buổi sáng chơi cùng cây cỏ, giải tán thanh tiêu. Vậy mà không ngờ đâu tạo-hóa vẫn còn quá ghen chi với kẻ bất tài, lại đột-nhiên khoảng hai mươi tháng chín, sau lúc ăn cơm chiều, tiếp chủ-nhân ra chơi, thịnh-nộ đuổi phải đi nơi khác. Nhân-tình thế-cố, thật không còn biết ra làm sao! Đêm hôm ấy nghĩ buồn, họp người nhà tính cuộc đi về ở Hải-phòng, thôi cũng tiện công việc in sách. Sáng hôm sau có quan huyện Tam-dương xuống chơi, mình nhân đem câu truyện định về ở Hải-phòng cùng quan huyện nói truyện. Quan huyện rất là tán thành. Ngài lại nói kỹ về các nhẽ tiện-nghi, như Hải-phòng cũng có nhiều nhà in, cả nhà in ta, nhà in khách; sự thuê nhà cũng tiện hơn Hà-nội, vì nhà dưới với nhà gác riêng hẳn nhau; các thức ăn thời chỉ có gà vịt đắt mà thôi, còn như tôm cá rất rẻ, như cá song thời lại rẻ mà ngon. Trong khi quan Huyện nói truyện, có đủ cả chánh phó tổng, chánh phó hương-hội, lý-trưởng Định-trung và địa-chủ; quan Huyện đứng dạy thời các người cũng cùng ra. Mình tiễn khách ra khỏi cổng, quay về, một vùng cỏ hoa đã gần như không chủ, xanh, vàng, đỏ, trắng, tươi tốt cùng ai. Thu xếp trong ít hôm, sáng ngày 27 tháng chín, ở Vĩnh-yên đứng dạy đi Hải-phòng, truyến xe tối đã về nơi Hải-cảng. Lạ thay! một kẻ bần-nho không có thước đất nào. trước sau đem hơn hai nghìn đồng bạc, vừa ăn tiêu, vừa sang xửa, tô điểm khu đồi ở Định-trung, một khi bỏ đó như không, ở mạn rừng lại chôi về mạn bể. Nhân sinh phù thế, bịt mồm ai, ai dễ nhịn cười chăng? Sự tuy buồn cười mà nghĩ cũng đáng tiếc, tiếc vì cái chỗ ở như Hách-tư-Lê như nay đã không có, thời cái học-nghiệp như Hách-tư-Lê sau này biết có không? « Văn-học kiêm triết-học », có nhẽ thẹn cùng ai trong Giấc-mộng-con: nếu chỉ lấy hai chữ « văn-sĩ » gói cái đời phù-sinh, thời thật đáng thương vậy. Tuy vậy, nhưng nay cũng hãy biết:
Trăm năm cõi tục còn dài,
Con đường vô hạn trên đời còn xa...