Tam quốc diễn nghĩa (Phan Kế Bính dịch, Bùi Kỷ hiệu đính)/Hồi 28

HỒI THỨ HAI MƯƠI TÁM

Chém Sái Dương, anh em giải nghi
Hội Cổ-thành, vua tôi họp nghĩa

Đây nói Quan-công cùng Tôn Càn đưa hai phu nhân sang Nhữ-nam, không ngờ Hạ-hầu Đôn đem ba trăm quân kỵ đuổi theo. Tôn Càn bảo vệ xa trượng đi trước. Quan-công quay ngựa lại bảo Hạ-hầu Đôn:

- Mi lại đuổi ta làm mất cả lượng khoan hồng của thừa tướng!

Hạ-hầu Đôn nói:

- Thừa tướng không có công văn truyền báo. Mi đi dọc đường giết người, lại giết cả bộ tướng của tao, rất là vô lễ. Phen này ta quyết bắt mi giải về để thừa tướng xử trí.

Nói xong, tế ngựa vác giáo toan đánh Quan-công. Chợt thấy đằng sau một người cưỡi ngựa chạy đến, nói to:

- Không được đánh nhau với Vân-trường!

Quan-công dừng cương ngựa lại. Sứ giả thò tay vào bọc lấy tờ công văn ra, bảo Hạ-hầu Đôn rằng:

- Thừa tướng kính yêu Vân-trường là người trung nghĩa, sợ qua các cửa quan có việc ngăn trở, nên sai tôi đưa công văn này báo khắp các nơi.

Đôn hỏi:

- Thế Quan Vũ đi đường giết mấy tướng giữ ải, việc ấy thừa tướng đã biết chưa?

Sứ thưa:

- Việc ấy thừa tướng chưa biết.

Đôn nói:

- Thế thì ta phải bắt sống nó đem về trình thừa tướng mới được, rồi thừa tướng có tha thì tha.

Quan-công nói:

- Ta há sợ mi à?

Rồi vỗ ngựa cầm đao sấn vào đánh Đôn. Đôn cầm giáo nghênh địch. Hai người đánh nhau được mười hợp lại có một người phi ngựa đến nói to:

- Hai tướng quân hãy nghỉ tay!

Đôn chống giáo hỏi:

- Thừa tướng bảo bắt Quan-mỗ phải không?

Sứ giả thưa:

- Không phải! Thừa tướng sợ các tướng giữ cửa quan ngăn cản Quan tướng quân, nên sai tôi đem công văn đến báo các nơi cứ để Quan tướng quân đi.

Đôn lại hỏi:

- Thế việc nó giết người, thừa tướng đã biết chưa?

Sứ giả nói:

- Chưa.

Đôn nói:

- Nếu thừa tướng chưa biết thì không thể tha được.

Đôn chỉ huy quân sĩ vây lấy Quan-công, Quan-công giận lắm, múa đao lại đánh. Hai bên sắp sửa giao chiến bỗng sau trận có một người tế ngựa lại gọi to:

- Vân-trường, Nguyên-nhượng đừng đánh nhau nữa.

Hai người cùng trông ra xem ai, thì là Trương Liêu. Hai bên đều ghìm ngựa lại. Trương Liêu lại gần nói:

- Phụng chỉ thừa tướng: vì biết Vân-trường đi đường có vượt qua mấy cửa quan giết mấy tướng, thừa tướng sợ Vân-trường đi đường bị ngăn trở, nên sai tôi đi truyền dụ các ải cứ để cho Vân-trường đi.

Hạ-hầu Đôn nói:

- Tần Kỳ là cháu Sái Dương, hắn đem gửi ta, nay bị Quan Vũ giết, Sái Dương sao chịu để yên?

Liêu nói:

- Tôi gặp Sái tướng quân, sẽ có cách phân giải. Thừa tướng đã có lượng khoan dung để cho Vân-trường đi, ông không nên trái lệnh thừa tướng.

Hạ-hầu Đôn đành rút quân về.

Liêu hỏi Quan-công:

- Vân-trường nay muốn đi đâu?

Quan-công nói:

- Tôi nghe anh tôi bây giờ lại không ở chỗ Viên Thiệu nữa nên định đi tìm khắp thiên hạ.

Liêu nói:

- Nếu chưa biết Huyền-đức ở đâu, hãy trở về gặp thừa tướng đã, anh nghĩ thế nào?

Quan-công cười nói:

- Có lẽ đâu lại thế! Văn-viễn về gặp thừa tướng làm ơn tạ tội hộ tôi.

Nói rồi vái chào Trương Liêu, từ biệt đi.

