Tam quốc diễn nghĩa (Phan Kế Bính dịch, Bùi Kỷ hiệu đính)/Hồi 25

HỒI THỨ HAI MƯƠI NHĂM

Đóng Thổ-sơn, Quan-công ước ba việc
Cứu Bạch-mã, Tào Tháo thoát vòng vây

Trình Dục dâng kế rằng:

- Vân-trường sức địch muôn người, phi dùng trí mưu không sao đánh nổi. Nay nên sai một số quân của Lưu Bị mới hàng vào Hạ-bì ra mắt Quan Vũ, nói dối là trốn về được, cho phục ở trong thành làm nội ứng; rồi dử Quan Vũ ra đánh nhau, ta giả cách thua chạy, dử hắn ra nơi khác, đem tinh binh chẹn hẳn đường về, bấy giờ mới có thể dụ hắn quy hàng.

Tháo theo kế ấy, cho ngay vài mươi hàng binh đến Hạ-bì vào hàng Quan-công. Quan-công cho là quân cũ, không hồ nghi gì cả.

Hôm sau Hạ-hầu Đôn lĩnh năm nghìn quân đến thách đánh, Quan-công không ra. Đôn sai quân ở dưới thành sỉ nhục mắng nhiếc. Quan-công mới nổi giận dẫn ba nghìn quân ra ngoài thành giao chiến. Đánh được hơn mười hợp, Hạ-hầu Đôn quay ngựa chạy. Quan-công đuổi miết. Đôn vừa đánh vừa chạy.

Quan-công đuổi được độ hai mươi dặm, sợ Hạ-bì không có ai giữ nổi, kéo quân trở về. Bỗng nghe một tiếng pháo nổ, bên tả có Từ Hoảng, bên hữu có Hứa Chử, hai đạo quân chẹn ngang đường đi. Quan-công cứ cắm đầu chạy về, quân phục hai bên lại đổ ra, nỏ cứng trăm chiếc bắn tên như châu chấu. Quan-công không thể nào đi được, phải quay ngựa lại. Từ Hoảng, Hứa Chử lại đón đánh. Quan-công cố hết sức đánh lui hai người, đang định dẫn quân về Hạ-bì, Hạ-hầu Đôn lại đánh chặn lại. Quan-công đánh mãi đến chiều, không có đường về, phải lên quả núi đất đóng quân tạm nghỉ. Quân Tào kéo đến, lần lượt vây vòng quanh quả núi đất.

Quan-công đứng trên ngọn núi, trông xa về Hạ-bì, thấy trong thành lửa cháy ngùn ngụt. Đó là những quân trá hàng mở trộm cửa thành, Tào Tháo dẫn quân vào, rồi lại đốt lửa lên để làm cho Quan-công trông thấy rối ruột.

Quan-công thấy thành Hạ-bì lửa cháy, trong lòng lo sợ, đang đêm mấy lần xông xuống núi đều bị tên bắn phải quay lại.

Đến sáng, đang sắp sửa xông xuống chân núi, chợt có một tướng tế ngựa trèo lên, nhìn ra là Trương Liêu.

Quan-công đón hỏi:

- Văn-viễn đến đây định đánh nhau với ta chăng?

Liêu đáp:

- Đâu phải thế! Liêu này nghĩ tình cố nhân ngày xưa, lên đây gặp nhau đó thôi.

Nói rồi bỏ đao xuống ngựa, thi lễ xong, ngồi trên đỉnh núi nói chuyện.

Quan-công nói:

- Văn-viễn đến dụ mỗ chăng?

Liêu đáp:

- Không phải thế! Ngày trước nhờ anh cứu em, ngày nay sao em lại không cứu anh?

Quan-công nói:

- Thế Văn-viễn đến đây định giúp ta chăng?

Liêu nói:

- Cũng không phải.

Quan-công nói:

- Nếu không giúp ta, thì đến làm gì?

