Tam quốc diễn nghĩa (Phan Kế Bính dịch, Bùi Kỷ hiệu đính)/Hồi 56

HỒI THỨ NĂM MƯƠI SÁU

Tào Tháo ăn mừng đền Đồng-tước
Khổng Minh ba thứ khích Chu Du

Nói về Chu Du bị Khổng Minh phục ba cánh quân của Quan-công, Hoàng Trung và Ngụy Diên đánh cho đại bại. Hoàng Cái và Hàn Đương vội cứu xuống thuyền, thủy quân bị chết rất nhiều. Chu Du ngảnh trông lên thấy Huyền-đức, Khổng Minh, Tôn phu nhân và quân sĩ đóng cả trên đỉnh núi, làm gì chẳng tức điên ruột? Vết thương chưa lành, lại vỡ tung ra, ngất nhào xuống thuyền. Các tướng cứu tỉnh, quay thuyền chạy trốn. Khổng Minh không cho quân đuổi, cùng với Huyền-đức về Kinh-châu ăn mừng, khao thưởng tướng sĩ.

Chu Du về Sài-tang, còn bọn Tưởng Khâm về Nam-từ báo với Tôn Quyền. Quyền tức lắm muốn cử Trình Phổ làm đại đô đốc, đem quân sang lấy Kinh-châu. Chu Du cũng dâng thư xin điều binh sang đánh báo thù.

Trương Chiêu can rằng:

- Việc này không nên vội. Tào Tháo vẫn lăm le muốn báo thù trận Xích-bích; vì sợ Tôn, Lưu hai nhà đồng tâm với nhau, cho nên chưa dám làm. Nay chúa công vì tức giận chốc lát vội vàng gây sự đánh nhau, Tháo tất nhiên thừa cơ đến đánh, nước Ngô ta sẽ nguy khốn ngay.

Cố Ung cũng nói:

- Ở đây thế nào chẳng có quân do thám của Hứa-đô? Nếu biết Tôn, Lưu bất hòa, Tháo tất nhiên sai người đến câu kết với Lưu Bị. Bị e sợ Giang-đông, sẽ phải đi theo Tào Tháo. Như thế Giang-nam bao giờ mới được yên ổn? Không gì bằng sai người đến Hứa-đô, tâu xin cho Lưu Bị làm chức châu mục ở Kinh-châu. Tào Tháo thấy vậy, tất nhiên lo sợ không dám nhòm đến mặt đông nam, và Lưu Bị cũng không oán gì chúa công nữa. Rồi ta sẽ sai người tâm phúc, dùng kế phản gián, làm cho Tào Tháo với Lưu Bị đánh lẫn nhau, bấy giờ ta sẽ thừa cơ tính lấy, chắc chắn thắng lợi.

Quyền khen rằng:

- Nguyên-thán nói chí phải! Nhưng ai đi sứ được đây?

Cố Ung nói:

- Ở đây có một người Tào Tháo rất kính mến, có thể đảm nhận việc ấy được.

Quyền hỏi người nào.

Ung đáp:

- Hoa Hâm hiện có mặt ở đây, sao không sai hắn?

Quyền mừng lắm, sai ngay Hoa Hâm mang biểu đến Hứa-đô. Hâm lĩnh mệnh lên đường thẳng đến Hứa-đô xin ra mắt Tào Tháo. Được tin Tháo đang hội cả quần thần ở Nghiệp-quận ăn mừng đền Đồng-tước, Hâm liền đến ngay Nghiệp-quận.

Tào Tháo từ khi thua ở Xích-bích, vẫn có ý muốn đánh báo thù, nhưng còn ngại Tôn, Lưu đồng tâm hiệp lực, nên chưa dám khinh động.

Năm Kiến-an thứ 15 (210) đền Đồng-tước hoàn thành, Tháo hội cả các quan văn võ ở Nghiệp-quận, mở tiệc ăn mừng.