Trương Liêu và Hạ-hầu Đôn đem quân về.

Quan-công theo kịp xa trượng, nói chuyện lại với Tôn Càn. Hai người gióng ngựa ngang nhau cùng đi.

Đi được vài ngày, bỗng gặp cơn mưa to, hành trang ướt cả. Trông xa bên chân núi chỉ có một cái trại. Quan-công dẫn xa trượng vào đó xin nghỉ trọ.

Trong nhà một ông già ra đón. Quan-công kể rõ sự tình. Ông già nói:

- Tôi họ Quách tên Thường, đời đời ở đây. Được nghe thấy tiếng ngài đã lâu, nay được bái kiến thật là may mắn.

Nói rồi sai giết dê làm rượu thết đãi, mời hai phu nhân vào tạm nghỉ ở nhà trong. Quách Thường ngồi tiếp Quan-công và Tôn Càn ở nhà ngoài uống rượu. Một bên hơ đồ hành lý; một bên cho ngựa ăn uống.

Đến lúc trời sâm sẩm tối, thấy một chàng trẻ tuổi đem vài người vào, đi thẳng lên nhà. Quách Thường gọi bảo:

- Con lại đây bái kiến tướng quân.

Nhân nói với Quan-công:

- Đây là con trai tôi.

Quan-công hỏi:

- Đi đâu về?

Thường nói:

- Cháu đi săn bắn mới về.

Người con trai chào qua Quan-công, rồi lại xuống thềm đi mất. Quách Thường khóc nói:

- Nhà lão phu xưa nay chuyên nghề cày ruộng đọc sách, chỉ sinh được một đứa con trai này, nó chẳng chăm lo việc nhà, chỉ mê chơi bời săn bắn, thực không may cho nhà lão phu!

Quan-công nói:

- Nay đương thời loạn, nếu tinh thông nghề võ, cũng có thể lập được công danh, sao lại gọi là không may?

Thường nói:

- Nếu nó chuyên tập nghề võ, thì là người có chí; nhưng nay nó chỉ dông dài, lêu lổng, bởi thế lão phu rất lấy làm lo.

Quan-công nghe chuyện cũng ái ngại cho ông cụ.

Đến canh khuya, Quách Thường cáo từ đi ra. Quan-công cùng Tôn Càn cầm gươm đi ra xem, thì thấy con Quách Thường ngã quay dưới đất, kêu la rầm rĩ, người nhà thì đang đánh nhau với một bọn trang khách. Quan-công hỏi cớ làm sao, người nhà thưa:

- Anh này toan lại ăn trộm ngựa Xích-thố, bị ngựa đá ngã, chúng tôi nghe thấy tiếng kêu, chạy lại xem, thì những người này lại đến đánh chúng tôi.

Quan-công giận nói:

- Đồ chuột nhắt sao dám trộm ngựa của ta!

Rồi toan lại đánh cho một trận, Quách Thường chạy đến kêu van:

- Thằng con lão phu hư hỏng dám làm việc càn bậy này, tội nó thực đáng chết. Nhưng vợ già tôi rất thương yêu nó, xin tướng quân rủ lòng nhân từ tha tội cho nó.

Quan-công nói:

- Thằng bé này thực là hư hỏng, như lời ông vừa nói, thực đúng với câu cổ ngữ: “Biết con không ai bằng cha”. Thôi nể ông tôi hãy tha cho nó.

Bèn bảo người nhà trông ngựa cẩn thận, đuổi bọn trang khách, rồi cùng Tôn Càn vào nhà khách nghỉ.

Hôm sau vợ chồng Quách Thường ra lạy ở dưới thềm, xin lỗi:

- Đứa con dại chúng tôi xúc phạm oai hùm, nhờ ơn tướng quân tha thứ, chúng tôi cảm tạ vô cùng.

Quan-công bảo:

- Gọi nó ra đây để ta lấy lẽ phải dạy bảo nó.

Thường nói:

- Canh tư đêm hôm qua, nó cùng mấy đứa vô lại dắt nhau đi đâu rồi.

Quan-công tạ biệt Quách Thường, mời hai chị lên xe cùng Tôn Càn sánh ngựa bảo vệ xa trượng, đi theo đường núi.

Đi ước được ba mươi dặm, thấy đằng sau núi có hơn một trăm người kéo ra, hai người đi đầu cưỡi ngựa, một người đầu đội khăn vàng, mình mặc áo chiến; một người chính là con Quách Thường. Người đội khăn vàng nói rằng:

- Ta là bộ tướng của Thiên công tướng quân Trương Giốc. Người kia để ngựa Xích-thố lại, thì ta tha cho đi.