Liêu nói:

- Huyền-đức không biết còn hay mất; Dực-đức không biết sống hay chết. Đêm qua Tào công đã phá được Hạ-bì, quân dân đều an toàn cả. Tào công lại sai người giữ gìn gia quyến Huyền-đức, cấm không cho ai vào quấy nhiễu, đối đãi thực tử tế, em đến để báo tin cho anh biết.

Quan-công giận nói:

- Thế là đến dụ ta, nay tuy hết đường đất, ta vẫn coi cái chết như không. Ngươi đi ngay, ta sẽ xuống chân núi đánh nhau bây giờ.

Trương Liêu cười nói:

- Anh nói thế, không sợ thiên hạ người ta cười cho à?

Quan-công nói:

- Ta vì trung nghĩa mà chết, thiên hạ sao lại cười ta?

Liêu nói:

- Anh chết bây giờ thì mắc ba tội.

Quan-công hỏi:

- Ba tội là những tội gì?

Liêu nói:

- Khi trước Lưu sứ-quân cùng anh kết nghĩa, có thề với nhau cùng sống thác. Nay sứ-quân vừa mới thua, mà anh đi đánh liều cố lấy cái chết, nếu sứ-quân hãy còn, muốn tìm anh mà không tìm thấy, chẳng hóa ra phụ lời thề năm trước ru? Thế là một tội. Lưu sứ-quân đem vợ con phó thác cho anh, anh nay liều mình chịu chết, hai phu nhân nương tựa vào đâu, há chẳng phụ lời phó thác của Lưu sứ-quân ru? Thế là hai tội. Đại huynh võ nghệ siêu quần, gồm thông kinh sử, không nghĩ cùng sứ-quân giúp nhà Hán, lại tự nhảy vào nước sôi lửa cháy, mua lấy cái tiếng manh bạo của một kẻ vũ phu, sao gọi là nghĩa? Thế là ba tội. Anh mắc ba tội ấy nên em phải bảo.

Quan-công ngồi nghĩ một lúc, rồi nói:

- Ngươi nói ta có ba tội ấy, thế ngươi muốn bảo ta phải làm thế nào?

Liêu nói:

- Nay bốn mặt đều là quân Tào công vây kín cả. Nếu anh không hàng thì phải chết. Chết mà vô ích thì hãy hàng đi, rồi sẽ nghe ngóng tin tức Lưu Huyền-đức. Khi biết được sứ-quân ở đâu, bấy giờ lại đi theo, một là bảo toàn được hai phu nhân, hai là không trái ước vườn đào, ba là lưu lại được cái thân hữu dụng. Có ba điều tiện như thế, xin anh nghĩ lại cho kỹ.

Quan-công nói:

- Anh nói ba điều tiện, tôi cũng có ba điều giao ước. Nếu thừa tướng nghe cho, tôi xin lập tức cởi giáp lai hàng; nhược bằng không nghe, tôi đành chịu ba tội mà chết.

Liêu nói:

- Thừa tướng đại lượng khoan hồng, thế nào chắc ngài cũng nghe. Xin cho biết ba điều ước.

Quan-công nói:

- Một là: ta đã cùng hoàng-thúc lập thề cùng nhau giúp nhà Hán, nay ta chỉ hàng vua nhà Hán, không hàng Tào Tháo. Hai là: hai chị dâu ta phải được cấp dưỡng theo bổng lộc của hoàng-thúc, nhất thiết người ngoài không ai được đến cửa. Ba là: hễ ta nghe thấy hoàng-thúc ở đâu, không quản trăm dặm nghìn dặm, lập tức ta cáo từ, rồi đi theo. Ba điều ấy nếu thiếu một điều ta nhất định không hàng, xin Văn-viễn mau mau về trình với thừa tướng.

Trương Liêu thưa vâng, lên ngay ngựa về gặp Tào Tháo, trước hết nói việc hàng Hán không hàng Tào. Tháo nói:

- Ta là tướng nhà Hán, Hán tức là ta. Việc ấy theo được.

Liêu lại xin cho hai phu nhân được hưởng lộc của hoàng-thúc và không được ai vào đến cửa.

