Trở lại cuộc phê bình sách Nguyễn Trãi: Ông Trúc Khê không đủ lẽ để binh vực tác phẩm của mình
I
Vào cuối tháng Avril năm nay, tôi có ba bài trên Dân báo, phê bình cuốn Nguyễn Trãi của ông Trúc Khê vừa xuất bản, liệt vào trong “Tủ sách Tao Đàn” của nhà in Tân Dân, Hà Nội.
Đại ý ba bài phê bình, tôi công kích tác giả sách ấy không có cái “thức” trong việc chép sử mà một nhà chép sử đáng lẽ phải có.
Sau đó trong báo Nước Nam ở Hà Nội, là báo do ông Trúc Khê chủ trương, tôi thấy có ba bài phản đối lại bài phê bình của tôi mà lời lẽ lúng túng lắm, không có một luận chứng nào đứng vững được. Đã vậy mà lại còn có thái độ xiên xỏ, mượn một câu “thành ngữ” bâng quơ do mấy kẻ tiểu nhân cố ý bịa đặt ra là câu “lý luận Phan Khôi” để lên đầu bài văn làm quáng mắt độc giả nữa. Tôi cho rằng nói với một người không biết phục thiện như ông Trúc Khê thì nói nữa cũng vô ích cho nên tôi làm thinh.
Làm thinh, tự tôi nghĩ rằng không muốn hay không thèm biện luận với bên đối phương là ông Trúc Khê, nhưng tự người ngoài, có lẽ họ lại nghĩ rằng tôi chịu thua ông ấy: Ông ấy có lẽ phải hơn tôi, cho nên tôi không cãi lại được.
Cái bằng chứng của sự nghi ngờ ấy là mới đây có một độc giả ở Bắc lấy ba bài của ông Trúc Khê gởi cho tôi kèm với một bức thư, trách tôi sao có dứt ngang nửa chừng một cuộc biện luận, hay là vì đã đuối lý?
Do lời trách của vị độc giả ấy, tôi bị bắt buộc phải trở lại vụ phê bình nầy là vụ đã bỏ nguội từ lâu.
*
* *
Nhắc lại đại khái bài phê bình sách Nguyễn Trãi của tôi, tôi cho tác giả không có “thức”, vì rằng sách ấy là một thể sử, cốt làm cho nẩy sự thực ra, mà tác giả lại xen vào trong đó nhiều điều mê tín.
Thật thế, trong Nguyễn Trãi có những chỗ nói về thuật coi thiên văn, về thuật phong thủy, tác giả viết như là mình có chứng kiến tận mắt, tin theo những lời truyền thuyết hoang đường một cách mù quáng, có thể đưa kẻ đọc trở về thời đại thần thoại, phản khoa học. Tôi không chịu được sự giật lùi ấy, tôi phải công kích.
Trong bài phê bình, tôi có nói: Cuốn Nguyễn Trãi của ông Trúc Khê có cái nhan phụ là “danh nhân truyện ký”, kỳ thật cũng thuộc về loại “lịch sử ký sự” (récit historique). Câu ấy tôi chỉ có ý buộc cuốn Nguyễn Trãi vào trong loại sách lịch sử phải viết đúng sự thực, nhưng nói thế không được đúng, vậy tôi phải sửa lại ở đây.
Số là lịch sử có nhiều thể phụ dung, mà trong đó, danh nhân truyện ký và lịch sử ký sự là hai thể. Danh nhân truyện ký theo tiếng Pháp là “Vie des grands hommes” hay “Biographies”; còn lịch sử ký sự là “Récit historique”. Vậy mà tôi nói danh nhân truyện ký thuộc về lịch sử ký sự là không đúng.
Sự lầm lỗi ấy vì tôi thấy trong sách Nguyễn Trãi ông Trúc Khê chép tả một cuộc khởi binh phục quốc của đời Lê Thái Tổ nên tôi cho là thuộc về lịch sử ký sự. Tuy vậy, nói như thế là hàm hỗn, không phân minh, bị ông Trúc Khê chê là “võ đoán”, phải lắm, tôi không cãi chỗ đó.
Thật ra thì danh nhân truyện ký chép về người, trọng bên người hơn; lịch sử ký sự chép về việc, trọng bên việc hơn. Hai thể phân biệt nhau tại chỗ việc và người. Nó là hai, không là một được.
Mặc dầu tôi có lầm lộn một chút đó cũng chẳng có hại gì về đại thể của toàn bài. Vì ý tôi chỉ buộc phải viết theo sự thực: danh nhân truyện ký với lịch sử ký sự có là một cũng phải viết theo sự thực, mà danh nhân truyện ký với lịch sử ký sự có là hai đi nữa cũng phải viết theo sự thực.