Quan-công nghe nói cười to nói:

- Bọn giặc điên kia! Đã đi theo Trương Giốc, hẳn có biết tiếng ba anh em Lưu, Quan, Trương?

Người đội khăn vàng rằng:

- Ta chỉ biết tiếng người mặt đỏ râu dài là Quan Vân-trường nhưng ta chưa được thấy mặt bao giờ. Mi là người nào?

Quan-công cắp đao, dừng ngựa, cởi túi râu ra, vuốt cho mà coi. Người ấy vội vàng nhảy xuống ngựa, nắm đầu con Quách Thường, lôi lại nộp trước ngựa Quan-công. Quan-công hỏi họ tên, người ấy thưa:

- Tôi họ Bùi tên là Nguyên-thiệu, từ khi Trương Giốc chết đến giờ, không có ai làm chủ, phải vào tụ tập trong núi rừng. Sớm hôm nay, thằng này mách tôi rằng có một người khách cưỡi con ngựa đi nghìn dặm, ngủ trọ nhà nó, nó rủ tôi đi ăn cướp ngựa. Không ngờ lại được gặp tướng quân.

Con Quách Thường cũng phục xuống lạy xin tha tội. Quan-công nói:

- Ta nể mặt bố mày mà tha cho mày.

Con Quách Thường ôm đầu thui thủi đi mất. Quan-công hỏi Nguyên-thiệu:

- Ngươi không biết mặt ta sao lại biết tiếng?

Nguyên-thiệu thưa:

- Cách đây hai mươi dặm, có núi Ngọa-ngưu. Trong núi ấy có một người ở Quan-tây, họ Châu tên Sương, hai cánh tay nhắc nổi nghìn cân, bắp thịt cứng, râu xồm, hình dung dữ tợn, nguyên là bộ hạ Trương Bảo. Từ khi Trương Bảo chết, Châu Sương tụ tập trong rừng, thường nói đến đại danh tướng quân, tiếc rằng không có cách nào được gặp.

Quan-công nói:

- Rừng xanh không phải là nơi hào kiệt nương mình. Các ông từ rầy nên bỏ tà theo chính, đừng có tự làm phí mất thân mình.

Nguyên-thiệu lạy tạ.

Trong khi đang nói chuyện, thấy ở đằng xa có một toán quân kéo đến. Nguyên-thiệu nói:

- Đó hẳn là Châu Sương.

Châu Sương và Quan Công.

Quan-công dừng lại, thấy một người mặt đen, mình cao lớn, cưỡi ngựa vác giáo dẫn quân đến, trông thấy Quan-công vừa mừng vừa sợ, nói ngay rằng:

- Đây là Quan tướng quân rồi!

Rồi vội vàng xuống ngựa, thụp lạy bên đường, nói:

- Tôi là Châu Sương xin bái kiến tướng quân!

Quan-công nói:

- Tráng sĩ đã biết ta ở nơi nào vậy?

Châu Sương thưa:

- Khi xưa tôi theo giặc Khăn vàng là Trương Bảo, đã được biết tôn nhan, tiếc rằng mình trót theo giặc, không được theo hầu. Ngày nay may được bái kiến ở đây, tướng quân đừng ruồng bỏ, cho là bộ tốt, sớm tối cầm roi theo sau ngựa, dẫu chết cũng cam tâm.

Quan-công thấy Châu Sương lòng rất thành thực, hỏi:

- Ngươi theo ta, còn thủ hạ của ngươi thì làm thế nào?

Châu Sương nói:

- Ai muốn theo thì theo, bằng không thì tùy ý.

Mọi người đều xin đi theo cả. Quan-công vội vàng xuống ngựa, đến trước xe bẩm hỏi hai chị. Cam phu nhân nói:

- Từ khi chú rời Hứa-đô, một mình đi đến đây trải bao nhiêu gian nan, chưa từng cần có quân mã đi theo. Trước kia Liêu Hóa muốn đi theo, chú cũng từ chối, nay sao lại cho quân Châu Sương đi theo? Đó là thiển kiến của chị em đàn bà chúng tôi, xin tùy ý chú châm chước.

Quan-công nói:

- Chị nói rất phải.

Bèn bảo Châu Sương rằng:

- Không phải ta không có tình, nhưng vì hai phu nhân không ưng, các ngươi hãy về núi, đợi khi nào ta tìm thấy anh ta, bấy giờ sẽ sai người đi gọi.