Tháo nói:

- Ta sẽ cấp cho gấp hai lương bổng của hoàng-thúc. Còn như việc nghiêm cấm trong ngoài, vốn là gia pháp phải thế, việc gì phải nói nữa.

Liêu mới nói đến khoản thứ ba: hễ khi nào biết tin Huyền-đức ở đâu, dù xa thế nào cũng đi theo ngay.

Tháo lắc đầu nói:

- Thế thì ta nuôi Vân-trường để làm gì? Việc này khó theo đấy.

Liêu nói:

- Thừa tướng không nhớ lời bàn chúng nhân và quốc sĩ của Dự Nhượng[1] ngày xưa hay sao? Như Huyền-đức đãi Quan Vũ chẳng qua chỉ lấy hậu ân mà thôi. Nay thừa tướng đối đãi thật hậu hơn, lo gì Quan Vũ chẳng phục?

Tháo nói:

- Văn-viễn nói chí phải. Ta ưng cả ba điều.

Liêu vội lên núi bảo cho Quan-công biết. Quan-công nói:

- Đã đành như thế rồi, xin thừa tướng hãy tạm lui binh, để tôi vào thành bẩm với hai chị, rồi sau mới xin ra đầu.

Liêu về bẩm lại, Tháo liền truyền lệnh lui binh ba mươi dặm. Tuân Úc nói:

- Không nên, e nó nói dối?

Tháo nói:

- Vân-trường là người nghĩa sĩ, chắc không thất tín.

Rồi cứ truyền lệnh rút binh.

Quan-công dẫn binh vào thành, thấy nhân dân yên ổn cả, đến ngay phủ, vào yết kiến hai chị. Cam, My, hai phu nhân nghe Quan-công đã về, vội ra đón vào. Quan-công lạy ở dưới thềm, nói:

- Để cho hai chị sợ hãi ấy là tội em.

Hai phu nhân hỏi:

- Hoàng-thúc bây giờ ở đâu?

Quan-công nói:

- Không biết ở đâu.

Hai phu nhân lại hỏi:

- Bây giờ chú định thế nào?

Quan-công nói:

- Em ra thành đánh nhau, bị vây ở trên núi đất, Trương Liêu khuyên em ra hàng, em có ước ba điều, Tào Tháo nghe cả ba, nên mới rút binh, để em vào thành. Em chưa được ý định của hai chị, chưa dám thiện tiện.

Hai phu nhân hỏi:

- Ba điều ước là những điều gì?

Quan-công thuật rõ lại ba điều ước. Cam phu-nhân nói:

- Hôm trước quân Tào vào thành, chúng tôi tưởng là chết cả, ai ngờ cái tơ cái tóc không động đến; một đứa quân cũng không dám vào cửa. Nay chú đã hứa với người, không cần phải hỏi lại chúng tôi nữa. Chỉ sợ Tào Tháo về sau không để cho chú đi tìm hoàng-thúc thôi.

Quan-công nói:

- Xin hai chị yên tâm, em đã có chủ ý.

Hai phu nhân nói:

- Chú cứ lo liệu, bất tất phải hỏi bọn đàn bà chúng tôi.

Quan-công từ tạ trở ra, dẫn vài mươi tên kỵ đến ra mắt Tào Tháo; Tháo ra ngoài cửa viên tiếp vào. Quan-công xuống ngựa vào lạy, Tháo vội vàng đáp lễ. Quan-công nói:

- Tôi là bại tướng, không bị giết, đội ơn ngài nhiều lắm.

Tháo nói:

- Tôi vốn mến Vân-trường là người trung nghĩa, nay được trông thấy, thực là hả lòng mong mỏi bấy nay.

Quan-công nói:

- Văn-viễn bẩm cho ba việc, đã được thừa tướng ưng cho, chắc là thừa tướng không sai lời.

Tháo đáp:

- Ta đã nói quyết không thất tín.

