thịnh vượng; khí giời êm hòa, người nước Anh đến mùa đông thường hay sang đấy để lánh rét. Trong thành có một cái tháp nhớn, có bia, là của nhà nước Đại-Pháp Bảo-hộ mới lập lên để kỷ công cho những các quân lính xứ ấy đã theo đòi về sự đánh được giặc Allemands từ bốn năm năm trước, lấy lại được 2 đất: Alsace và Lorraine. Rồi từ Algérie sang qua Tunis, về Marseille, lại về Saint Etienne.
Về đến Saint Etienne, quan Bác-sĩ tiện đường vào chơi thăm ông Dravine. Cách một hôm, ngài lại về Mỹ. Kiều-Oanh khi ấy cũng về thăm quê Gia-định vắng. Trệnh niềm nhớ cảnh gia hương, Hiếu mới xin phép về quê nhà. Ông chủ có cho một ít tiền mang về, để làm vốn buôn bán.
Bể rộng cá nhảy, giời cao chim bay, đất khách tám thu, buồm về một lá. Vừng thái-dương lặn mọc chưa mấy, đã y-nhiên phong-cảnh cố-hương. Đến Saigon, hỏi thăm tin Kiều-Oanh, lại vừa mới đáp tàu khách sang Đại-Pháp, giận thay! Từ Saigon đánh giây thép trước về ngoài Bắc, rồi đi thẳng đường sắt ra Tourane, ra Huế; nghỉ một hôm, lại thẳng đường sắt ra Hanoi. Xe về đến Hàng-Cỏ, trông thấy nhiều ông hình như quen biết cả mà ngờ vì có râu; lúc xuống xe đến gần thời chính là những ông vẫn quen biết thân thiết cả mà mới có râu. Nghỉ Hanoi ba hôm, chơi cùng các anh em, thời ra: có người trước mới đỗ Admis, nay đã chức Tri-huyện; có người trước học Bưởi, nay đã làm việc ở Đồng-Đăng; có người bỏ học về canh-nông; có người thừa-phái đã được đến bát-phẩm. Đường xe lửa tự Hanoi đã làm qua Sơn-tây. Phố xá Sơn-tây đông vui hơn trước nhiều, cũng