Tam quốc diễn nghĩa (Phan Kế Bính dịch, Bùi Kỷ hiệu đính)/Hồi 105

HỒI THỨ MỘT TRĂM LINH NĂM

Võ hầu dự sẵn mẹo cẩm nang
Ngụy chủ dỡ lấy mâm thừa lộ.

Lại nói Dương Nghi nghe báo có quân chặn đường, sai người ra dò xem, té ra Ngụy Diên đốt mất đường sàn, hiện đương dẫn quân chặn lối.

Nghi thất kinh, nói:

- Lúc sinh thời, thừa tướng biết rằng người này về sau tất làm phản, quả nhiên như thế. Nay y chặn mất đường về, làm thế nào bây giờ?

Phí Vĩ nói:

- Người này tất tâu biểu về thiên tử, vu cho chúng ta làm phản, nên mới đốt đường sàn để chặn ta đây. Chúng ta cũng nên tâu biểu, bày tỏ ý phản của Ngụy Diên, rồi sau sẽ liệu.

Khương Duy nói:

- Ở đây có con đường tắt, gọi là Sà-sơn. Đường ấy tuy hiểm hóc, nhưng có thể đi lên phía sau đường sàn được. Ta nên một mặt dâng biểu về tâu thiên tử, một mặt kéo quân mã về đường Sà-sơn.

Lại nói hậu chủ ở Thành-đô, nóng lòng sốt ruột, ăn ngủ không yên. Đêm nằm mơ thấy núi Cẩm-bình ở Thành-đô đổ; tỉnh dậy tỏ vẻ kinh sợ nghi hoặc lắm. Hậu chủ ngồi đợi sáng, hội cả văn võ kể lại giấc mộng.

Tiêu Chu tâu rằng:

- Đêm qua tôi xem thiên văn, thấy một ngôi sao đỏ đòng đọc, tia sáng tỏa ra có sừng, tự góc đông bắc sa xuống góc tây nam, ứng về thừa tướng có việc đại hung. Nay bệ hạ mộng thấy núi đổ, chính hợp vào điềm ấy.

Hậu chủ lại càng sợ hãi lắm. Sực có tin báo Lý Phúc đã trở về. Hậu chủ kíp cho đòi vào hỏi chuyện. Phúc cúi đầu xuống khóc và tâu rằng thừa tướng đã mất rồi. Lại thuật lời thừa tướng dối dăng lại một lượt.

Hậu chủ nghe xong, khóc òa lên rằng:

- Trời giết ta đây! Trời hỡi trời!

Hậu chủ khóc lăn ở trên sập rồng, thị thần phải vực vào hậu cung. Ngô thái hậu nghe tin cũng khóc ầm mãi lên không thôi. Các quan ai nấy cùng đau xót bi thảm. Trăm họ khóc lóc, xụt xùi.

Hậu chủ mấy hôm thương cảm lắm, không ra coi được việc. Sực có biểu của Ngụy Diên tâu về, nói rằng Dương Nghi làm phản. Quần thần kinh hoảng, vào cung tâu với hậu chủ. Bấy giờ Ngô thái hậu cũng ở trong cung. Hậu chủ sai cận thần đọc bài biểu của Ngụy Diên. Biểu rằng:

"Chinh tây đại tướng quân Nam-trịnh hầu, thần là Ngụy Diên, sợ hãi cúi đầu tâu bẩm: Dương Nghi chuyên giữ binh quyền, đem chúng làm phản, muốn cướp linh cữu thừa tướng, dẫn quân giặc vào cõi. Thần xin đốt đường sàn trước, mang binh phòng giữ, kính tâu bệ hạ xét cho."

Hậu chủ nghe xong, nói:

- Ngụy Diên là tướng khỏe mạnh, đủ chống được Dương Nghi, can gì phải đốt đường sàn?

Ngô thái hậu nói:

- Ta từng nghe tiên đế nói Khổng Minh biết sau óc Ngụy Diên có tướng làm phản, muốn chém đi. Vì tiếc hắn khỏe mạnh, cho nên tạm để lại dùng. Nay hắn tâu Dương Nghi làm phản, chưa nên nghe vội. Dương Nghi là quan văn, thừa tướng ủy cho chức trưởng sử, tất là người dùng được. Nếu ta tin lời ấy, Dương Nghi tất chạy sang Ngụy mất. Việc này phải xét cho kỹ chớ nên vội vàng.