Đền này xây trên bờ Chương-hà; tòa chính giữa gọi là Đồng-tước; tòa bên phải là Ngọc-long; tòa bên hữu là Kim- phượng, đều cao mười trượng; hai bên xây hai cái cầu cuốn thông với nhau, trăm ngàn cửa ngõ, trong đền ngoài cửa, vàng son choáng lộn.

Hôm ấy, Tháo đầu đội mũ vàng khảm ngọc, mình mặc áo bào gấm xanh, giầy kết hạt châu, ngồi chễm chệ ở tầng trên; các văn võ đứng hầu bên dưới. Tháo muốn xem các tướng thi cung tên, bèn sai người hầu cận mang một chiếc chiến bào bằng gấm Tây-xuyên, treo trên cành liễu. Dưới gốc cây, dựng một cái bia, chỗ đứng bắn cách xa một trăm bước; các tướng chia làm hai đội: người tôn tộc họ Tào mặc áo bào đỏ, còn các tướng khác mặc áo bào xanh. Ai nấy đều đeo cung cứng tên dài, cưỡi ngựa đứng sẵn chờ lệnh.

Tháo truyền lệnh rằng:

- Ai bắn trúng hồng tâm, thì được thưởng cẩm bào, nếu bắn không trúng sẽ bị phạt một chén nước lã.

Lệnh vừa truyền xuống, trong đội áo đỏ có một tướng trẻ tuổi, tế ngựa nhảy ra. Chúng trông xem ai, thì là Tào Hưu. Hưu phi ngựa dạo đi dạo lại hai ba vòng, rồi rút một mũi tên, giương đẫy sức cung, bắn ra một phát, trúng giữa hồng tâm. Chiêng trống nổi lên, tiếng reo mừng ầm ĩ. Tào Tháo ngồi trên cũng mừng nói rằng:

- Đó là ngựa thiên lý của nhà ta đó!

Vừa toan sai người ra lấy áo vào thưởng cho Tào Hưu, thì trong đội áo xanh có một tướng tế ngựa ra kêu lên rằng:

- Áo bào của thừa tướng, nên nhường cho chúng tôi là người ngoài lấy trước, trong tôn tộc không nên tranh lấy phần hơn.

Tháo nhìn xem ai, thì là Văn Sính.

Các quan nói:

- Hãy để xem Văn-trọng bắn thế nào đã!

Văn Sính giương cung, tế ngựa, bắn một phát, cũng trúng hồng tâm. Mọi người reo mừng ầm ĩ, chiêng trống khua vang. Sính hô lớn lên rằng:

- Đem áo bào lại đây mau!

Đội áo đỏ lại có một tướng tế ngựa ra thét lên rằng:

- Văn-liệt bắn trước, sao ngươi lại dám nẫng tay trên? Hãy xem ta bắn để giải hòa cho cả hai ngươi đây này!

Nói đoạn, giương cung bắn một phát, cũng trúng hồng tâm. Chúng vỗ tay reo ầm cả lên, trông ra thì là Tào Hồng. Hồng sắp lên lĩnh áo, lại có một tướng trong đội áo xanh chạy ra giương cung nói lớn:

- Ba anh bắn thế chưa tài, xem ta bắn đây nhé!

Chúng nhìn xem ai, thì là Trương Cáp. Cáp phi ngựa, quay lưng lại, bắn một phát, cũng trúng hồng tâm nốt. Bốn mũi tên cắm thành vòng trong hồng tâm. Ai cũng khen là tài bắn cả. Cáp nói:

- Cẩm bào phải về tay ta chớ!

Cáp nói chưa dứt lời, bỗng lại có một tướng áo đỏ tế ngựa ra nói rằng:

- Ngươi quay lưng lại bắn cũng chưa giỏi! Hãy xem ta bắn trúng hồng tâm giữa bốn mũi tên cho mà xem.