Châu Sương dập đầu xuống đất nói:

- Châu Sương là một kẻ thô mãng, đã lỡ bước đi theo giặc; nay được gặp tướng quân, khác nào được trông thấy trời và mặt trời, sao lại bỏ lỡ cơ hội này? Nếu đông người đi theo không tiện, xin cho chúng ở lại với Nguyên-thiệu, còn tôi chỉ xin một mình đi bộ theo tướng quân, dẫu đường xa muôn dặm cũng không quản ngại.

Quan-công lại đem lời ấy bẩm với hai chị. Cam phu nhân nói:

- Một vài người theo thì được.

Quan-công sai Châu Sương giao cả quân cho Bùi Nguyên-thiệu. Nguyên-thiệu nói:

- Ta cũng muốn theo Quan tướng quân.

Châu Sương nói:

- Nếu anh cũng đi, thì quân tan hết, chi bằng anh hãy tạm thống lĩnh lấy, để tôi đi theo Quan tướng quân, nếu có đóng ở đâu, tôi sẽ về gọi anh.

Nguyên-thiệu bùi ngùi từ biệt.

Châu Sương theo Quan-công sang Nhữ-nam. Đi được vài ngày, trông xa xa trên đỉnh núi, có một tòa thành, Quan-công hỏi người bản thổ là thành nào, người bản thổ nói:

- Đây gọi là Cổ-thành. Mấy tháng trước có một tướng, tên gọi Trương Phi, dẫn vài mươi quân kỵ đến, đuổi quan huyện đi, chiếm lấy thành trì, mộ quân tậu ngựa, chứa cỏ tích lương, nay có đến năm ba nghìn quân mã. Chung quanh đây không ai dám chống lại.

Quan-công nghe nói, mừng rỡ vô cùng:

- Em ta từ khi ở Từ-châu thất tán, lâu nay vẫn không biết ở đâu, ai ngờ lại hóa ra ở đây!

Liền sai ngay Tôn Càn vào thành báo tin, bảo Trương Phi ra đón hai chị.

Trương Phi từ khi trốn vào núi Mang-đường, ở hơn một tháng. Một bữa ra ngoài nghe ngóng tin tức Huyền-đức, chợt đi qua Cổ-thành, vào huyện vay lương thực. Huyện quan không cho vay, Phi nổi giận đuổi ngay huyện quan cướp lấy ấn thụ, chiếm lấy thành trì, tạm lấy chốn nương thân.

Hôm ấy Tôn Càn theo lệnh Quan-công, vào thành ra mắt Trương Phi, thi lễ xong, nói chuyện Huyền-đức đã bỏ Viên Thiệu sang Nhữ-nam, Vân-trường thì ở Hứa-đô vừa đưa hai phu nhân đến đây. Rồi mời Trương Phi ra đón.

Phi nghe xong, chẳng nói năng gì, lập tức mặc áo giáp vác mâu lên ngựa, dẫn một nghìn quân, đi tắt ra cửa Bắc. Tôn Càn thấy lạ nhưng không dám hỏi, cũng phải theo ra thành.

Quan-công trông thấy Trương Phi ra, mừng rỡ vô cùng giao long đao cho Châu Sương cầm, tế ngựa lại đón. Trương Phi mắt tròn xoe râu vểnh ngược, hò thét như sấm, múa xà mâu chạy lại đâm Quan-công.

Quan-công giật mình, vội tránh mũi mâu, hỏi:

- Hiền đệ cớ sao nhưu thế, há quên nghĩa vườn đào ru?

Trương Phi hầm hầm quát:

- Mày đã bội nghĩa còn mặt nào đến gặp tao nữa?

Quan-công nói:

- Ta thế nào là bội nghĩa?

Trương Phi nói:

- Mày bỏ anh, hàng Tào Tháo được phong hầu tứ tước, nay lại đến đây đánh lừa tao! Phen này tao liều sống chết với mày.

Quan-công nói:

- Chuyện này em không biết, ta cũng khó nói. May hai chị ở đây, em đến mà hỏi.

Hai phu nhân nghe thấy thế, vội vàng vén màn xe, gọi:

- Chú ba sao lại thế?

Phi nói:

- Xin hai chị hãy thong thả, để tôi giết thằng phản nghĩa này đã, rồi sẽ mời hai chị vào thành.

Cam phu nhân nói:

- Khoan đã chú ba, khoan đã! Chớ hấp tấp mà làm càn bây giờ. Chú hai không biết tin tức mọi người ở đâu nên phải tạm nương mình bên Tào. Nay đã biết anh mình ở Nhữ-nam, không ngại hiểm trở, đưa lũ ta đến đây, chú không được nghĩ lầm như thế.