Sực lại có biểu của Dương Nghi dâng về. Cận thần mở đọc. Biểu rằng:

"Trưởng sử tùy tướng quân, thần là Dương Nghi, sợ hãi cúi đầu kính dâng biểu. Thừa tướng lâm chung, giao phó công việc cho thần, việc gì cũng phải tuân phép cũ không được thay đổi; có sai Ngụy Diên đi đoạn hậu cùng với Khương Duy. Nay Ngụy Diên không tuân lời dặn của thừa tướng, dám đem quân mã bản bộ, về trước Hán-trung, đốt đường sàn, muốn cướp linh cữu, mưu việc phản nghịch. Biến cố bất thình lình xảy ra, kính tâu về bệ hạ biết cho."

Thái hậu nghe xong, hỏi các quan rằng:

- Các ngươi nghĩ thế nào?

Tưởng Uyển tâu rằng:

- Cứ ý tôi, thì Dương Nghi tuy tính khí hẹp hòi, không có lượng dung người, nhưng đến việc trù tính lương thảo, tham tán việc quân cơ, thì cũng giúp được thừa tướng nhiều lắm. Thừa tướng lâm chung, phó thác cho việc lớn, quyết không phải là người làm phản. Ngụy Diên xưa nay cậy có công, khinh người, ai cũng chịu kém. Dương Nghi không chịu nhường nhịn, Ngụy Diên vẫn ghét. Nay thấy Nghi được cầm binh quyền, trong bụng Diên không chịu, cho nên đốt đường mà vu tấu để hại người ta. Tôi xin đem già trẻ cả nhà bảo cử cho Dương Nghi, không phải là người làm phản, chớ không dám nhận cho Ngụy Diên.

Đổng Doãn cũng tâu rằng:

- Ngụy Diên cậy mình công cao, thường vẫn mang bụng bất bình, oán lộ ra miệng. Trước kia y không dám làm phản vì còn sợ thừa tướng. Nay thừa tướng mới mất, y thừa cơ làm loạn, cũng là cái thế tất nhiên. Còn như Dương Nghi, tài cán giỏi giang, thừa tướng đã dùng đến, quyết không phải là người phản nghịch.

Hậu chủ hỏi:

- Nếu Ngụy Diên cố tình làm phản, thì nên dùng cách gì mà chống được?

Tưởng Uyển tâu rằng:

- Thừa tướng vốn nghi người này, tất có mẹo mực trao cho Dương Nghi, không thế sao Dương Nghi lại về được trong cửa hang? Chuyến này Ngụy Diên tất mắc phải mẹo, xin bệ hạ khoan tâm.

Được một lát, lại có biểu của Ngụy Diên dâng về, tâu rằng Dương Nghi làm phản. Trong khi hậu chủ đang xem biểu, lại có biểu của Dương Nghi đệ đến. Hai người liên tiếp dâng biểu, bày lẽ phải trái. Sực Phí Vĩ về chầu. Hậu chủ đòi vào hỏi. Vĩ thuật hết tình hình Ngụy Diên làm phản.

Hậu chủ nói:

- Có phải thế, trẫm cho Đổng Doãn cầm cờ tiết ra giảng hòa cho hai bên.

Đổng Doãn phụng chiếu đi ra.

Lại nói Ngụy Diên đốt đường sàn, đóng quân hang Nam-cốc, giữ chặn cửa ải, tự lấy làm đắc kế lắm. Không ngờ Dương Nghi, Khương Duy dẫn quân đi lẻn lối sau hang. Nghi sợ Hán-trung xảy ra điều gì, bèn sai tiên phong là Hà Bình dẫn ba nghìn quân đi trước. Nghi và bọn Khương Duy trông nom linh cữu kéo quân đi sau, rút về Hán-trung.