Tướng ấy là Hạ-hầu Uyên. Uyên tế ngựa ra đứng chỗ cữ bắn, cũng quay mình lại bắn một phát, trúng ngay vào khoảng giữa bốn mũi tên. Chiêng trống lại khua ầm ĩ. Uyên kìm ngựa, thu cung lại reo lên rằng:

- Mũi tên này đã đáng lấy áo bào chưa?

Lại có một tướng áo xanh nhảy ra gọi rằng:

- Hãy để áo gấm ấy cho Từ Hoảng!

Uyên hỏi:

- Anh còn bắn thế nào tài hơn được ta nữa, mà đòi lấy áo gấm?

- Anh bắn tin hồng tâm cũng chưa giỏi! Hãy xem ta bắn lấy cái áo gấm đây này!

Nói đoạn, Hoảng bèn giương cung đặt tên, ngắm cành liễu bắn một phát, cành liễu gẫy đôi, áo bào rơi xuống đất, Từ Hoảng tế ngựa lại lấy áo khoác lên vai, lên trước đền, bẩm to rằng:

- Tạ ơn thừa tướng ban áo gấm!

Tào Tháo và các quan ai cũng khen là tài. Hoảng quay ngựa toan trở về, bỗng có một tướng áo xanh nhảy xổ ra gọi rằng:

- Anh mang áo đi đâu? Hãy mau để đó cho ta!

Chúng trông ra thì là Hứa Chử.

Từ Hoảng nói:

- Áo đã ở trong tay ta rồi, anh cướp lại sao nổi?

Chử chẳng nói chẳng rằng, xốc ngựa tới giật lấy áo bào. Hai ngựa giáp nhau, Hoảng cầm cung giọt Hứa Chử. Chử một tay nắm lấy cung, một tay lôi Hoảng khỏi bàn đạp. Hoảng bỏ cung nhẩy xuống ngựa, Chử cũng nhảy xuống theo. Hai người giằng co vật lộn. Tháo vội vàng sai người ra gỡ, thì áo chiến bào đã rách tả tơi. Tháo gọi hai người lên cả trên đền. Từ Hoảng trợn mày trừng mắt; Hứa Chử mím miệng nghiến răng; hai người chỉ lăm le chực đánh nhau.

Tháo cười, bảo rằng:

- Ta chỉ nhờ sức mạnh của các ông, có tiếc gì một cái áo gấm?

Liền gọi các tướng lên hết cả trên đền, ban cho mỗi người một tấm gấm Tây-xuyên. Các tướng cùng lạy tạ. Tháo mời các tướng ngồi theo thứ tự ăn yến. Tiếng nhạc vang lừng; trên cạn dưới nước trăm thứ trò vui; quan văn tướng võ, chén thù chén tạc, vui vẻ vô cùng.

Tháo bảo các quan văn rằng:

- Tướng võ thì lấy cưỡi ngựa bắn cung tên làm vui, uy dũng như thế đủ rồi. Còn các ông đều là học trò hay chữ, đã lên đến chỗ đền cao, sao không vịnh một bài thơ hay để ghi lấy thắng cảnh này?

Các quan văn đều khom lưng, thưa:

- Xin tuân lệnh!

Bấy giờ, bọn quan văn có Vương Lãng, Chung Do, Vương Sán, Trần Lâm mỗi người hiến một bài thơ, bài nào cũng ca tụng công đức Tào Tháo như trời biển, xứng đáng lên ngôi thiên tử. Tháo xem từng bài, rồi cười mà nói rằng:

