Trả lời cho mấy vị độc giả hỏi về bài "Thân oan cho Võ hậu"

Trả lời cho mấy vị độc giả hỏi về bài "Thân oan cho Võ hậu"  (1930) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, số 60 (10.7.1930)

Cái nầy, “sử giặc ông địa” ra là tự tôi, bà Võ hậu có bị người ta chưởi thì mặc bả, tôi lại lá lay can thiệp vào làm chi cho thêm chuyện. Nhưng mà đã đốn ra thì phải vác; tôi không vác, tôi bỏ vạ cho ai?

Sau khi bài ấy ra, có hai bà, một ở Hà Nội, một ở Vĩnh Long, viết thơ chất vấn. Lại một ông, tên là Nguyễn Hoàng Cảnh, bài chất vấn của ông đăng trong số 58 của Phụ nữ tân văn. Chúng tôi đã nói đăng bài ông nầy vì lời lẽ dễ nghe hơn; còn hai bài kia xin miễn đăng, vì chẳng có chi lạ hơn bài của ông Cảnh.

Tôi lấy làm phục độc giả của Phụ nữ tân văn hết sức! Mỗi khi thấy có gì lạ trong tập báo, ấy là liền viết thơ hỏi cho đến nơi đến chốn, không chịu bỏ qua. Vì vậy nên có đôi người Pháp khen dân Việt Nam là dân ham học, phải lắm.

Duy một điều tôi lấy làm lạ, là cái ông đàn ông kia thấy có người binh cho đàn bà thì bất phục mà hỏi gạn là phải, chớ còn hai bà đàn bà nọ, trong khi kẻ đồng loại[1] với mình được có người binh cho, lẽ thì chịu lắm mới phải, sao lại cũng tỏ ra ý bất phục mà đành mất mỗi bà năm xu tem?

Ấy cho biết cái thói trọng nam khinh nữ đã ăn sâu vào trong máu thịt xương tủy người mình, dầu cho chính người đàn bà cũng nhìn nhận sự ấy là thiên kinh địa nghĩa mà không dám trái; cho nên thấy nói khác đi một chút là trong lòng đã bất an rồi, phải hỏi cho cùng lẽ rồi lòng mới an.

Như vậy, tôi viết bài trả lời nầy là nên lắm. Hôm trước bài Thân oan cho Võ hậu là để minh tuyết cho người thiên cổ; hôm nay bài này, là để biện hoặc cho phụ nữ đương thời; cái ngòi bút của tôi chẳng phải đã làm những việc vô ích vậy.

*

* *

Văn tôi nhứt là những bài phải phê bình, khảo cứu, nếu ai đã nhận cái ý hướng[2] của tôi rồi, thì trong khi đọc, chẳng có điều gì đáng hồ nghi cả. Duy có, tôi theo một ý hướng mà viết ra, người đọc lại lấy một ý hướng khác mà đọc, thành ra mới có sự nghi ngờ, không hiểu nhau đó mà thôi.

Thấy nói có người cho tôi là hay nói bướng. Thà là phê bình tôi như vậy mà tôi không trách, vì tôi biết rằng người ấy chẳng hiểu tôi chút nào, thôi, có trách làm chi! Nhưng lại nói thấy có người cho tôi là hay lập dị (nghĩa là làm cho mình ra lạ, khác với người ta), người nầy thì tôi xin trách. Tôi trách rằng chỉ nên nghe lời tôi mà đoán cho là phải cùng chẳng phải, chớ còn sự lạ với thường, chẳng nên kể đến. Dầu cho những lời của tôi là lạ, khác với người ta, song nếu nó là phải, thì tôi há chẳng đáng nói sao? người ta há chẳng đáng nghe điều phải ấy sao? Cho nên, chỉ có phải cùng chẳng phải là thành ra vấn đề; còn lạ với không lạ, cái đó chẳng thành ra vấn đề vậy. Lấy cái bất thành vấn đề mà phê bình tôi, tôi đâu có phục? Tôi trách là đáng.

Đó là nhơn tiện nói vào mấy câu, chớ chỗ nầy cốt để nói về cái ý hướng của tôi trong khi viết văn. Trong khi tôi viết những bài như bài nói về Võ hậu đó, tôi dùng tinh một lời khách quan, chớ không xen vào chút chủ quan nào hết. Nếu độc giả lấy chủ quan mà đọc của tôi, cái ý hướng hai bên trái nhau rồi, thì tài gì chẳng sanh ra mối hồ nghi?

