Tam quốc diễn nghĩa (Phan Kế Bính dịch, Bùi Kỷ hiệu đính)/Hồi 54

HỒI THỨ NĂM MƯƠI TƯ

Ngô quốc thái đến chùa xem rể hiền
Lưu hoàng thúc động phòng cưới vợ mới

Đây nói Khổng Minh nghe tin Lỗ Túc đến liền cùng Huyền-đức ra tiếp vào dinh. Chào hỏi xong, Lỗ Túc nói:

- Chúa công tôi nghe tin công tử mất, sai tôi đem chút lễ mọn đến kính viếng. Chu đô đốc tôi cũng ân cần gửi lời thăm hoàng thúc và Gia-cát tiên sinh.

Huyền-đức, Khổng Minh đứng dậy tạ ơn, nhận lấy lễ vật, rồi đặt tiệc khoản đãi.

Túc nói:

- Trước kia hoàng thúc đã hứa khi nào công tử mất thì trả lại Kinh-châu. nay công tử qua đời rồi, chưa biết ngày nào hoàng thúc mới trao trả?

Huyền-đức nói:

- Mời ông hãy uống rượu, tôi xin thưa chuyện.

Túc uống gượng vài chén, lại hỏi. Huyền-đức chưa kịp trả lời, Khổng Minh sầm mặt lại, nói:

- Tử-kính thật không biết điều, cứ đợi người ta phải nói! Từ khi đức Cao-hoàng chém rắn khởi nghĩa, khai cơ lập nghiệp truyền đến bây giờ, chẳng may gian hùng nổi dậy, mỗi người chiếm cứ một phương. Nhờ có lòng trời, thiên hạ lại trở về chính thống. Chúa công tôi là dòng dõi Trung-sơn Tĩnh-vương, cháu vua Hiếu Cảnh, lại là chú của đương kim hoàng đế, có lẽ đâu không được mảnh đất phong nào? Vả lại, Lưu Cảnh-thăng là anh chúa công tôi, thế thì em nối nghiệp anh, có việc gì là không được? Chủ của ông, chẳng qua là một người tiểu lại ở Tiền-đường, xưa nay có công đức gì với triều đình đâu, nay cậy sức mạnh, chiếm giữ sáu quận tám mươi mốt châu rồi, sao lòng tham không đáy, còn muốn nuốt cả đất nhà Hán. Thiên hạ của họ Lưu, chủ tôi họ Lưu không được phần nào, chủ ông họ Tôn, lại muốn tranh cướp, thế còn ra nghĩa lý gì? Huống chi, trận Xích-bích chủ tôi cũng tốn bao công sức, các tướng cũng đều khó nhọc cả, chớ có phải một mình Đông Ngô của ông làm nổi đâu? Nếu ta không mượn giúp cho gió đông nam, thì Chu Du sao có dùng được kế? Giang-nam bị phá, chẳng những hai nàng Kiều phải nhốt ở đền Đồng-tước mà ngay vợ con các ông cũng khó toàn được. Mới rồi chúa công tôi không nói ngay, cũng tưởng ông là người cao minh, chẳng cần nói nhiều, sao ông không biết nghĩ thế?

Bị Khổng Minh nói một hồi, Lỗ Túc ngồi im thin thít không nói được câu nào, một lúc lâu mới đáp:

- Tiên sinh nói cũng có lý, nhưng đối với tôi, có nhiều điều không tiện.

Khổng Minh hỏi:

- Không tiện ở chỗ nào?

Túc đáp:

- Khi xưa hoàng thúc bị khốn ở Nam-dương, chính Túc này dẫn tiên sinh đến ra mắt chúa công tôi. Về sau, Chu Công-cẩn định cất quân lấy Kinh-châu, tôi lại ngăn được. Đến việc hoàng thúc hứa đợi khi nào công tử qua đời sẽ trả Kinh-châu, tôi lại cũng gánh vác cho nốt. Nay hoàng thúc lại không giữ lời hứa, bảo tôi về ăn nói làm sao bây giờ? Chủ tôi và Công-cẩn tất nhiên bắt tội tôi; tôi có chết cũng không oán hận, chỉ sợ Đông Ngô bực tức, dấy động can qua thì hoàng thúc sẽ cũng chả ngồi yên được ở Kinh-châu, thành ra chỉ bày trò cười cho thiên hạ đó thôi.