- Các ông văn hay, khen ta khí quá lời. Ta vốn là người ngu lậu, khi trước cũng may mà đỗ hiếu liêm. Sau do, gặp phải buổi thiên hạ loạn lạc, ta có làm một cái nhà mát cách thành Tiêu-đông năm mươi dặm. Ta cũng muốn mùa xuân mùa hạ thì đọc sách, mùa thu mùa đông thì săn bắn; đợi khi nào thiên hạ thái bình, mới ra làm quan. Không ngờ triều đình triệu ra cho làm điển quân hiệu úy. Ta mới đổi nguyện vọng xưa, muốn ra dẹp giặc, lập công với nước, chỉ mong sau khi ta mất đi, được đề ở trên mộ chí rằng: "Mộ của quan cố Chinh tây tướng quân Tào hầu". Ấy thế là ta mãn nguyện. Nhớ lại, từ khi ta giết Đổng Trác, quét sạch Khăn vàng, trừ được Viên Thuật, phá được Lã Bố, dẹp tan đám Viên Thiệu, Lưu Biểu, dần dần bình định được cả thiên hạ, mình làm đến chức tể tướng ngôi phú quý tưởng cũng đã tột bậc rồi, còn mong gì hơn nữa? Nếu triều đình không có ta, chưa biết bao người xưng đế, bao kẻ xưng vương rồi đó? Lắm người thấy ta quyền cao chức trọng, ngờ cho ta có bụng này khác, thật là lầm lớn! Ta thường nhớ Khổng Tử khen đức tốt của vua Văn-vương nhà Chu, lời xưa ta vẫn canh cánh bên lòng. Nhưng muốn cho ta bỏ binh quyền đi, ra ở chỗ đất được phong là Võ bình hầu, thì cũng không xong; vì ta không còn binh quyền trong tay, tất sẽ bị kẻ khác hãm hại. Ta mà bị hại, thì nhà nước cũng sụp đổ. Bởi thế ta không thể mến cái tiếng hão mà mang cái vạ thật, chắc các ông không ai biết nỗi lòng cho ta!

Các quan cùng đứng dậy, lạy mà nói rằng:

- Dẫu Y Doãn, Chu Công ngày xưa cũng không bằng được thừa tướng!

Người sau có thơ rằng:

Vương Mãng trong khi tôn kẻ sĩ,
Chu công giữa lúc bị gièm pha,
Giá phỏng bấy giờ đều chết cả,
Còn ai biết được chính hay tà?

Tào Tháo uống luôn vài cốc rượu, không ngờ say quá, gọi tả hữu mang nghiên bút đến, cũng toan đề chơi một bài thơ Đồng-tước. Tháo sắp hạ bút xuống viết, chợt có tin báo rằng:

- Đông Ngô sai Hoa Hâm đến đây dâng biểu, tâu xin cho Lưu Bị làm Kinh-châu mục. Tôn Quyền gả em gái cho Lưu Bị, chín quận trên sông Hán đã về tay Lưu Bị quá nửa rồi!

Tháo nghe nói hoảng sợ, chân tay luống cuống, quẳng ngay bút xuống đất.

Trình Dục hỏi:

- Thừa tướng đang lúc ở giữa đám quân trăm vạn, tên đạn bời bời, chưa khi nào phải sợ hãi đến thế, nay nghe thấy Lưu Bị được Kinh-châu, sao mà thất kinh làm vậy?

Tháo nói:

- Lưu Bị như con rồng trong đám người; xưa nay chưa được xuống nước bao giờ; nay được Kinh-châu khác nào rồng khô mà vào bể lớn, trách nào ta chẳng giật mình.

Trình Dục nói:

- Thừa tướng có biết Hoa Hâm đến đây là có ý làm sao chưa?

Tháo nói:

- Chưa biết.

Dục nói:

- Tôn Quyền vốn ghét Lưu Bị, muốn cất quân đến đánh, lại sợ thừa tướng thừa cơ đến báo thù, cho nên dâng biểu tiến cử Lưu Bị để Bị yên lòng và để thừa tướng đừng mong mỏi gì nữa.

Tháo gật đầu nói rằng:

- Ngươi nói phải lắm!

Dục lại nói:

- Tôi có một mẹo này, khiến cho Tôn Lưu xâu xé lẫn nhau, rồi thừa tướng sẽ thừa cơ đánh phá, chỉ một trận là diệt được cả hai bên.

