Trả lời bài ông Chu Quế Long biện luận cùng tôi về vấn đề vận văn đã đăng trong báo Phổ thông
Trước kia tôi có đăng một bài trên tờ Trung lập nầy trả lời 3 câu hỏi cho một vị độc giả trong đó câu thứ nhứt, nói về vận văn. Gần đây, báo Phổ thông ở Hà Nội có một bài của ông Chu Quế Long phản đối bài ấy của tôi. Thấy bài ông Chu bình luận theo khuôn phép nên tòa soạn Trung lập đã trích đăng vào số 6320 ra ngày 11 Décembre, nơi trang thứ ba, và hứa rằng sẽ có bài của tôi trả lời cho ông ấy.
Hôm nay, y theo lời hứa, tôi viết mấy lời nầy giãi bày những chỗ ông Chu phản đối tôi mà tôi không đồng ý với ông được. Tuy vậy, tôi phải khai thiệt ra rằng cái cách biện luận của ông Chu như vậy là đúng phép lắm, cho nên tôi rất vui lòng cùng ông biện luận.
Nguyên trong bài tôi trả lời cho một vị độc giả, tôi có ý nói rằng : “Muốn làm văn vần thì trước phải có học thức cho rộng, kinh nghiệm nhân tình thế cố cho nhiều, nhứt là phải rành nghề ngâm vịnh thì mới hay được”.
Ông Chu Quế Long bảo tôi nghĩ như vậy là không đúng. Ông không chịu rằng làm văn vần mà lại cần phải có học thức kinh nghiệm và nhứt là cần phải rành nghề. Ông Chu lấy Kinh Thi và bài thơ Đại phong của Hán Cao tổ ra làm chứng. Ông lại còn nói rằng, những người học thức kinh nghiệm nhiều có khi lại không làm vận văn được tức như có nhiều nhà triết học không biết làm thi lại đến nỗi đọc thi không biết hay dở. Rút lại, ông cho rằng thi nhân cần phải có thiên tài, nếu không có thiên tài thì dầu có học thức kinh nghiệm đến đâu cũng không làm được thơ hay.
Đoạn nầy ông Chu nói nghe có lẽ lắm, nhưng tôi tưởng ông xét chưa đến cùng. Trừ ra một câu ông nói thi nhân cần phải có thiên tài thì thật là đúng lắm tôi không cãi được. Ấy là cái điều kiện đã đành đi rồi, cho nên khi tôi luận về sự làm thi tôi không nói đến. Vì nếu buộc phải có thiên tài mới làm thi nhân, thì được mấy người có thiên tài ? Cho nên tôi phải lấy học vấn kinh nghiệm làm điều kiện.
Ông Chu nương và Kinh Thi và bài Đại phong ca để lập cái thuyết làm thi không cần học. Lời kháng biện ấy chưa đủ đánh đổ cái chủ trương của tôi, vì ông chưa rõ cái lẽ vận văn theo thời đại mà thay đổi, và ông cũng không nhận kỹ nguyên văn của tôi là chỉ chuyên nói về một lối vận văn mà thôi.
Số là, vị độc giả ấy hỏi tôi là hỏi riêng về một lối thi Đường luật, ông xem lại cho kỹ, tôi có nêu ra trong đoạn đầu phân minh, vậy thì trong bài trả lời đó tôi cũng chỉ nói về sự làm thi Đường luật. Dầu trong đó tôi có dùng hai chữ “vận văn”, song chẳng qua theo nghĩa hẹp của nó, chỉ riêng về lối thất ngôn Đường luật theo như vị độc giả ấy đã hỏi.
Vận văn cố hữu của Việt Nam ta chỉ có các lối như là lục bát v.v...; còn lối thi Đường luật là của Tàu mà ta bắt chước, chứ không phải vốn của ta. Phàm là thi ca sẵn có của một dân tộc nào có âm điệu tự nhiên, người ta hay kêu là “thiên lại”, thì người trong dân tộc ấy dầu không hiểu cũng có thể làm được, thậm chí có thể làm mà đến bậc hay được tức như những câu phong dao truyền tụng của ta, phần nhiều bởi miệng trai cày gái cấy mà ra cùng những bài quốc phong trong Kinh Thi mà ông đã nhắm đến đó. Chớ còn như mình đi bắt chước một lối thi ca của dân tộc khác, không phải thứ sẵn có của mình, lại còn thêm cách biệt một tầng là bị thời đại hạn chế nữa, vậy mà bảo rằng không đọc cũng làm được, thì đánh cho chết, tôi cũng không tin.