Hà Bình dẫn quân đến tắt mé sau hang Nam-cốc, đánh trống hò reo. Quân tiễu mã báo với Ngụy Diên rằng: Dương Nghi sai Hà Bình dẫn quân đi lẻn con đường nhỏ núi Sà-sơn lại khiêu chiến. Ngụy Diên nổi giận, mặc giáp lên ngựa, cầm đao dẫn quân ra đánh.

Hà Bình quát to, mắng rằng:

- Phản tặc Ngụy Diên ở đâu?

Diên cũng mắng rằng:

- Mày giúp Dương Nghi làm phản, lại dám mắng tao à?

Bình quát rằng:

- Thừa tướng mới mất, xương thịt chưa lạnh, sao mày đã dám làm phản, thằng kia?

Mắng đoạn, cầm roi trỏ sang bảo quân Thục rằng:

- Quân sĩ chúng mày, toàn là người Tây Xuyên, có cha mẹ, vợ con, anh em ở trong ấy cả. Khi thừa tướng còn, không bạc đãi gì chúng mày. Nay chớ nên giúp quân phản tặc, nên về cả quê hương, chờ đợi ơn trên ban thưởng.

Quân sĩ nghe xong, reo rầm lên một tiếng, tản đi quá nửa.

Diên giận lắm, múa đao thúc ngựa vào đánh Hà Bình. Bình đưa giáo ra đỡ. Được vài hợp, Bình giả thua chạy. Diên đuổi theo. Quân sĩ bắn tên ra như mưa, Diên phải quay ngựa trở về. Thấy quân mình tản mát đi cả, Diên nổi giận, thúc ngựa đuổi theo giết chết mấy người, nhưng không tài nào ngăn lại cho xuể. Chỉ có ba trăm quân của Mã Đại, cứ đứng sừng sững, không hề nhúc nhích.

Diên ngảnh lại bảo với Mã Đại rằng:

- Nếu ông thực bụng giúp tôi, khi thành công rồi, quyết không phụ ông.

Bèn cùng với Mã Đại đuổi đánh Hà Bình. Bình dẫn quân chạy mất. Diên thu nhặt quân tàn, bàn với Mã Đại rằng:

- Chúng ta sang hàng Ngụy, ông nghĩ thế nào?

Đại nói:

- Tướng quân nghĩ thế khờ lắm! Đại trượng phu nên tự đồ lấy bá nghiệp, can gì phải khuất thân với ai? Tôi coi tướng quân trí dũng đủ cả, người trong hai Xuyên có ai địch nổi? Tôi tình nguyện giúp tướng quân, trước hết lấy Hán-trung, rồi sẽ tiến đánh Tây Xuyên.

Diên mừng lắm, cùng với Mã Đại kéo quân đánh Nam-trịnh. Khương Duy ở trong thành Nam-trịnh, thấy Ngụy Diên, Mã Đại kéo đến ầm ầm, kíp sai kéo cầu treo lên.

Hai người gọi to rằng:

- Hàng đi cho mau!

Khương Duy bàn với Dương Nghi rằng:

- Ngụy Diên khỏe mạnh, lại có Mã Đại giúp đỡ, tuy ít quân, nhưng ta dùng mẹo gì mà đánh cho được?

Nghi nói:

- Thừa tướng lúc gần mất, có đưa cho ta một cái túi gấm, dặn rằng: "Khi nào Ngụy Diên làm phản, lâm đến thành ra địch, mới cho mở xem, tự khắc có mẹo chém được Ngụy Diên". Nay nên mở ra xem sao.

Bèn lấy túi gấm ra xem. Trong túi có một phong thư đề ngoài rằng: "Đợi lúc nào ngồi trên ngựa đối địch với Ngụy Diên thì mới mở".

Khương Duy mừng rỡ, nói:

- Thừa tướng đã có mẹo để lại, trưởng sử nên giữ lấy, để tôi dẫn quân ra thành dàn trận, xong rồi ông lại ngay cho.

Khương Duy nai nịt lên ngựa, cầm dao dẫn ba nghìn quân mở cửa thành kéo ra. Trống đánh vang lừng, bày thành thế trận. Khương Duy kìm ngựa đứng dưới cửa cờ, quát to lên mắng rằng:

- Phản tặc Ngụy Diên, thừa tướng không bạc đãi mày, sao mày dám làm phản?

