SỬ LUẬN
Bài Sử-luận sau này là của một ông nho tầu về đầu nhà Thanh, Đái-Cát-Phu tiên-sinh (戴褐夫), bàn về cái phép làm sử cũ của ta rất tinh-tường. Chúng tôi định làm một bài chuyên-luận về phép làm sử theo lối khoa-học ngày nay, để giúp cho các nhà sử-học nước ta biết cái phương-phép mới của một môn học cũ rất thịnh-hành ở phương Á-đông ta. Bài chuyên-luận ấy bảo-báo sẽ đăng về sau. Nay hẵng dịch bài Sử-luận này, tuy là văn-chương cũ, bàn theo cái tư-tưởng cũ, nhưng nhời bàn thực là sác-đáng, có nhiều ý-kiến hợp với sử-học ngày nay. Một nhà làm sách ở nước Tầu tự ba trăm năm trước mà nghị-luận về phép làm sử chẳng khác gì một nhà sử-học chuyên-môn ngày nay, thì cũng là một sự lạ vậy. Đái tiên-sinh có cái trác-kiến hơn người đương thời, cho nên thường nghị-luận về văn-chương một cách rất thâm-thiết, không giống những nhà văn-sĩ cũ ở nước Tầu nước ta ngày xưa. Đọc bài luận sau này thì biết. [1]
Ph. Q.
Thánh-nhân ngày xưa vì sao mà làm ra sử ? sử là để chép những sự thay-đổi lợi-hại trong chính-trị điển-chương, cùng những sự thành-bại được-thua, người hay-dở-gian-ngay, để dương điều thiện, dèm điều ác, mà làm phép răn cho muôn đời. Bởi thế cho nên thánh-nhân kinh-luân thiên-hạ mà không lo hoặc phải điều tệ, là nhờ có sử giữ-gìn cho. Ấy sử quan-trọng như thế. Nhưng phép làm sử khó, người làm sử ít có, thực đã lâu lắm vậy.
Nay thử lấy một nhà mà xét, nhiều là vài ba mươi người, ít là mươi mười lăm người. Mắt ta trông thấy người, tai ta nghe thấy nhời, thế mà đàn-bà con trẻ cãi-cọ nhau, bởi đâu mà gây nên, hoặc có khi ta không thể thấu được tình ; kẻ tôi-đòi làm việc chăm hay lười, hoặc có khi ta không thể biết được hết. Suy rộng cho đến một ấp, một nước, người lại càng nhiều, việc cũng lại càng phân-tạp mà không thể xét cho cùng được. Tuy có ông quan minh, xét đoán mọi việc, song cũng còn sợ nhời nói thất-thố, bị chúng sai lừa, đến cùng cũng không rạng tỏ được hết. Huống mình là người ở mấy mươi trăm năm về sau, mà truy-luận đến di-tích người đời trước ; việc không phải tự mình được chép, ví như nghe kiện, hai bên nguyên-bị chưa đến, chỉ nghe miệng những người đi đường kẻ bàng-quan, chỉ bằng ở những nhời nói ra nói vào khác nhau, những câu khen chê yêu ghét không đâu, theo như thế mà định phải trái gian ngay, thì há được công-bằng vậy thay !
Ôi, những người cùng sống một thời với ta, ta khen không được đúng, tất có người cứ thực mà sửa lại ta, ta chê không được phải, người ấy tất cùng ta mà tranh-biện, không chịu nghe ta. Bằng ta là người ở mấy mươi trăm năm về sau mà lại muốn truy cái di-tích người trước, khen cũng duy ta, chê cũng duy ta, cái người ta khen ta chê ấy không thể tự chín suối lên mà tự minh với ta được.
- ▲ Đái Cát-phu tiên-sinh tuy không có danh-tiếng trong văn-học lịch-sử nước Tầu, An-nam dễ không mấy người nghe đến bao giờ, song thực là một nhà văn-sĩ có biệt-tài. Văn-chương của tiên-sinh có cái tính-cách khác hẳn lối văn-chương cũ. Chúng tôi hiện đương nghiên-cứu về tiên-sinh, định làm một bài luận về cái thân-thế cùng sự nghiệp văn-chương của tiên-sinh.