Vận văn của một dân tộc theo thời đại mà thay đổi như thế nào ? Và lẽ ấy có quan hệ gì với chuyện chúng ta đương bàn ở đây ? Tôi xin lược giải ra ở dưới. Xin ông Chu và độc giả biết cho rằng điều nầy tôi nhận thấy trước khi có cái chủ trương kia chớ không phải bây giờ gặp ông phản đối mới chạy đi kiếm mánh để đỡ đòn.
Nhơn vì văn học sử của Tàu có dấu vết phân minh, đem mà nói tiện lắm, nên tôi dẫn đây. Ngang từ nhà Châu bấy giờ ròng là lối thi tứ ngôn (bốn chữ một câu) ; rồi xuống đến nhà Hán, biến ra ngũ ngôn ; xuống đến nhà Đường, biến ra thất ngôn ; mãi đến nhà Nguyên về sau, ngoài lối thi ấy, lại còn thêm một lối “điền từ” nữa. Như vậy đủ biết rằng vận văn của một dân tộc mà cũng không hề nhứt định giữ theo một thể thức, cứ biến thiên hoài. Do sự biến thiên ấy cho nên mới có sự học. Tôi bảo phải “rành nghề” là do cái lẽ ấy.
Tôi cũng tin như ông rằng : những bài quốc phong trong Kinh Thi có nhiều bài bởi miệng đàn bà con gái hoặc bọn hạ lưu mà ra, nhưng mà hay lắm, từ nhà Hán về sau, có nhiều tay thi nhân cố học làm theo thể thức tứ ngôn ấy mà không hay bằng. Ấy là bởi tại thời đại nó hạn chế, người ở đời nào theo cái âm điệu riêng của đời ấy, - cũng như dân tộc nào theo cái âm điệu riêng của dân tộc ấy, - mà làm ra thi, thì có dễ hơn là người ở thời đại sau mà muốn làm theo lối thi của thời đại xưa. Cũng vậy, như ở Nam kỳ đây bây giờ người ta làm một bài theo điệu “vọng cổ hoài lang” thì chắc là dễ và hay hơn là làm một bài “lục bát” là cái thể vận văn từ đời ông Đồ Chiểu về trước.
Vì sự biến thiên theo thời đợi cho nên người đời Hán làm thi ngũ ngôn chắc là dễ và hay hơn tứ ngôn, người đời Đường làm thất ngôn chắc là dễ và hay hơn làm ngũ ngôn. Người ở thời đợi nào làm vận văn theo thời đợi của mình thì học giả không cần học ; song hễ bắt chước theo đời xưa thì thế nào cũng nhờ có học mà học cũng vị tất đã hay nữa kia. Huống chi người Việt Nam ta đã bắt chước theo âm điệu của dân tộc Tàu lại còn bắt chước theo âm điệu hồi nhà Đường cách đây hơn ngàn năm nữa, bị cả hai cái, không gian và thời gian hạn chế, thì thế nào cũng phải học mới làm được.
Tôi xin hỏi ông Chu Quế Long : Một người An Nam dốt đặc, có thể đặt ra một câu hát trên sáu dưới tám, hoặc giả lại còn đặt hay nữa ; song có người An Nam nào cũng dốt đặt như vậy mà đặt được một câu thơ mỗi bên bảy chữ đối nhau không ? Nếu nói chuyện với nhau cho thiệt tình, đừng có cượng từ đoạt lý, thì ông Chu phải trả lời cho tôi rằng : “Không”. Tôi bèn nắm đó mà nói quyết với ông Chu lần nữa rằng : “Muốn làm thi Đường luật thì phải học”. Ấy chẳng những là cái điều kiện tất yếu mà cũng là cái điều kiện sung mãn, trái với lời ông đã nói.
Tôi bảo phải rành nghề ngâm vịnh, nghĩa là phải học phương pháp làm thi, vì trong đó có nhiều cái bí quyết cần nên biết. Tôi lại bảo phải có học vấn, duyệt lịch nhân tình thế cố cho nhiều, thì thi mới hay ; cái đó theo ý tôi, quả là như vậy. Vì lối thi mà ta hay làm đó xưa nay hầu như đã bị bọn thi nhân họ choán hết cả rồi, cái cảnh nào cũng như là họ đã phô diễn hết, vậy ta cần phải học vấn duyệt lịch cho nhiều ngõ hầu tìm ra được những cái mới, nói những lời họ chưa hề nói, thì mới hay được, mới gọi là thi nhân được.