Khổng Minh nói:

- Tào Tháo cầm quân trăm vạn, hơi một tý cũng mượn tiếng thiên tử, tôi cũng còn chẳng coi ra mùi gì, huống nữa là Chu Công-cẩn! Để ông khỏi mất thể diện, tôi xin khuyên chúa công tôi lập văn tự mượn Kinh-châu làm vốn, đợi khi nào lấy được chỗ khác, sẽ đem Kinh-châu trả lại Đông Ngô. Ý kiến ông thế nào?

Túc hỏi:

- Tiên sinh đợi lấy được chỗ nào rồi mới trả Kinh-châu cho Đông Ngô tôi?

Khổng Minh đáp:

- Trung-nguyên chưa dễ đã lấy được; chỉ có Lưu Chương ở Tây Xuyên hèn yếu lắm, chủ tôi sẽ tính. Nếu lấy được Tây Xuyên, thì sẽ trả Kinh-châu cho Đông Ngô.

Túc không làm sao được, phải nghe vậy.

Huyền-đức viết một tờ văn tự, ký tên xong, Khổng Minh cũng ký tên làm chứng. Rồi nói với Lỗ Túc rằng:

- Tôi là người nhà hoàng thúc, không lẽ trong nhà lại bảo lĩnh cho nhau; vậy phiền Tử-kính cũng ký tên vào đây, đem về Ngô hầu xem cho chắc chắn.

Túc nói:

- Tôi tin Lưu hoàng thúc là người nhân nghĩa, chắc không nỡ phụ nhau.

Nói xong, bèn ký tên và nhận lấy văn tự. Tiệc tan Lỗ Túc từ biệt ra về. Huyền-đức, Khổng Minh tiễn ra thuyền, Khổng Minh dặn rằng:

- Tử-kính về nói với Ngô hầu cho khéo, đừng có nghĩ càn. Nếu không nhận văn tự đó, chúng ta trở mặt thì cả tám mươi mốt châu Giang-nam cũng bị mất nốt đó! Nay chỉ cốt hai nhà hòa thuận với nhau, chớ nên để cho giặc Tào chê cười.

Túc cáo biệt, xuống thuyền về thẳng Sài-tang, trước ra mắt Chu Du. Du hỏi:

- Tử-kính đòi Kinh-châu ra sao?

Túc đáp:

- Có văn tự đây.

Nói rồi, đưa văn tự trình Chu Du. Du giẫm chân xuống đất nói rằng:

- Tử-kính mắc lừa Gia-cát Lượng rồi! Tiếng là họ mượn đất, kỳ thật họ chực nuốt không. Họ nói lấy được Tây Xuyên sẽ trả, giả thử mười năm chưa lấy được thì mười năm cũng không trả hay sao? Văn tự thế thì có giá trị gì, mà ông cũng ký tên bảo lĩnh? Nếu họ không trả chắc sẽ liên lụy đến ông. Và chúa công bắt tội, thì ông làm thế nào?

Túc ngồi ngẩn ra một lúc, rồi đáp:

- Huyền-đức chắc không phụ tôi đâu.

Du nói:

- Tử-kính thật thà quá, không biết Lưu Bị như con cú dữ, Gia-cát Lượng là đồ gian giảo; bọn họ chả ngay thật như bụng dạ ông đâu.

Túc nói:

- Nếu thế, tôi biết nghĩ làm sao bây giờ?

Du nói:

- Tử-kính là người có ân với ta, nhớ khi tặng cho ta vựa thóc, lẽ đâu ta chẳng cứu? Ông hãy khoan tâm, để thư thả vài hôm, đợi người đi do thám Giang-bắc về đây xem thế nào, ta sẽ có kế.

Lỗ Túc tỏ vẻ sợ hãi, không được yên tâm.

Qua vài hôm, quân do thám về báo:

- Trong thành Kinh-châu cắm nhiều cờ trắng; ngoài thành mới xây một nấm mồ mới, quân sĩ đều mặc đồ tang.