Diên cầm ngang lưỡi đao, kìm ngựa lại nói rằng:

- Bá-ước, không việc gì đến ngươi, cứ về bảo Dương Nghi ra đây!

Nghi ở trong cửa cờ, mở túi gấm ra xem, biết được mẹo như thế rồi, mừng lắm, bèn cưỡi ngựa ra đứng ở trước trận, trỏ sang Ngụy Diên, cười mà rằng:

- Khi còn thừa tướng, biết mày về sau tất làm phản, đã sai ta phòng trước; nay quả nhiên như thế thực! Mày có dám ngồi trên ngựa kêu luôn ba tiếng: "Ai dám giết ta?" thì mới kể là đại trượng phu; ta xin dâng ngay thành Hán-trung cho mày ngay!

Diên cười ầm lên, nói:

- Đồ thất phu kia! Lặng im ta nói cho mà nghe; khi Khổng Minh sống ta còn sợ hắn vài ba phần; nay hắn chết rồi, thiên hạ còn ai làm gì nổi ta nữa? Đừng nói kêu luôn ba tiếng, kêu luôn hẳn ba vạn tiếng, ta cũng chẳng ngại gì!

Nói đoạn, cắp đao, cầm vững cương ngồi trên ngựa, kêu lên rằng:

- Ai dám giết ta?

Diên kêu vừa dứt lời thì một người ở sau lưng Diên thét lên rằng:

- Tao dám giết mày đây!

Miệng nói, tay chém Ngụy Diên chết quay xuống ngựa. Chúng kinh hãi nhìn ra thì là Mã Đại.

Nguyên Khổng Minh trao mật kế cho Mã Đại, chỉ đợi Ngụy Diên hét lên, thì nhân lúc bất ngờ mà chém chết Diên. Khi ấy Dương Nghi xem thư trong túi gấm, đã biết rằng có Mã Đại làm tay trong, cho nên y mẹo mà làm, quả nhiên giết được Ngụy Diên.

Đồng Doãn chưa kịp đến Nam-trịnh, Mã Đại đã chém được Ngụy Diên rồi, bèn hợp binh với Khương Duy một chỗ. Dương Nghi dâng biểu về tâu với hậu chủ.

Hậu chủ giáng chỉ rằng:

- Ngụy Diên tuy đã chính tội rồi, nhưng nghĩ công lao trước của hắn, cũng cho quan quách mai táng.

Bọn Dương Nghi rước linh cữu Khổng Minh về Thành-đô, hậu chủ dẫn các quan mặc đồ tang trở ra khỏi thành hai chục dặm nghênh tiếp. Hậu chủ cất tiếng khóc vang lên. Trên từ công khanh, dưới đến trăm họ, già trẻ trai gái, ai cũng khóc lóc, sầu thảm.

Hậu chủ sai rước linh cữu vào trong thành, quàn ở phủ thừa tướng. Sai con Khổng Minh là Gia-cát Chiêm thủ tang.

Hậu chủ về triều. Dương Nghi tự trói mình lại xin chịu tội. Hậu chủ sai cởi trói và phủ dụ rằng:

- Nếu không có ngươi tuân theo lời thừa tướng, thì linh cữu bao giờ về được, mà giết làm sao được Ngụy Diên? Muôn việc chu toàn cũng do tự sức ngươi cả.

Bèn phong cho Dương Nghi làm trung quân sư; Mã Đại có công giết giặc, được thăng quan tước của Ngụy Diên.

Dương Nghi trình tờ di biểu của Khổng Minh. Hậu chủ xem xong thương khóc, giáng chỉ chọn đất an táng.

Phí Vĩ tâu rằng:

- Khi thừa tướng gần mất, có dặn táng ngài ở núi Định-quân, không cần xây lăng miếu và cũng không dùng đến đồ tế lễ gì cả.

Hậu chủ nghe lời, kén ngày tốt, tháng mười, năm ấy, rước linh cữu ra núi Định-quân an táng.

Hậu chủ thân tế một tuần, đặt tên thụy là Trung-võ hầu; sai lập miếu ở Miện-dương, bốn mùa tế bái.