Tháo mừng lắm, hỏi mẹo làm sao.

Trình Dục thưa:

- Đông Ngô chỉ trông cậy vào Chu Du. Thừa tướng nên tâu phong cho Chu Du làm thái thú ở Nam-quận; Trình Phổ làm thái thú ở Giang-hạ, còn Hoa Hâm thì cho ngay làm quan ở đây. Như thế Chu Du tất sinh thù địch với Lưu Bị. Ta sẽ thừa cơ hai bên xâu xé nhau, mà đánh thì có hay hơn không?

Tháo nói:

- Lời Trọng-đức hợp ý ta lắm!

Liền gọi Hoa Hâm đến đền, thưởng cho rất hậu.

Hôm ấy tan tiệc, Tháo dẫn văn võ về Hứa-xương, tâu phong cho Chu Du làm thái thú Nam-quận; Trình Phổ làm thái thú Giang-hạ; Hoa Hâm làm đại-lý thiếu-khanh ở lại kinh-đô.

Sứ mệnh đưa tới Đông Ngô, Chu Du, Trình Phổ đều nhận tước phong cả. Du lĩnh chức rồi, lại càng nghĩ cách báo thù, mới dâng thư lên Ngô hầu, xin sai Lỗ Túc sang đòi Kinh-châu.

Quyền gọi Lỗ Túc vào bảo rằng:

- Ngươi bầu chủ cho Lưu Bị mượn Kinh-châu, nay hắn dây dưa mãi không trả, còn đợi đến bao giờ?

Túc thưa:

- Trong văn khế hẹn rằng khi nào lấy được Tây-xuyên mới trả kia mà!

Quyền gắt mắng:

- Cứ nói lấy được Tây-xuyên, nay vẫn chưa thấy động binh, còn đợi đến già à?

Túc thưa:

- Vậy tôi xin sang đòi.

Nói rồi, liền đi thuyền sang Kinh-châu.

Huyền-đức, Khổng Minh lâu nay ở Kinh-châu, tích chứa lương thảo, luyện tập quân mã, hiền sĩ gần xa quy phục rất nhiều. Sực có tin báo Lỗ Túc đến, Huyền-đức hỏi Khổng Minh:

- Tử-kính đến chuyến này có mục đích gì?

Khổng Minh nói:

- Mới rồi, Tôn Quyền tâu cho chúa công làm Kinh-châu mục, là vì sợ Tào Tháo. Tháo phong Chu Du làm thái thú Nam-quận là muốn cho Tôn, Lưu đánh lẫn nhau, hắn ở giữa kiếm lợi. Nay Lỗ Túc đến đây, tất là Chu Du thụ chức rồi, sai Túc sang đòi Kinh-châu đó thôi.

Huyền-đức hỏi:

- Thế thì trả lời làm sao?

Khổng Minh đáp:

- Nếu Lỗ Túc nhắc đến việc Kinh-châu, thì chúa công cứ òa lên khóc, khóc đến chỗ thảm thiết, tôi sẽ xin ra khuyên giải.

Bàn định đâu đấy, Huyền-đức ra tiếp Lỗ Túc vào phủ ngồi chơi.

Túc nói:

- Hoàng thúc nay đã là rể Đông Ngô, tức như chúa công tôi, tôi đâu dám ngồi.

Huyền-đức nói:

- Tử-kính là bạn của ta, sao quá khiêm tốn vậy?

Túc mới ngồi; uống trà xong, Túc nói:

- Tôi phụng mệnh Ngô hầu, chỉ vì việc Kinh-châu mà đến đây. Hoàng thúc mượn Kinh-châu cũng đã lâu rồi, nay hai nhà lại kết thân với nhau, nên nể mặt nhau một chút, mau trao trả cho xong.

Huyền-đức nghe nói, ôm ngay mặt khóc hu hu lên. Túc sợ, hỏi:

- Sao hoàng thúc lại thế?

