Trang:DaiVietsukytoanthu1.pdf/22

Trang này cần phải được hiệu đính.
24
 

2) Các đế, vương, các đời ở ngôi lâu hay chóng: Vị đế trước, vương trước, sáng-nghiệp vào năm nào thì lấy năm ấy làm năm bắt đầu ở ngôi. Đến năm nào mất, hoặc nhường ngôi, hoặc bị thí, hoặc vị đế sau, vương sau lên ngôi, đổi niên-hiệu (vào mùa Thu, mùa Đông) thì năm ấy còn là năm ở ngôi cuối cùng của vị đế trước, vương trước. Hoặc-giả vị ấy mất hay nhường ngôi vào mùa Xuân, mùa Hè năm nào đó, thì năm ấy là năm bắt đầu ở ngôi của vị đế sau, vương sau. Mà các tháng Xuân, Hè là những tháng lẻ và thừa của vị đế trước, vương trước. Nếu mất hay nhường ngôi ở cuối năm, kể ngược lại những năm ở ngôi, còn có những tháng không hết, thì cũng là những tháng lẻ và thừa. Đến như Dương-Nhật-Lễ tiếm ngôi tuy đã qua năm, nhưng lịch-số nhà Trần còn tiếp nhau, nên chi đem năm trước cho thuộc về Dụ-Tông, năm sau cho thuộc về Nghệ-Tông mà tính suốt đi. Chỉ chép phụ chuyện Nhật-Lễ.

3) Kinh-Dương-Vương là ông vua bắt đầu được phong sang Đại-Việt, đồng-thời với Đế-Nghi (bên Tầu), cho nên kỷ-nguyên cùng với năm đầu của Đế-Nghi.

4) Những việc chép trong Ngoại-kỷ gốc ở Dã-sử. Việc nào quái lạ quá thì bớt đi không chép. Từ Hùng-vương trở lên không có niên biểu, là vì thứ-tự truyền-ngôi của các vua đời ấy không thể sao biết được. Hoặc có kẻ nói là mười tám đời, e chưa chắc hẳn thế!