My phu nhân cũng nói:

- Chú hai trước ở Hứa-đô, thực là bất đắc dĩ.

Phi nói:

- Hai chị bị nó nói dối đấy. Trung thần thà chịu chết không chịu nhục. Có lẽ đâu đại trượng phu lại thờ hai chủ!

Quan-công nói:

- Hiền đệ đừng nói vậy, oan uổng anh quá!

Tôn Càn nói:

- Vân-trường đến đây là cốt để tìm tướng quân.

Trương Phi mắng:

- Mày cũng nói láo, nó đâu có bụng tốt, nó lại đây tất là để bắt ta đó!

Quan-công nói:

- Nếu ta đến bắt em, tất phải đem theo quân mã chứ!

Trương Phi trỏ tay đằng xa, nói:

- Không phải quân mã là gì kia?

Quan-công ngoảnh đầu lại, quả nhiên thấy bụi bay mù mịt, một toán quân mã kéo đến, cờ hiệu phấp phới chính là cờ Tào. Trương Phi nổi giận nói:

- Bây giờ còn chối nữa thôi?

Rồi múa bát xà mâu hăm hở lại đâm Quan-công. Quan-công vừa đỡ vừa can:

- Hiền đệ hãy khoan, xem ta chém tên tướng ấy, để tỏ lòng thực của ta.

Trương Phi nói:

- Nếu mày quả có lòng thực, ta đánh ba hồi trống mày phải chém được tên tướng ấy.

Quan-công nhận lời. Một lát quân Tào kéo đến. Sái Dương đi đầu, vác đao tế ngựa chạy lại, quát to:

- Mày giết cháu tao là Tần Kỳ, lại trốn đến đây, tao phụng mệnh thừa tướng đến bắt mày.

Quan Vũ chém Sái Dương.

Quan-công chẳng nói một lời, múa long đao xô lại. Trương Phi thẳng cánh đánh trống, chưa dứt một hồi, đầu Sái Dương đã lăn dưới đất.

Quân Tào chạy tan tác. Quan-công bắt một tên lính cầm cờ hiệu hỏi chuyện đầu đuôi. Tên lính thưa:

- Sái Dương nghe tin tướng quân giết mất cháu ngoại là Tần Kỳ, nổi giận đùng đùng, muốn sang Hà-bắc đánh nhau với tướng quân.

Quan-công sai tên lính đến kể chuyện ấy cho Trương Phi nghe. Phi hỏi kỹ việc ở Hứa-đô, tên lính kể hết nông nỗi từ đầu đến cuối, bấy giờ Trương Phi mới tin anh là thực.

Giữa lúc ấy, có quân đến báo:

- Ngoài cửa nam có vài mươi quân kỵ đi lại rất khẩn cấp không biết là những người nào?

Phi lấy làm hồ nghi, chạy ra cửa nam xem, quả thấy một toán mươi quân kỵ đeo cung nhẹ, cài tên ngắn, chạy lại. Thấy Phi, chúng vội vàng xuống ngựa. Phi nhìn ra thì là My Chúc và My Phương.

Trương Phi xuống ngựa chào hỏi, Chúc nói:

- Từ khi ở Từ-châu thất tán, hai anh em tôi trốn nạn về làng ở, sai người đi dò thăm tin tức, biết Quan Vân-trường đã hàng Tào Tháo, chúa công thì ở Hà-bắc; lại nghe nói Dản Ung cũng sang Hà-bắc rồi. Nhưng lại không biết tướng quân ở đây. Bữa nọ gặp một bọn khách đi đường, nói chuyện có một tướng họ Trương, hình dung như thế, chiếm cứ Cổ-thành. Anh em tôi đoán tất là tướng quân, nên lại đây tìm hỏi. Thực là may quá!

Phi nói:

- Vân-trường cùng Tôn Càn vừa đưa hai chị đến đây. Anh ta bây giờ ở đâu, ta cũng biết cả rồi.

Hai anh em họ My mừng rỡ vô cùng, cùng đến chào Quan-công, và bái kiến hai phu nhân.

Phi mời hai chị vào thành.

Vào đến nhà, hai bà mới kể lại những việc Quan-công đã trải qua. Trương Phi nghe hết chuyện, rỏ nước mắt khóc, thụp xuống lạy Vân-trường. Hai anh em My Chúc, My Phương thấy vậy cũng động lòng thương cảm.

Trương Phi cũng đem chuyện mình từ khi biệt nhau ra kể, rồi sai mở tiệc yến lớn ăn mừng.

