Trang:Đại Nam quấc âm tự vị 1.pdf/2

Trang này cần phải được hiệu đính.

TIỂU TỰ


Có kẻ hỏi: Tự-điển, tự-vị khác nhau thể nào; sao sách ta làm kêu là tự-vị mà không gọi là tự-điển, lại hỏi tự-vị ta tham dụng chữ nho sao gọi là tự-vị quốc âm?

Tự-điển, tự-vị khác nhau có một sự rộng hẹp: tự-điển phải có chú giải, mỗi chữ, mỗi tiếng đều phải dẫn điển, dẫn tích, nguyên là chữ sách nào, nguyên là lời ai nói, cả thẩy đều phải cứ kinh truyện làm thầy ; chí như tự-vị cũng là sách hội biên các thứ chữ, cùng các tiếng nói, song trong ấy thích chữ một, nghĩa một, mà không dẫn điển dẫn tích gì. Tuy sách ta làm có chú giải rộng, có đem những lời ngạn ngữ, có trưng những lời nói chuẩn đích trong các ca vãn hay, như là Ca-trù, Chinh-phụ-ngâm, Kim-vân-kiều, vân vân; nhưng vậy cũng là chuyện chơi, chuyện ngoài, không phải là kinh điển. Suy một lẽ ấy, dầu sách ta rộng rãi, tường tất thể nào, cũng chưa dám bì với tự-vị Tàu mà gọi là tự-điển.

Tra ra trong truyện nước Nam nguyên gọi là Giao-chỉ, ở bên nam Trung-quấc cho nên gọi là nước Nam, từ 18 đời Hùng-vương sấp về trước, địa phận còn ở bên Phiên-ngung, Quế-lâm, Tượng-quận, là phần đất Quảng-đông, Quảng-tây, tưởng cũng có chữ riêng, song nhiều đời phải nhập về Nội-địa, chịu phép quan Trung-quấc làm chủ, cả luật phép, giáo hóa, lễ nhạc, văn tự, đều phải theo Trung-quấc, phải bỏ chữ riêng mình, cho đến tiếng nói cũng là pha trộn, hoặc dùng tiếng Trung-quấc mà nói trại bẹ ra giọng khác, hoặc chính người Giao-chỉ điêu tàn, con cháu người Trung-quấc lai sanh ra đông mà làm ra tiếng nữa Nam, nữa Bắc.

Cho đến các đời chánh thống, nghĩa là có vua riêng, là Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê, cùng đời Nguyễn bây giờ, lấy nước Chiêm-thành, lấy đất Cao-mên mà mở rộng bờ cỏi, xa Trung-quấc, song cả việc học hành cũng còn noi theo một thế, đến đỗi lấy chữ nho làm chữ mình, còn chữ nôm thì cho là chữ giả tá, mượn thinh âm Trung-quấc, tuỳ ý nôm na, mà chẳng làm ra mẹo luật gì, cũng có những sách Chỉ-nam, Nhựt-dụng-thường-đàm, vân vân, mà là sách giải nghĩa chữ Nho trong một hai ít mà thôi.

Và trong sự vãng lai giao thông, các quan Annam lại dùng nửa nôm nửa chữ mà làm một thứ tiếng riêng gọi là tiếng quan. Ấy người Giao-chỉ điêu tàn, thì tiếng nói cùng chữ nghĩa Giao-chỉ cũng phải lạc, nếu chẳng tham dụng chữ Trung-quấc thì sao cho thành tiếng nói An nam.

Phàm viết chữ nôm, thường thì phải dùng chữ thiệt, chữ hư, nhập lại mà làm ra một tiếng nói, chữ thiệt thường để bên tả mà chỉ nghĩa, hoặc là làm chứng, chữ hư thường để bên hữu, mà mượn thinh âm hay là mượn giọng đọc. Chữ thiệt ấy đều phải mượn từ bộ, từ loài trong tự điển chữ nho, giả như muốn viết chữ nước 渃 bên tả phải mượn chữ thủy, 水 氵bên hữu viết chữ nhược 若 mà đọc theo hơi chữ nhược; muốn viết chữ lửa 焒 thì một bên để chữ hỏa 火 một bên để chữ lữ 呂 mà đọc theo hơi chữ lữ. Về bộ khẩu, muốn viết chữ miệng 𠰘 thì một bên để chữ khẩu 口 một bên để chữ mịnh 皿 mà đọc theo hơi chữ mịnh; muốn viết chữ nói 吶 một bên để chữ khẩu 口 một bên viết chữ nội 内 mà mượn thinh âm chữ nội, ấy gọi là giả tá.

Về trăm chữ khác cũng nôm theo một thế, còn những chữ khác nghĩa mà thinh âm giống tiếng Annam nhiều, như chữ ai 埃 chính nghĩa là bụi bụi mà dùng nôm thì chỉ nghĩa là người nào, thì cứ để chữ ai, không mượn chữ chi để làm chứng; có kẻ lại để chữ khẩu hoặc làm cái nháy nháy, cho được phân biệt là chữ nôm cùng cho khỏi bề bộn. Ấy nôm na, không có phép chi nhất định, nhưng vậy cũng có nôm hay nôm cao, ta phải lấy làm chuẩn đích.