Thanh niên với hòa bình

Thanh niên với hòa bình  (1938) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Dư luận, Hà Nội, số 12 (12 Septembre 1938), trang 1, 6.

Đã đành rằng chiến tranh, giúp cho loài người tiến hóa cách từ từ và ở vị lai, trái lại, sát hại loài người cách cấp bách và ở hiện tại; nhưng đối với dân tộc nào bị áp chế, bị ở dưới quyền thống trị của một dân tộc khác, lấy số đông mà nói, thì lại chẳng những không chán ghét nó mà có khi trông mong ao ước nó cũng nên.

Nói như thế, người ta sẽ mắng vào mặt mình rằng cái đồ “tham tài lạc họa”. Nhưng ai có ở trong tình cảnh bị áp chế ấy rồi mới biết, và ai đã ở trong tình cảnh bị áp chế ấy rồi thì đều biết: chiến tranh đối với họ, có thể bảo rằng không phải tai và họa: vì duy có ở giữa nó, họ mới họa chăng tìm được con đường ra.

Lịch sử đã dạy ta hẳn như thế rồi, trăm phần trăm đúng như thế rồi. Cuộc chiến tranh 1914-1918 có tai họa là tai họa cho nước Đức, nước Pháp, nước Anh kia, nhưng quả là hạnh phúc cho nước Hy Lạp, nước Ba Lan.

Thế thì đứng giữa loài người, bất kỳ dân tộc nào bị một nước khác thống trị mình đều có thể hô lớn lên rằng “chúng tôi thích chiến tranh” mà không sợ ai quở trách hết. Có quở trách chăng là các dân đàn anh ở các cường quốc. Nhưng các anh mà lại lấy điều ấy quở trách người ta sao? Các anh chẳng là vô lý lắm?

Tôi, vào cỡ ngoài hai mươi tuổi, có một dạo, sao tôi mê cờ bạc lạ. Bấy giờ tôi ở Huế, hầu suốt cả tháng, đêm nào cũng tổ tôm tài bàn với mấy ông thuộc viên các bộ, mấy ông trợ giáo. Đại khái là tôi thua. Không nhiều lắm, chứ cũng đã đến bạc trăm.

Tôi thua, nhưng những canh tôi thua về sau ấy đều là những canh tôi mong gỡ. Càng gỡ càng thua, nhưng bạn đọc há lại chẳng biết, cái anh mê bạc có khi nào lại không tự phụ mình sẽ gỡ được trong lúc vẫn cứ thua?

Thế mà một đêm, nên gọi là đêm cuối cùng, các con bạc vẫn chơi với tôi từ lâu bỗng hè nhau không đánh nữa. Mấy ông thuộc viên bảo rằng chơi lắm hại việc quan. Còn mấy ông trợ giáo, đáng ghét hơn, lên giọng mô phạm bảo tôi rằng cờ bạc làm hại người ta đủ một trăm cách về vật chất cũng như về tinh thần, chớ nên đánh nữa. Tôi rủ, thiếu điều lạy cho họ đánh mà họ cũng không đánh.

Giữa lúc ấy, tôi uất quá! Chẳng còn làm cách nào cho hả được, nói xin lỗi bạn đọc, tôi đã phải rủa họ suốt đêm để mà … trừ!

Câu chuyện chừa cờ bạc làm hại tôi vừa nhắc lại trên đây, thật nó giống với câu chuyện ở Âu châu hiện nay có một bọn người rủ nhau hô khẩu hiệu “chống chiến tranh, ủng hộ hoà bình” quá lắm! Họ hô với nhau còn được, chứ họ hô với cả thế giới, bảo các dân tộc bị trị cũng chống chiến tranh như họ, thì có ai mà nghe họ chứ?

Đánh bạc như mấy ông thuộc viên, mấy ông trợ giáo nói trên, theo thế thường bảo là “ăn gạt lường”. Thì các dân đàn anh Âu châu ngày nay hô khẩu hiệu hòa bình cũng vậy: cũng là “ăn gạt lường”.

