Trang:Nam Phong Tạp Chí 2.pdf/1

Trang này cần phải được hiệu đính.

L'INFORMATION FRANÇAISE

LA FRANCE DEVANT LE MONDE — SON ROLE DANS LA GUERRE DES NATIONS

(Publication autorisée par arrêtè du 30 décembre 1916 de M. le Gouverneur Général de l'Indochine)


NAM PHONG

VĂN-HỌC KHOA-HỌC TẠP-CHÍ



LUẬN-THUYẾT

VĂN QUỐC-NGỮ

Cái vấn-đề quan-trọng nhất trong nước ta ngày nay là cái vấn-đề về văn quốc-ngữ. Cái vấn-đề ấy có giải quyết được thì sự học mới có thể tấn-tới, dân-trí mới có thể mở-mang, cuộc tiến-hóa sau này mới có thể mong-mỏi được. Đến ngày chữ quốc-ngữ dùng làm quốc-văn được thì người nước Nam mới có thể thâu-nhặt các khoa-học mới mà gây thành một nền học thích-hợp với trình-độ, với tính-cách dân ta. Đến ngày ấy thì người nước ta mới phát-biểu được cái nhân-cách của mình, cái nhân-cách ấy hiện nay còn mập-mờ phảng-phất như ảnh không hình vậy. Nói rút lại, văn quốc-ngữ có phát-đạt thì nền quốc-học mới gây dựng được, mối tư-tưởng mới mở-mang được, quốc-dân mới không đến nỗi chung-kiếp đi học mướn viết nhờ như từ xưa đến nay vậy.

Trách lịch-sử cũng không có bổ-ích gì, mà làm án ông cha lại là phạm tội bất-hiếu. Vậy ta chẳng nên oán gì các cụ ta ngày xưa vì say đắm chữ tầu nên nhãng-bỏ tiếng nôm, để cho con cháu ngày nay khổ vì có nước mà không có văn, có người mà không có cách nói cho nhau nghe ngoài những sự nhật-dụng tầm-thường. Ta chỉ nên xét cái hiện-tình mà khuyên quốc-dân chú-ý vào một cái vấn-đề rất là quan-trọng cho cuộc tương-lai nước nhà.

Hiện nay ai cũng rõ rằng chữ quốc-ngữ là tiện-lợi, so với chữ tây chữ nho học vừa dễ mà nhanh, nhưng cũng vì thế mà coi thường, cho là không đáng công học, không biết rằng cái chữ quốc-ngữ ấy thực là cái bè lau để cứu-vớt bọn ta trong bể trầm-luân vậy.