Tam quốc diễn nghĩa (Phan Kế Bính dịch, Bùi Kỷ hiệu đính)/Hồi 106

HỒI THỨ MỘT TRĂM LINH SÁU

Công-tôn Uyên thua trận, chết ở Tương-bình
Tư-mã Ý giả ốm, lừa được Tào Sảng

Nói về Công-tôn Uyên ở Liêu-đông, nguyên là con Công-tôn Khang và cháu Công-tôn Đô.

Tự năm Kiến-an thứ 12, Tào Tháo đuổi Viên Thượng chưa đến Liêu-đông thì Khang đã chém đầu Thượng nộp cho Tháo rồi Tháo phong làm Trương-bình hầu. Về sau, Khang mất đi, có hai con, con cả tên Hoảng, con thứ tên Uyên, bấy giờ còn bé cả; em Công-tôn Khang là Công-tôn Cung kế chức. Đến đời Tào Phi, phong cho Công-tôn Cung làm xa kỵ tướng quân, Tương bình hầu. Năm Thái-hòa thứ hai, Uyên đã lớn, văn võ kiêm toàn, tính tình dữ tợn hay đánh nhau, mới cướp ngôi của chú. Tào Tuấn phong Uyên làm dương liệt tướng quân, và lĩnh chức thái thú Liêu-đông. Về sau, Tôn Quyền sai Trương Di, Hứa Yến mang vàng ngọc, châu báu đến Liêu-đông phong Uyên làm Yên vương. Uyên sợ quyền thế trung nguyên, mới chém hai sứ giả nước Ngô đem đầu nộp Tào Tuấn. Tuấn phong thêm cho Uyên làm đại tư mã Lạc-lãng công. Uyên chưa bằng lòng, bàn nhau với chúng, tự xưng là Yên vương, cải niên hiệu năm Thiệu-hán thứ nhất.

Phó tướng là Giả Phạm can rằng:

- Trung nguyên phong chúa công đến tước thượng công, không phải là ti tiện gì. Nay bằng làm phản, thực là trái lẽ. Vả lại. Tư-mã Ý giỏi việc dùng binh. Gia-cát Võ hầu còn không đánh nổi, huống chi chúa công?

Uyên giận lắm, sai tả hữu trói Giả Phạm đem ra chém.

Tham quân là Luân Trực cũng can rằng:

- Giả Phạm nói thế phải đấy. Thánh nhân có câu: "Nhà nước sắp đổ tất có điềm quái". Nay trong nước ta nhiều tai dị lắm: gần đây, có con chó biết đội khăn, mặc áo đỏ, trèo lên nóc nhà đi như người. Lại ở phía nam cửa thành, có một nhà dân thổi cơm, tự nhiên thấy đứa bé chín dừ trong nồi. Lại ở chợ cửa bắc thành Tương-bình, đất bỗng dưng nứt ra một chỗ, rồi một khối thịt đùn lên, chu vi độ vài thước, đủ cả đầu, mặt, mắt, tai, mồm, mũi, chỉ không có chân tay, dao chém không đứt, tên bắn không vào, không biết là vật gì. Thầy bói xem đoán rằng: "Có hình không ra hình, có miệng không biết nói, nhà nước sắp mất, cho nên hiện hình". Có ba việc quái gở ấy, chúa công nên tránh sự dở cầu sự hay, chớ nên khinh động.

Uyên nổi giận đùng đùng, quát võ sĩ trói cả Luân Trực và Giả Phạm đem chém ở ngoài chợ. Rồi sai Ty Diễn làm nguyên súy, Dương Tô làm tiên phong, khởi mười lăm vạn quân Liêu, kéo đến trung nguyên.

Quân ngoài biên báo tin về triều, Ngụy chủ vời Tư-mã Ý vào chầu bàn việc.

Ý tâu rằng:

- Quân mã bộ hạ của tôi bốn vạn, đủ phá được giặc.

Tuấn nói:

- Quân của ngươi ít mà đường sá thì xa, làm sao mà đánh giặc được?