Hôm sau, Trương Phi muốn đi với Quan-công đến Nhữ-nam gặp Huyền-đức.

Quan-công nói:

- Hiền đệ nên trông nom hai chị, tạm đóng quân ở thành này, đợi tôi cùng Tôn Càn đi trước, thăm dò tin tức huynh trưởng đã.

Phi vâng lời. Quan-công cùng Tôn Càn dẫn vài mươi quân kỵ đến Nhữ Nam.

Lưu Tích, Cung Đô ra đón. Quan-công hỏi:

- Hoàng-thúc ở đâu?

Lưu Tích nói:

- Hoàng-thúc đến đây ở được vài tháng, vì thấy quân ít, lại sang Hà-bắc thương lượng với Viên Bản-sơ.

Quan-công bực dọc không vui.

Tôn Càn nói:

- Việc gì tướng quân phải lo buồn? Tôi lại chịu khó đi một phen nữa sang Hà-bắc, nói với hoàng-thúc cùng đến Cổ-thành.

Quan-công nghe lời Tôn Càn, từ biệt Lưu Tích, Cung Đô, về Cổ-thành, thuật chuyện lại với Trương Phi. Trương Phi lại đòi cùng sang Hà-bắc. Quan-công nói:

- Duy có một thành này là nơi chúng ta yên thân chưa nên bỏ hoài đi. Hiền đệ nên ở lại đây, để anh cùng Tôn Càn sang bên Viên Thiệu tìm huynh trưởng về đây tụ họp. Hiền đệ nên giữ vững thành này.

Trương Phi nói:

- Anh đã chém mất Nhan Lương, Văn Sú của Viên Thiệu, nay lại sang đó sao được?

Quan-công nói:

- Không ngại, anh đến đó, sẽ tùy cơ ứng biến.

Bèn gọi Châu Sương hỏi:

- Bùi Nguyên-thiệu ở núi Ngọa-ngưu, có bao nhiêu quân mã?

Sương thưa:

- Ước được bốn năm trăm.

Quan-công nói:

- Nay ta đi tắt đường gần, tìm huynh trưởng. Ngươi nên về núi Ngọa-ngưu, bảo đem hết cả quân mã ở đấy đi đường cái to đón ta.

Châu Sương lĩnh mệnh đi.

Quan-công cùng Tôn Càn đem hơn hai mươi quân kỵ mã đi tắt sang Hà-bắc. Khi đến gần đầu địa giới, Tôn Càn nói:

- Tướng quân không nên vào vội, hãy tạm nghỉ ở đây, chờ tôi ra mắt hoàng-thúc trước, rồi thế nào sẽ hay.

Quan-công y lời, để Tôn Càn đi trước. Rồi trông ở làng xa xa có một cái trại, bèn cùng các người tùy tùng vào đó xin nghỉ trọ.

Trong nhà có một ông già chống gậy ra chào hỏi. Quan-công lấy chuyện thực ra nói, ông già nói:

- Tôi cũng họ Quan tên Định, nghe thấy tiếng lớn của ngài đã lâu, nay mới được bái kiến.

Ông già sai hai con ra lạy, mời Quan-công và các người tùy tùng vào trong nhà khoản đãi tử tế.

Tôn Càn một mình vào Ký-châu, tìm được đến Huyền-đức nói rõ mọi việc.

Huyền-đức nói:

- Dản Ung cũng ở đây. Nên mật mời đến cùng bàn.

Một lát Dản Ung đến. Chào hỏi xong, cùng bàn kế thoát thân, Ung nói:

- Chúa công ngày mai gặp Viên Thiệu, nói xin sang Kinh-châu, nhủ Lưu Biểu cùng đánh Tào Tháo, thế là có thể thừa cơ đi thẳng.

Huyền-đức hỏi:

- Kế ấy thực diệu, nhưng ông có đi theo được không?

Ung thưa:

- Tôi sẽ có kế thoát thân.

Bàn định đâu đấy, hôm sau Huyền-đức vào gặp Viên Thiệu nói:

- Lưu Cảnh-thăng trấn giữ chín quận Kinh, Tương, binh mạnh lương nhiều. Ta nên ước hẹn với y để cùng đánh Tào Tháo.

Thiệu nói:

- Ta đã sai sứ đến rủ hắn, nhưng hắn chưa chịu nghe.

Huyền-đức nói:

- Lưu Biểu vốn đồng tông với tôi, tôi xin đi nói, tất theo ngay.

Thiệu nói:

- Được Lưu Biểu, hơn Lưu Tích nhiều.