Du ngạc nhiên, hỏi:

- Ai chết thế?

Quân do thám đáp:

- Cam phu nhân mới mất; bên ấy đang sửa soạn ma chay.

Du bảo Lỗ Túc rằng:

- Kế ta nhất định thành công! Phen này quyết làm cho Lưu Bị phải bó tay chịu trói; Kinh-châu lấy lại dễ như trở bàn tay.

Túc hỏi:

- Kế ra làm sao?

Du đáp:

- Lưu Bị chết vợ, tất nhiên phải lấy vợ khác. Chúa công có cô em gái hùng dũng lắm, luôn luôn có vài trăm thị tỳ cắp gươm hầu bên cạnh, trong phòng lại bày la liệt đủ thứ vũ khí, ngay đàn ông cũng không giỏi bằng. Ta dâng thư lên chúa công, xin cho người sang Kinh-châu làm mối, dụ Lưu Bị sang đính hôn, rồi lừa hắn đến Nam-từ, không gả người cho mà bắt giam lại. Đoạn sai người đến đòi Kinh-châu, đánh đổi Lưu Bị. Khi nào lấy được Kinh-châu, ta sẽ lại liệu. Như thế Tử-kính cũng không phải lo gì nữa!

Lỗ Túc bái tạ.

Chu Du bèn viết thư, chọn thuyền tốc hành đưa Lỗ Túc sang Nam-từ ra mắt Tôn Quyền. Đến nơi trước hết Túc trình bày việc Kinh-châu, và đưa tờ văn tự lên.

Quyền nói:

- Sao ngươi hồ đồ thế? Cái thứ văn tự này dùng được việc gì?

Túc nói:

- Đô đốc có thư đệ trình, bảo dùng kế đó thì sẽ lấy lại được Kinh-châu.

Quyền xem xong gật đầu mừng thầm, nghĩ bụng:

- Ai có thể đi được nhỉ?

Rồi sực nhớ ra, Quyền nói:

- Chỉ có Lã Phạm mới làm nổi việc này.

Liền cho gọi Lã Phạm vào, bảo rằng:

- Ta nghe Lưu Huyền-đức mới góa vợ, ta có người em gái, muốn kén y làm rể, kết thân với nhau, đồng tâm phá Tào, để giúp nhà Hán. Ngoài Tử-hành ra, không ai có thể làm mối được, mong ngươi sang ngay Kinh-châu cho ta.

Lã Phạm vâng mệnh, thu xếp thuyền bè mang theo mấy tên tùy tùng thẳng tới Kinh-châu.

Lại nói, Huyền-đức từ khi mất Cam phu nhân, ngày đêm buồn rầu. Một hôm, đang ngồi nói chuyện với Khổng Minh, sực có tin báo Đông Ngô sai Lã Phạm đến. Khổng Minh cười, nói:

- Đây lại là mưu mô gì của Chu Du về chuyện Kinh-châu thôi! Tôi ngồi nghe ở sau bình phong. Sứ giả có nói việc gì, chúa công cứ việc nhận lời; và giữ họ nghỉ ngơi ở quán dịch, rồi sau sẽ hay.

Huyền-đức cho mời Lã Phạm vào. Chào hỏi xong, trà nước đâu đấy, Huyền-đức hỏi:

- Tử-hành lại đây chắc có việc gì dạy bảo?

Phạm nói:

- Tôi nghe hoàng thúc thất ngẫu[1], nay có một nơi xứng đáng lắm, nên mạnh dạn sang đây làm mối, chưa biết ý hoàng thúc thế nào?

Huyền-đức nói:

- Nửa đời góa vợ là sự rất không may; nay nấm mồ còn chưa xanh cỏ, sao dám vội bàn chuyện lấy vợ khác?

