những lúc như mưa phùn chiều hôm, giăng thanh tiếng dế, thời nỗi sầu biết tỏ cùng ai?
Đáp. — Tự các ngài xem ra thời tưởng hình như thế; nhưng người ở trong Sầu-thành này, thực tình-cảnh tâm sự lại có khác. Có lúc sầu mà sầu; nhiều lúc vui mà là sầu. Trong lúc vui mà sầu thì thực là thái-sầu. Mưa phùn chiều hôm, giăng thanh tiếng dế mà sầu, thời còn được phát-tiết ra ngâm vịnh; nhất những lúc trong bụng đương nghĩ nỗi gia-hương, tình cốt-nhục, sự thân-thế, mà có khách đến chơi, dở câu truyện hoa-nguyệt, thời trong một lúc ấy, bụng nghĩ một nơi, tai nghe đi một chiều, miệng có câu muốn nói không được nói, câu không muốn nói mà phải nói, cho nên cũng mặt phấn son, nhời hoa nguyệt, mà ruột tầm đã thắt như ngày ươm tơ! Nói tóm lại thời chẳng lúc nào không sầu, cho nên gọi là Sầu-thành cũng là phải.
— Dẫu thế nữa, nhưng các người đến chơi miền thanh sắc là đi cầu lấy vui, mà trên cổng đề hai chữ như thế, chẳng làm cho người ta tiêu hứng ư?
— Thế thời ngài cũng lại chưa xét kỹ. Nhân-tình trong lúc vui, thường thích chơi chỗ vui; trong lúc buồn cũng thích chơi chỗ buồn. Cầu chỗ chơi vui, dễ; cầu chỗ chơi buồn, khó. Nếu ngài có lúc nào trong bụng sầu thương, nỗi riêng không tỏ cùng ai được mà ngẫu nhiên tìm đến chỗ Sầu-thành này, thời mới biết là thú. »
Nghe đến câu truyện ấy, như bắn hột nước đá vào bụng. Lại thêm trọng trình-độ người nước nhớn, dẫu trong bạn hương phấn, câu nói cũng có ý-vị hay. Nhân cầu cho nghe một khúc hát. Ngón tay trắng bắt đàn thời môi đào cất tiếng, trong cao ai oán như giọng ve sầu trong gió thu. Hát rằng:
(Nguyên khúc điệu và từ ý rất hay; nay dịch ra tiếng nước ta, theo điệu hát sẩm, mười phần may còn được một hai)
Bên thì giời, chị em ai lẫn-đẫn bên thì giời; non cao nước chẩy ấy ai người tri-âm? Lúc đêm thanh ngồi dậy (cô) ôm cầm; lòng tơ tơ-tưởng âm-thầm tiếng tơ. Khúc