Rồi sai Huyền-đức đi. Thiệu lại nói:

- Mới đây ta nghe Quan Vân-trường đã bỏ Tào Tháo, muốn đến Hà-bắc. Ta phải giết đi để báo thù cho Nhan Lương, Văn Sú.

Huyền-đức nói:

- Minh công trước muốn dùng Quan Vũ, nên tôi gọi đến, nay sao minh công lại muốn giết đi? Vả Nhan Lương, Văn Sú chẳng qua chỉ bằng hai con hươu mà thôi, Quan Vũ bằng một con hổ. Mất hai hươu, được một hổ, minh công còn hối hận gì?

Thiệu cười nói:

- Ta vốn vẫn yêu Vân-trường, ta nói đùa đó thôi. Ông lại nên cho đi gọi một lần nữa, bảo đến cho nhanh.

Huyền-đức nói:

- Vâng, xin sai ngay Tôn Càn đi gọi.

Thiệu mừng, theo lời ấy.

Khi Huyền-đức đi khỏi, Dản Ung bước lên thưa:

- Huyền-đức phen này đi, chắc không về nữa. Tôi xin cùng đi, trước là để dụ Lưu Biểu, sau là để kìm giữ Huyền-đức.

Thiệu lấy làm phải, sai ngay Dản Ung cùng đi với Huyền-đức.

Quách Đồ can rằng:

- Lưu Bị đi dụ Lưu Tích chưa được việc gì, nay chúa công lại sai cùng Dản Ung đến Kinh-châu, chắc là không trở về nữa.

Thiệu nói:

- Ngươi chớ đa nghi, Dản Ung là người có nhiều kiến thức.

Quách Đồ thở dài trở ra.

Huyền-đức sai Tôn Càn đi trước về báo Quan-công, rồi cùng Dản Ung từ biệt Viên Thiệu, lên ngựa ra thành.

Huyền-đức đi đến đầu địa giới, Tôn Càn ra đón mời về nhà Quan Định.

Quan-công ra cửa đón vào, hai người cầm tay nhau khóc lóc mãi.

Quan Định đem hai con ra lạy chào. Huyền-đức hỏi họ tên nhà chủ, Quan-công thưa:

Quan Bình

- Người này cùng họ với em, có hai con trai: con cả là Quan Ninh, học nghề văn; con thứ là Quan Bình, học nghề võ.

Quan Định nói:

- Ý tôi muốn cho con thứ hai theo hầu Quan tướng quân, chưa biết có được dung nạp không?

Huyền-đức hỏi:

- Quan Bình năm nay bao nhiêu tuổi?

Định thưa:

- Cháu năm nay mười tám tuổi.

Huyền-đức nói:

- Vâng hậu ý của bậc trưởng gia, em tôi chưa có con, nay muốn xin cậu thứ hai làm con nuôi, trưởng gia nghĩ thế nào?

Quan Định mừng lắm, đem ngay Quan Bình ra lạy Quan-công nhận làm cha, gọi Huyền-đức làm bá phụ.

Huyền-đức sợ Viên Thiệu cho người đuổi theo, vội vàng thu xếp để đi. Quan Bình theo Quan-công cùng đi một thể. Quan Định đi tiễn một thôi đường rồi trở về. Quan-công dặn đi theo đường đến núi Ngọa-ngưu.

Đang đi chợt gặp Châu Sương dẫn vài mươi người bị thương đến. Quan-công đem Châu Sương đến lạy Huyền-đức, rồi mới hỏi duyên cớ, Châu Sương nói:

- Khi tôi chưa đến núi Ngọa-ngưu, có một tướng cưỡi ngựa qua đó, đánh nhau với Bùi Nguyên-thiệu, chỉ một hợp, đâm chết Nguyên-thiệu, chiêu hàng quân sĩ, chiếm giữ sơn trại. Khi tôi đến gọi quân sĩ ra, chỉ có mấy người dám ra, còn thì đều sợ hãi, không dám rời bỏ sơn trại. Tôi giận lắm, cùng với tướng ấy đánh nhau, tôi bị đâm ba vết thương, bởi vậy tôi chạy lại đây báo chúa công biết.

Huyền-đức hỏi tướng ấy hình dạng thế nào, họ tên là gì thì Châu Sương nói:

- Trông người rất hùng tráng, không biết tên họ là gì.

Quan-công thúc ngựa đi trước, Huyền-đức đi sau, tắt đến núi Ngọa-ngưu. Châu Sương đến đứng dưới núi mắng chửi, tướng ấy mặc áo giáp, vác giáo tế ngựa đem quân xuống núi.

