đèn điện, cũng xe điện, buôn bán rất thịnh vượng. Núi Tản đương xanh, sông Đà chưa cạn, giang sơn phong cảnh, nhìn kỹ còn như xưa. Về đến làng, đàn bà trẻ con cùng trông lên xe để chỉ trỏ. Đến cổng dân, các bà con ra xem chào hỏi đông; vợ cũng quấn tóc rối, đi chân mà chạy ra, dáng điệu đã đứng-đắn hơn trước. Đến cổng nhà, mẹ già tám mươi tuổi, phơ-phơ hai mái tóc, đứng tựa cổng mà mong con. Bước lên thềm, trông vào trong buồng, một cái khung-cửi đương mắc sợi, là của vợ mới học nghề dệt vải đã ba năm. Tan một quộc hàn-huyên, dạo xem các nhà trong họ mạc và lân-lý chung quanh, cây cối, rào dậu, cửa nhà, cổng ngõ đại-lược thấy khác cả. Các trẻ con mới sinh sau lố-nhố, trông không biết là con ai. Lạ thay! trong khoảng 8 năm giời, mà cố-quốc tha-hương, tình-cảnh khác nhau thế!
Từ khi về ở nhà, mưu tính sự sinh-lý. Dựng một cái nhà lá, 5 gian, có vườn ao. Tháng năm bỏ ít tiền đong ngô đậu, đến tháng tám thời bán; tháng mười lại đong thóc, tháng hai tháng ba bán; từ tháng bẩy đến tháng chín, cất vải trắng về dãi nâu, tháng một tháng chạp bán; từ tháng một đến tháng tư, làm gạo bán cho những người ăn buôn. Trong nhà vẫn để khung-củi, vợ lúc nào nhàn thời dệt thêm. Tháng dài ngày rộng, chơi về nghiệp văn-chương, chia đại-lược làm mấy loại:
Vận-văn | 韻 文 | (Thơ, ca, từ-khúc) |
Thuyết-văn | 說 文 | (Tiểu-thuyết) |
Kịch-văn | 劇 文 | (Tuồng, chèo) |
Tản-văn | 散 文 | (Văn xuôi) |
Dịch-văn | 譯 文 | (Văn dịch) |