Hậu chủ về đến Thành-đô, cận thần tâu rằng:

- Có tin ngoài biên nói Đông Ngô sai Toàn Tôn dẫn vài vạn quân đóng ở cửa cõi Ba-kỳ, chưa biết ý tứ ra làm sao?

Hậu chủ thất kinh, nói:

- Thừa tướng mới mất, Đông Ngô phụ lời minh ước, muốn lấn cõi ta, làm thế nào bây giờ?

Tưởng Uyển tâu rằng:

- Tôi xin cử Vương Bình, Trương Ngực dẫn vài vạn quân đóng ở thành Vĩnh-an, đề phòng việc bất trắc; bệ hạ nên sai một người sang Đông Ngô báo tang, để dò ý tứ xem sao.

Hậu chủ nói:

- Tất phải được người ăn nói giỏi giang đi sứ mới xong.

Một người bước ra thưa rằng:

- Tiểu thần xin đi!

Chúng trông ra thì là người ở Nam-dương, tên là Tôn Dự, hiện đang làm tham quân hữu trung lương tướng.

Hậu chủ mừng lắm, sai Tôn Dự sang sứ Đông Ngô báo tang và dò xét hư thực.

Tôn Dự lĩnh mệnh, đến tắt Kim-lăng, vào ra mắt Tôn Quyền. Lễ xong, trông ra tả hữu thấy người nào cũng mặc áo trắng.

Tôn Quyền sầm mặt lại, nói:

- Ngô, Thục đã là một nhà với nhau, cớ sao chủ ngươi lại còn thêm quân ra giữ thành Bạch-đế?

Dự nói:

- Đông Ngô thêm quân ra giữ ở Ba-kỳ; Tây Thục tăng lính giữ ở Bạch-đế, chẳng qua là sự thế phải thế! Tôi thiết nghĩ điều ấy bệ hạ chẳng nên hỏi làm gì!

Quyền cười, nói:

- Ngươi chẳng kém Đặng Chi chút nào!

Lại bảo Tôn Dự rằng:

- Trẫm nghe tin Gia-cát thừa tướng mất, ngày nào cũng khóc, truyền các quan bên này để trở cả. Trẫm sợ người Ngụy thừa lúc tang tóc vào đánh Thục, nên cho thêm một vạn quân ra giữ Ba-kỳ, có ý cứu giúp lẫn nhau, chớ không có bụng nào khác.

Tôn Dự cúi đầu lạy tạ.

Quyền nói:

- Trẫm đã hứa đồng minh với Thục, lẽ nào lại trái nghĩa?

Dự thưa rằng:

- Thiên tử bên tôi nhân thừa tướng mới mất, nên sai tôi sang báo tang.

Tôn Quyền sai lấy một mũi tên bít vàng, bẻ ra làm đôi, thề rằng:

- Nếu trẫm phụ lời thề trước, con cháu sẽ tuyệt diệt.

Lại sai sứ mang hương lụa và đồ lễ vào Xuyên tế Khổng Minh.

Tôn Dự lạy từ Ngô chủ, cùng với sứ giả về Thành-đô, vào chầu hậu chủ, tâu rằng:

- Ngô chủ, nhân thừa tướng mới mất, động lòng thương nhớ, lúc nào cũng ứa nước mắt, quần thần đều mặc đồ tang. Thêm quân giữ Ba-kỳ, là sợ người Ngụy thừa cơ đến đánh nước ta thì sang cứu, chớ không có bụng nào. Hiện Ngô chủ đã bẻ một mũi tên ăn thề, không dám trái ước.

Hậu chủ mừng lắm, trọng thưởng Tôn Dự và hậu đãi Ngô sứ cho về. Tuân lời Khổng Minh dặn lại, cất Tưởng Uyển làm thừa tướng đại tướng quân, xét việc thượng thư; gia phong cho Phí Vĩ làm thượng thư lệnh, cùng coi việc thừa tướng; gia phong Ngô Ý làm xa kỵ tướng quân, ban cho cờ tiết, trấn thủ Hán-trung; phong Khương Duy làm phụ Hán tướng quân, Bình-tương hầu, tổng đốc quân mã các xứ, cùng với Ngô Ý đóng ở Hán-trung đề phòng quân Ngụy. Còn các tướng khác, cứ y chức cũ.