Huyền-đức cứ khóc. Khổng Minh ở sau bình phong, bước ra nói:

- Tử-kính có hiểu cớ làm sao mà chúa công tôi khóc thế không?

Túc nói:

- Tôi thật không biết.

Khổng Minh nói:

- Có khó gì mà không biết. Trước kia chúa công tôi mượn Kinh-châu có hẹn rằng bao giờ lấy được Tây-xuyên thì trả. Nhưng suy đi nghĩ lại: Lưu Chương ở Ích-châu là em chúa công tôi, đôi bên cùng là máu mủ nhà Hán cả. Nếu cất quân sang cướp lấy thành trì, e thiên hạ chê cười; Ích-châu đã không lấy được mà lại phải trả Kinh-châu thì còn chỗ nào mà ở? Mà không trả thì e mất thân tình, việc thực khó nghĩ, bởi thế mới đau lòng mà khóc.

Khổng Minh nói động đến niềm tâm sự của Huyền-đức, Huyền-đức càng ôm bụng giẫm chân, khóc ầm lên. Lỗ Túc khuyên rằng:

- Hoàng thúc chớ nên phiền não, hãy bàn với Khổng Minh thế nào cho phải thì thôi!

Khổng Minh nói:

- Nhờ Tử-kính về ra mắt Ngô hầu, xin chớ tiếc lời, hãy tha thiết bày tỏ cái tình cảnh này mà cho khoan hạn ít lâu nữa.

Túc nói:

- Lỡ Ngô hầu không nghe thì làm thế nào?

Khổng Minh nói:

- Ngô hầu đã gả em gái cho hoàng thúc tôi, có lẽ nào chẳng nghe? Nhờ Tử-kính về nói đỡ cho khéo.

Lỗ Túc vốn là người nhân từ độ lượng, thấy Huyền-đức sầu não làm vậy, đành phải vâng lời. Huyền-đức và Khổng Minh bái tạ. Tiệc xong, Lỗ Túc từ biệt xuống thuyền, đi thẳng đến Sài-tang, thuật chuyện lại với Chu Du.

Du giẫm chân xuống đất nói rằng:

- Tử-kính lại mắc lừa Gia-cát Lượng rồi! Khi xưa, Lưu Bị ở nhờ Lưu Biểu, còn có bụng muốn cướp lấy Kinh-châu, huống chi là Lưu Chương ở Tây-xuyên? Y cứ nói quanh mãi thế này, chẳng khỏi lụy đến ông mất! Nay ta có một mẹo này, chắc Gia-cát Lượng không sao thoát được, Tử-kính phải đi cho một chuyến nữa mới xong.

Túc hỏi:

- Xin cho tôi được biết mưu hay ra sao?

Du đáp:

- Tử-kính không phải đến Ngô hầu làm chi, cứ lại sang Kinh-châu, bảo với Lưu Bị rằng: "Tôn, Lưu hai nhà đã kết thân với nhau, thì cũng như một nhà. Nếu hoàng thúc không nỡ lấy Tây-xuyên, hãy để Đông Ngô khởi quân đi đánh lấy hộ. Lấy được Tây-xuyên rồi, thì Đông Ngô đem châu ấy làm của hồi môn, mà hoàng thúc thì phải trả Kinh-châu cho Đông Ngô".

Túc nói:

- Tây-xuyên xa xôi lắm, chưa dễ đã lấy được, kế ấy của đô đốc, có lẽ không xong chăng?

Du cười nói rằng:

- Tử-kính ngay thật quá! Ông tưởng tôi lấy Tây-xuyên thật cho hắn ư? Ta mượn tiếng lấy Tây-xuyên, kỳ thực là sang lấy Kinh-châu, để hắn không đề phòng trước. Quân mã ta kéo sang Tây-xuyên phải đi qua Kinh-châu, ta bắt y phải cung cấp tiền lương. Lưu Bị thế nào cũng ra khao quân, ta sẽ thừa cơ giết phăng đi, rồi cướp lấy Kinh-châu. Có thế, mới rửa được hận của ta, mà gỡ luôn cả vạ cho ông nữa!

