Trả lời ông Phan Khôi về câu chuyện vũ trụ quan của Khổng Tử

Trả lời ông Phan Khôi về câu chuyện vũ trụ quan của Khổng Tử  (1939) 
của Ngô Văn Triện

Bài đăng trên Tao đàn, Hà Nội, số 13 (16 Octobre 1939), trang 1142 – 1144.

Nếu ở Âu châu, giữa hai phái triết học, duy tâm luận và duy vật luận, lại có một phái chiết trung, không hẳn duy tâm cũng không hẳn duy vật, thì ở xa, giữa cuộc tranh luận của tôi với ông Bùi Công Trừng về vũ trụ quan duy vật và duy tâm của Khổng Tử, cũng có ông Phan Khôi bước vào để ngoảnh qua đôi phía mà nói: Khổng tử chẳng duy vật mà cũng chẳng duy tâm.

Nói thế, không phải tôi có ý giễu ông Phan Khôi; đọc bài của ông, tôi cũng thấy rằng trong đó có ít nhiều phần lý giải đáng chú ý.

Tuy nhiên, tôi không thể đừng cãi lại ông Phan về những lẽ ông đã đem ra để phản đối tôi được. Với những lẽ ấy, tôi thấy rằng ông đã sai lầm.

Trước hết, tôi hẵng xin hỏi: ông thấy tôi nói ở chỗ nào “Khổng Tử là nhà triết học duy vật”?

Hẳn ông có thừa tri thức để hiểu rằng: câu nói “Khổng Tử có vũ trụ quan duy vật” với câu nói “Khổng tử là nhà triết học duy vật”, nghĩa nó khác nhau xa lắm. Nó khác nhau thí dụ như hai câu này:

“Ông Phan Khôi có biết làm thơ”.

Và:

“Ông Phan Khôi là nhà thi sĩ”

Bây giờ tôi nói: “ông Phan Khôi có biết làm thơ”, tôi tin rằng khó ai phản đối tôi được, bởi vì tôi đã nắm được cái chứng cớ là ông đã có làm ra mấy bài thơ khá có vị thơ. Chứ nếu tôi phóng đại mà nói: “ông Phan Khôi là nhà thi sĩ” thì tự nhiên tôi phải sẵn sàng chờ đón những lời công kích, bởi vì ông, đã có những sự nghiệp gì về thi ca, để đủ gọi là thi sĩ được!

Hai câu nói có cái ý nghĩa khác nhau như vậy, nếu nay có người nào quàng xiên, lại coi hàm hỗn như một thì thật mới đáng buồn cười cho.

Phàm đã gọi là nhà duy vật, hay nhà triết học duy vật, cố nhiên nhà ấy từ vũ trụ quan, đến nhân sinh quan, rồi lịch sử quan, xã hội quan, cái gì cũng nhìn bằng cặp mắt duy vật. Nhưng tôi trước sau không hề bảo Khổng Tử là nhà triết học duy vật; tôi chỉ bảo Khổng Tử có cái vũ trụ quan duy vật mà thôi. Ông không đồng ý, thì cứ chỗ tôi nói mà phản đối đi, cớ gì lại làm cho sai chệch luận đề? Hay ông cần làm sai như thế, để mới có chỗ mà nói?

Ông bảo Khổng Tử về các phương diện khác có duy vật đâu, mà bảo duy vật về phương diện vũ trụ quan? Thế là ông muốn đòi ở Khổng Tử một nhà triết học thuần toàn về mặt duy gì đó. Ông lầm. Muốn tìm những nhà triết học thuần toàn về duy vật hay duy tâm, ông phải tìm ở hai mặt trận duy vật duy tâm từ thời Đề-mô-kích (Démocrite) trở về sau, nghĩa là từ khi mà hai cái thuyết duy vật và duy tâm, đã thành ra hai cái tư tưởng cơ bản của triết học rồi, và đã thành cái thế tương phản và đối trí rồi. Chứ nói về Khổng Tử, mà ông đòi ở cụ ấy nếu đã duy vật phải duy vật tất cả về các phương diện thì thật ông đã tự mâu thuẫn với ông. Bởi vì chính ông đã nhận rằng “Thì đại Khổng Tử, tư tưởng của loài người còn cạn và thấp, Khổng Tử tuy có trí thức hơn thì nhân, nhưng chẳng phải là đã tiến bộ hơn đời sau”.

Song dù tư tưởng của Khổng Tử chưa tiến bộ được bằng đời sau, hay còn có chỗ mờ tối yếu đuối mặc lòng, ta vẫn có thể phân tích trong những tư tưởng ấy, cái gì khuynh về duy tâm và cái gì khuynh về duy vật.