Khách quan và chủ quan là nghĩa như vầy: Nếu khi ông coi và đánh giá một con ngựa, mà ông cứ theo những xoáy nó, sắc nó, bề cao nó, chưn nó, móng nó mà ông coi, rồi ông đoán nó tốt hay xấu, giá nó đáng bao nhiêu: ấy là dùng khách quan đó. Nếu trong khi ấy, ông lại xen vào cái ý lợi dụng của ông về con ngựa ấy; ông lại nghĩ cái trạc ông thì thấp bé, còn nó thì cao lớn, không được việc cho ông, rồi ông nói nó là xấu, không đáng bao nhiêu tiền: ấy là ông đã dùng chủ quan. Chủ quan chẳng phải là không nên dùng, song tùy từng việc: trong khi ông mua con ngựa để ông cỡi, thì ông dùng chủ quan được; nhưng khi tôi nhờ ông coi một con ngựa chơi, mà ông cũng dùng cách ấy thì ông lầm.

Khi tôi viết bài Thân oan cho Võ hậu, tôi đứng luôn luôn về địa vị khách quan. Nói thì vô phép, chớ hồi bấy giờ tôi coi tôi như là ở chỗ rất cao mà ngó xuống, tôi chỉ thấy loài người mà thôi, chớ tôi chẳng phân biệt đàn ông với đàn bà. Lần lần tôi ngó kỹ, tôi thấy đàn ông có làm vua, tôi mới hỏi: sao đàn bà lại không được làm vua? Tôi thấy “vua đực” có nhiều cung phi mỹ nữ, tôi mới hỏi: sao “vua cái” lại không được có nhiều cung phi mỹ nam? Hồi đó trong óc tôi không có cái vết của những chữ “nam tôn nữ ty”, không có cái vang của những câu “Tẩn kê tư thần”, không có cái lằn của những lời tục ngữ như là “Thập nữ viết vô”; “phụ nhân nan hóa”. Hồi đó tôi coi lịch sử là một cái tài sản chung của loài người, đàn ông không được chiếm làm của riêng mình. Biết bao đàn ông xưa nay đã làm lấm đi biết bao trương lịch sử; thứ người đàn bà nầy mới làm lấm có một trương mà kể số vào đâu, cho nên tôi nói rằng không đắc tội. Hồi đó tôi cũng coi luôn cái ngôi vua Trung Quốc đời bấy giờ như một khoảng ruộng hoang ở miệt Cà Mau, Rạch Giá, ai muốn chiếm thì chiếm, ai có sức thì chiếm, người nầy chiếm rồi mà người kia đến đoạt đi cũng mặc kệ họ, chẳng can gì đến tôi. Hồi đó tôi cũng cho sự giết người ở trong lịch sử là thường, Võ hậu đã giết con cháu nhà Đường, thì cũng như nhà Đường giết con cháu kẻ khác. Nói tóm lại, họ làm chi đó họ làm, trối thây họ với nhau, tôi chỉ đứng ngoài tôi coi tôi chơi mà thôi. Mà nói cho đến cùng, hồi đó, tôi cũng quên đứt đi tôi là đàn ông hay đàn bà nữa, tôi chỉ biết tôi là một người trong loài người vậy.

Theo cái ý hướng tôi như vậy đó, mà tôi lại thấy một người đàn bà như Võ hậu, dưới con mắt tôi, chẳng có gì đáng mang tiếng hết mà mang tiếng thì tôi cho là sự bất bình giữa loài người, tôi phải ra tay binh vực, ấy là một việc tôi đã làm theo lương tâm tôi.

Đó, tôi đã giãi bày ra rõ ràng như vậy, bây giờ chỉ rút lại trong một câu mà thôi.

Tôi hỏi: Cái ý hướng của tôi đó, là phải, hay là không phải? Các bà! Các ông!

Nếu là phải, thì cái bài của tôi đứng được. Nhược bằng là không phải, thì cả bài sẽ đổ đi. Đứng hay đổ, là do cái ý hướng nó quan hệ đến trọn cả bài, chớ còn hỏi từng lời từng câu, thì thành ra vụn vặt, trả lời mà trả lời vụn vặt như vậy, tôi cho là vô ích.

Tuy vậy, trong bài của ông Nguyễn Hoàng Cảnh hỏi tôi có mấy chỗ sai lầm, tôi xin chỉ ra.

1) Nguyên văn của tôi: “Võ hậu là người thông minh có học thức; nói thiệt tình, nếu bà là đàn ông, thì chắc người ta đã tôn cho là ông vua thánh”. Vậy mà trong bài ông, ông bỏ bớt chữ “vua” đi, chỉ nói là ông thánh rồi đem hỏi vặn tôi!

“Ông vua thánh” với “ông thánh” khác xa nhau. Ông vua thì ông nào chẳng là thánh? Mặc dầu ác như Kiệt, Trụ, vậy mà tôi con của các ổng cũng giữ cái đạo làm thần tử mà tôn cho là bậc thánh minh. Chữ “ông vua thánh” của tôi có nghĩa như vậy, nếu ông rút bớt đi mà nói là “ông thánh” thì thành ra nghĩa khác, rồi ông trách tôi thế nào mà chẳng được!