Dương Nghi nghĩ mình tuổi nhiều sẽ được cao chức hơn Tưởng Uyển, ai ngờ lại hóa phải ở dưới. Vả lại, cậy mình công to, chưa được thưởng gì nên mang lòng hờn oán, thường nói với Phí Vĩ rằng:

- Khi thừa tướng mới mất, giá ta đem cả quân sang hàng Ngụy, đâu đến nỗi buồn tẻ thế này!

Phí Vĩ đem lời ấy, mật tâu với thiên tử. Hậu chủ nổi giận, bắt Dương Nghi tống ngục toan chém.

Tưởng Uyển tâu rằng:

- Nghi tuy có tội, nhưng khi trước theo thừa tướng, nhiều lần lập được công lao, không nên giết đi, hãy giáng xuống làm thứ dân.

Hậu chủ nghe lời, cách hết chức Dương Nghi, giáng làm thứ dân, đuổi ra ở Gia-quận, xứ Hán-trung.

Nghi hổ thẹn, tự vẫn chết.

Năm Kiến hưng thứ 13 nhà Thục Hán, tức là năm Thanh long thứ 3 bên Ngụy chủ Tào Tuấn, và năm Gia-hòa thứ tư bên Ngô chủ Tôn Quyền (263). Năm ấy, Ngụy chủ phong Tư-mã Ý làm thái úy, sai tổng đốc quân mã, trấn thủ các nơi biên viễn. Ý lại từ về Lạc-dương.

Ngụy chủ ở Hứa-xương, sửa sang cung điện, khởi công xây dựng cực to. Ở Lạc-dương làm ra đền Triều-dương, đền Thái-cực, đài Tổng-chương, mỗi tòa cao mười trượng. Lại lập ra đền Sùng-hoa, gác Thanh-tiêu, lầu Phượng hoàng, đào ao Cửu-long. Sai quan bác sĩ Mã Quân coi sóc công việc, bắt phải làm cho cực đẹp. Rui chạm, cột vẽ, ngói biếc, gạch vàng, lộng lẫy chói lòa cả mắt. Quân kén hơn ba nghìn thợ khéo và ba chục vạn dân phu, làm suốt đêm ngày không nghỉ. Dân gian khổ sở, ta oán không biết ngần nào. Lại sai sửa sang vườn Phượng-lâm, bắt cả các quan phải đội đất giồng cây.

Tư đồ Đổng Tầm dâng biểu can rằng:

"Từ năm Kiến-an đến giờ, đánh nhau tàn hại, dân gian chết chóc rất nhiều, cửa nhà khánh kiệt, còn lại rặt những kẻ già yếu, trẻ bồ côi. Nay cung thất có hẹp nhỏ, muốn mở rộng thêm ra cũng nên tùy thời, chớ nên để hại đến việc làm ruộng; huống chi làm những việc vô ích ru? Bệ hạ đã trọng quần thần, cho đội mũ mặc áo vẻ vang, ngồi xe lịch sự, là để cho khác kẻ thường dân. Nay lại bắt khiêng gỗ, đội đất, chân tay nhem nhuốc, mất cả phong thể nhà nước, để cầu lấy sự vô ích, thật không ra làm sao! Đức Khổng tử có nói: "Vua sai bầy tôi phải có lễ, bầy tôi thờ vua phải có trung." Nếu không trung không lễ, thì sao ra nước nữa? Tôi biết rằng nói ra thì tất chết, nhưng tôi chẳng qua như một cái lông trên mình trâu mà thôi, sống đã vô ích, chết cũng chẳng thiết gì! Cầm ngòi bút, ứa nước mắt, bụng từ với đời. Tôi có tám con, sau khi chết rồi, nhờ bệ hạ còn nhiều. Sợ hãi không sao kể xiết! Xin chờ lệnh trên!"

Tào Tuấn xem biểu, nổi giận nói:

- Đổng Tầm không sợ chết dư?

Tả hữu xin chém.

Tuấn nói:

- Người này vốn có bụng trung nghĩa, nay hãy cách làm thứ dân. Hễ ai còn can nữa thì chém.

