Trang:Mot con gio bui.pdf/156

Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
156
MỘT CƠN GIÓ BỤI
 

« Chinoiserie », thật có sang ở bên Tàu mới hiểu rõ nghĩa cái tiếng chế nhạo ấy.

Xưa ta học đạo Nho, ta tưởng nước Tàu là nước gốc đạo ấy, tất là người Tàu dù sao cũng còn giữ được cái căn bản nhân nghĩa, lễ trí, ngờ đâu cái nền học cũ đã tiêu diệt mất hết cả, chỉ thấy rặt những sự đa trí xảo lừa dối. Nhất là những nơi thành-thị lớn gần miền bể, người ta đắm đuối vào cuộc sống vật chất hèn kém, không thấy gì là lễ nghĩa liêm sỉ cả. Các Công chức thì bất cứ việc gì cũng có mánh khóe để ăn hối lộ và những thanh niên phần nhiều xem ra rất xa hoa phù-phiếm, và hầu hết muốn bắt chước sự hành động cử chỉ của người Âu, người Mỹ. Nhưng hình như chỉ có cái vẻ Âu, Mỹ ở bề ngoài, kỳ thực thì Âu Mỹ chẳng phải Âu Mỹ mà Tầu thì thật chẳng phải Tầu như ta vẫn tưởng-tượng. Cái cảnh bề ngoài nước Tầu ngày nay chẳng thấy gì là cảnh tượng một nước đã thắm nhuộm lâu đời trong cái đạo học của Nho giáo. Tôi nói cái cảnh tượng bề ngoài mà thôi, vì tôi là người đi qua đường, thấy thế nào thì nói thế nấy, chứ hoặc giả còn có nhiều cái tốt đẹp ẩn nấp ở bề trong nữa, thì không thể biết được. Dù sao cái cảm tưởng của một người ở phương xa đã từng học theo đạo Nho và chỉ biết nước Tầu nói trong sách cổ, thì thật là một cái cảm tưởng rất ngao ngán cho giống người học một đường làm một nẻo.