Quan-công lại thưa:

- Nếu tôi biết được hoàng-thúc ở đâu, dù lên thác xuống ghềnh, lặn sông, qua lửa cũng phải đi theo. Bấy giờ sợ không kịp bái từ, xin thừa tướng lượng thứ cho.

Tháo đáp:

- Huyền-đức nếu còn sống, ông cứ đi theo. Nhưng chỉ sợ Huyền-đức mất trong loạn quân rồi. Ông cứ yên tâm, nghe ngóng xem đã.

Quan-công lạy tạ.

Tháo mở tiệc yến khoản đãi. Hôm sau rút quân về Hứa-xương. Quan-công thu xếp xa-trượng, mời hai chị lên xe, tự mình đi hộ vệ. Khi đi đường, nghỉ ở quán-dịch, Tháo muốn làm rối loạn lễ vua tôi, để Quan-công và hai chị dâu cùng ở một nhà. Quan-công cầm đuốc đứng hầu ngoài cửa, tự tối đến sáng, sắc mặt không lúc nào có dáng mỏi mệt. Tào Tháo thấy thế lại càng kính phục. Về đến Hứa-xương, Tháo sai sửa sang ngay một phủ để Quan-công ở. Quan-công chia một nhà làm hai viện, viện trong sai mười người lính già canh cửa. Quan-công thì ở nhà ngoài. Tháo dẫn Quan-công vào chầu vua Hiến-đế. Vua cho làm thiên-tướng-quân; Quan-công tạ ơn rồi về.

Hôm sau, Tháo mở tiệc lớn, hội cả mưu thần võ sĩ, lấy lễ khách đãi Quan-công, mời lên ngồi trên; lại tặng gấm vóc và những đồ vàng bạc, Quan-công đem về nhờ hai chị thu giữ.

Từ khi Quan-công đến Hứa-xương, Tháo đãi rất hậu. Ba ngày một tiệc nhỏ, năm ngày một tiệc lớn; lại đưa mười người con gái đẹp để hầu. Quan-công đều đưa vào nhà trong để hầu hai chị. Cứ ba ngày một lần đứng cửa ngoài chắp tay kính cẩn, hỏi thăm sức khỏe hai chị.

My phu nhân hỏi han về tin tức hoàng-thúc, bao giờ hỏi xong cũng nói: - “Chú cứ tùy tiện”. Bấy giờ Quan-công mới dám lui về.

Tháo nghe thấy thế lại càng kính phục lắm.

Một hôm thấy Quan-công mặc áo chiến bào bằng gấm xanh, đã cũ bạc, Tháo truyền ngay lệnh đo mình Quan-công, may một chiếc chiến bào bằng gấm thực quý để tặng. Quan-công lĩnh lấy, mặc vào trong, rồi lại lấy áo cũ mặc phủ ra ngoài.

Tháo cười mà nói rằng:

- Vân-trường hà tiện quá!

Quan-công đáp:

- Bẩm không phải là hà tiện. Áo cũ của Lưu hoàng-thúc cho, tôi mặc ở ngoài như nhìn thấy mặt anh, dám đâu vì cái mới của thừa tướng vừa ban cho mà đã quên cái cũ của anh tôi đã cho từ trước, nên phải mặc áo cũ ra ngoài là thế.

Tháo khen:

- Thực là nghĩa sĩ!

Miệng tuy khen, nhưng Tháo không bằng lòng.

Một bữa Quan-công đang ở trướng phủ, chợt có người báo:

- Hai phu nhân trong nội viện, tự dưng khóc lăn cả xuống đất, mời tướng quân vào ngay.

Quan-công mặc áo tử tế, vào quỳ ngoài cửa nhà trong, hỏi:

- Hai chị có việc gì mà than khóc?

Cam phu nhân nói:

- Đêm hôm qua tôi mơ thấy hoàng-thúc bị hãm ở dưới hố đất, tỉnh dậy bàn với My phu nhân, e rằng hoàng-thúc đã ở dưới chín suối rồi, cho nên thương khóc.