Lỗ Túc mừng lắm, lại sang ngay Kinh-châu. Khổng Minh bàn với Huyền-đức rằng:

- Lỗ Túc chắc chưa về nói với Ngô hầu, mà chỉ đến Sài-tang cùng Chu Du bày mưu lập kế gì đó để nhử ta đó thôi. Nhưng hắn nói câu gì, hễ chúa công thấy tôi gật đầu, thì cứ việc nhận lời.

Bàn định xong xuôi, Lỗ Túc vào chào hỏi rồi nói:

- Ngô hầu ca tụng nhân đức của hoàng thúc lắm, nên bàn với các tướng muốn cất quân sang lấy đỡ Tây-xuyên cho hoàng thúc, để đổi lấy Kinh-châu, và để làm của hồi môn. Khi quân mã đi qua, phiền hoàng thúc ứng biện đỡ cho ít nhiều tiền lương.

Khổng Minh nghe xong, gật lấy gật để, nói rằng:

- Quý báu quá! Không mấy người được tốt bụng như Ngô hầu.

Huyền-đức chắp tay cảm tạ rằng:

- Đó là nhờ Tử-kính khéo nói giúp cho đấy!

Khổng Minh nói:

- Khi nào quân mã quý quốc đi qua đây, sẽ xin ra tận ngoài xa nghênh tiếp, khao quân tử tế.

Lỗ Túc mừng lắm, ăn yến xong, từ biệt ra về.

Huyền-đức hỏi Khổng Minh:

- Thế là ý làm sao?

Khổng Minh cười ầm lên nói rằng:

- Chu Du đến ngày sắp chết đây! Mưu kế ấy đến trẻ con nó cũng biết nữa là!

Huyền-đức vẫn chưa nghe ra, lại hỏi. Khổng Minh nói:

- Đó là mẹo "mượn đường diệt Quắc"[1] khi xưa, tiếng là lấy Xuyên, kỳ thực là lấy Kinh-châu, đợi khi nào chúa công ra thành khao quân, thì thừa cơ bắt lấy, rồi đánh ùa vào thành; đó gọi là đánh vào chỗ sơ hở, lừa lúc ta không để ý đấy thôi!

Huyền-đức hỏi:

- Ta nên làm thế nào?

- Chúa công hãy yên tâm. Ta cần phải dự sẵn cung tốt để bắn hổ mạnh, móc sẵn mồi thơm để giật cá ngao. Chu Du mà đến đây, chẳng chết thì cũng ngắc ngoải.

Liền gọi Triệu Vân lại dặn kế: "Như thế, như thế... ngoài ra mặc ta bố trí". Huyền-đức mừng lắm.

Người sau có thơ than rằng:

Chu Du lập mẹo lấy Kinh-châu,
Gia-cát tài tình biết đã lâu.
Vẫn tưởng sông dài mồi đớp gọn,
Nào ngờ cá lại mắc vào câu!

Lỗ Túc trở về thuật lại với Chu Du, nói Huyền-đức, Khổng Minh mừng lắm, đã sắp sẵn để ra thành khao quân.

Du cười ha hả nói:

- Gia-cát giỏi mấy thì phen này cũng mắc mưu của ta!

Liền sai Lỗ Túc về báo với Ngô hầu, và cho Trình Phổ dẫn quân tiếp ứng.

Bấy giờ bệnh tình của Chu Du đã tạm bình phục, thân thể đã khỏe mạnh. Du sai Cam Ninh làm tiên phong, Du cùng với Từ Thịnh, Đinh Phụng làm đội thứ hai; Lăng Thống, Lã Mông làm hậu đội. Quân thủy bộ cả thảy năm vạn, kéo sang Kinh-châu. Chu Du ngồi trong thuyền, cười cười nói nói, đinh ninh là Gia-cát Lượng mắc mẹo.

