Trang:Giac mong con 1926.pdf/49

Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
— 47 —

Hạnh-đàn, nền đất đó chính là chỗ Ngài ngồi giảng học trước. Trong Hạnh-đàn, đến chính-điện, từ đời vua Huy-tôn nhà Tống gọi là Đại-thành-điện. Bên tả cửa điện Đại-thành có một cây cối chính tay Ngài giồng trước, trải mấy lần khô, mấy lần tươi, đến năm thứ 12 hiệu Hoằng-trị đời Minh lại bị cháy, cành lá mất hết, nay không khô không tươi, trông như sắt. Tục gọi là cây sắt. Thực đủ vẽ ra câu 如 有 所 立 桌 爾 (như hữu sở lập trác nhĩ)[1]. Xem song, đến miếu ông Nhan-Hồi, cũng ở góc đông-bắc thành. Có một cây thông trắng, 5 người giang tay ôm vừa kín, cao 20 trượng, đẹp một cách hùng tuyệt! Mộ đức Khổng thời ở trên sông Tứ, nhiều các cây của các học-trò phương xa đem đến giồng và có mọc nhiều cỏ thi.

Từ Sơn-đông lên chơi Bắc-kinh, từ Bắc-kinh đi thẳng xe lửa về Hán-khẩu, qua hồ Động-đình, chơi Hồ-nam. Một buổi chiều mát, một mình đi chân ra chơi chốn thôn dã. Núi biếc bóng vàng ánh, giời xanh cò trắng bay, phong-cảnh tuyệt đẹp. Cách một mặt ruộng về bên tay hữu đường, có một lão tiều-phu ngồi nghỉ, tựa lưng vào một cái bia đá trước cái mô đất con, đánh gịp chân mà hát rằng: « 荒 墳 兮 蔓 草 (hoang phần hề mạn thảo), 古 石 兮 蒼 苔 (cổ thạch hề thương đài), 噫 (y)! 固 一 世 之 狂 也 (cố nhất thế chi quồng dã), 而 今 安 在 哉 (nhi kim an tại tai)[2]?! Tiếng trong mà cao, ngọn gió chiều đưa đến tai như rót. Nhân chạy đến bia xem thời vết chữ đã mờ khuyết, chiều hôm càng khó coi. Chỉ mấy giòng cuối có mấy chữ hơi rõ, rằng: 淳 化 二 年 重 建, thời là hiệu năm vua Thái-tôn đời nhà Tống. Hỏi truyện ông lão ấy thời đó truyền lại là mả ông Tiếp-Dư đời nhà Chu. Lạ thay!


  1. Câu này ở trong sách Luận-ngữ, nói đạo đức thánh Khổng như thường đứng cao vòi vọi trước mặt người.
  2. Mấy câu này là nói cái cảnh mả cũ bia tàn, lại ngậm-ngùi cho người nằm dưới chỗ suối vàng ấy thật cũng là một người quồng-sĩ trong một đời mà bây giờ là đâu.