Phạm nói:

- Người ta có vợ, như nhà có kèo, không nên nửa chừng bỏ đạo nhân luân. Chúa công tôi có một cô em gái có nhan sắc, lại hiền hậu, có thể nâng khăn sửa túi đỡ ngài được. Nếu hai nhà kết thân Tần Tấn với nhau, thì giặc Tào chắc không dám nhìn ngó đến phía đông nam này nữa. Việc này công tư đều vẹn cả, xin hoàng thúc chớ ngại! Song, Ngô quốc thái tôi yêu thương cô gái út lắm, không muốn gả chồng xa, chỉ muốn mời hoàng thúc sang Đông Ngô làm lễ thành thân.

Huyền-đức hỏi:

- Việc này Ngô hầu có biết không?

Phạm đáp:

- Chưa bẩm với Ngô hầu, có đâu tôi dám đến đây.

Huyền-đức nói:

- Ta đã nửa đời người, đầu tóc hoa râm, em gái Ngô hầu đang độ son trẻ, e không xứng đôi phải lứa.

- Em Ngô hầu tuy là con gái, nhưng chí khí hơn cả nam nhi. Cô ấy thường nói: "Không phải người anh hùng nhất thiên hạ, ta không thèm lấy". Hoàng thúc tiếng tăm lừng lẫy cả bốn bể, chính là thục nữ sánh với người quân tử, có ngại gì tuổi nhiều hay ít?

Huyền-đức nói:

- Vậy ông hãy ở chơi đây, đến mai sẽ xin nói lại.

Hôm ấy, Huyền-đức mở tiệc khoản đãi Lã Phạm, rồi lưu lại nhà khách. Đến tối Huyền-đức bàn với Khổng Minh. Khổng Minh nói:

- Ý tứ của họ thế nào, tôi đã biết cả rồi. Tôi vừa bói dịch được một quẻ đại cát. Chúa công cứ việc nhận lời đi. Mai nên sai Tôn Càn đi theo Lã Phạm sang thưa chuyện với Ngô hầu; hứa hẹn xong rồi ta sẽ chọn ngày sang cưới.

Huyền-đức nói:

- Chu Du lập mưu muốn hại ta, sao ta lại đem mình vào nơi nguy hiểm?

Khổng Minh cười, nói:

- Chu Du tuy giỏi dùng mưu, nhưng che sao được mắt tôi. Tôi chỉ dùng một chút mẹo nhỏ, khiến Chu Du không thò được ngón gì, mà em gái Ngô hầu lại về tay chúa công, Kinh-châu cũng vững như bàn thạch.

Huyền-đức vẫn còn hoài nghi; Khổng Minh sai ngay Tôn Càn cứ việc sang Giang-nam nói việc hôn nhân. Tôn Càn vâng mệnh cùng với Lã Phạm sang ra mắt Tôn Quyền.

Quyền nói:

- Ta muốn gả em gái cho Huyền-đức, chớ không có bụng dạ nào khác.

Tôn Càn lạy tạ, về thưa chuyện lại với Huyền-đức nói Ngô hầu chỉ mong chúa công sang làm lễ thành hôn. Huyền-đức ngại ngùng không muốn đi. Khổng Minh nói:

- Tôi đã định sẵn ba kế, việc này phi Tử-long đi không xong!

Bèn gọi Tử-long đến cạnh, ghé tai dặn rằng:

- Ngươi bảo vệ chúa công sang Đông Ngô, nên nhận lấy ba cẩm nang này, trong có ba kế rất hay, cứ theo thứ tự mà làm.

Nói đoạn, đưa ba cẩm nang cho Vân giấu kỹ trong người. Đoạn Khổng Minh sai người sang Đông Ngô dâng lễ cưới trước, lễ vật đầy đủ không thiếu thứ gì.

Tháng mười mùa đông, năm Kiến-an thứ 14, Huyền-đức cùng với Triệu Vân, Tôn Càn thu xếp chục chiếc thuyền tốc hành, mang theo năm trăm quân sĩ, rời Kinh-châu sang Nam-từ. Mọi việc ở Kinh-châu đều giao cho Khổng Minh trông coi.

Huyền-đức trong lòng áy náy không yên. Khi thuyền đã đến Nam-từ, Vân tự nhủ:

- Quân sư trao cho ba kế hay, dặn cứ thứ tự làm theo, nay đã đến đây, phải mở túi thứ nhất ra xem mới được!