Chẳng những một mình Khổng Tử, các nhà học giả Trung Quốc về sau, ta há chẳng thấy chán nhà họ duy vật ở phương diện này, mà họ lại duy tâm ở phương diện khác? Tức như Vương Sung, một học giả đời Hán, ta đọc thiên Tự nhiên trong sách Luận hành của ông, chẳng thấy ông là nhà duy vật về vũ trụ quan là gì. Nhưng ở các thiên kia, ta vẫn tìm được ngấn tích duy tâm của ông về những phương diện khác. Dù vậy, ta vẫn không thể dựa theo những phương diện khác ấy, để bảo Vương Sung không phải là người có tư tưởng duy vật về vũ trụ quan.

Cái sở dĩ như trên ấy của các học giả Tàu, chính vì họ chưa có sự phân biệt tương phản của duy tâm và duy vật vậy.

Ông lại bảo về thời Khổng Tử, chưa có những danh từ duy vật duy tâm, hay là những danh từ nào giống chúng nó, thế thì nay cãi nhau để phân biệt Khổng Tử là duy tâm hay duy vật là mất công toi vô ích.

Nhưng tôi xin hỏi: thế thì cái danh từ Triết học hoài nghi cũng về đời sau mới có, sao ông cũng có thể đem dùng để bảo Vương Sung là một nhà triết học hoài nghi? Lại như nước đời Đề-mô-kích (Démocrite, sinh về thế kỷ thứ 5 trước Gia Tô), trong triết học giới chưa hề chia rõ duy vật và duy tâm. Thế mà đời sau đối với những thuyết xướng khởi của người Ôlia (Aeolia) ở Hy Lạp (thế kỷ thứ 7 thứ 6 trước Gia Tô) lấy sự nghiên cứu những sự vật, hiện tượng trong tự nhiên giới để đánh đổ những thần thoại xưa, người sau cũng vẫn nhận đó là những tư tưởng thuộc về duy vật luận.

Vậy là người ta vẫn có thể lấy những danh từ đặt ở đời sau để làm nhan đề cho những tư tưởng hay sự vật có từ đời trước. Chúng tôi cũng chỉ làm cái việc như thế, giống như ông vậy, chứ có gì mà ông phàn nàn.

Ông bảo tôi đương nói lý thái cực, lại quay sang nói khí thái nhất, vậy thì hai cái ấy là hai hay là một, là một hay là hai, nên nghe theo đàng nào. Quái! Tôi không có thể ngờ rằng ông Phan lại không xem rõ để phải có câu nghi vấn này. Tôi nói khí thái nhất là cái nguyên tố vật chất để sinh ra vạn vật: còn lý thái cực, tôi trỏ vào cái tự nhiên luật nó đã chi phối trong sự sinh diệt biến hóa của muôn loài. Ông thử giở Tao đàn số 8 xem lại, có phải tôi nói rõ ràng tách bạch như thế không? Vậy thì chúng nó là hai, một cái là xác, một cái là hồn, một cái ví như quốc dân, còn một cái là pháp luật phải theo của quốc dân ấy. Mỗi cái nó có địa vị riêng, chứ có phải tranh nhau một địa vị đâu mà bảo không biết nghe theo đàng nào được.

Ông Phan lại nói:

“Ông Ngô Văn Triện chỉ lấy một câu sách để cãi cho Khổng Tử là nhà duy vật; và hình như hễ Khổng Tử được là nhà duy vật là ông ấy mãn nguyện rồi, sự ấy mới đáng buồn cười cho”.

Nói câu ấy, ông Phan vô tình không biết là chính ông mới đáng để cho người khác buồn cười, buồn cười ở chỗ ông đã quàng cho tôi một câu mà trước sau tôi chưa hề nói, tôi chưa hề bảo Khổng Tử là một nhà duy vật. Và Khổng Tử được là một nhà duy vật thì tôi được gì mà ông bảo là tôi mãn nguyện? Chẳng qua trên sự học vấn, tôi có một sở kiến thì tôi tự đem phát biểu cái sở kiến của mình; ai không đồng ý, đó lại là một sở kiến riêng. Chứ tôi xưa nay, có phải là người tôn thờ họ Khổng một cách mù quáng, chỉ bênh chầm chập lấy họ Khổng, không chịu nhìn thấy những chỗ nào yếu kém của Khổng học đâu; bài Khổng giáo với cuộc đời đăng ở Bắc hà năm 1935, tôi phản đối ý tưởng của một nhà nho muốn đem lại Khổng giáo để khuông cứu cuộc đời, và nhiều bài khác nữa đủ làm minh chứng.

Hình như hễ Khổng Tử được là nhà duy vật là ông ấy mãn nguyện”, theo cái ngữ điệu trên đây, tôi muốn nói: “Hình như ông Phan Khôi đến hay nói mò”.

NGÔ VĂN TRIỆN