Tiền quân kéo đến Hạ-khẩu, Chu Du hỏi:

- Kinh-châu có ai đến nghênh tiếp đó không?

Quân sĩ bẩm:

- Lưu Huyền-đức sai My Chúc đến hầu đô đốc.

Du cho gọi vào hỏi lễ khao quân ra làm sao? Chúc bẩm:

- Chúa công tôi đã dự bị sẵn sàng cả rồi!

Du hỏi:

- Hoàng thúc ở đâu?

Chúc thưa:

- Ở ngoài thành Kinh-châu, chỉ đợi đô đốc đến để chúc rượu mừng.

Du nói:

- Nay Đông Ngô ta vì việc của nhà ngươi, phải mang quân đi đánh tận nơi xa, lễ lạt khao quân, phải cho tử tế!

My Chúc xin vâng rồi từ biệt trở ra. Du sai dàn thuyền kín cả mặt sông, lần lượt kéo đi. Gần đến Công-an, cũng không thấy một chiếc thuyền, một bóng người nào ra nghênh tiếp.

Chu Du giục thuyền đi cho mau, chỉ còn cách Kinh-châu độ mười dặm, trên mặt sông vẫn lặng ngắt như tờ. Quân do thám về báo rằng:

- Trên thành Kinh-châu, chỉ thấy phất phơ hai lá cờ trắng, ngoài ra chẳng có một ai.

Du trong bụng nghi hoặc, sai áp thuyền vào bờ, lên bộ, dẫn Cam Ninh, Từ Thịnh, Đinh Phụng và ba nghìn quân sĩ, nhằm Kinh-châu đi tới. Đến tận dưới thành, vẫn không thấy gì. Du ghìm ngựa lại sai quân sĩ gọi cửa. Quân trên thành hỏi ai? Quân Ngô đáp:

- Có Chu đô đốc ở Đông Ngô đến đây!

Nói chưa dứt lời, bỗng một hồi mõ nổi lên, quân sĩ trên mặt thành nhất tề gươm giáo dựng lên tua tủa. Rồi thấy Triệu Vân đứng trên chòi cao, gọi hỏi rằng:

- Đô đốc đến đây có việc gì?

Du nói:

- Ta thay chủ ngươi đi lấy Tây-xuyên, ngươi chưa biết à?

Vân nói:

- Quân sư tôi đã biết đô đốc dùng mẹo "mượn đường diệt Quắc" nên sai tôi giữ ở đây. Chúa công tôi nói: "Ta với Lưu Chương đều là tôn thân nhà Hán cả, sao nỡ trái nghĩa mà cướp lấy Tây-xuyên? Nếu Đông Ngô thật sự đánh Tây-xuyên, ta sẽ xõa tóc vào ẩn trong núi, chớ không chịu mất tín nghĩa với thiên hạ!".

Chu Du nghe vậy, quay ngựa trở về, bỗng thấy một người cầm cờ lệnh đến báo rằng:

- Chúng tôi dò biết có quân mã bốn mặt kéo đến: Quan Vân-trường từ Giang-lăng; Trương Phi từ Di-lăng; Hoàng Trung ở Công-an; Ngụy Diên thì từ con đường nhỏ Sàn-lăng; bốn mặt có không biết bao nhiêu quân mã kéo đến, tiếng reo vang trời dậy đất, chúng hò hét: "Chuyến này nhất định bắt sống Chu Du!".

Du gầm lên một tiếng, ngã nhào xuống ngựa.

Đó là:

Một nước cờ cao, khôn gỡ được,
Mấy phen tính toán mất công không!

Chưa biết tính mệnh Chu Du phen này ra sao, xem đến hồi sau sẽ rõ.

  1. Đời Xuân thu, nước Tấn mượn đường của nước Ngu để đi qua cướp nước Quắc, cướp xong nước Quắc, liền quay lại cướp luôn nước Ngu.