Ý nói:

- Quân không cốt gì nhiều; cốt tự người chủ tướng biết dùng mưu mẹo mà thôi. Tôi nhờ hồng phúc của bệ hạ tất bắt được Công-tôn Uyên về nộp.

Tuấn hỏi:

- Ngươi đồ Công-tôn Uyên cử động thế nào?

Ý tâu:

- Công-tôn Uyên nếu biết bỏ thành mà chạy là thượng kế; giữ ở Liêu-đông để kháng cự đại quân là trung kế; ngồi giữ ở Tương-bình là hạ kế, chắc tôi tóm được.

Tuấn hỏi:

- Chuyến này đi ước chừng bao lâu thì đánh xong?

Ý nói:

- Đường đất bốn nghìn dặm, phải đi mất trăm ngày, đánh trăm ngày, về trăm ngày, nghỉ ngơi sáu mươi ngày, cả thảy độ một năm thì xong.

Tuấn hỏi:

- Nếu có Ngô, Thục vào cướp thì làm thế nào?

Ý nói:

- Tôi đã dự sẵn phương kế giữ gìn rồi, bệ hạ bất tất phải lo.

Tào Tuấn mừng lắm, sai Tư-mã Ý đi đánh Công-tôn Uyên. Ý lạy từ ra thành, sai Hồ Tuân làm tiên phong, dẫn quân tiền bộ đến trước Liêu-đông hạ trại.

Quân tiễu mã báo với Công-tôn Uyên. Uyên sai Ty Diễn, Dương Tô chia tám vạn quân ra đóng ở Liêu-toại, đào hào chung quanh hai chục dặm, rào toàn chông chà rất là nghiêm ngặt.

Hồ Tuân sai người báo với Tư-mã Ý. Ý cười, nói:

- Giặc không đánh nhau với ta, muốn để cho quân ta phải khốn đây! Ta đồ rằng già nửa quân giặc ở đây, sào huyệt tất bỏ không. Chi bằng ta bỏ xứ này, đi tắt đến thành Tương-bình, giặc tất phải ra cứu, ta sẽ chẹn ngang nửa đường mà đánh, chắc chắn được to.

Vì thế, Ý dẫn quân đi lẻn theo đường nhỏ kéo ra Tương-bình.

Ty Diễn, Dương Tô bàn với nhau rằng:

- Quân Ngụy nếu bằng đến đây, ta chớ có đánh nhau. Họ cách xa vài nghìn dặm, lương thảo không tiếp ứng được, khó giữ được lâu, cạn lương tất phải rút về, ta sẽ đuổi theo mà đánh, tất bắt được Tư-mã Ý. Khi xưa Tư-mã Ý chống nhau với quân Thục, chỉ việc giữ vững ở Vị-nam, rút cuộc Khổng Minh phải chết ở nơi quân thứ. Việc bây giờ cũng chẳng khác gì trước cả.

Hai người đang thương nghị với nhau, sực có tin báo quân Ngụy sang cả phía nam.

Ty Diễn giật mình, nói:

- Họ biết ở Tương-bình ít quân, cho nên đến úp trại căn bản của ta đây! Nếu Tương-bình mất, ta giữ đây cũng vô ích.

Liền nhổ trại theo sau kéo đi.

Có thám mã báo tin với Tư-mã Ý. Ý cười nói rằng:

- Mắc phải mẹo ta rồi!

Mới sai Hạ-hầu Bá, Hạ-hầu Uy, mỗi người dẫn một toán quân phục ở bến Tế-thủy, đợi quân Liêu đến thì hai mặt đổ ra đánh.

Hai người vâng mẹo dẫn quân đi. Khi quân Liêu kéo qua, bỗng một tiếng pháo nổ lên, hai bên mở cờ đánh trống kéo ra, tả thì Hạ-hầu Bá, hữu thì Hạ-hầu Uy, xông đến đánh. Ty, Dương hai người tháo đường chạy được đến núi Thú-sơn, vừa gặp Công-tôn Uyên dẫn quân tới; bèn hợp binh làm một, rồi lại đến đánh nhau với quân Ngụy.