Vân bèn mở túi thứ nhất ra xem. Xem xong, Vân gọi năm trăm quân sĩ, dặn bảo các việc. Lại nói với Huyền-đức vào ra mắt Kiều quốc lão trước. Cụ này nguyên là cha hai nàng Kiều, nhà ở Nam-từ.

Huyền-đức mang dê và rượu vào bái kiến quốc lão, thuật lại việc Lã Phạm sang làm mối Tôn phu nhân. Năm trăm quân sĩ, người áo thắm, kẻ quần điều, tấp nập ra phố mua bán đồ vật, nói toang lên rằng Huyền-đức vào làm rể Đông Ngô. Mọi người trong thành đều biết chuyện cả.

Tôn Quyền thấy Huyền-đức đã đến, sai Lã Phạm ra đón tiếp, mời đến quán dịch nghỉ ngơi.

Đây nói Kiều quốc lão gặp Huyền-đức xong, vào ngay trong cung chúc mừng bà Ngô quốc thái.

Quốc thái hỏi:

- Có việc gì mà mừng?

Kiều quốc lão đáp:

- Cô em đã gả cho Huyền-đức làm phu nhân, nay chàng rể đã sang đây rồi, sao còn giấu tôi?

Quốc thái ngạc nhiên nói:

- Quả thật tôi không biết gì hết!

Lập tức một mặt quốc thái cho gọi Ngô hầu vào hỏi xem hư thực ra sao, một mặt cho người ra phố xá nghe ngóng tình hình.

Mọi người về đều nói rằng:

- Quả có việc ấy thực! Chàng rể mới đã nghỉ ở quán dịch, năm trăm quân sĩ đi theo đang tíu tít mua sắm dê lợn, hoa quả để sửa lễ kết hôn. Bên nhà gái thì Lã Phạm, bên nhà trai thì Tôn Càn, hai người làm mối, hiện đã ở cả nơi quán dịch tiếp đãi nhau.

Quốc thái giật mình. Một lát, Tôn Quyền vào, quốc thái cứ ôm bụng khóc ầm lên. Quyền hỏi:

- Sao mẫu thân phiền não thế?

Quốc thái nói.

- Mày thật không coi tao ra gì nữa rồi! Khi chị ta lâm chung, dặn lại mày những câu gì?

Quyền thất kinh, hỏi:

- Mẫu thân có điều gì cứ cho con biết, sao lại khổ sở như vậy?

Quốc thái nói:

- Trai khôn dựng vợ, gái lớn gả chồng, vẫn là lẽ thường xưa nay. Tao là mẹ mày, có việc gì cũng phải nói với tao trước mới phải chớ! Nay mày đem em gả cho Lưu Huyền-đức, sao mày lại giấu tao? Con gái phải quyền ở tao chớ!

Quyền giật mình, hỏi:

- Ở đâu mà có chuyện ấy đến tai mẹ?

Quốc thái nói:

- Trừ phi không làm thì mới không biết thôi! Nay trăm họ trong thành, ai ai cũng biết cả, mày lại còn giấu giếm gì?

Kiều quốc lão nói:

- Lão biết việc này đã mấy hôm nay rồi, nay vào mừng đấy!

Quyền nói:

- Không phải đâu! Đó là kế của Chu Du, vì muốn lấy Kinh-châu, cho nên mượn tiếng như thế, cốt lừa Lưu Bị đến đây, bắt giam lại, đổi lấy Kinh-châu; nếu không nghe thì giết đi. Đó là mưu kế chớ không phải là sự thật!

Quốc thái nổi giận, mắng Chu Du rằng:

- Ngươi làm đại đô đốc sáu quận, tám mươi mốt châu, không nghĩ được một mưu gì để lấy Kinh-châu mà phải mượn tiếng con gái bà, dùng kế mỹ nhân? Lưu Bị bị giết, con bà chưa chồng, mà té ra mang tiếng góa bụa, còn ai lấy nữa, có phải lỡ cả một đời con gái bà không? Thế cũng đòi lập mưu với lập mẹo!

Kiều quốc lão nói:

- Nếu dùng kế ấy, dù có lấy lại được Kinh-châu, cũng bị thiên hạ chê cười!

