— Chẳng hay ngươi có tài gì mà dám tự-nhận là hiền-sĩ?
Quí-Nhi nói:
— Tài đức như Cao, Quì, Tắc, Tiết, thì tiểu-sinh này không dám đương. Nhưng đến như học-vấn văn-chương, thì tôi cũng có thể tự-tin được. Nếu đại-vương hay bắt chước được Tề Hoàn-công tha tù cho Quản Trọng, Hoài-âm-hầu kính vái Lý Tả-Xa; để cho học-sinh này được thi-thố cái tài ra, thời xoay con tính trong màn, có thể quyết thắng được ngoài nghìn dặm; hạ ngòi bút trên giấy, có thể kìm ngựa đợi đó xong ngay; dẫu Hàn Liễu phục-sinh, Tôn Ngô phục-khởi, tiểu-sinh này cũng chẳng chịu kém gì!
Lam Năng cười mà rằng:
— Ta đây chỉ thừa ngọn gió phóng-hỏa, nấp bóng trăng giết người, chỉ cần dùng đến gươm sắc giáo dài mà thôi. Còn như những bác nhai văn nhá chữ kia chỉ học thuộc lòng được mấy câu trong sách tứ-thư, làm được mấy bài thời-văn mô-phỏng giọng thánh-hiền, hão-huyền chi đó; ta đây không thể dụng được. Nay ngươi nhỏ bé bằng một chách gà, bê cái áo không nổi, chỉ có thể ăn được thôi, dùng làm trò gì được.
Quí-Nhi nghe nói, ngửa mặt cả cười mà rằng:
— Xưa kia lấy trạng-mạo xét người, đã lầm không biết Tử-Vũ là người giỏi: sao nay đại vương thấy học-sinh này; người nhỏ bé mà đã dám khinh-thường. Tôi nghe ngày xưa Lạn Tương-Như sức không trói nổi được con gà thế mà khi được vua Triệu dùng; dám sang sứ nước Tần là nước hổ-lang, chỉ dùng lời nói mà chiết được oai vua Tần; lại lấy được ngọc bích đem về nước Triệu; Trương Tử-Phòng thời trạng-mạo như đàn bà, thế mà một dùi đánh hỏng ở Bác-lãng, hay làm cho thất-đảm vua Tần kinh sợ mà chết ở Sa-khưu; xem đó thì đại-vương sao dám lấy bé nhỏ mà khinh học-sinh này được. Vả lại Quan, Trương, Hoàng, Triệu, không phải là không võ-dũng hơn cả ba quân, nhưng chửa được một người nhai văn nhá chữ như Khổng-minh, thời nay được Từ-châu lại mất Từ-châu, mai được Nhữ-nam lại mất Nhữ-nam, thế thời giáo dài gươm sắc đã đủ cậy chưa? Nay đại-vương có cái sức bạt-sơn như Sở bá-vương, lại có dũng-tướng như Hàn, Bành, tinh-binh như hùng-hổ, thế mà khởi-sự đã vài mươi năm nay, không hay vượt