Đức trong K. Đ. V. S. cũng ngầm công-nhận cái luận điệu thiên-lệch ấy. Ta há trách riêng gì Sĩ-Liên!
VỆ-DƯƠNG-VƯƠNG
Ở ngôi một năm. — Húy Kiến-Đức, con cả Minh vương, con người vợ bên Việt.
Xã-tắc họ Triệu, Cù-hậu làm cho nghiêng-lệch. Gốc đã nhổ trước, ngọn thì đổ theo!
Khi ấy mùa Đông, tháng mười một, Tể-tướng là Lã-Gia lập Nhà-vua rồi mà quân của Hàn-Thiên Thu đã vào trong cõi, đánh vỡ vài ấp nhỏ. Gia bèn mở đường thẳng, cung-cấp cho lương ăn. Chưa tới Phiên-Ngu, còn cách bốn mươi dậm, mới ra quân đánh bọn Thiên-Thu, giết chết hết! Sai người phong cờ tiết của Sứ bên Hán, để lên trên Ải — tức rẫy núi Đại Dữu. — Khéo tìm lời dối quanh để tạ tội. Đem quân đóng giữ các nơi yếu-hại. Vua Hán nghe tin, sai Phục-ba tướng-quân là Lộ-Bác-Đức ra Quế-Dương xuống sông Hoàng; Lâu-thuyền[1] tướng-quân Dương-Bộc ra Dự-Chương xuống Hoành-Phố; Qua-thuyền[2] tướng-quân Nghiêm — sử lẫn mất họ — ra Linh-Lăng xuống sông Ly; Hạ-lai tướng-quân Giáp[3] — sử lẫn mất họ — xuống Thương-Ngô; Trì-nghĩa-hầu Quý[4] — sử lẫn mất họ — đem quân Dạ-Lang[5] xuống sông Tường-Kha, đều hội quân đến Phiên-Ngu.
- ▲ « Lâu-Thuyền; Ứng-Thiện nói: Khi ấy muốn đánh Việt, phi đường sông không tới, cho nên làm thuyền lớn, trên thuyền đặt nhà lầu nên gọi là lâu thuyền », (thuyền có lầu) (K. Đ. V. S.)
- ▲ « Qua thuyền: Trương-Án nói: Người Việt đội thuyền lớn ở dưới nước, có cái hại thuồng luồng, nên đặt lưỡi mác (qua) ở dưới thuyền. Vì vậy gọi là qua-thuyền. Thư của Ngũ-Tử-Tư lại có câu : « Qua-thuyền để chở mộc, mác » (K. Đ. V. S.)
- ▲ « Nghiêm, Thái-bình hoàn-vũ ký chép là Triệu-Nghiêm. Bách Việt Tiên-hiền chí chép là Trịnh-Nghiêm, Điền-Giáp. » (K. Đ. V. S.)
- ▲ « B. V. T. H. C. chép là Hà-Ri. » (K. Đ. V. S.)
- ▲ « Dạ-Lang, tên một nước, ở đất Kiện-Vi, Bá Châu ngày nay. Về đời Hán, các nước dân mọi-rợ miền Tây kể có chục! Dạ-Lang lớn hơn cả. Nước ấy ở ngoài đất Thục, Đông giáp Giao-Chỉ, Tây giáp nước Điền (Vân Nam). Đời Hán Vũ-đế, Đường-Mông dâng thư có nói: « Quân tinh-nhuệ ở Dạ-Lang có thể được hơn mười vạn. Vượt thuyền sông Tường-Kha, đánh xuất-kỳ bất-ý: Đó là một kế hay để chế-ngự đất Việt »... (K. Đ. V. S.)