Thầy trò trong khám/IX
Sáng sớm ra, Đàm nghe dưới đất lại có tiếng gõ ba lần, vội vàng trỗi dậy, chống tay trên đá mà lắng nghe, thì thấy có người hỏi rằng:
-- Lính-canh đã đi rồi chưa?
Đàm đáp lại:
-- Đi rồi.
-- Thế thì ta sẽ ra đó.
-- Như vậy tốt lắm.
Đàm đương còn muốn hỏi do đường nào mà ra, song chưa kịp hỏi thì bỗng dưng hòn đá mình đương chống tay đó tự nhiên lật lên. Hòn đá lật lên rồi, lòi ra một cái lỗ, vừa lọt con người, và dòm xuống sâu hoáy. Thình lình một cái đầu trọc lóc ở dưới thò lên, rồi đến cái vai, rồi đến cả thân người lum khum chui ra. Người ấy đã ra, Đàm vội nắm lấy tay, dắt đến chỗ khe cửa sổ hé sáng mà ngắm kĩ trạng mạo. Thì thấy người thấp bé, tóc hoa râm, con mắt sâu, chang mày rậm, râu dài, mặc áo quần rách rưới, trên trán mồ hôi như xối, ngó bộ buồn thiu; tuổi ước chừng sáu mươi, song hành động lẹ làng hơn người trai tráng. Người bảo Đàm rằng:
-- Cái lỗ nầy ra vào tiện lắm, nhưng phải giữ khít nước, chớ cho lính nó biết, nếu nó bắt được thì không còn mong gì nữa.
Nói rồi, cúi xuống lượm hòn đá nơi miệng lỗ mà đậy lại, như lượm cái rác, không thấy ra dáng nặng nề gì cả. Lại dặn Đàm hễ khi nào dở hòn đá ra rồi, cũng phải đậy lại cho thật kín; và hỏi luôn rằng:
-- Hoặc giả anh không có đồ lề gì chăng?
Đàm thấy nói, lấy làm lạ, trở hỏi lại rằng:
-- Vậy thì ông có sao?
-- Có chớ, tự tay ta làm ra lấy, nào dao, nào đục, nào kìm, nào dùi, đều có đủ cả.
-- Ông đã khó lòng và chịu mất công lắm mới chế ra được những đồ ấy, bây giờ có thể cho tôi xem thử được không?
-- Được chớ.
Người ấy vừa nói vừa đưa một vật cho Đàm coi mà rằng:
-- Nầy là cái đục của ta.
Đàm thấy lưỡi đục nhọn mà cán bằng săng, hỏi lấy gì làm ra. Đáp rằng:
-- Nó nguyên là cái đinh đóng trong giường. Ta mấy lâu nay đục đá xoi tường, trổ ra một con đường năm chục thước cho được đến phòng anh, ấy là nhờ nó cả. Nói xong, nhắc ghế để gần cửa sổ, biểu Đàm đứng lên, rồi mình đứng trên vai Đàm, dòm ra bên ngoài song sắt, ngó quanh bốn phía, đoạn nhảy xuống, nói rằng:
-- Ta vẫn nói có lính canh, nay thật quả như vậy.
Rồi làm thinh một chặp, không nói năng chi hết. Đàm bèn hỏi rằng:
-- Ông là ai, sanh bình ông thế nào, có thể cho tôi biết được chăng?
Ông già cúi đầu xuống hồi lâu, đáp rằng:
-- Sư Phan-lan là ta đây. Trước kia bị tù ở ngục Oai-nội-tát ba năm, đến năm 1811, giải sang cầm ở chốn nầy.
-- Ông có tội gì mà bị giam từ đó đến giờ?
- Cái chánh sách mà ta đêm ngày trù hoạch trong khoản năm 1807, tức là cái chánh sách Nã-phá-luân muốn thiệt hành ra trong năm 1811. Cái chánh-kiến của ta cũng giống như của Mã-chí-ni; ta không nỡ nào trông thấy nước Y-ta-ly chia lìa ra thành nhiều nước nhỏ, bị áp chế dưới chánh thể chuyên chế của các ông vua dữ, cho nên ta muốn hiệp lại thành một liên bang lớn, ngõ hầu làm nên nghiệp phú cường. Chẳng may nước Y-ta-ly xấu số...
Sư nói đến đó, tiếng nhỏ lần đi, đầu gục xuống gần đến bụng. Đàm thấy vậy, chẳng hiểu làm sao, hỏi rằng:
-- Bọn lính nói ông là...?
Chưa dứt lời thì sư vội tiếp rằng:
-- Là điên, chớ gì?
Đàm cười, không nói chi hết, thì sư nói luôn:
-- Vài năm nay, ai thấy ta, họ cũng cho là điên, mà ta cũng tự nhận mình là điên. Những du khách đến thăm đây đều đem ta ra làm câu chuyện mua cười, e rồi đây họ còn sẽ đem ta ra làm trò chơi cho trẻ con nữa. Nếu quả vậy thì ta cũng vui lòng chịu vậy, đành lây lất qua đời ở đây mà thôi.
Đàm nín lặng hồi lâu, rồi hỏi rằng:
-- Vậy thì ông không có ý đi trốn sao?
-- Trời chẳng chiều lòng, dầu trốn cũng không thoát được.
-- Sao ông lại non gan làm vậy? Ông đào đường hầm rút sai phương hướng đi, sao không đào lại cái khác?
-- Có dễ đâu anh! Ta chế ra đồ lề mất sáu năm, đào mất hai năm, tay chơn rục rã, mắt mờ tai sồ, sức vóc ngày một yếu; khi nghe có tiếng động thì vội vã chui vào, khi gặp hòn đá lớn chặng ngang thì lại phải mất công đến lưng nửa tháng hoặc một tháng mới dời đi mà đào thông qua được. Nay rủi ro dường ấy, có phải là tại trời chăng?
-- Theo ý tôi thì dầu không trốn được, thế cũng đã là khoái lắm; vả lại ông với tôi được tụ họp nhau, cũng đủ đỡ buồn mà.
-- Cái lỗ anh đào đó có phải là muốn do từ nơi nhà cầu mà thông ra sân rộng không?
-- Phải.
-- Có phải là ở trên đó có cái thang bằng đá mười hai nấc không?
-- Phải[1].
Chú thích
- ▲ Phần sưu tầm của Lại Nguyên Ân đến đây thiếu 1 kỳ (kỳ 14; Đông Pháp thời báo, số 755, ngày 11.8.1928)