Tôn Quyền ngồi im thin thít. Quốc thái thì cứ chửi mắng Chu Du không ngớt miệng, Kiều quốc lão can rằng:

- Việc đã lỡ ra thế này rồi, nhưng xét Lưu Huyền-đức cũng là tôn thân nhà Hán, chi bằng gả đi, kẻo mang tiếng xấu.

Quyền nói:

- E không vừa đôi phải lứa.

Kiều quốc lão nói:

- Lưu hoàng thúc là hào kiệt đời nay; nếu kén được người rể ấy cũng xứng đáng, không nhục gì cô em đâu.

Quốc thái nói:

- Ta chưa biết mặt Lưu hoàng thúc ra sao, ngày mai mời đến chùa Cam-lộ cho ta xem mặt. Nếu không vừa ý ta thì mặc bọn ngươi muốn làm thế nào thì làm. Nếu vừa ý thì ta gả quách con ta cho hoàng thúc cũng được.

Tôn Quyền vốn là người chí hiếu, thấy mẹ nói thế, liền vâng lời, trở ra gọi Lã Phạm bảo:

- Ngày mai mở một tiệc yến ở nhà phương trượng chùa Cam-lộ, để quốc thái xem mặt Lưu Bị.

Lã Phạm nói:

- Sao không sai Giả Hoa phục sẵn ba trăm quân đao phủ ở hai bên hành lang. Hễ thấy quốc thái có ý không bằng lòng, thì nổi một tiếng hiệu cho quân phục đổ ra mà trói Lưu Bị lại.

Quyền y lời, bảo Giả Hoa sắp sẵn mọi việc đâu đấy, chỉ chờ xem ý quốc thái ra sao thôi.

Lại nói, Kiều quốc lão từ biệt quốc thái trở về, sai người báo tin cho Huyền-đức:

- Ngày mai, Ngô hầu và quốc thái thân đến gặp mặt, vậy phải để ý cẩn thận!

Huyền-đức bàn với Tôn Càn và Triệu Vân. Vân nói:

- Buổi hội ngày mai, dữ nhiều lành ít. Tôi xin dẫn năm trăm quân đi bảo vệ.

Hôm sau, Ngô quốc thái và Kiều quốc lão, đến trước chùa Cam-lộ, vào nhà phương trượng ngồi chơi. Tôn Quyền dẫn một ban mưu sĩ cùng đến, sai Lã Phạm ra quán dịch mời Huyền-đức.

Huyền-đức mặc áo giáp nhỏ ở trong, ngoài khoác cẩm bào. Các tùy tùng đeo kiếm đi theo, lên ngựa thẳng tới chùa Cam-lộ. Triệu Vân mặc giáp, nai nịt gọn ghẽ, dẫn năm trăm quân bảo vệ. Huyền-đức đến cửa chùa xuống ngựa, vào ra mắt Tôn Quyền trước. Quyền thấy Huyền-đức diện mạo phi thường, đã có ý hoảng sợ. Hai bên chào hỏi nhau rồi, vào nhà phương trượng ra mắt quốc thái. Quốc thái thấy Huyền-đức mừng lắm, nói với Kiều quốc lão:

- Người này thật đáng rể ta lắm!

Quốc lão nói:

- Huyền-đức có dáng như rồng như phượng, uy nghi đường bệ. Vả lại, nhân nghĩa dội khắp thiên hạ. Quốc thái được rể hiền như thế, thật đáng chúc mừng!

Huyền-đức lạy tạ, cùng ăn yến ở trong nhà phương trượng. Một lát, Tử-long đeo gươm đi vào, đứng bên cạnh Huyền-đức. Quốc thái hỏi người nào? Huyền-đức bẩm:

- Đó là Triệu Vân ở Thường-sơn.

Quốc thái nói:

- Có phải là tướng cứu được A-đẩu ở trận Đương-dương Tràng-bản đó không?

Huyền-đức nói:

- Bẩm chính phải!

Quốc thái khen:

- Thế mới thực là tướng quân!