Ông Trúc Khê nói danh nhân truyện ký là “la vie romancée des grands hommes” thì lại có một điều mậu ngộ và xuyên tạc không đáng được dung thứ.
“Romancée” nghĩa là “tiểu thuyết hóa”. Ai cho ông tiểu thuyết hóa trong khi chép lại chuyện một người có thật, một người trên lịch sử như ông Nguyễn Trãi? Đó là ông Trúc Khê nhân túng rồi đâm bướng.
Vẫn biết rằng lời ông nói đó bởi căn cứ ở tư triều văn học nước Pháp gần nay, nhưng vẫn không được.
Chừng gần mươi năm trở lại đây ở bên Pháp có một bọn văn sĩ sáng tạo một văn thể mới: viết tiểu sử của những người hữu danh đời xưa mà dặm giọng tiểu thuyết vào, gọi là “la vie romancée”. Bởi viết theo sự thực thì khô khan và đúng đắn quá, độc giả không thích đọc, nên họ pha vào ít nhiều màu mè của tiểu thuyết làm cho độc giả hoan nghinh. Độc giả dầu có hoan nghinh thứ “truyện ký tiểu thuyết hóa” ấy nó cũng sẽ không độc lập làm một văn thể trong văn học Pháp quốc được, vì nó có thể phá hoại cái nền nếp của lịch sử. Đó là tôi nói theo một dư luận có uy quyền trong làng văn Pháp khi người ta phê bình cái văn thể mới mẻ ấy.
Nói “mới mẻ” vì “la vie romancée”, cái văn thể ấy vốn không có trong văn học nước Pháp từ trước. Người ta nếu không tin, thử mở tự vị “Larousse” ra xem, mà là thứ lớn kia nữa, cũng chưa hề có cái chữ “romancée” là chữ mà bọn họ mới đặt ra ấy.
Dựa theo một văn thể mới bên Pháp để có đường cho cái tác phẩm của mình là danh nhân truyện ký mà có thể nói như tiểu thuyết được, đó là cái mục đích của ông Trúc Khê; nhưng theo tôi giải bày trên đây thì cái chỗ dựa ấy của ông đã đổ rồi, cái mục đích ấy của ông đã chẳng đạt được rồi.
II
Ông Trúc Khê còn nói không cần viện vào chữ Pháp, cứ nội chữ nho cũng thấy được: hai danh từ “danh nhân truyện ký” và “lịch sử ký sự” khác nhau. Rồi ông cân nhắc hai bên, ông thấy ra bên có chữ “sự” phải viết đúng sự thực hơn bên có chữ “truyện”.
Rõ thật là độn từ. À, hay là ông Trúc Khê hiểu nghĩa chữ “truyện” theo An Nam ta chăng? Chữ “truyện” trong tiếng An Nam, có nghĩa là tiểu thuyết, tiện việc cho ông Trúc Khê lắm. Nhưng bốn chữ “danh nhân truyện ký” là một danh từ của sử học Trung Hoa, nó phải có nghĩa là chép những sự thực, chứ không được pha vào giọng tiểu thuyết.
Cắt nghĩa hai chữ “truyện ký”, ông Trúc Khê mượn lời của Húc Đạt Phu[1], văn sĩ Đâu hiện thời, nói như vầy:
“Lối văn truyện ký tức là một thứ tác phẩm về nghệ thuật, yếu điểm của nó không phải ở chỗ ghi chép kỹ càng về sự thực như là loại sách khoa học, v.v…”
Lời của Húc Đạt Phu đó, tôi chưa được thấy, tôi không dám tin. Tôi tưởng phải vì có lẽ gì nên Húc Đạt Phu mới nói thế, hoặc giả cũng nói về thứ truyện ký tiểu thuyết hóa chăng; chứ nếu nói về thể truyện ký mà bảo không trọng ở chỗ ghi chép sự thực, thì dầu người nói đó là ông Khổng Tử nữa, tôi cũng phản đối, đừng nói Húc Đạt Phu!
Huống chi trong câu ấy nói “yếu điểm của nó không phải ở chỗ ghi chép kỹ càng về sự thực” – cho rằng ông Trúc Khê dịch đúng nguyên văn như thế – thì cũng chỉ không ghi đủ mọi sự thực đáng ghi mà thôi, chứ có thể nào vịn lấy đó mà tương những điều hoang đường mê tín vào trong tác phẩm của mình.
Còn lấy chứng cứ khác nữa, rút cuộc ông Trúc Khê kết luận rằng: “Xem thế thì loại sách truyện ký, nếu người viết muốn, có thể viết rất gần như tiểu thuyết; còn người đọc truyện ký, nếu có lý trí, không ai lại đọc nó bằng cách đọc lịch sử và coi nó tức là lịch sử bao giờ”.
