Trang:DaiVietsukytoanthu1.pdf/80

Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
82
NGÔ SĨ LIÊN

đất Lâm-Ấp, Tượng-quận, tự lập làm Nam-Việt-vương.

Ất-Vị, năm thứ hai, — Năm đầu đời Tây-Sở Bá-Vương Hạng-Tịch và Hán-Vương Lưu Bang (206 tr. T. L.), — năm ấy nhà Tần mất.

Đinh-Dậu, năm thứ tư — Năm thứ ba đời Sở-Hạng-Tịch và Hán-Lưu-Bang (204 trước T. L.) — Mùa Đông, tháng Mười, ngày Ba-mươi, nhật thực.

Tháng Mười-một, ngày Ba-mươi nhật-thực[1].

Mậu Tuất, năm thứ năm — Năm thứ tư đời Sở Hạng-Tịch và Hán Lưu-Bang (203 trước T. L.),— mùa Thu, tháng Bẩy, có sao-chổi ở khoảng sao Đại-Giác.[1]

Kỷ-Hợi, năm thứ sáu, — năm thứ 5 đời Hán Cao-Đế (202 tr. T. L.) — mùa xuân, tháng Hai, Hán-vương lên ngôi hoàng-đế. Năm ấy, nước Tây-Sở mất.

Quý-Mão năm thứ mười,— năm thứ 9 đời H. C. Đ. (198 tr. T. L.)— Nhà vua sai quan Sứ, chủ trương trông coi hai quận Giao-Chỉ và Cửu-Chân.[2]

Ất-Tỵ, năm thứ mười hai,— năm thứ 11 đời H. C. Đ. (196 tr. T. L.) Nhà Hán đã định Thiên hạ, nghe nhà vua cũng đã làm chúa đất Việt, nhân sai Lục-Giả sang, phong nhà vua làm Nam-


  1. a ă Nhật thực vốn có lệ thường. Chẳng những các nhà thiên-văn ngày nay, dù các nhà làm lịch Tầu từ hai nghìn năm xưa cũng đã có thể tính mà biết trước. Thế nhưng theo đạo Nho, ông vua lấy Trời làm cha, đất làm mẹ... Phàm những hiện tượng bất thường ở trong Trời, Đất, ​như: sao sa, sao chổi, lụt lội, động đất v. v. đều là ông cha Trời, bà mẹ Đất quái gở ra để nhắc bảo cho kẻ làm vua liệu cách mà sửa mình. Bởi vậy, sử của nhà Nho, nhật thực tất phải chép. Thế nhưng họ Ngô xem ý ra sính chép nhật thực quá! Chẳng rõ căn cứ vào đâu mà lại chép luôn hai tháng có nhật thực liền! Rồi dưới đây thì cơ hồ chuyện đó không mấy năm không! Ta cũng chẳng còn hiểu sao nhà chép sử của ta lại thích « vẽ voi vào chỗ giấy thừa » như vậy nữa!
  2. « Nam Việt-Vương đã đánh, diệt được An-Dương-vương, bèn sai hai quan sứ chủ trương, trông coi hai quận Giao-Chỉ, Cửu-Chân.— Giao-Chỉ là đất các bộ Chu-Diên, Phúc-Lộc, Vũ-Ninh, Ninh-Hải, Dương-Tuyền, Lục-Hải, Vũ-Định, Tân-Hưng đời trước. Triệu đặt làm quận, gồm mười huyện. Về sau thay đổi bất nhất, tức là đất các tỉnh Bắc-Kỳ ngày nay. Cửu-chân là ba bộ Cửu-chân, Hoài-Hoan, Việt-Thường đời xưa. Tần cho thuộc vào đất Tượng-quận. Triệu đặt riêng làm quận, gồm mười hai huyện. Trong đời Nguyên-Đỉnh nhà Hán tách ra năm huyện Tỵ-Cảnh, Lô-Dong, Tây-Quyển, Tượng-Lâm, Chu-Ngô, đặt làm quận Nhật-Nam. Ngoài ra, Tư-Phố, Cư-Phong, Đô-Bàng, Dư-Phát, Hàm-Hoan, Vô-Thiết, Vô-Biên, gồm 7 huyện thì vẫn thuộc quận Cửu-Chân. Ngô, Tấn, Tống, Tề vẫn theo thế. Lương đổi làm Ái-châu. Về sau thay đổi bất nhất. Tức là đất Thanh, Nghệ, ​Quảng-Bình, Quảng-Trị, Thừa-Thiên ngày nay ». (K. Đ. V. S.)