Có phải ngày xưa các anh đã dùng chiến tranh mà chinh phục được đất đai chăng? Dân tộc bị mất nước chỉ còn mong có chiến tranh để “gỡ”. Sao giữa lúc người ta chưa gỡ được, các anh đã vội bảo nhau, toan việc cuốn chiếu, tắt đèn?

Cho đi rằng những dân như dân Ấn Độ, dân Cao Ly ở vào thời đại này, tự họ không thể nào gây ra chiến tranh được. Nhưng chiến tranh có lợi cho họ thì họ thích. Họ không vì cớ không gây ra chiến tranh được mà quên chiến tranh, cũng như kẻ câm không vì cớ không nói được mà quên ú ớ, kẻ quê không vì cớ không đi được mà quên lê la.

Trong các dân tộc bị trị chỉ có một hạng người mà các ông cộng sản kêu bằng phú hào có lẽ ưa hòa bình lắm thật. Vì chiến tranh sẽ gây ra sự đạp đổ hay lộn nhào, không lợi cho họ nên họ không thích. Còn ngoài ra, anh cũng như tôi, đằng ấy cũng như đằng này, chúng ta cách nhau với cái chết chẳng bao xa cho nên chẳng sợ gì chiến tranh thế giới cả. Thật tình là thế!

Thế thì, chúng ta có thể nói rằng những dân bị trị không ghét gì chiến tranh mà cũng không ưa gì hoà bình. Chúng ta sẽ nói rằng nếu cứ hòa bình mãi, những dân bị trị sẽ cứ làm nô lệ mãi, thôi thì họ mong cho có chiến tranh đi cũng được. Dưới sự thực ấy, những tiếng kêu tha thiết của mấy ông Âu Mỹ chỉ là những sự dạy bảo về luân lý của mấy ông “cờ bạc ăn” có khi nào phỉnh dỗ được ai?

Bây giờ hãy nói đến thanh niên. Ngay bây giờ đây, trong đám dân bị trị, hạng thanh niên lại còn khốn đốn tức bực hơn nữa. Họ mới vừa hăm hở bước vào đời thì đã như bị rào rấp bủa vây trước mặt và chung quanh họ. Bao nhiêu kẻ muốn học không được học, muốn làm không có việc mà làm, muốn lập thân cũng không có đường lập thân. Hằng ngày ở giữa sự hắc ám và khủng hoảng, thanh niên không có đường ra, họ chỉ có thất vọng.

Người ta đã đến thất vọng thì đâm ra liều lĩnh. Thanh niên những nước kia, bởi vậy, phải mong có chiến tranh thế giới: Họ có quyền tìm đường ra cho mình, và chỉ muốn chiến tranh thế giới mới có đường ra cho họ, vậy thì sự liều lĩnh ấy không ai được bảo là không chính đáng.

Thanh niên cũng như những hạng người khác trong đám dân bị trị, họ không thể tự mình gây ra chiến tranh được, tôi đã bảo. Nhưng cứ thực mà nói, ở tình cảnh họ, thanh niên lại còn ưng có chiến tranh hơn những hạng người kia.

Vậy thì làm sao có đám thanh niên ở những nước bị trị cũng lại rập với những kẻ kia hô khẩu hiệu “chống chiến tranh, ủng hộ hòa bình”?

“Ủng hộ hòa bình”? Tôi không hiểu! Vì tôi nghĩ họ chẳng có một tý quyền lực gì ủng hộ được nó. “Chống chiến tranh” cũng vậy! Tôi càng không hiểu hơn nữa là thanh niên ấy làm sao lại cũng đòi ủng hộ hoà bình, lại cũng đòi chống chiến tranh!

Thanh niên nước bị trị bảo nhau lợi dụng chiến tranh thế giới mới phải. Thanh niên Đông Dương đã biết và nhìn nhận rằng hiện nay có một bọn người toan giết hại loài người và hủy diệt văn hóa, thì nên cùng với người Pháp bảo hộ chúng ta vác súng ra trận bắn vào đầu bọn ấy cho chúng chết đi để nhờ nước Pháp tìm đường ra cho mình.

Hòa bình là thiên đàng cho dân phú cường, nhưng là thuốc phiện cho dân bị áp chế. 

PHAN KHÔI