Ty Diễn ra ngựa mắng rằng:

- Tướng giặc chớ dùng quỷ kế, mày có dám ra đánh nhau không?

Hạ-hầu Bá múa đao lại đánh, chưa được vài hợp, Ty Diễn bị chém ngã lăn xuống ngựa. Quân Liêu rối loạn. Bá thúc quân đánh tràn vào. Công-tôn Uyên phải dẫn bại quân chạy về thành Tương-bình, đóng cửa giữ vững không ra.

Quân Ngụy kéo đến, vây kín bốn mặt thành. Bấy giờ gặp mùa thu, trời mưa ròng rã một tháng chưa tạnh, chỗ đất phẳng nước sâu ba thước. Thuyền vận lương từ cửa sông Liêu-hà đến thẳng được Tương-bình. Quân Ngụy ở trong vũng nước, ngồi đứng không yên.

Tả đô đốc là Bùi Cảnh vào trướng bẩm rằng:

- Mưa mãi không tạnh, trong trại lầy lội lắm, quân không sao ở được. Xin đem trại đến trái núi trước mặt mà đóng.

Ý giận, nói:

- Chỉ nay mai là bắt sống Công-tôn Uyên, không được dời trại. Hễ ai còn nói đến dời trại thì chém!

Bùi Cảnh dạ dạ lui ra. Một lát sau hữu đô đốc là Cứu Liên lại đến kêu rằng:

- Quân sĩ khổ về nước ngập, xin thái úy dời trại sang chỗ khác cho.

Ý nổi giận, nói:

- Quân lệnh của ta đã truyền ra rồi, ngươi sao dám trái?

Lập tức sai lôi ra chém, treo đầu ở ngoài cửa viên.

Bởi thế bụng quân sợ hãi, không ai dám oán thán câu gì.

Ý truyền cho quân sĩ ở mặt nam, tạm lui ra ngoài hai chục dặm, thả cho quân dân trong thành ra ngoài cắt cỏ kiếm củi, chăn dắt trâu ngựa.

Trần Quần hỏi rằng:

- Trước kia thái úy đánh Thượng-dong, chia quân làm tám đường, chỉ tám ngày đến thẳng dưới thành, bắt ngay được Mạnh Đạt, lập được công to. Nay đem bốn vạn quân từ xa bốn ngàn dặm đến đây, không sai đánh ngay thành đi, mà để ở mãi trong đám bùn lầy; lại còn thả cho giặc ra ngoài chăn ngựa kiếm củi. Tôi không biết ý của thái úy ra sao?

Ý cười, nói:

- Ông không biết binh pháp ư? Khi xưa Mạnh Đạt lương nhiều quân ít, mà ta thì nhiều quân ít lương, cho nên phải đánh mau. Thừa lúc vô tình, đột nhiên lại đánh, mới có thể phá được. Nay quân Liêu nhiều, quân ta ít, giặc đói ta no, can chi phải đánh ngay. Nên để cho quân kia bỏ chạy rồi sẽ thừa cơ mà đánh. Nay ta mở cho một đường, không bịt đường kiếm củi chăn muông của họ, là có ý để cho quân giặc trốn dần đi.

Trần Quần chịu mẹo ấy là cao.

Tư-mã Ý sai người về Lạc-dương thúc lương. Ngụy chủ khai chầu. Quần thần tâu rằng:

- Độ này mưa thu ròng rã hơn một tháng, quân mã vất vả lắm, nên đòi Tư-mã Ý về hãy tạm bãi binh.

Tuấn nói:

- Tư-mã thái úy, dùng binh giỏi giang, lâm nguy chế biến lắm mẹo tài, chẳng mấy bữa mà bắt được Công-tôn Uyên, các ngươi hà tất phải lo.

Nói rồi, không nghe lời quần thần can, sai người vận lương đem đến trại Tư-mã Ý.