Nói rồi ban cho Triệu Vân một cốc rượu. Vân bảo Huyền-đức rằng:

- Tôi vừa đi xem xét ngoài hành lang, thấy có quân đao phủ mai phục trong phòng, tất nhiên có chuyện chẳng lành; chúa công nên kêu với quốc thái.

Huyền-đức liền đến quỳ trước mặt quốc thái, khóc mà nói rằng:

- Quốc thái nhược bằng muốn giết Lưu Bị, thì Bị xin ra đây để chịu chết!

Quốc thái hỏi:

- Sao lại nói thế?

Huyền-đức thưa:

- Quân đao phủ mai phục hai bên hành lang, không có ý giết Bị thì để làm gì?

Quốc thái nổi giận mắng Tôn Quyền rằng:

- Nay Huyền-đức đã là rể tao, thì cũng như con ta, sao dám phục quân để mưu hại?

Quyền chối không biết, gọi Lã Phạm ra hỏi. Phạm lại đổ cho Giả Hoa. Hoa nín lặng. Quốc thái sai tả hữu lôi ra chém. Huyền-đức can rằng:

- Trong tiệc vui mừng không nên chém đại tướng. Nếu chém y tôi khó lòng ở được lâu đây để hầu hạ quốc thái.

Kiều quốc lão cũng khuyên can. Quốc thái mới mắng đuổi Giả Hoa ra. Quân đao phủ, tên nào tên ấy ôm đầu lủi thủi chạy cả.

Huyền-đức trở ra ngoài thay áo. Đến trước sân chùa, Huyền-đức thấy có một hòn đá to, liền rút thanh gươm của tên lính hầu, ngẩng mặt lên trời khấn rằng:

- Tôi là Lưu Bị, nếu trở về được Kinh-châu, lập nổi nghiệp vương bá, thì xin chém hòn đá này một nhát vỡ ra làm đôi. Nhược bằng số tôi chết ở đây, thì đá không vỡ.

Huyền-đức khấn đoạn, cầm thanh gươm chém xuống, nảy tóe lửa: hòn đá vỡ ra làm hai mảnh.

Tôn Quyền ở mé sau trông thấy bèn hỏi rằng:

- Huyền-đức giận gì hòn đá thế?

Huyền-đức nói:

- Tôi đã ngót năm chục tuổi đầu, không trừ được giặc dã cho nước, trong lòng buồn bực lắm. Nay nhờ quốc thái thương yêu cho làm rể, thật là một việc kỳ ngộ. Tôi lấy làm thỏa chí bình sinh. Vừa rồi tôi khấn trời bói một quẻ, nếu phá được Tào, hưng được Hán, thì chém vỡ hòn đá. May sao, quả nhiên như nguyện!

Quyền nghĩ thầm:

- Phải chăng Huyền-đức bịa ra để nói dối ta chăng?

Bèn cũng cầm một thanh gươm bảo Huyền-đức rằng:

- Tôi cũng xin trời một quẻ, nếu phá được giặc Tào cũng chặt hòn đá này vỡ làm đôi.

Rồi Quyền khấn lầm rầm:

- Nếu lấy lại được Kinh-châu, hưng vượng Đông Ngô, thì xin chém hòn đá này vỡ làm hai mảnh!

Quyền liền vung kiếm, chém một nhát, hòn đá ấy lại toác làm hai mảnh nữa.

Đến bây giờ vẫn còn di tích hòn đá có vết chữ thập, gọi là "hòn đá căm hờn".

Người sau thăm nơi danh thắng đó vịnh thơ rằng:

Tảng đá trơ trơ trước phật đài,
Gươm đưa một nhát, toác làm đôi.
Quả nhiên hai nước cùng hưng vượng,
Thiên hạ chia ba bởi mệnh trời!

Hai người cùng bỏ gươm xuống, dắt nhau vào tiệc, lại uống thêm vài tuần rượu nữa. Tôn Càn đưa mắt cho Huyền-đức. Huyền-đức mới từ tạ rằng:

- Tôi không uống được nhiều rượu, xin cáo thoái.

Tôn Quyền tiễn ra trước cửa chùa, hai người đứng ngắm phong cảnh sông núi. Huyền-đức khen rằng:

- Đây mới thực là giang sơn thứ nhất trong thiên hạ!

Đến nay trong chùa Cam-lộ có bức hoành đề mấy chữ: "Thiên hạ đệ nhất giang sơn".

Người sau có đề một bài thơ rằng:

Núi non chen chúc, ốc xanh trồng,
Phong cảnh nhìn xem cũng lạ lùng.
Nào chỗ anh hùng chơi thuở trước
Hẳn nơi sườn núi tựa dòng sông?

Trong khi hai người đang đứng ngắm nghía, bỗng nhiên trời nổi gió to, dưới sông sóng dâng cuồn cuộn. Chợt thấy một chiếc thuyền nhỏ, đi trên mặt nước, vững vàng như đi trên cạn. Huyền-đức than rằng:

- Đất bắc cưỡi ngựa, miền nam bơi thuyền, quả nhiên có thế thật!

Tôn Quyền nghe nói, nghĩ rằng:

- Huyền-đức có ý khinh ta không biết cưỡi ngựa chăng?

Lập tức sai người dắt ngựa đến, nhảy phắt lên tế xuống chân núi, rồi lại phi lên tận đỉnh núi, cười bảo Huyền-đức rằng:

- Người miền nam không biết cưỡi ngựa sao?

Huyền-đức nghe nói làm vậy, cũng vén áo nhảy lên ngựa, phi xuống núi rồi lại phi lên. Hai người kìm ngựa đứng trên đỉnh núi, giơ roi cười khúc khích với nhau. Vì thế chỗ ấy gọi là gò Trụ mã.

Người sau có thơ rằng:

Rặng đá quanh co ngựa ruổi rong,
Dừng cương đỉnh núi ngắm non sông.
Đông Ngô, Tây Thục nên vương bá,
Trụ mã nghìn thu vững tựa đồng!

Khi ấy hai người lại sóng đôi ngựa trở về. Nhân dân Nam-từ, ai nấy đều nức nở khen ngợi. Huyền-đức về quán dịch, bàn với Tôn Càn, Càn nói:

- Chúa công nên nói với Kiều quốc lão, xin thành hôn cho mau, kẻo lại sinh sự gì chăng?

Huyền-đức nghe lời, hôm sau lại đến nhà Kiều quốc lão. Quốc lão mời vào, thi lễ và nước nôi xong, Huyền-đức bẩm rằng:

- Nhiều người bên Giang tả đều muốn hại tôi, tôi e không ở lại đây lâu được!

Quốc lão nói:

- Ông hãy khoan tâm, để tôi nói với quốc thái chu toàn cho.

Huyền-đức lạy tạ ra về.

Kiều quốc lão vào gặp quốc thái nói Huyền-đức sợ người mưu hại, cứ nằng nặc đòi về.

Quốc thái nổi giận, nói:

- Con rể ta đó, ai dám giết nó nào?

Lập tức sai người ra mời Huyền-đức dọn dẹp vào ở tạm thư viện, chọn ngày làm lễ cưới.

Huyền-đức vào bẩm với quốc thái rằng:

- Còn Triệu Vân ở ngoài không tiện, quân sĩ không có ai đôn đốc.

Quốc thái cho vào ở cả trong phủ, kẻo ở ngoài quán dịch lại sinh sự. Huyền-đức mừng thầm.

Vài hôm sau, quốc thái kén được ngày lành tháng tốt, mở tiệc rất to, rồi cho Tôn phu nhân cùng với Huyền-đức làm lễ thành hôn. Đến chiều tối khách khứa tan đâu về đấy, hai hàng đuốc hoa đỏ ối soi dẫn cho Huyền-đức nhập phòng. Dưới ánh đèn thấp thoáng, Huyền-đức chỉ thấy gươm giáo tua tủa, hai bên thị nữ, kẻ thì cắp gươm, người thì vác kích. Huyền-đức sợ mất hồn.

Thế là:

Hoảng trông thị nữ đeo gươm đứng,
Cứ tưởng Đông Ngô đặt phục binh.

Chưa biết duyên cớ ra sao, xem đến hồi sau sẽ hiểu.

  1. Chết vợ.