2) Thiệt ông Cảnh coi văn của người ta chẳng tới đầu tới đuôi chi hết. Nếu cả bài của ông mà cũng lù mù như chỗ nầy thì rõ thật làm mất công tôi trả lời. Ông nói: “Soán đoạt chức vị của người, sao mà khen?” Rồi ông lại hỏi ngặt tôi rằng: “Giả sử như có kẻ kia dùng thủ đoạn tàn ác mà trở nên cự phú, tiên sanh cũng khen sao?”

Ông Cảnh ơi! Giữa đồng còn có cây cỏ làm chứng, huống chi bài của tôi còn sờ sờ đó, sao ông nói vậy ông Cảnh? Tôi có hề khen sự soán đoạt của Võ hậu đâu ông? Vào chính chỗ Võ hậu lập mưu cướp ngôi đó, tôi đã đón ngay một câu rằng: “Chỗ nầy tôi không tỏ ý khen hay chê.” Ông không thấy hay sao?

Không chê, thì có; chớ khen, thì tôi chưa hề. Vì tôi coi tôi chơi, ăn thua gì mà khen chê cho rộn đám.

3) Cái đoạn chót trong bài ông thiệt là có ý thiên tư quá. Ở đời nầy mà ông muốn ôm cái quyền lấy một mình như vậy không được. Nầy, nói: Hiện nay Chánh phủ nào cũng có nới quyền cho dân, như vậy, đàn ông cũng phải nới quyền cho đàn bà. Đàn ông mà cứ chuyên chế mãi, đó rồi đàn bà họ nổi cách mạng nghịch cùng đàn ông cho mà coi. Ông nói: “Phần nhiều đàn ông nước ta vẫn còn tánh hủ lậu, giữ câu trai năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên một chồng. Nếu phụ nữ mà thiệt hành cái ý tưởng của tiên sanh, thì e không khỏi gia đình tan nát”. - Ủa hay! Sao ông không biểu đàn ông bỏ cái tánh hủ lậu ấy đi, mà lại chỉ muốn nhốt một mình đàn bà vào trong rọ? Tôi cũng là đàn ông đây, song le cái đó tôi không chịu.

Tôi nói: Hễ đàn ông đã muốn cho đàn bà giữ trinh tiết đối với mình, thì mình trước phải giữ trinh tiết đối với vợ. Mong cho gia đình sum hợp, thuận vợ thuận chồng thì phải làm như vậy. Còn nếu giữ câu năm thê bảy thiếp, may mà gặp người đàn bà chính chuyên là phước, rủi gặp bà đòi ăn nem để cự lại ông ăn chả, thì cái đó là lỗi tại mình, sao không trách mình lại trách ai? Gia đình tan nát thì chịu lấy, chẳng ai thương hại. Mà cái gia đình của con người ấy thì cũng nên để nó tan nát đi cho rảnh!

*

* *

Cả bài ông Nguyễn Hoàng Cảnh, ông chỉ dạy tôi được có một chỗ. Nguyên văn của tôi như vầy: “Các đế quốc đời nay đi chinh phục nước người, dời cái chánh quyền ở tay nầy qua tay khác, mà không làm ngay một lần, vẫn theo cái kiểu từng bước một của Võ hậu đó”. Ông hỏi tôi rằng: “Vì sao mà gọi rằng theo cách kiểu? Lấy chi mà chắc rằng các đế quốc noi theo Võ hậu?”

Chỗ đó tôi phải cúi mặt xuống mà nhận là cái lỗi của tôi, tôi đã dùng chữ “theo” hơi sống sượng. Tôi xin cảm ơn ông chỉ cho mà cải chánh lại như vầy: “tức là cái kiểu từng bước một của Võ hậu đó”, thì thôi, khỏi có sự ngang ngạnh chi nữa.

Ông Cảnh chưa biết tôi, nên rốt bài có nói với tôi rằng “chớ nệ con nít”. Sự đó ông khỏi dặn. Thanh niên là vị thần của tôi thờ. Nếu ông là con nít, thì tôi còn muốn tôi là con nít hơn ông nữa.

PHAN KHÔI

   




Chú thích

  1. Nếu muốn nói cho thiệt đúng thì chữ “đồng loại” nầy phải nói là “đồng tánh” (同姓) – theo tiếng Pháp là “même sexe” (nguyên chú của Phan Khôi) (nay dùng thuật ngữ: đồng giới)
  2. Chữ “ý hướng” nầy tôi dùng như chữ khuynh hướng người ta thường dùng, theo tiếng Pháp là tendance. Nó là một danh từ cũ (nguyên chú của Phan Khôi)