Qua vài hôm, mưa tạnh, trời quang đăng. Đêm hôm ấy Ý ra ngoài trướng, nhìn xem thiên văn. Bỗng thấy một ngôi sao to tầy đấu, ánh sáng tỏa ra vài trượng, từ mé đông bắc núi Thú-sơn sa xuống góc đông nam thành Tương-bình. Tướng sĩ các trại, ai cũng kinh hãi.

Ý mừng bảo các tướng rằng:

- Sau năm ngày nữa, chỗ sao sa tất chém được Công-tôn Uyên. Ngày mai nên hết sức mà đánh thành.

Các tướng được lệnh, sáng sớm dẫn quân đến vây kín bốn mặt thành, đắp núi đất, đào đường hầm, làm giá pháo, bắc thang mây, ngày đêm đánh vào, tên bắn như mưa.

Công-tôn Uyên ở trong thành cạn lương, phải giết trâu mổ ngựa ăn thịt trừ bữa. Bụng quân oán tức, muốn chém Công-tôn Uyên đem đầu ra thành xin hàng. Uyên thấy thế lo lắm, sai tướng quốc Vương Kiều, ngự sử đại phu Liễu Phủ đến trại Ngụy xin hàng. Hai người từ mặt thành dòng xuống, đến kêu với Tư-mã Ý rằng:

- Xin thái úy hãy rút quân đi hai chục dặm, vua tôi chúng tôi sẽ lại hàng.

Ý nổi giận mà rằng:

- Công-tôn Uyên sao không đến xin mà lại sai các ngươi?

Liền quát võ sĩ lôi hai người ra chém, sai đày tớ mang đầu về nói với Công-tôn Uyên. Uyên sợ lắm, lại sai thị trung là Vệ Diễn đến trại Ngụy.

Tư-mã Ý ngồi trên trướng, các tướng đứng sắp hàng hai bên, Diễn quỳ gối lê vào dưới trướng, kêu rằng:

- Xin thái úy bớt giận lôi đình, hôm nay xin hãy đưa thái tử Công-tôn Tu đến đây làm tin. Vua tôi chúng tôi sẽ xin tự trói mình lại hàng.

Ý nói:

- Phép dùng binh có năm điều cốt yếu: có thể đánh được thì đánh; không đánh được thì giữ; không giữ được thì chạy; không chạy được thì hàng; không hàng được thì chết. Can gì phải đem con lại làm tin?

Liền quát Vệ Diễn cho về báo với Công-tôn Uyên. Diễn ôm đầu lủi thủi ra về, thuật chuyện lại với Uyên. Uyên kinh hãi quá chừng, bàn với con là Công-tôn Tu, kén một nghìn quân mã, canh hai đêm hôm ấy mở cửa nam chạy về phía đông nam. Uyên thấy không có quân ngăn trở, trong bụng đã mừng. Đi chưa được chục dặm, bỗng nghe ở trên núi có tiếng pháo nổ, trống, tù và om ả, rồi một toán quân kéo ra chặn đường. Ở giữa thì Tư-mã Ý, tả có Tư-mã Sư, hữu có Tư-mã Chiêu. Hai người gọi to rằng:

- Phản tặc chớ chạy!

Uyên giật mình, kíp quay ngựa tìm đường trốn. Bỗng lại thấy Hồ Tuân kéo quân đến, bên thì Hạ-hầu Bá, Hạ-hầu Uy, bên thì Trương Hổ, Nhạc Lâm, vây bọc cả bốn mặt tựa như rào sắt. Hai cha con Công-tôn Uyên không sao được, phải xuống ngựa chịu hàng.

Ý ngồi trên ngựa, ngoảnh lại bảo các tướng rằng:

- Đêm hôm nọ là ngày bính dần, có ngôi sao to sa xuống ở chỗ này; đêm nay là ngày nhâm thân, ứng rồi đây.

Các tướng mừng, nói:

- Thái úy tính toán như thần.