Nói cho thật thì chẳng những làm thi Đường luật cần phải học mà thôi, làm thứ vận văn nào cũng cần phải học hết, không học mà cũng làm được cũng làm hay được như lời ông Chu Quế Long đó, như nhà thầy Lưu Bang (Hán Cao tổ) mà làm nổi bài Đại phong ca đó, là sự tình cờ, sự thuộc về số ít, không nên đem ra mà làm chứng để trưởng[1] cái dốt cho những ông hay làm thơ. Huống chi bài Đại phong ca chưa chắc là của Cao tổ làm ra, cũng như bài văn tế tướng sĩ chưa chắc là của ông Nguyễn Văn Thành.
Tôi nói xã hội ta có cái bịnh ưa xem thơ, ông Chu theo đó mà đề chừng rằng ý tôi cho sự xem thơ là không nên. Nào có phải. Tôi nói “bịnh” đây tức cũng như trong chữ Hán kêu là “tích” nghĩa là cái thói quen làm cho người ta sa mê vậy thôi, chớ tôi không có tỏ ý là nên hay không nên. Kế đó tôi nói : nhà báo phải chìu theo ý phần đông mà đăng thơ ca cho nhiều. Chữ “phải” đó tôi có ý cắt nghĩa cho vị độc giả kia hiểu rằng vì cái bịnh của xã hội đó buộc nhà báo phải làm như vậy, chớ tôi không hề khuyên nhà báo phải làm như vậy. Thế mà ông Chu lại trách tôi rằng nếu vậy thì ra bắt nhà ngôn luận phải theo cái xu hướng của xã hội, bất kỳ phải quấy, sao gọi là nhà ngôn luận chánh đáng được ? Thật quả chỗ nầy ông hiểu sai ý tôi, tôi dùng chữ “phải” như là “indicatif” mà ông lại hiểu ra là “impératif”[2] cho nên ông trách tôi là đáng !
Tôi nói đó là vì thấy cái hiện tình trong báo giới làm sao thì nói ra làm vậy, mà trong đó có ngụ cái ý than tiếc nữa. Phải chi tôi có quyền chủ trương một tờ báo như họ, thì tôi không làm chi họ, ấy là cái ý kiến của tôi.
Đến như trong vận văn mà có cái đề “khóc cha” thì dầu cho ông biện hộ thế nào cái đề ấy cũng không có thể thành lập được. Cái đề đã không đứng được thì bài thơ thành ra bài bỏ, không luận được là hay, hay là dở nữa.
Tôi viện ra hai lẽ : cha chết không phải sự vui đâu mà làm thơ và lúc cha chết tâm thần người con bối rối không thể làm thơ được, để đánh đổ cái đề “khóc cha” đi ; ông cho là đều không đúng cả. Ông nói : Thơ cũng có thơ vui thơ buồn và làm thơ cũng không cần nặn nọt từng chữ.
Sự làm thơ không cần nặn nọt từng chữ, xuất khẩu thành chương ấy là về số ít, còn thì cổ nhân đã thú thật rằng : “ngâm nên câu năm chữ, bứt đứt một chòm râu” kia mà. Ông không nên đem số ít mà khái luận (généraliser) cả số nhiều. Tuy vậy, cái cớ nầy không quan trọng mấy ; cái đề “khóc cha” không thành lập được là ở cái cớ kia.
Buồn có năm bảy thế buồn, đau thương có năm bảy thế đau thương. Vợ chết có sự đau thương khác ; con chết có sự đau thương khác ; mẹ chết có sự đau thương khác ; đến cha chết, có sự đau thương khác nữa. Ông nói làm thơ khóc vợ khóc con được, tức là khóc cha được, chỗ đó tôi xin ông xét lại.
Theo luân lý (morale) ta xưa nay mà cho luân lý nào cũng vậy, cái tình con đối với cha dường như không có thể đem mà nói ra được. Người ta ít hay phô trương ca tụng công ơn của cha cũng như ít hay phô trương ca tụng sự lớn lao của Trời. Xưa có một người làm bài thơ “vịnh trời” mà để lại một trò cười trong làng văn mãi mãi thì bài thơ “khóc cha” đây cũng vậy.
Nếu cha chết mà làm thơ khóc cha thì trong đó phải kể công ơn của cha đối với mình, phải kể lòng yêu mến đau xót của mình đối với cha, nghe ra nó lố lăng lắm. Trong tiếng Pháp có chữ “ridicule” chính dùng để chỉ những sự lố lăng như vậy. Ông Chu cùng độc giả nghĩ lại mà coi, nếu mình đã nhìn công ơn của cha là lớn hơn hết và sự đau thương của mình là vô hạn thì không nên hình dung ra ; phàm cái gì đã hình dung ra được thì trở thành ra cái tầm thường. Cái đề thơ “khóc cha” không thành lập được, là chính bởi chỗ đó.