Quan-công nói:

- Việc mộng mị không nên tin. Vì hai chị tưởng nhớ, nên mơ thấy thế, xin hai chị đừng lo nghĩ.

Đương chuyện trò, có sứ Tào Tháo đến mời Quan-công vào phủ ăn yến.

Quan-công cáo từ hai chị, đến gặp Tào Tháo. Tháo thấy Quan-công có ngấn nước mắt, hỏi cớ làm sao. Quan-công nói:

- Hai chị tôi nhớ anh tôi mà than khóc, cho nên tôi cũng động tâm.

Tháo cười, lấy lời khuyên giải, mời uống rượu luôn. Quan-công uống say, vuốt râu nói:

- Sống không báo được ân nhà nước, lại phụ cả anh, cũng là người bỏ đi.

Tháo hỏi:

- Râu Vân-trường ước được bao nhiêu sợi?

Quan-công thưa:

- Được độ vài trăm sợi, cứ mỗi năm đến mùa thu lại rụng mất dăm ba cái; đến mùa đông phải lấy cái túi the thâm bọc lấy, để cho nó đỡ rụng.

Tháo sai ngay lấy gấm may một cái túi, biếu Quan-công để bọc râu.

Sáng sớm hôm sau Quan Vũ vào chầu vua.

Vua thấy trước ngực đeo một cái túi gấm, phán hỏi. Quan-công tâu rằng:

- Râu tôi hơi dài, thừa tướng cho túi để bọc lại.

Vua sai đứng trước điện mở ra vuốt xem, thì thấy râu dài quá bụng. Vua phán rằng:

- Thực là ông tốt râu!

Từ đấy ai cũng gọi Quan-công là “Ông tốt râu”.

Một hôm Tháo mời Quan-công ăn yến. Lúc tiệc tan, tiễn Quan-công ra đến cửa tướng phủ, thấy ngựa Quan-công gầy quá, Tháo hỏi:

- Ngựa ông sao gầy thế?

Quan đáp:

- Người tôi hơi nặng, ngựa không mang nổi, bởi thế nên nó gầy.

Tháo sai tả hữu ra chọn một con ngựa. Một lát dắt đến. Con ngựa ấy sắc đỏ như lửa, trông dáng rất hùng dũng. Tháo trỏ ngựa hỏi:

- Ông biết con ngựa này không?

Quan-công nói:

- Bẩm có phải là ngựa Xích-thố của Lã Bố vẫn cưỡi khi xưa không?

Tháo nói:

- Chính phải!

Rồi truyền thắng đủ yên cương, đưa tặng Quan-công. Quan-công lạy hai lạy tạ ơn. Tháo không bằng lòng, hỏi:

- Ta mấy lần đem con gái đẹp, vàng, bạc tặng ông, ông không lạy tạ bao giờ. Nay ta cho con ngựa lại tạ ta hai lạy. Sao lại khinh người khinh của mà quý một con súc vật thế?

Quan-công đáp:

- Tôi biết ngựa này một ngày đi được nghìn dặm, nay thừa tướng cho tôi, nếu biết được anh tôi ở đâu, có thể một ngày được thấy mặt nhau.

Tháo nghe nói, ngạc nhiên, nghĩ lại mà hối.

Quan-công cáo từ ra về.

Đời sau có thơ rằng:

Lẫy lừng ba nước tiếng anh hào
Một viện chia đôi nghĩa khí cao.
Gian tướng uổng công chiều chuộng hão,
Biết đâu Quan-mỗ chẳng hàng Tào?

Tháo hỏi Trương Liêu:

- Ta đãi Vân-trường rất hậu, sao hắn vẫn có bụng muốn đi?

Liêu xin đến dò xem tình ý ra sao. Hôm sau đến gặp Quan-công, Liêu hỏi:

- Từ khi tôi tiến anh lên thừa tướng, không khi nào bị người bạc đãi...

Quan-công đáp:

- Tôi rất cảm ơn sâu của thừa tướng, nhưng người ở đây mà bụng lúc nào cũng nhớ hoàng-thúc, không bao giờ quên.