Ý truyền lệnh chém cả hai cha con Công-tôn Uyên, rồi quay binh về hạ thành Tương-bình. Chưa đến nơi thì Hồ Tuân đã hạ được thành rồi. Nhân dân đốt hương bái vọng, đón rước quân Ngụy vào. Tư-mã Ý ngồi trong nhà, sai bắt tôn tộc nhà Công-tôn Uyên và các quan liêu đồng mưu hơn bảy chục người chém sạch rồi treo bảng yên dân.

Có người nói với Tư-mã Ý rằng:

- Giả Phạm, Luân Trực can mãi Công-tôn Uyên không nên làm phản, bị Uyên giết mất cả.

Ý sai phong ma hai người và cho con cháu được vinh hiển; đem của cải trong kho thưởng cho ba quân, rồi thu quân về Lạc-dương.

Nói về Ngụy chủ ở trong cung, một đêm, đến canh ba, bỗng dưng một cơn gió lạnh nổi lên thổi tắt mất đèn, thấy Mao hoàng hậu dẫn vài mươi người cung nhân, đến trước sập rồng khóc lóc đòi mạng. Tào Tuấn từ đó phải bệnh, dần dần nặng thêm. Tuấn bèn sai thị trung quang lộc đại phu là Lưu Phóng, Tôn Tư coi hết các việc trong viện cơ mật; lại sai triệu con vua Văn đế là Yên vương Tào Vũ làm đại tướng quân, giúp thái tử Tào Phương nhiếp chính. Tào Vũ là người hòa nhã, khiêm nhường không chịu lĩnh việc to ấy, cố từ không nhận.

Tuấn vời Lưu Phóng, Tôn Tư vào hỏi rằng:

- Trong tôn tộc nên dùng người nào?

Hai người nguyên hàm ơn Tào Chân khi xưa, mới tâu rằng:

- Chỉ có con Tào Tử-đan là Tào Sảng, nên dùng.

Tuấn nghe lời.

Hai người lại tâu rằng:

- Muốn dùng Tào Sảng thì phải cho Yên vương trở về nước Yên.

Tuấn cũng nghe theo, giáng chiếu sai hai người cầm ra dụ Yên vương rằng:

- Có chiếu của thiên tử sai Yên vương về nước, hạn ngay hôm nay phải đi, nếu không có chiếu không được vào chầu.

Yên vương ứa nước mắt từ biệt.

Rồi phong Tào Sảng làm đại tướng quân, quyền coi cả chính sự triều đình.

Tuấn ốm mỗi ngày một nặng, sai sứ cầm cờ tiết ra vời Tư-mã Ý về triều. Ý được tin, đến tắt Hứa-xương, vào ra mắt Tào Tuấn.

Tuấn nói:

- Trẫm chỉ sợ không được trông thấy ngươi. Nay trẫm trông thấy ngươi rồi, dù chết cũng không giận gì nữa.

Ý cúi đầu xuống tâu rằng:

- Tôi ở dọc đường, nghe tin thánh thể không yên, giận mình dưới nách không mọc ra đôi cánh, để mau chóng bay đến cửa khuyết, thực là may cho tôi lắm.

Tuấn cho đòi thái tử Tào Phương, đại tướng quân Tào Sảng, thị trung là bọn Lưu Phóng, Tôn Tư, đến cả trước long sàng. Tuấn cầm tay Tư-mã Ý nói:

- Khi xưa Huyền-đức ở trong thành Bạch-đế, lúc bệnh nguy, đem con thơ là Lưu Thiện giao phó cho Gia-cát Khổng Minh. Vì thế Khổng Minh phải hết lòng hết sức, đến chết mới thôi. Một nước nhỏ còn thế, huống chi nước lớn? Con thơ trẫm là Tào Phương mới có tám tuổi, chưa coi nổi việc xã tắc. Thái úy và tôn huynh, cùng là nguyên huân cựu thần, nên hết sức giúp đỡ cho con trẫm, chớ phụ bụng trẫm mới được.

Lại gọi Tào Phương bảo rằng:

- Trọng-đạt với trẫm, cũng như một người, con phải kính trọng mới được.

