Trang:Linh Nam dat su 2.pdf/188

Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
— 186 —

mắt như thế, mà bây giờ còn có người bắt-chước cổ-nhân, để làm khó cho người đời sau, và làm khó cho người bây giờ nữa, như là tên tỉnh gọi là « Hà-nội » tên kinh thành là « Thừa-thiên », hai tên đó là tự Nguyễn-triều ta mới đặt ra, thế mà có người lại chép chuyện đời bây giờ, tỉnh Hà-nội lại cứ gọi là thành Thăng-long, kinh Thừa-thiên lại cứ gọi là kinh Phú-xuân; hay là chép sự-trạng một người nào không cần phải kiêng tên huý, mà cũng cứ kiêng, chỉ chép tên hiệu là Mỗ đại-nhân, Mỗ tiên-sinh mà thôi, chớ không có nói rõ đích thực tên họ. Ôi! Những thói kiêng tên vô-vị ấy chỉ làm khó cho việc học khảo-cứu mà thôi. Song cái thói quen đó hoặc bởi là hậu-ý người mình hay yêu cổ, hay kính người hiền, cứ theo thói quen mà không biết là không phải, cũng còn có thể lượng-thứ cho được. Chớ còn như giả-mạo sách của người khác mà đem biến đổi tên họ đi để đánh lừa người ta, cái tài giả-mạo đánh lừa ấy thời không có thể dung tha được.

Mới rồi tôi có tiếp người bạn đưa cho xem bộ tiểu-thuyết Lĩnh-nam dật-sử, đề là của ông Chiêu-văn-vương đời nhà Trần, tôi mừng là được một bản sách cũ của cổ-nhân nước Nam ta, cứ để nguyên cả văn đăng vào báo, không sửa đổi một chữ nào cả.[1] Vả lại những văn-pháp chép trong bộ dật-sử ấy lại có nhiều tiếng quan-hoại Quảng-tây, nên tôi nghĩ rằng ông Chiêu-văn-vương có thông-hiểu cả tiếng Mán, mà tiếng các Mán đều là tiếng người Thổ ở trên thượng-du, tiếng người Thổ Mán trên thượng-du với tiếng thổ-âm Quảng-tây cũng không phân-biệt gì mấy, thế thời Chiêu-văn-vương giỏi về lối văn-pháp dùng tiếng quan-hoại Quảng-tây cũng là có lẽ, nên tôi tin ngay rằng bộ dật-sử này chính là của Chiêu-văn-vương dịch ra không còn ngờ gì nữa.


  1. Bản dật-sử này hiện có một bản viết lưu ở trường Bác-cổ thư-viện Hanoi, tôi nhân theo đó mới đem dịch ra bộ quốc-ngữ này.Đ. Ch.