Liêu nói:

- Anh nói sai, ở đời không cân nhắc bên trọng bên khinh, không phải là trượng phu. Huyền-đức đãi đại huynh chưa chắc đã hậu hơn thừa tướng, sao anh cứ muốn đi?

Quan-công đáp:

- Tôi vẫn biết Tào công đãi tôi hậu lắm, nhưng tôi đã chịu hậu ơn của hoàng-thúc, thề cùng sống chết không thể nào phụ lời được. Tôi quyết không ở mãi đây. Nhưng trước hết phải lập công để báo ơn thừa tướng, rồi sau mới đi.

Liêu lại hỏi:

- Phỏng như Huyền-đức chết mất rồi, thì đại huynh về với ai?

Quan-công đáp:

- Xin theo xuống dưới đất!

Liêu biết không thể nào lưu được Quan-công, bèn về bẩm lại với Tào Tháo.

Tháo than:

- Thờ chúa không quên gốc, thật là nghĩa sĩ trong thiên hạ!

Tuân Úc nói rằng:

- Hắn nói lập công rồi mới đi chi bằng ta không sai đi lập công, vị tất hắn đã đi được.

Tháo cho là phải.

Nay noi chuyện Huyền-đức ở chỗ Viên Thiệu, sớm tối buồn rầu. Viên Thiệu hỏi:

- Huyền-đức sao lo buồn thế?

Huyền-đức nói:

- Hai em không biết tin tức, vợ con lại bị hãm trong quân Tào, trên không báo được nước, dưới không giữ được nhà, làm thế nào không lo được?

Thiệu hỏi:

- Ta muốn tiến binh vào Hứa-đô đã lâu. Nay đương mùa xuân ấm áp, nên cất quân đi.

Liền họp bàn mưu kế đánh Tào Tháo. Điền Phong can rằng:

- Trước Tào Tháo đánh Từ-châu, Hứa-đô bỏ trống, chẳng nhân lúc ấy tiến binh; nay Từ-châu bị phá, thế Tào đang mạnh, không nên khinh địch. Không bằng thong thả, đợi lúc nào có dịp tốt hãy hay.

Thiệu nói:

- Để ta nghĩ đã.

Nhân hỏi Huyền-đức:

- Điền Phong khuyên ta cố thủ, ông nghĩ thế nào?

Huyền-đức nói:

- Tào Tháo là giặc dối vua, nếu minh công không đánh, sợ mất nghĩa lớn với thiên hạ.

Thiệu nói:

- Huyền-đức nói phải lắm!

Rồi muốn khởi binh ngay, Điền Phong lại can.

Thiệu giận nói:

- Các ngươi hợm văn khinh võ, để làm tao mất nghĩa lớn hay sao?

Điền Phong dập đầu xuống đất nói:

- Nếu không nghe lời nói phải của tôi, phen này xuất quân tất bất lợi.

Thiệu nổi giận toan chém Điền Phong. Huyền-đức cố can mới thôi, nhưng bắt Điền Phong bỏ ngục.

Thư Thụ thấy Điền Phong phải giam vào ngục, bèn họp cả họ hàng phân tán hết gia tài và nói:

- Tôi chuyến này theo đi đánh giặc, được thì oai danh lừng lẫy, thua thì một thân cũng khó giữ được toàn.

Họ hàng ai cũng rỏ nước mắt đi tiễn.

Nhan Lương

Thiệu sai đại-tướng là Nhan Lương làm tiên phong, tiến quân lên đánh xứ Bạch-mã. Thư Thụ can rằng:

- Nhan Lương tuy là tướng khoẻ, nhưng tính khí hẹp hòi, không nên cho đi một mình.

Thiệu nói:

- Thượng-tướng của ta, các ngươi biết gì!

Khi đại quân tiến đến Lê-dương, thái thú ở Đông-quận là Lưu Diên cáo cấp về Hứa-đô.

