nặng lòng chủng tộc giang sơn. Chèo lên đỉnh núi Hoành-sơn mà trông quanh ngoài bể trong non, có hơn như phục dưới đèn xanh, đọc một thiên luận thuyết tự tôn vậy.
Sau khi đi chơi Trung-kỳ về, vẫn ở nhà xem sách và theo làm các công việc sách vở như thường. Trong nhà có mẹ có vợ, sinh nhai đạm bạc, cũng tạm đủ yên vui qua ngày. Hằng khi dưới bóng tà-dương, một mình lơ-lửng trên con đường đê cao, bên nọ sông Đà, bên kia núi Tản. Một mối cảm-tình thanh thượng, lơ-thơ như tơ liễu chiều xuân. Cái tiểu-thuyết Thề-non-nước, « nước đi đi mãi không về cùng non », văn-ý thực phát sinh trong lúc ấy. Lại đôi lúc sông Đà mùa nước, nước rộng mênh mông, gió quốn mặt sông, sóng nhô giòng nước, cái cảm-tình phấn khích lại cũng theo với những sóng, sông, gió, nước, mà tưởng như phá lãng thừa phong. « Gió hỡi gió, phong trần ta đã chán, cánh chim bằng chín vạn những chờ mong. » Hai câu trong bài hát miễu nói hỏi gió có lưu hành ở trong xóm bình-khang, cũng là những văn thơ lúc ấy vậy. Cái phúc thanh nhàn, giời bảo hãy hưởng qua như thế.
Sóng dợn sông Đà, con cá nhẩy;
Mây chùm non Tản, cái diều bay.
Năm 33 tuổi, tức là năm 1921, mới ra làm chủ-bút Hữu-thanh, diễn thuyết ở nhà hội Trí-tri, ấy là mới nồng đậm giao du với xã-hội. Làm chủ-bút Hữu-thanh sáu tháng, rất là vô công trạng; đến cuối năm ta năm ấy, có lời từ chức, lưu lại bốn câu thơ đăng báo rằng:
Mới nửa năm giời báo Hữu-thanh,
Biệt ly lai láng xiết bao tình!
Chút tình hữu ái không ly biệt,
Tiếng gọi đàn xa núi Tản xanh.
Ở Hữu-thanh thôi về, đến tháng ba năm sau là năm nhâm-tuất, Gia-từ khứ thế; việc tang song hết, từ biệt các ông già trong hương quán, lại ra đi tìm cách sinh-nhai. Từ ấy đến nay, tính ra đà bẩy tám năm giời, chưa từng về đến gia-hương; mây non Tản, sóng sông Đà, chỉ tưởng tượng xa trông mà nhận đó là nơi cố-hương vậy. Cùng năm ấy, khoảng tháng