— Nay Thiết-Ngưu đã chết rồi, ta không lo gì nữa.
Quí-Nhi nói:
— Nào đã là hết lo đâu. Xưa kia ông Khổng-tử có nói rằng: « Danh không chính thì nói không thuận, nói không thuận thì việc không thành. » Thế cho nên các hào-kiệt đời xưa sắp làm việc lớn, tất phải thống về nhất-tôn, rồi sau thi-hành hiệu-lịnh mới dễ, chẳng khác gì như thân mình sai khiến cánh tay. cánh tay sai khiến ngón tay, đều như ý cả Nay các tướng ở Tam-đô chỗ nọ xưng đại-vương, chỗ kia cũng xưng đại-vương. thế là danh bất-chính đó, danh đã không chính, thì tất là không chịu nhau, khi hoãn cấp không cứu nhau, lúc lợi hại không đỡ nhau, nếu gặp phải ông quan trung-thành ra coi việc, đem quân đến hỏi tội, thì tất là tan nát bại-hoại, thúc-thủ mà chịu chết, thế đã chắc là khỏi lo rồi hay chưa? Đại-vương muốn không lo thì trước nhất phải chính danh-phận, danh-phận đã chính thời quyền mới thu cả về mình, hễ người nào theo mệnh-lệnh thời ta có quyền thưởng, người nào không theo mệnh lệnh thì ta có quyền phạt, như thế thời người ta đều mến đức mà sợ oai phải cẩn theo mệnh-lệnh cả. Nếu đem binh dân ấy đi đánh đâu, thời thiên-hạ ai còn địch được, có phải chỉ khỏi lo mà thôi đâu.
Lam Năng nghe nói đến đó trong bụng ngứa ngáy lên vội hỏi rằng:
— Tôi là người thô-lỗ không hiểu thế nào là chính-danh, đều nhờ hiền-tế dạy bảo cho cả.
Quí-Nhi nói:
— Nay nên đặt Sái-đầu làm Vĩnh-an-đô, nơi chính-trại làm Vĩnh-an-cung, tôn đại-vương làm Vĩnh-an-vương; còn các danh-hiệu chư-tướng đều bỏ cả các tên xấu ngày trước như gọi là: Đại-tổng, Đô-tổng, Mãn-đầu, Thác-đầu. Nay đều nên châm-chước quan-chế cổ kim, tùy-tài mà bổ-nhiệm, hễ có công thì được thăng, có tội thì phải giáng, để khiến cho người biết tôn-ti, biết trên dưới, biết vinh-nhục, làm cho thành qui-mô thời nghiệp bá-vương mới định được.
Lam Năng cả mừng mà rằng: