Tam quốc diễn nghĩa (Phan Kế Bính dịch, Bùi Kỷ hiệu đính)/Hồi 44

HỒI THỨ BỐN MƯƠI TƯ

Khổng Minh dùng kế khích Chu Du
Tôn Quyền quyết mưu đánh Tào Tháo

Lại nói Ngô quốc thái thấy Tôn Quyền nghi hoặc không quyết, mới bảo:

- Khi hấp hối, mẹ con dặn phải theo lời di chúc của Bá-phù là phàm công việc trong nước không quyết định được thì hỏi Trương Chiêu, việc bên ngoài không quyết định được nên hỏi Chu Du. Nay sao con không cho mời Chu Du về mà hỏi?

Quyền mừng lắm, lập tức sai sứ ra Phiên-dương mời Chu Du về bàn việc.

Nguyên Chu Du đang ở hồ Phiên-dương, luyện tập quân thủy, nghe tin Tào Tháo đem đại quân đến Hán-thượng, liền cấp tốc về Sài-tang để bàn việc quân. Sứ giả chưa kịp đi, thì Chu Du đã về đến nơi. Lỗ Túc vốn thân với Chu Du, đi ra đón trước, và thuật lại đầu đuôi việc trước cho Du nghe.

Chu Du nói:

- Tử-kính đừng lo, tôi đã có chủ trương rồi, hãy nên mời ngay Khổng Minh đến.

Lỗ Túc lên ngựa đi luôn.

Chu Du vừa ngồi nghỉ ngơi, chợt báo có Trương Chiêu, Cố Ung, Trương Hoành và Bộ Trắc, bốn người đến thăm. Du mời vào trong nhà ngồi chơi, hỏi han sức khỏe mọi người. Trương Chiêu nói:

- Đô đốc có biết việc mất còn của Giang-đông không?

Du nói:

- Chưa biết.

Chiêu nói:

- Tào Tháo cầm trăm vạn quân, đóng ở Hán-thượng. Hôm trước, có đưa tờ hịch đến đây, mời chúa công hội săn ở Giang-hạ. Tuy hắn định thôn tính ta, nhưng chưa nói rõ ra thôi. Bọn Chiêu chúng tôi đã khuyên chúa công nên hàng đi, họa may Giang-đông mới tránh được vạ. Không ngờ Lỗ Túc dắt ngay anh Gia-cát Lượng, quân sư của Lưu Bị ở Giang-hạ về. Vì hắn muốn trả thù Tào Tháo, nên nói khích chúa công. Lỗ Túc thì ù lì, không hiểu gì cả. Nay chỉ đợi đô đốc về để quyết định dứt khoát việc ấy.

Du hỏi:

- Thế ý kiến các ông đã giống nhau chưa?

Bọn Cố Ung đáp:

- Chúng tôi đã bàn bạc, ý kiến như nhau cả rồi.

Du nói:

- Ta cũng muốn hàng đã lâu. Các ông hãy về đi, sáng mai ra mắt chúa công, ta sẽ có quyết định.

Được một lát, lại có tin bọn chiến tướng là Trình Phổ, Hoàng Cái, Hàn Đương đến.

Du mời vào. Thăm hỏi xong, Trình Phổ hỏi:

- Đô đốc có biết Giang-đông nay mai về tay người khác không?

Du nói:

- Chưa biết.

Phổ nói:

- Bọn tôi từ khi theo Tôn tướng quân, mở mang cơ nghiệp, lớn nhỏ hơn trăm trận đánh, mới có được sáu quận thành trì. Nay chúa công nghe bọn mưu sĩ muốn hàng Tào Tháo. Thật là việc nhơ nhuốc và đáng tiếc! Chúng tôi thà chết chứ không khi nào chịu nhục. Xin đô đốc khuyên chúa công quyết kế khởi binh. Chúng tôi xin thề cố chết mà đánh.

Du hỏi:

- Thế ý kiến các ông đã giống nhau chưa?

Hoàng Cái phẫn uất đứng dậy, vỗ tay lên trán, nói:

- Tôi thề rằng đầu này mất thì mất, chớ không bao giờ hàng Tào!

Cả bọn cũng đồng thanh nói không khi nào chịu hàng.

Du nói:

- Ta đang muốn quyết chiến với Tào Tháo, há chịu hàng. Xin các tướng hãy về, ta vào ra mắt chúa công sẽ có quyết định.

Bọn Trình Phổ trở ra. Chưa giập bã trầu, lại có bọn quan văn là Gia-cát Cẩn và Lã Phạm đến.

Du đón vào. Chào hỏi xong xuôi, Gia-cát Cẩn nói:

- Em tôi là Gia-cát Lượng từ Hán-thượng lại đây nói việc Lưu Dự-châu muốn kết với Đông Ngô để đánh Tào Tháo. Các quan văn võ bàn định chưa xong, vì em tôi là sứ giả, nên không tiện nói nhiều, chỉ đợi đô đốc về quyết định.

Du nói:

- Ý ông thế nào?

Cẩn nói:

- Hàng thì dễ yên, đánh thì khó giữ.

Chu Du cười, nói:

- Tôi đã có chủ trương, ngày mai đến phủ sẽ quyết định.

Chợt lại có bọn Lã Mông, Cam Ninh đến. Du mời vào, cùng bàn luận việc đó. Kẻ muốn hàng người muốn đánh, tranh luận gay go.

Chu Du nói:

- Không phải nói chi cho lắm, ngày mai xin cứ đến cả phủ để thảo luận.

Mọi người ra về. Chu Du cười nhạt lúc lâu mới thôi.

Chiều hôm ấy được tin Lỗ Túc đưa Khổng Minh đến. Du ra tận cửa đón vào. Thi lễ xong, chia ngôi chủ khách ngồi chơi. Túc hỏi trước Chu Du rằng:

- Nay Tào Tháo huy động lực lượng lớn xâm chiếm miền nam, hòa với đánh, chỉ có hai đường, chúa công chưa quyết định, cốt đợi tướng quân. Ý kiến tướng quân thế nào?

Du nói:

- Tào Tháo mượn tiếng thiên tử, thì không nên kháng cự; vả lại thế Tào to lắm, chưa dễ địch nổi. Đánh thì tất thua, mà hàng thì dễ yên. Ý ta đã quyết, ngày mai ta vào hầu chúa công xin sai sứ đi hàng Tào.

Lỗ Túc ngạc nhiên nói:

- Ông nói lầm rồi! Cơ nghiệp Giang-đông đã trải ba đời rồi, sao một chốc mà để vào tay người khác? Tôn Bá-phù trước đã dặn phàm công việc ngoài phó thác cho tướng quân. Chính lúc này phải trông cậy vào tướng quân để giữ sao cho cơ nghiệp Đông Ngô vững như Thái-sơn. Chẳng dè tướng quân cũng theo lời mấy đứa... hèn nhát đó sao?

Du nói:

- Sáu quận Giang-đông, nhân dân đông đúc biết bao. Nay nếu bị nạn binh đao tất quy oán cho ta, nên ta nhất định xin hàng.

Lỗ Túc nói:

- Không thể thế được. Tướng quân là bậc đại anh hùng, Đông Ngô là nơi hiểm trở, vị tất Tào Tháo đã làm mưa làm gió gì được!

Hai người cùng tranh luận. Khổng Minh chỉ ngồi thu tay cười mát. Du hỏi:

- Tiên sinh có việc gì mà cười?

Khổng Minh đáp:

- Tôi có cười gì đâu, chỉ cười Tử-kính không hiểu việc đời.

Túc hỏi:

- Sao tiên sinh bảo tôi không hiểu việc đời?

Khổng Minh đáp:

- Công-cẩn muốn hàng Tào, rất là hợp lẽ.

Du nói:

- Khổng Minh là người hiểu việc đời, tất một lòng như ta.

Túc nói:

- Khổng Minh! Sao ông lại nói thế?

Khổng Minh đáp:

- Tháo rất giỏi việc dùng binh, thiên hạ không ai đương nổi. Trước chỉ có Lã Bố, Viên Thiệu, Viên Thuật, Lưu Biểu là dám chống cự. Mấy người ấy đều bị Tháo giết cả rồi, thiên hạ không còn ai nữa! Chỉ có Lưu Dự-châu là không biết thời thế, mới dám gượng gạo chống lại, nay thân cô thế cô ở đất Giang-hạ, mất còn chưa biết ra sao? Tướng quân quyết kế hàng Tào, để bảo toàn vợ con, phú quý; còn như vận nước đổi thay, phó mặc trời, có chi đáng tiếc!

Lỗ Túc giận lắm, nói:

- Ngươi muốn cho chủ ta uốn gối chịu nhục với lũ giặc nước à?

Khổng Minh nói:

- Ta có một kế, không phải cần đến khiêng dê gánh rượu, không phải nộp nước dâng ấn, cũng không cần phải thân sang sông; chỉ sai một người sứ với chiếc thuyền nhẹ đưa có hai người sang sông mà thôi. Tào Tháo được hai người ấy, thì lập tức trăm vạn quân cũng cởi giáp, cuốn cờ rút lui ngay.

Du hỏi:

- Dùng hai người nào mà lui được quân Tào?

Khổng Minh nói:

- Đất Giang-đông mà bỏ hai người ấy, bất quá như cây to rụng một cái lá, kho lớn mất một hạt thóc. Nhưng Tào Tháo được hai người ấy, lập tức sẽ cuốn cờ, cởi giáp, vui mừng rút lui ngay.

Du lại hỏi:

- Hai người nào?

Khổng Minh nói:

- Khi tôi ở Long-trung, nghe tin Tháo mới dựng một cái đền ở trên sông Chương-hà, gọi là đền Đồng-tước, trang hoàng lịch sự, rồi kén những con gái đẹp trong thiên hạ nhốt đầy trong đền. Tháo vốn là đồ hiếu sắc, biết bên Giang-đông ông Kiều công có hai người con gái, con lớn là Đại kiều, con nhỏ là Tiểu kiều. Hai người đều nhan sắc, cá lặn nhạn sa, hoa nhường, nguyệt thẹn. Tháo từng chỉ nguyện có hai điều: một là bình được bốn bể, dựng nên nghiệp hoàng-đế; hai là lấy được hai chị em nàng Kiều ở Giang-đông, đem vào đền Đồng-tước để vui tuổi già, thì dẫu chết cũng không tiếc gì đời nữa! Nay Tháo tuy đem quân trăm vạn, chực chiếm Giang-nam, nhưng thật ra chỉ vì hai người con gái ấy. Tướng quân sao không tìm Kiều công, đem nghìn vàng mua lấy hai người con gái rồi sai người mang dâng cho Tào Tháo. Tháo mãn nguyện tất rút quân về. Đó cũng là kế Phạm Lãi dâng Tây Thi cho Ngô vương, sao không kíp làm đi?

Du hỏi:

- Có gì làm chứng về việc Tào Tháo muốn được hai nàng Kiều không?

Khổng Minh nói:

- Con nhỏ Tào Tháo là Tào Thực, biểu tự Tử-kiến, có tài đặt bút thành văn. Tháo sai làm một bài phú, gọi là phú đài Đồng-tước. Ý chính trong bài phú ấy, chỉ nói về nhà Tào nếu làm thiên tử thì thề sẽ lấy cho kì được hai nàng Kiều.

Du hỏi:

- Ông có nhớ bài phú ấy không?

Khổng Minh nói:

- Tôi thích lời văn của bài ấy, nên cũng thuộc.

Du nói:

- Xin thử đọc cho nghe.

Khổng Minh đọc luôn bài phú trong bài có mấy câu:

"Lập song đài ư tả hữu hề! Hữu Ngọc long dữ Kim phụng; Lãm nhị kiều ư đông nam hề! Lạc chiêu tịch chi dữ cộng"

(Nghĩa là: dựng hai đền ở bên tả bên hữu, có đền Ngọc Long, có đền Kim phụng. Nhốt hai nàng Kiều ở bên Đông-nam để sớm chiều cùng vui vầy.)[1]

Chu Du nghe xong mấy câu ấy, đỏ mặt tía tai, đứng phắt dậy trỏ tay về phương bắc mà mắng rằng:

- Thằng giặc Tào này khinh ta quá chừng!

Khổng Minh vội ngăn lại, nói:

- Ngày xưa chúa rợ Thuyền-vu hay xâm lấn bờ cõi, thiên tử nhà Hán còn phải đem công chúa gả cho nó để cầu hòa, nay tướng quân tiếc làm chi hai người con gái thường dân ấy?

Du nói:

- Ông chưa rõ Đại kiều là vợ Tôn Bá-phù, Tiểu kiều là vợ Du đó.

Khổng Minh giả vờ sợ sệt nói:

- Tôi thật vô tình, nói năng lỗ mỗ, tội đáng chết! Đáng chết!

Chu Du nói:

- Ta thề cùng thằng giặc già một còn một mất!

Khổng Minh nói:

- Tướng quân nên nghĩ cho chín, kẻo hối về sau.

Du nói:

- Ta đã vâng lời Tôn Bá-phù ủy thác, có lẽ đâu khuất thân hàng Tào. Vừa rồi ta nói thế, là thử lòng nhau đó thôi. Ta từ khi ở Phiên-dương về đây, vẫn có chủ trương đánh miền bắc; dù dao búa kề đầu cũng không lay được. Xin Khổng Minh giúp ta một tay, cùng phá giặc Tào.

Khổng Minh nói:

- Nếu ngài không bỏ Lượng, thì Lượng xin đem hết lòng khuyển mã, sớm tối vâng lời sai khiến.

Du nói:

- Ngày mai ta vào yết kiến chúa công, sẽ bàn ngay việc cất quân.

Khổng Minh và Lỗ Túc từ biệt Chu Du ra về.

Sáng sớm hôm sau, Tôn Quyền ra công đường; bọn quan văn là Trương Chiêu, Cố Ung, hơn ba mươi người; bọn quan võ là Trình Phổ, Hoàng Cái, hơn ba mươi người; áo mũ san sát, gươm đeo sáng quắc, chia ngôi thứ đứng hai bên.

Một lát, Chu Du vào yết kiến, thi lễ xong, Tôn Quyền ân cần thăm hỏi. Du nói:

- Gần đây, nghe Tào Tháo đóng binh ở Hán-thượng, có đưa thư sang đây, ý kiến chúa công thế nào?

Quyền đưa tờ hịch cho Chu Du xem.

Du xem xong, cười nói:

- Thằng giặc già cho Giang-đông ta là không có ai chăng, sao dám quá khinh nhờn ta thế!

Quyền hỏi:

- Ý ngươi thế nào?

Du nói:

- Chúa công đã cùng với văn võ bàn định chưa?

Quyền nói:

- Mấy hôm nay bàn luận việc ấy: người thì khuyên ta nên hàng, kẻ lại bảo ta nên đánh; ý ta chưa định bề nào, xin Công-cẩn quyết định cho.

Du nói:

- Ai khuyên chúa công hàng?

Quyền đáp:

- Bọn Trương Chiêu đều muốn hàng.

Du hỏi ngay Trương Chiêu:

- Xin cho nghe ý kiến muốn hàng của tiên sinh thế nào?

Chiêu nói:

- Tào Tháo mượn tiếng triều đình để đánh dẹp bốn phương, nay lại mới được Kinh-châu, uy thế ngày càng lớn. Giang-đông ta mà có cự được với Tháo là nhờ dựa vào sông Trường-giang; giờ đây Tháo có hàng trăm nghìn chiến thuyền, thủy lục cùng tiến, ta lấy gì mà đương được. Không bằng hãy hàng, rồi sau sẽ liệu kế khác.

Chu Du nói:

- Đó là lời bàn của bọn hủ nho. Giang-đông từ khi lập nước đến giờ, đã trải ba đời, sao nỡ chốc lát bỏ mất?

Quyền mới hỏi:

- Thế đánh thì có kế gì?

Chu Du nói:

- Tháo tuy giả danh là tướng nhà Hán, thật ra là giặc nhà Hán. Mà tướng quân là bậc thần võ hùng tài, nhờ cơ nghiệp của cha anh, binh tinh lương nhiều, đáng lẽ hoành hành cả trong thiên hạ, trừ kẻ tàn bạo, sao lại phải hàng giặc? Vả lại, Tháo đi chuyến này mắc phải nhiều điều kỵ trong binh pháp: đất bắc chưa yên, còn cái họa Mã Đằng, Hàn Toại sau lưng, mà Tháo dám ở lâu để đánh phương nam, là một điều kỵ; quân bắc không quen đánh dưới nước, mà Tháo dám bỏ yên ngựa dùng thuyền bè, tranh giành với Đông Ngô, là hai điều kỵ; đang mùa đông rét mướt, ngựa không có cỏ khô ăn, mà dám khởi binh, là ba điều kỵ; đem quân ở lục địa tiến sâu vào chỗ sông hồ, không quen thủy thổ, nhiều người đau ốm, là bốn điều kỵ. Quân Tháo phạm bốn điều kỵ ấy, dẫu nhiều cũng phải thua. Tướng quân bắt được Tháo chính ở lúc này. Du chỉ xin vài vạn tinh binh, đến đóng ở Hạ-khẩu, đủ phá được Tào Tháo cho tướng quân xem.

Tôn Quyền đứng vùng dậy nói:

- Thằng giặc già muốn cướp ngôi nhà Hán đã lâu, chỉ e có hai anh em họ Viên, Lã Bố, Lưu Biểu với ta mà thôi. Nay mấy người ấy đã mất, duy còn có ta. Ta cùng với giặc già, thề không chung sống. Ngươi nói nên đánh, chính hợp ý ta. Quả là trời cho ngươi xuống giúp ta đó!

Chu Du nói:

- Tôi xin vì tướng quân quyết một trận huyết chiến, muôn chết cũng không từ. Chỉ sợ tướng quân còn hồ nghi chưa định.

Quyền rút ngay thanh gươm đeo ở mình, chặt xuống góc bàn trước mặt, nói rằng:

- Các quan, các tướng, ai còn nói hàng Tào, sẽ như cái góc bàn này.

Nói xong, tặng luôn thanh gươm cho Chu Du, phong Du làm đại đô đốc, Trình Phổ làm phó đô đốc, Lỗ Túc làm tán quân hiệu úy. Nếu văn quan võ tướng, ai không tuân lệnh, dùng thanh gươm ấy chém đi.

Chu Du nhận gươm, nói:

- Ta phụng mệnh chúa công, đem quân đánh Tào Tháo, chư tướng và quan viên, ngày mai đều phải ra trại quân ở cạnh bờ sông nghe lệnh. Ai chậm chạp, lầm lỗi cứ chiếu theo trong 7 điều cấm lệnh, 54 tội trảm quyết thi hành.

Nói rồi, Du từ biệt Tôn Quyền bước ra khỏi phủ; các quan văn võ giải tán, đâu về đấy.

Chu Du về đến dinh, cho mời Khổng Minh vào bàn việc. Khổng Minh đến. Du nói:

- Hôm nay, trong phủ bàn định đã xong, xin tiên sinh cho biết kế hay để phá Tào Tháo.

Khổng Minh nói:

- Bụng Tôn tướng quân chưa thật ổn, không thể định kế được vội.

Du hỏi:

- Thế nào là trong bụng chưa ổn?

Khổng Minh nói:

- Vẫn còn có ý sợ quân Tào nhiều, quân mình ít không địch nổi. Tướng quân nên nói rõ quân số để Tôn tướng quân vững dạ thì việc lớn ắt xong.

Du nói:

- Tiên sinh nói phải lắm!

Du bèn vào ngay, ra mắt Tôn Quyền. Quyền hỏi:

- Đêm khuya Công-cẩn còn đến đây, chắc hẳn có việc gì?

Du thưa:

- Ngày mai cất quân, chúa công còn nghi hoặc chút nào không?

Quyền nói:

- Ta chỉ còn lo quân Tào nhiều lắm, sợ không địch nổi thôi.

Du cười, nói:

- Tôi chỉ vì việc ấy mà phải đến đây, nói rõ để chúa công biết. Chúa công thấy hịch Tào Tháo nói dối có trăm vạn quân, nên sinh lòng nghi sợ, không xét rõ hư thực thế nào. Nay xét ra, hắn huy động quân mã trong nước chẳng qua được mười lăm, mười sáu vạn, mà đã mỏi mệt cả rồi; số quân thu được của họ Viên cũng độ bảy tám vạn, nhưng đa số vẫn còn nghi ngờ chưa phục. Quân số tuy nhiều, cũng không đáng sợ. Tôi chỉ xin năm vạn quân là đủ phá rồi. Chúa công chớ nên áy náy nữa.

Quyền vỗ vào lưng Chu Du mà nói rằng:

- Công-cẩn nói đến điều ấy, thật gỡ được mối hoài nghi cho ta. Tử-bố không biết gì, ta mất tin cậy. Chỉ có ngươi với Tử-kính là hợp bụng với ta thôi. Vậy thì ngươi hãy cùng với Tử-kính, Trình Phổ mang quân đi trước. Ta thu xếp thêm quân mã, tải nhiều lương thực, làm hậu ứng cho. Tiền quân phỏng có điều gì không được như ý, thì đã có ta đây. Ta phen này quyết đánh nhau với giặc Tào, không còn hồ nghi gì nữa!

Chu Du từ tạ ra về, bụng nghĩ thầm rằng:

- Khổng Minh đã đoán trúng được cả ruột gan Ngô hầu, mà mưu kế gì cũng hơn ta một bậc. Nếu để lâu tất gây vạ cho Đông Ngô ta, chi bằng giết quách đi cho rảnh.

Rồi lập tức sai người mời Lỗ Túc vào, bàn việc muốn giết Khổng Minh.

Túc can rằng:

- Không nên! Nay giặc Tào chưa phá được, mà đã giết mất người hiền sĩ, thế là tự mình hại người giúp việc cho mình đó.

Du nói:

- Người này giúp Lưu Bị, tất gây vạ cho Đông Ngô về sau.

Túc nói:

- Nên sai anh ruột y là Gia-cát Cẩn sang dụ y về với Đông Ngô chẳng hay hơn ư?

Du chịu là phải. Sáng hôm sau, Du đến hành dinh, ngồi cao trên trướng, quân đao phủ đứng sắp hàng hai bên, hội cả văn vũ lại để truyền lệnh.

Nguyên Trình Phổ hơn tuổi Chu Du, thấy Du quyền to hơn mình, có ý không vui, giả ốm không đến, sai con là Trình Tư đi thay.

Du truyền lệnh cho các tướng rằng:

- Vương pháp vô thân, chức phận ai nấy phải giữ. Hiện nay Tào Tháo lộng quyền, tệ hơn Đổng Trác, giam thiên tử ở Hứa-đô, đóng bạo quân ở biên cảnh. Ta nay phụng mệnh ra đánh, các ông cùng phải gắng sức đồng lòng. Quân đi đến đâu, không được quấy nhiễu dân sự. Ai có công thì thưởng, ai có tội thì phạt, không tư vị ai cả.

Nói đoạn, sai Hàn Đương, Hoàng Cái làm tiền bộ tiên phong, lĩnh chiến thuyền đi ngay hôm ấy, đến cửa sông Tam-giang đóng trại, chờ có lệnh khác sẽ hay; Tưởng Khâm, Chu Thái làm đội thứ hai; Lăng Thống, Phan Chương làm đội thứ ba; Thái-sử Từ, Lã Mông làm đội thứ tư; Lục Tốn, Đổng Tập làm đội thứ năm; Lã Phạm, Chu Trị đi tuần phòng cả bốn mặt, và đốc thúc quan quân thủy lục phải song song tiến lên; hẹn nội nhật hôm ấy phải đi cả.

Các tướng được lệnh, ai nấy thu xếp thuyền bè vũ khí ra đi. Trình Tư về thuật lại với cha rằng Chu Du điều binh hợp phép lắm. Trình Phổ giật mình nói:

- Ta vẫn khinh Chu lang nhu nhược, không đủ làm tướng. Nay y giỏi như thế, thật là tướng tài! Ta há chẳng phục sao?

Lập tức Phổ đến trại Chu Du tạ tội. Du cũng khiêm tốn tạ lại.

Hôm sau, Du mời Gia-cát Cẩn đến bảo rằng:

- Lệnh đệ là Khổng Minh có tài vương tá, sao lại khuất thân đi thờ Lưu Bị. Nay may y đến Giang-đông, phiền tiên sinh chớ có quản công, đến dụ y về với Đông Ngô, thì chúa công được thêm một tay giỏi, mà anh em tiên sinh lại được tụ hội, chẳng hay lắm ru?

Cẩn thưa:

- Từ khi tôi đến Giang-đông, chưa lập được chút công nào, nghĩ cũng xấu hổ lắm. Nay đô đốc đã sai, tôi xin hết sức.

Nói rồi lên ngựa đến ngay quán dịch, vào thăm Khổng Minh. Khổng Minh tiếp vào, hỏi han trò chuyện rồi, Cẩn khóc mà nói rằng:

- Em có biết Bá Di, Thúc Tề ngày xưa không?

Khổng Minh nghĩ thầm đây tất là Chu Du cho đến dụ mình, liền đáp lại rằng:

- Bá Di, Thúc Tề là bậc thánh hiền đời xưa.

Cẩn nói:

- Hai ông ấy dẫu đến lúc chết đói ở núi Thú-dương, anh em cũng còn ở với nhau một chỗ. Nay ta với em, ruột thịt một nhà, thế mà mỗi người thờ một chủ, sớm tối không được tụ hội với nhau, chẳng đáng thẹn với Di, Tề lắm ư?

Khổng Minh nói:

- Anh nói là tình, em giữ là nghĩa. Anh với em cùng là dòng dõi nhà Hán. Nay Lưu hoàng-thúc là tôn thất nhà Hán, nếu anh bỏ Đông Ngô về thờ hoàng-thúc với em, thì trước không hổ thẹn là bầy tôi nhà Hán, sau nữa anh em lại được hợp mặt nhau, thế là tình nghĩa hai đường vẹn cả. Anh nghĩ thế nào?

Cẩn nghĩ bụng mình đến dụ nó, chẳng hóa nó lại dụ mình. Rồi ngồi ngẩn mặt ra, chẳng nói được câu gì. Lát sau Cẩn đứng dậy ra về yết kiến Chu Du, thuật lại lời Khổng Minh. Du nói:

- Ý ông làm sao?

Cẩn nói:

- Tôi đội hậu ơn Tôn tướng quân, có đâu nỡ bỏ!

Du nói:

- Ông đã có bụng trung với chủ như thế, không phải nói nữa. Còn Khổng Minh, ta sẽ có cách thuyết phục y.

Thế mới là:

Trí đối trí, tưởng là dễ hợp,
Tài chọi tài, lại hóa ghen nhau.

Chưa biết Chu Du có mẹo gì thuyết phục được Khổng Minh, xin xem hồi sau sẽ rõ.

  1. Chính trong bài phú đài Đồng-tước thì vế sau là: "Liên nhị kiều ư đông tây hề, nhược trang không chi chuế đống" nghĩa là: "Liền hai cái cầu ở bên đông bên tây, như cầu vồng ở trên không" Khổng Minh đổi chữ kiều là cầu ra chữ kiều là nàng Kiều, đông tây ra đông nam, để khích Chu Du.