Huyền-đức trông thấy quất ngựa ra ngay gọi to:

- Có phải Triệu Tử-long đó không?

Tướng ấy thấy Huyền-đức, nhảy từ trên yên ngựa xuống đất thụp lạy ở bên đường; quả nhiên là Triệu Tử Long.

Huyền-đức, Quan-công cùng xuống ngựa, hỏi Tử-long căn do làm sao lại ở đó, Tử-long thưa:

- Tôi từ khi từ biệt sứ quân đi theo Công-tôn Toản, không ngờ Toản không chịu nghe lời phải, đến nỗi quân thua, phải tự đốt chết. Viên Thiệu mấy lần cho gọi tôi. Tôi cho Viên Thiệu cũng không dùng được người, nên cũng chưa đến. Sau định sang Từ-châu theo sứ quân thì lại nghe Từ-châu đã thất thủ. Vân-trường thì theo Tào Tháo; sứ quân thì thấy nói ở bên Viên Thiệu. Đã hai ba lần muốn đến để tìm sứ quân, nhưng lại sợ Viên Thiệu ngờ vực, long đong bốn bể, không có chỗ nào nương mình. Mới rồi đi qua chỗ này, chợt gặp Bùi Nguyên-thiệu xuống núi toan cướp ngựa của tôi, nên tôi giết đi, nhân thể mượn chỗ yên thân. Gần đây nghe tin Dực-đức ở Cổ-thành, tôi cũng định đến đó, nhưng chưa biết thực hư thế nào. Nay gặp sứ quân ở đây thực là may quá.

Huyền-đức mừng lắm, kể lại chuyện trước, Quan-công cũng thuật lại những chuyện đã qua.

Huyền-đức lại nói:

- Từ khi ta mới gặp được Tử-long, đã có tình lưu luyến không bỏ được. Ngày nay lại được gặp, thực là may.

Triệu Tử-long nói:

- Tôi đã đi khắp bốn phương, chọn chủ để thờ, mà chưa từng thấy ai bằng tướng quân. Nay được theo hầu, thực là mãn nguyện bình sinh; dẫu rằng gan óc lầm đất, cũng không hối hận gì.

Ngay hôm ấy đốt trại trên núi, xuất lĩnh chúng quân theo cả Huyền-đức đến Cổ-thành.

Trương Phi, My Chúc, My Phương ra đón vào thành, chào chào, hỏi hỏi, mừng mừng rỡ rỡ khôn xiết kể. Hai bà kể lại chuyện Quan-công, Huyền-đức than thở mãi.

Bấy giờ giết bò mổ ngựa, trước bái tạ trời đất, sau khao thưởng quân sĩ. Huyền-đức thấy anh em lại được sum họp một nơi, tướng tá chẳng thiếu người nào, lại thêm được Triệu Tử-long; Quan-công lại mới được Quan Bình, Châu Sương, vui mừng khôn xiết, yến tiệc liền mấy ngày. Đời sau có thơ rằng:

Ngán nỗi anh em cảnh biệt ly
Âm hao vắng ngắt đã bao kỳ!
Vua tôi nay lại mừng sum họp
Hổ gió rồng mây chính gặp thì.

Bấy giờ Huyền-đức, Quan, Trương, Triệu Vân, Tôn Càn, My Chúc, My Phương, Quan Bình, Châu Sương, thống lĩnh quân mã, cả thảy được bốn năm nghìn người.

Huyền-đức muốn bỏ Cổ-thành sang Nhữ-nam. Vừa khi Lưu Tích, Cung Đô sai người đến mời, bèn đem cả quân sang đóng ở Nhữ-nam, chiêu quân tậu ngựa, lo tính việc đi đánh dẹp.

Trong khi ấy, Viên Thiệu thấy Huyền-đức không về giận lắm muốn khởi binh đi đánh. Quách Đồ can rằng:

- Lưu Bị không đáng lo, Tào Tháo là kình địch phải trừ mới được. Lưu Biểu tuy giữ ở Kinh-châu nhưng sức còn yếu. Tôn Bá-phù ở Giang-đông, uy trấn Tam-giang, đất liền sáu quận, mưu thần võ sĩ rất nhiều nên sai người đến kết hiếu để cùng đánh Tào Tháo.

Thiệu nghe lời, lập tức viết thư, sai Trần Chấn đem sang Giang-đông gặp Tôn Sách.

Thế là:

Đất Hà-bắc anh hùng đi mất
Xứ Giang-đông hào kiệt tìm ra.

Chưa biết sự thể về sau ra làm sao, xem đến hồi sau sẽ rõ.