Nói tóm lại, trước sau ông Trúc Khê chỉ có một ý là làm cho truyện ký thành ra tiểu thuyết hóa để tiện cho mình đem những chuyện huyễn hoặc vô kể vào trong tác phẩm.
Dầu thế nào nữa, cái thuyết ấy cũng vẫn không thành lập được. Là vì, lịch sử là lịch sử, mà tiểu thuyết là tiểu thuyết, cái giới hạn nó rất nghiêm, cái gì đã thuộc về lịch sử không thể đem mà tiểu thuyết hóa, trừ khi người ta viết hẳn ra thể lịch sử tiểu thuyết.
Danh nhân truyện ký không là lịch sử, nhưng nó cũng như lịch sử ký sự, thuộc về lịch sử, làm phụ dung của lịch sử. Vậy thì người viết nó không được phép tự ý gia vào đó những cái màu mè như màu mè của tiểu thuyết.
Sợ có kẻ không hiểu những chữ “thuộc về” và “phụ dung” là thế nào, tôi phải nói thêm rằng: Một mình lịch sử không đủ nên nó phải có những loại sách làm vây cánh cho nó. Là như những sách chép về điển chương chế độ, chép về địa dư, chép về đời một người nào (danh nhân truyện ký) và riêng một việc nào (lịch sử ký sự). Những sách ấy, trong khi phân loại, người ta phải để nó về loại sử, vì nó có thể giúp cho sử vậy.
Đã vậy thì trong khi chép những loại sách ấy, người ta không theo hẳn cái phương pháp chép sử nhưng phải quán xuyến trong đó cái tinh thần của ngòi bút chép sử, nghĩa là phải tôn trọng sự thực. Vậy nếu truyện ký mà không coi sự thực ra gì, nhứt là làm nó ra tiểu thuyết thì đã mất hẳn cái giá trị của nó rồi.
Có lẽ ông Trúc Khê lúc đầu viết ra cuốn Nguyễn Trãi ông cũng nghĩ như tôi vừa nói trên đây. Có điều, đến khi làm việc vượt ra ngoài quy tắc, bị tôi công kích, ông không sẵn lòng phục thiện nên mới vơ quàng vơ xiên, kiếm những cái trụ cột không được vững mấy cũng tựa lấy để mà binh vực cho cái tác phẩm của mình.
Sao mà biết thế? Chính ông Trúc Khê, tác giả sách Nguyễn Trãi, đã khai điều đó ra cho tôi và cho mọi người đọc sách của ông.
Sau sách Nguyễn Trãi ông Trúc Khê liệt ra đến hai ba chục cái tên sách là những sách, từ đó, ông đã lấy tài liệu ra viết cuốn Nguyễn Trãi.
Liệt ra như thế để làm gì? Có phải là ông Trúc Khê muốn phân bua với chúng ta rằng ông ấy viết cuốn Nguyễn Trãi là theo sự thực mà viết ra, hết thảy những điều ghi chép đều có nguồn gốc ở trong mấy chục thứ sách đó chứ không phải ông bịa đặt ra? Nếu thật quả ông đã đem mà tiểu thuyết hóa cả cái đời ông Nguyễn Trãi thì kê ra làm gì một dọc dài những sách ấy? Xưa nay chưa hề thấy có tác giả nào viết một cuốn tiểu thuyết hay một cuốn gần như tiểu thuyết mà lại chưng bày ra hằng mấy chục pho sách xưa mà mình đã dẫn dụng.
Tôi nói đến chỗ đó mà ông Trúc Khê còn không chịu nữa thì ông ấy quả là một người chẳng có chút lòng ngay thực nào, tôi chẳng còn muốn biện luận với ông làm chi.
Trong cuộc biện luận nầy, cái yếu điểm chỉ có chỗ đó, là chỗ tôi bảo Nguyễn Trãi là sách thuộc về lịch sử nên phải viết đúng sự thực, còn ông Trúc Khê bảo nó không phải lịch sử nên không cần viết đúng sự thực. Nay tôi đã viết đến hai bài, làm cho rõ thêm cái chỗ lập luận của tôi, thế là xong việc của tôi rồi, vậy tôi xin chấm dứt ở đây.
Còn bao nhiêu những lời rườm rà, nhứt là những lời bất chánh đáng của ông Trúc Khê, như đay đi đay lại mấy tiếng “lý luận Phan Khôi”, tôi cho là hèn lắm, không đáng kể, thì tôi đều bỏ qua hết.
PHAN KHÔI
Chú thích
- ▲ Úc Đạt Phu 郁 達 夫 (1896-1945)