Lại sai Tư-mã Ý bế Tào Phương đến gần giường. Phương ôm mãi đầu Tư-mã Ý không buông tay.

Tuấn nói:

- Thái úy chớ quên cái tình quyến luyến của con trẫm hôm nay.

Nói đoạn, nước mắt chảy xuống ròng ròng. Ý cũng cúi đầu chảy nước mắt. Ngụy chủ mê man, không nói được nữa, lấy tay trỏ vào thái tử, một lát thì mất, ở ngôi được 13 năm, thọ 36 tuổi. Bấy giờ là hạ tuần tháng giêng, năm Cảnh-sơ thứ ba nhà Ngụy.

Tư-mã Ý, Tào Sảng phò thái tử Tào Phương lên ngôi hoàng đế. Phương tự là Lan-khanh, nguyên là con nuôi Tào Tuấn, chuyện bí mật ở trong cung, không ai biết do đâu mà đến.

Tào Phương lên ngôi, tôn tên thụycha là Minh đế, táng ở Cao-bình; tôn Quách hoàng hậu làm thái hậu; đổi niên hiệu là Chính-thủy. Sảng rất trọng vọng Tư-mã Ý; phàm việc gì to, đều hỏi Ý trước.

Sảng tên tự là Bá-chiêu, tự thuở nhỏ ra vào trong cung. Minh đế thấy người cẩn thận, đem lòng yêu mến lắm. Sảng có năm trăm khách môn hạ; trong đó có năm người ưa chuộng thói phù họa là Hà Yến, Đặng Dương, Lý Thắng, Đinh Bật và Tất Phạm. Lại có quan đại tư nông là Hoàn Phạm, tự Nguyên-tắc, có nhiều mưu trí, người ta khen là trí nang (túi khôn). Mấy người ấy đều được Tào Sảng tin dùng.

Hà Yến nói với Tào Sảng rằng:

- Đại quyền của chủ công, chớ cho người khác được can thiệp đến mà để lo về sau.

Sảng nói:

- Tư-mã công cùng với ta chịu lời tiên đế thác cô, nỡ nào ta bỏ nghĩa ấy.

Yến nói:

- Khi xưa tiên công cùng với Trọng-đạt đánh Thục, nhiều khi bị hắn lấn át, nhân thế mà chết. Chủ công sao không xét việc đó.

Sảng nghĩ ra, cùng với các quan thương nghị, rồi vào tâu với Ngụy chủ rằng:

- Tư-mã Ý công cao đức nặng, nên gia chức làm thái phó[1].

Phương nghe lời. Từ đó binh quyền về cả tay Tào Sảng. Sảng sai em là Tào Hy làm trung lĩnh quân, Tào Huấn làm võ vệ tướng quân; Tào Ngạn làm tản kỵ thường thị. Mỗi người dẫn ba nghìn quân ngự lâm, tùy tiện ra vào chốn cung cấm. Lại dùng Hà Yến, Đặng Dương, Đinh Bật làm thượng thư; Tất Phạm làm tư lệ hiệu úy; Lý Thắng làm Hà-nam doãn. Năm người ấy ngày đêm bàn việc với Tào Sảng. Bởi thế tân khách nhà Tào Sảng mỗi ngày một nhiều.

Tư-mã Ý thấy vậy, thác có bệnh không ra đến ngoài. Hai con cũng từ chức về nhà.

Tào Sảng mỗi ngày cùng với bọn Hà Yến uống rượu làm vui. Phàm các đồ dùng, áo sống, không khác gì của triều đình. Những đồ quý báu các nơi tiến cống, trước hết chọn đồ quý nhất lấy làm của riêng, còn thừa mới nộp vào cung. Trong phủ chứa rất nhiều con gái đẹp. Quan hoàng môn là Trương Dương xiểm nịnh Tào Sảng, kén lấy mười tám nàng hầu của tiên đế, đưa vào trong phủ. Sảng lại kén ba bốn chục con gái nhà tử tế, biết hát múa lập ra một đội nữ nhạc trong phủ. Lại dựng lên lầu cao gác chạm; đúc các đồ vàng bạc; dùng hơn một trăm thợ khéo, ngày đêm chế tạo đồ dùng.