Tào Tháo kíp bàn đem quân ra địch. Quan-công nghe tin, vào ngay tướng phủ thưa với Tào Tháo:

- Nghe thừa tướng khởi binh, tôi xin đi làm tiền bộ.

Tháo nói:

- Tôi chưa dám phiền đến tướng quân, nay mai có việc, sẽ lại mời.

Quan-công lui về.

Tháo dẫn mười lăm vạn quân chia ra làm ba đội tiến phát. Đi đường lại tiếp liền mấy lá thư cáo cấp của Lưu Diên. Tháo đem năm vạn quân đi trước, thẳng đến Bạch-mã dựa vào núi đất đóng quân, trông xa thấy cả một cánh đồng rộng, mười vạn tiền bộ tinh binh của Nhan Lương đều đã dàn thành trận thế.

Tháo khiếp sợ, ngoảnh lại bảo Tống Hiến (nguyên là tướng của Lã Bố trước):

- Ta nghe ngươi là tướng giỏi của Lã Bố, nay nên thử ra đấu với Nhan Lương.

Tống Hiến dạ một tiếng, vác giáo lên ngựa, xông thẳng ra trận, Nhan Lương cầm ngang giáo, cưỡi ngựa ra thẳng cửa trận. Thấy ngựa Tống Hiến đến, Lương quát to một tiếng, rồi tế ngựa ra đánh. Chưa được ba hợp, Lương đã đâm chết Tống Hiến ở trước trận.

Tào Tháo thất kinh nói:

- Thật là dũng tướng!

Ngụy Tục nói:

- Lương giết người đồng bạn của tôi, xin ra đánh báo thù.

Tháo cho đi. Tục ra đến nơi chỉ đánh nhau mới được một hợp, cũng bị Lương chém chết. Tháo hỏi:

- Ai dám ra địch lại?

Từ Hoảng nghe nói, ra ngay đánh nhau với Nhan Lương. Được hai mươi hợp, thua chạy về. Các tướng đều ghê sợ cả. Tào Tháo thu quân, Nhan Lương cũng lui quân về.

Tháo thấy mất liền hai tướng một lúc, trong lòng lo buồn. Trình Dục nói:

- Tôi xin cử một người địch nổi Nhan Lương.

Tháo hỏi ai. Dục nói:

- Phi Quan Vân-trường, không ai đánh nổi.

Tháo nói:

- Ta chỉ sợ hắn lập được công rồi đi mất.

Dục nói:

- Thừa tướng đừng lo. Lưu Bị nếu còn sống thì tất ở bên Viên Thiệu. Nay sai Vân-trường phá quân Thiệu. Thiệu tất nghi Lưu Bị mà giết đi. Lưu Bị chết rồi Vân-trường còn đi đâu nữa?

Tháo mừng lắm, sai người mời Quan-công.

Quan-công vào từ hai chị. Hai phu nhân nói rằng:

- Chuyến này chú đi, nên thăm dò tin hoàng-thúc.

Quan-công vâng lời, đi ra, cắp thanh long đao, cưỡi ngựa Xích-thố, dẫn vài người tùy tùng đi thẳng đến Bạch-mã, vào ra mắt Tào Tháo. Tháo nói:

- Nhan Lương vừa giết liền hai tướng, không ai địch nổi, nên mời Quan-công đến bàn.

Quan-công nói:

- Vâng, để tôi xem.

Tháo đặt cuộc rượu khoản đãi. Chợt có người báo Nhan Lương lại đến khiêu chiến. Tháo dẫn Quan-công lên núi đất đứng xem.

Tháo cùng Quan-công ngồi; các tướng đứng hầu chung quanh. Tào Tháo trỏ xuống thế trận của Nhan Lương ở dưới núi, kỳ xí đỏ ối, gươm giáo sáng quắc, trận bày cực kỳ nghiêm chỉnh, mà bảo Quan-công:

- Quân mã Hà-bắc hùng tráng lắm nhỉ!

Quan-công nói:

- Tôi coi chẳng khác gì gà bằng đất, chó bằng ngói!