Cái tâm lý ấy có chung hết thảy trong các dân tộc nào mà có văn hóa, vì vậy mà trên lịch sử tôi thấy chưa hề có ai làm thơ khóc cha. Nay có một người làm thơ khóc cha, tức là trái với cái tâm lý ấy, nên tôi cho là phản thường.
Ông Chu nói : trên lịch sử văn chương các nước, những bài thơ khóc con, khóc vợ, khóc bạn, khóc tổ quốc, khóc thời thế, có được, thì khóc cha sao lại không có được ? Tôi xin ông Chu xét lại câu ông nói đó thì đủ hiểu. Sao ông kể trên lịch sử văn chương các nước có những bài thơ khóc ấy cả đống mà không có bài nào khóc cha ? Trên lịch sử văn chương không có thơ khóc cha, thế thì đủ biết rằng khóc con khóc vợ, thì làm thơ được, thi nhân nào cũng đều có cha, thì thi nhân nào cũng đều có cái tâm lý như đã nói trên kia.
Ông Chu kể như vậy rồi lại nói rằng : “Tôi cũng công nhận rằng các bài thơ khóc cha ít hơn những bà khóc con khóc bạn”, v.v. Ấy là câu ông nói túng. Thật tôi chưa hề thấy thơ khóc cha lấy một bài nào gọi là có, chớ đừng nói ít.
Ông Chu lại viện lẽ sau khi cha chết một đôi năm mới làm thơ khóc, rồi đề là “khóc cha” cũng được, chớ không luận là hồi mới chết. Song nếu vậy thì phải đặt cái đề khác. Trong Kinh Thi có những bài như Lục nga là làm khi cha mẹ chết đã lâu rồi. Tôi lại thấy một bậc tiền bối xứ ta đến ngày tiểu tường mẹ - không phải cha, – có bài khấp thuật, chớ từ nhỏ đến lớn đọc thơ đã nhiều, mà chưa hề thấy có cái đề “khóc phụ” hay là “khóc mẫu”.
Biên giả lại cử hai câu thơ của Alfred de Musset để binh vực cho cái thuyết mình. Nhưng không ăn thua gì đâu. Trên kia đã nói sự đau thương có năm bảy thế, không nên kể sự đau thương (douleur) vì cha chết cũng như sự đau thương khác. Đã đành rằng “Rien ne nous rend si grand qu’une grande douleur” nhưng xưa nay chưa hề nghe ai vì cái “douleur” cha chết mà trở nên một bậc đại thi hào bao giờ !
Tôi nói cái người đặt bài thơ “khóc cha” và những người thấy bài thơ ấy mà không lấy làm lạ như ông, là do trong óc không có một chút luận lý học (logique) chớ tôi không nói luân lý học (morale). Hễ trong óc có ít nhiều luận lý học (logique) thì thấy sự gì ngược khắc biết liền còn không có thì coi cái gì nó cũng như cái nấy. Ấy là sự hại lắm. Người Việt Nam ta hay bị phỉnh, là tại không có luận lý học, không biết phán đoán. Tôi lâu nay sở dĩ đề xướng cái học ấy lên là vì lẽ đó.
Ông Chu chắc là người hiếu học, xin ông nghiên cứu luận lý học đi, ắt ông sẽ có sự tấn ích lạ thường. Xin ông đừng như nhiều kẻ khác, vội cười tôi và lấy tôi làm “quái lạ”.
Đương khi cha chết mà làm thơ khóc cha, - là hai sự trái ngược không dung nhau, luận lý học không cho phép như vậy ; chớ chính trong sách luận lý học không hề dạy rằng con không được làm thơ khóc cha như ông đã hỏi vặn, có ý mỉ[3] tôi.
Đã vậy tôi lại đem luận lý học ra nói với ông trong việc nầy, bởi vì tôi cho luận lý học có thể đem ứng dụng trong mọi sự.
Theo luận lý học, khi ông thấy bài trả lời nầy của tôi, nếu ông phục tình thì thôi, bằng ông còn chưa chịu thì duy có kiếm ra lấy ít nhiều bài thơ khóc cha, bất kỳ của tác giả ở nước nào, đem ra làm chứng phân minh, rồi ông nói với tôi rằng : “Đây nầy ! có vô số thơ khóc cha người ta đã làm đây nầy, Phan Khôi đừng nói bậy !” Vậy thì thôi, tôi xin bái phục, không còn chỗ cãi nữa.
PHAN KHÔI
Chú thích
- ▲ Trưởng : chưa rõ nghĩa ; phải chăng là trương (bày ra, phô ra) hoặc chường (trình ra) ?
- ▲ (mode) indicatif : thức trình bày ; (mode) impératif : thức mệnh lệnh
- ▲ Mỉ : có lẽ như mỉa chăng (?)