Hà Yến nghe tin Quản Lộ ở Bình-nguyên tinh nghề thuật số, cho mời đến bàn nghĩa kinh Dịch. Bấy giờ Đặng Dương cũng ngồi chơi đó, hỏi Lộ rằng:

- Ông tự cho là giỏi Dịch, mà nói không động đến chữ nghĩa kinh Dịch là làm sao!

Lộ nói:

- Đã gọi là giỏi Dịch, thì không phải nói động đến Dịch.

Yến cười, tán thêm vào rằng:

- Thế mới gọi là lời trọng yếu không cần phải nhiều!

Nhân hỏi Lộ rằng:

- Ông thử bói cho tôi một quẻ, xem có làm đến tam công được không? Tôi lại mộng thấy vài mươi con ruồi xanh đậu trên mũi, đó là điềm gì?

Lộ nói:

- Ngày xưa Nguyên Khải giúp vua Thuấn, Chu công giúp nhà Chu, cùng có đức tốt mà được hưởng phúc. Nay quân hầu ngôi cao quyền trọng nhưng người mến đức thì ít, mà kẻ sợ oai thì nhiều; đó không phải là lối dằn lòng cầu phúc được. Vả lại, mũi là cái núi, núi cao mà không đổ, thì mới giữ được phú quý. Nay ruồi nhặng là giống hôi bẩn, lại đậu lên trên, thế là ngôi cao phải đổ, khá sợ lắm thay! Xin quân hầu bớt chỗ nhiều thêm chỗ ít, điều gì phi lễ chớ làm. Như thế thì ngôi tam công mới đến tay, mà đàn nhặng xanh mới xua đi được.

Đặng Dương giận, gắt rằng:

- Đó là lời lão sinh thường đàm ra quái gì.

Lộ nói:

- Lão sinh đã thấy thì không sinh; thường đàm đã thấy thì không đàm!

Nói đoạn, rũ tay áo đứng dậy đi ra. Hai người cười rằng:

- Thực là đồ cuồng sĩ!

Lộ về nhà, thuật chuyện cho cậu nghe. Cậu giật mình nói:

- Hà, Đặng hai người đang quyền thế hống hách, sao mày dám nói trêu chọc đến họ?

Lộ nói:

- Tôi cùng với người chết nói chuyện, còn ngại gì nữa!

Cậu hỏi tại sao, thì Lộ nói:

- Đặng Dương, gân không bó được xương, mạch không giữ được thịt, ngồi đứng ngả nghiêng, hình như không có chân tay, đó gọi là tướng quỷ tảo. Hà Yến không tươi được sắc mặt, tinh thần bất định, dáng tựa cây khô, đó là tướng quỷ u. Hai người nay mai tất có vạ diệt mình, can gì mà sợ?

Người cậu mắng Quản Lộ nói càn, rồi đi.

Tào Sảng, thường hay cùng với bọn Hà Yến, Đặng Dương ra ngoài săn bắn. Em là Tào Hy can rằng:

- Uy quyền của anh to lắm, mà cứ hay đi chơi săn bắn, nếu có người mưu hại thì làm thế nào?

Sảng mắng rằng:

- Binh quyền ở trong tay ta, còn sợ gì ai nữa?

Tư nông là Hoàn Phạm cũng can, nhưng Sảng cũng không nghe.

Bấy giờ Ngụy chủ Tào Phương đổi năm Chính-thủy thứ mười là năm Gia-bình thứ nhất. Tào Sảng một mực chuyên quyền, không biết bệnh Trọng-đạt hư thực ra làm sao. Bữa ấy, nhân Ngụy chủ cất Lý Thắng ra làm thứ sử ở Kinh-châu. Sảng cho Lý Thắng đến từ Trọng-đạt, nhân để dò xem ý tứ thế nào. Lý Thắng đến phủ thái phó, có lính canh cửa vào báo với Tư-mã Ý. Ý bảo với hai con rằng:

- Đây là Tào Sảng sai đến dò xem bệnh ta thực hay giả đây.