Tháo lại trỏ bảo:

- Kìa! Ở dưới cái lọng, người mặc bào vóc, giáp vàng, cầm đao cưỡi ngựa là Nhan Lương đó.

Quan-công liếc mắt trông xuống, rồi nói với Tào Tháo:

- Tôi trông bộ nó, như là cái đầu cắm trên cái sào để đem bán vậy!

Tháo nói:

- Không nên khinh thường!

Quan-công nói:

- Tôi tuy bất tài, xin lấy đầu hắn trong đám vạn quân kia, đem về dâng thừa tướng.

Trương Liêu nói:

- Trong quân không nói đùa, Vân-trường chớ nên khinh thị.

Quan-công nhảy phắt lên mình ngựa, cắp ngược thanh long đao, tế xuống núi, mắt phượng trợn lên, mày tằm dựng ngược, xông thẳng vào trận bên kia, đi đến đâu quân Hà-bắc tự rẽ như sóng dưới nước. Quan-công đến thẳng chỗ Nhan Lương. Lương đang đứng dưới lọng, thấy Quan-công đến, vừa muốn hỏi thì ngựa Xích-thố chạy mau đã đến trước mặt. Nhan Lương trở tay chưa kịp, Quan-công đưa một lưỡi đao, Lương chết lăn ngay dưới chân ngựa. Quan-công liền nhảy xuống đất, chặt lấy đầu, buộc vào cổ ngựa, rồi lên ngựa cầm đao từ trong trận phi ra như đi chỗ không người. Binh tướng Hà-bắc kinh hoảng chưa đánh đã rối loạn. Quân Tào thừa thế đuổi đánh, giết hại không biết bao nhiêu; ngựa, khí giới, quân Tào cướp được rất nhiều.

Quan-công tế ngựa lên núi, các tướng đều khen ngợi. Quan-công đem đầu Nhan Lương dựng trước Tào Tháo. Tháo nói:

- Tướng quân thực là một người thần!

Quan-công đáp:

- Tôi thấm vào đâu. Em tôi là Trương Dực-đức còn có thể ở trong đám quân trăm vạn lấy đầu thượng tướng dễ như lấy vật gì trong túi.

Tháo nghe cả sợ, ngoảnh lại dặn các tướng:

- Từ nay về sau có gặp Trương Dực-đức ở đâu, thì chớ có khinh địch.

Và sai các tướng viết vào vạt áo để ghi nhớ.

Quân Nhan Lương thua, chạy về đến nửa đường gặp Viên Thiệu, báo là có một tướng mặt đỏ râu dài, cầm đại đao, một mình cưỡi ngựa vào trận, chém chết Nhan Lương rồi, cho nên thua to.

Thiệu giật mình hỏi:

- Người ấy là ai?

Thư Thụ thưa:

- Hẳn là Quan Vân-trường, em Huyền-đức.

Thiệu nổi giận trỏ vào Huyền-đức nói:

- Thế ra em ngươi giết chết tướng yêu của ta, ngươi tất thông mưu, vậy để ngươi ở đây làm gì!

Liền thét đao phủ lôi Huyền-đức ra chém.

Ấy mới là:

Vừa là khách quý ngồi trên ghế
Chợt đã thằng tù đứng dưới thềm.

Chưa biết tính mệnh Lưu Bị làm sao, xem đến hồi sau sẽ rõ.

  1. Dự Nhượng người đời Chiến quốc, trước thờ họ Phạm, sau bỏ đi theo Trí Bá. Trí Bá bị Triệu Tương-tử giết; Dự Nhượng định giết Tương-tử để báo thù cho Trí Bá, nhưng bị Tương-tử bắt được, Tương-tử hỏi: “Ngươi đã thờ cả hai người, sao chỉ báo thù cho một người?”. Dự Nhượng nói: “Họ Phạm đãi tôi như người thường, cho nên tôi lấy người thường đáp lại, còn Trí Bá đãi tôi như quốc sĩ, cho nên ta lấy quốc sĩ đáp lại”.