữa loanh-quanh đầu cầu.
Lại bài sau này, chẳng kém gì những nhời phong-dao rất hay của đàn-bà con-trẻ ta thường hát khi gió mát trăng thanh:
Cảnh giời ai bán ta mua,
Mua non non Thúy, mua chùa chùa Hương:
Mua hoa mới nở giữa vườn,
Mua giăng mới mọc trên sườn núi cao.
Ông sở-trường lối thơ buồn, nên ông không khéo làm thơ vui. Những bài ông bỡn-cợt mấy ông hậu-bổ (Ắt-my (admis) ngất-ngưởng chân quan Hậu... Tên lúy (lui) rồi tên cậu đứng liền), hay bài viếng diễu cụ sư mới chết (Có nhẽ ăn chay cũng chết à?,.. Phen này rồi cũng hóa ra ma!), không được thú lắm.
Nhưng mà cái đó cũng là những sự khuyết-điểm nhỏ, chẳng kể vào đâu. Được những bài như bài « Bể thảm » là đủ vớt lại cả.
Cái nghĩa-vụ nhà phê-bình là phải khen chê cho phải chẳng. Không biết mấy nhời bình-phẩm này có được hết nghĩa-vụ ấy không; nhưng mong rằng khỏi mắc cái oan trong nhời ngạn-ngữ: « Nói thật mất lòng! ». Nói thật bao giờ vẫn là hơn.
Phạm Quỳnh
Bài diễn-thuyết của quan học-chính Russier về việc nước Mĩ nhập cuộc với Đồng-minh
Trước kể qua lịch-sử sự giao-thiệp nước Pháp với nưới Mĩ tù đầu thế-kỷ thứ 16 đến giờ. Bấy giờ có mấy bọn đi bể người Pháp khởi đầu vượt bể sang Mĩ-châu, rồi sau nhiều người Pháp nữa cũng theo sang sinh-cơ lập-nghiệp ở đấy. Kịp đến khi người Mĩ cách-mệnh với nước Anh, tuyên-bố độc-lập ngày 4 tháng 7 năm 1776, thì nước Pháp mới can-thiệp vào để giúp nước Mĩ. Quốc-hội Mĩ vừa mới thành-lập sai ngay ông Franklin — là người bác-học có tiếng trong thế-giới, đã chế ra ống thu-lôi — làm đầu một phái-bộ sang xin nước Pháp cứu-viện. Các nhà quí-tộc nước Pháp được tin ấy cổ-võ lắm, nhiều người xin sang giúp nước Mĩ. Có một người nhiệt-thành hơn cả, là hầu-tước La Fayette. Hầu-tước nói: « Tôi được tin việc khởi-nghĩa bên Mĩ thì tấm lòng tôi như đã vào làm quân cho nước Mĩ rồi ». Hầu-tước bèn xuất tiền mình cùng với mấy người bạn đi sang Mĩ.
Đến đầu năm 1778 thì chính-phủ Pháp ký với nước Mĩ một tờ ước đồng-minh, nhận giúp việc chiến-tranh cho đến khi thành cuộc độc-lập. Tháng 7 năm 1780, bá-tước De Rochambeau đem 6 nghìn người sang Mĩ. Được ít lâu thì thủy-quân-đại-tướng de Grasse cũng mang một hạm-đội sang theo. Người Mĩ thiếu-thốn gì nước Pháp cũng sẵn lòng cấp cho: quần áo, đạn-dược, binh-khí, tiền-bạc (số tiền giúp đến 20