Lập tức bỏ mũ, để tóc rũ rợi, trèo lên giường ngồi dựa vào cái chăn và sai hai nàng hầu nâng đỡ; rồi mới sai mời Lý Thắng vào phủ.

Lý Thắng đến trước giường, lạy nói rằng:

- Lâu nay không được hầu thái phó, không ngờ ngài yếu đau thế này! Nay thiên tử sai tôi làm thứ sử Kinh-châu, xin đến lạy từ thái phó.

Ý giả điếc, đáp rằng:

- Tinh-châu gần phương bắc, ra đó giữ gìn cho khéo.

Thắng nói:

- Tôi được cử làm thứ sử Kinh-châu, không phải Tinh-châu.

Ý cười, nói:

- Ngươi ở Tinh-châu lại à?

Thắng nói:

- Kinh-châu ở Hán-thượng.

Ý lại cười ha hả mà rằng:

- Ngươi ở Kinh-châu lại đây à?

Thắng nói:

- Thái phó sao ngài yếu đến thế?

Tả hữu nói:

- Thái phó điếc đấy!

Thắng mượn bút giấy viết mấy chữ đệ lên.

Ý xem xong cười rằng:

- Ta lâu nay mệt lắm, tai điếc nghe không rõ. Chuyến này có đi thì phải giữ gìn!

Nói đoạn, lấy tay trỏ vào mồm, ra hiệu muốn uống nước. Thị tỳ dâng chén nước nóng. Ý hớp miệng vào chén nước, nước đổ ra ướt cả vạt áo. Ý ậm ực trong cổ, làm ra tiếng nghẹn, rồi nói rằng:

- Ta suy nhược lắm, sớm tối chưa biết chết lúc nào. Ta có hai con chẳng ra gì, nhờ ngươi dạy bảo đỡ cho ta. Ngươi có về ra mắt đại tướng quân, nhờ nói giùm với tướng quân trông nom đỡ hai con cho ta, thì may lắm.

Nói đoạn, nằm lăn ra trên giường, thở hồng hộc một lúc.

Lý Thắng cáo từ Trọng-đạt, về ra mắt Tào Sảng, thuật hết cả tình hình như thế.

Sảng mừng, nói:

- Lão này chết thì ta không lo gì nữa!

Tư-mã Ý thấy Lý Thắng đi rồi, đứng dậy bảo với hai con rằng:

- Lý Thắng chuyến này về báo tin, Tào Sảng tất không nghi gì ta nữa; đợi khi nào y ra thành săn bắn, thì mới đồ được.

Không mấy bữa, Tào Sảng mời Ngụy chủ Tào Phương ra yết lăng Cao-bình, tế tự tiên đế. Quan viên lớn nhỏ theo cả ra.

Sảng dẫn ba anh em và bọn tâm phúc Hà Yến, cùng quân ngự lâm, hộ giá ra thành.

Tư nông là Hoàn Phạm can rằng:

- Chủ công coi giữ quân cấm binh, không nên anh em cùng đi cả; phỏng trong thành có biến, thì làm thế nào?

Sảng cầm roi ngựa quật vào Hoàn Phạm, mắng rằng:

- Ai dám làm loạn, chớ có nói càn!

Tư-mã Ý thấy Tào Sảng ra thành rồi, mừng lắm, lập tức gọi các thủ hạ cũ, và mấy người gia tướng, dẫn hai con lên ngựa, đến thẳng triều đình, mưu giết Tào Sảng.

Đó là:

Đóng cửa bỗng nhiên vùng đứng dậy,
Cầm quân từ đó mới ra tay.

Chưa biết tính mệnh Tào Sảng ra sao, xem hồi sau phân giải.

  1. Thái úy coi việc binh, thái phó không được dự. Tuy Ngụy chủ thăng chức Tư-mã Ý nhưng kỳ thực là tước binh quyền của Ý.