hơi nhà một ông bạn độc-giả của An-nam tạp-chí, người làng Đa-ngưu ở Bắc mà làm việc sở lục-lộ ở Kinh. Hôm đi chơi Thuận-an, ông bạn bận ra sở làm việc, cho nên cử một người anh em bạn hành với mình, thuê một cái xe cùng đi. Rượu và các thức ăn, bà chủ-nhân chu-trí một cách rất hậu khách. Hơn bẩy giờ sáng ở Huế đi, khoảng mười một giờ đến cửa Thuận, ấy là ngày 18 tháng ba (19 avril 1927). Đến đó, xuống đò con đi ra, vì Thuận-an cũng là một nơi cù-lao, có xóm mạc. Lên hỏi thăm trong xóm, đi tới một chỗ có tường bao đã tàn hủy, quanh mãi về mặt trước là mặt trông ra bể, thấy cổng xây lối cổ, dữa đề to hai chữ 南 門 Nam môn. Hai bên dưới có câu đối rằng:
臨 巨 浸 以 弘 量
Lâm cự tẩm dĩ hoằng lượng;
柔 遠 方 而 養 民
Nhu viễn phương nhi dưỡng dân.
Bên hữu câu trên về phía trên, có hai chữ 御 製 ngự chế Bên tả câu dưới về phía dưới, có một giòng chữ
嗣 德 三 十 一 年 四 月 十 四 日
Tự-đức tam thập nhất niên, tứ nguyệt thập tứ nhật. Đó là những chữ đề về phần chữ nho. Lại trông lên ở trên hai chữ Nam-môn, cũng ở khoảng chính dữa, thời có một cái biển gỗ sắc. đen, trông cũng đã hơi cũ, có chữ tây đề rằng: Service forêtier Bồi-hồi chút lâu, rồi nghé vào trong cổng, thấy có người, nhân vào xin nước uống. Có một người ăn mặc lính ra tiếp, thời là lính kiểm-lâm, mà tức là người trông giữ cái khu đó. Trong lúc cùng ngồi chơi uống nước, trông lên có một tòa nhà to, nghe người lính nói truyện, thời chỗ đó nguyên xưa là hành-cung của đức Tự-đức, đến sau là sở quan binh của nhà nước Bảo-hộ, đến sau nữa là tòa điện-báo, sau nữa là nơi thừa-lương của quan công-sứ Thừa-thiên, hiện nay thời là nhà kiểm-lâm của mấy ông tây kiểm-lâm hằng khi có đi lại. Uống nước song, ra xem nhà bia, phải khuân bỏ các nong nia của nhà người lính để trong đó, rồi xem thấy bia của đức Giực-tôn, thơ Ngự-chế vịnh Thuận-an tám mươi vần. Đức Giực-tôn là ông vua hiếu văn, cho nên hay làm thơ, đến nay tuy thời-đại biến thiên, nơi hành-cung là sở kiểm-lâm, nhưng bia thơ ngự-chế vẫn còn vậy.