Bấy giờ, Trương Mậu cũng dâng sớ can ngăn ráo riết lắm. Tuấn sai chém liền.

Ngay hôm ấy, Tuấn vời Mã Quân đến hỏi rằng:

- Trẫm lập ra đền cao gác thẳm, muốn đi lại chơi với thần tiên, để cầu thuốc trường sinh, thì làm thế nào?

Quân tâu rằng:

- Hai mươi bốn vua triều nhà Hán, duy có vua Võ đế hưởng nước được lâu dài, mà tuổi cũng thọ. Bởi vì có uống khí tinh hoa của mặt trời, mặt trăng. Vua ấy lập đền Bách-lương ở trong cung Tràng-an. Trong đền xây một cột đồng, trên cột lại dựng một tượng đồng, tay bưng một cái mâm, gọi là mâm hứng móc, để tiếp lấy giọt nước sao bắc đẩu lúc canh ba rỏ xuống, gọi là "thiên tương", lại gọi là "cam lộ". Lấy nước ấy hòa vào bột ngọc thật quý mà uống, thì có thể biến già thành trẻ được.

Tuấn mừng, nói:

- Ngươi nên đem dân phu đến Tràng-an, dỡ người đồng đem về để ở trong vườn Phượng-lâm cho ta.

Quân lĩnh mệnh, dẫn một vạn người đến Tràng-an, sai lấy gỗ bắc đóng chung quanh đền Bách-lương, rồi cho năm nghìn người dòng dây chạc leo lên trên nóc đền. Đền ấy cao hai chục trượng, cột đồng to mười ôm. Mã Quân sai dỡ người đồng xuống trước.

Người đồng bỗng rơm rớm nước mắt, ai nấy đều kinh hãi. Chợt lại có một trận cuồng phong nổi lên, cát sỏi bay mù mịt, rồi ầm một tiếng như trời long đất lở, đền siêu cột đổ, đè chết hơn nghìn người.

Mã Quân sai đem người đồng và mâm vàng về Lạc-dương dâng Ngụy chủ.

Ngụy chủ hỏi:

- Còn cái cột đồng ở đâu?

Quân tâu rằng:

- Cột đồng nặng trăm vạn cân, không mang về được.

Ngụy chủ sai đập vụn cột đồng ra đem về Lạc-dương đúc hai người đồng cực to, gọi là Ông Trọng, dựng ở ngoài cửa Tư-mã. Lại đúc một con rồng và một con phượng bằng đồng, rồng cao bốn trượng, phượng cao ba trượng, xây ở trước điện. Lại sai giồng các thức hoa quý cây lạ và nuôi các giống chim muông kỳ quái ở trong vườn Phượng-lâm.

Dương Phụ dâng sớ can ngăn. Tào Tuấn không xét cứ thúc Mã Quân sửa sang đền đài cho cao, để đặt người đồng và mâm hứng móc. Lại sai kén thật nhiều con gái đẹp trong thiên hạ, cho ở cả trong vườn Phượng-lâm.

Các quan tranh nhau dâng biểu can ngăn, Tuấn nhất thiết không nghe ai cả.

Vợ Tào Tuấn là Mao thị, người ở Hà-nội. Hồi Tào Tuấn còn làm Bình-nguyên vương, ân tình nặng lắm. Khi Tuấn lên ngôi, lập Mao thị làm hoàng hậu. Về sau Tuấn yêu Quách phu nhân, liền nhạt tình với Mao hậu. Quách phu nhân người nhan sắc mà tính lại thông minh. Tuấn yêu đương lắm, ngày nào cũng vui thú với nhau, hơn một tháng không ra khỏi cửa cung. Năm ấy đang độ tháng ba, mùa xuân, trong vườn Phượng-lâm, trăm hoa đua nở, hương bay ngào ngạt. Tuấn cùng với Quách phu nhân dạo chơi trong vườn, mở tiệc uống rượu.

Quách phu nhân nói:

- Sao bệ hạ không cho mời hoàng hậu ra chơi nhân thể cho vui?

Tuấn nói:

- Nếu hắn ở đây thì một giọt rượu, trẫm cũng không nuốt trôi vào cổ họng được.

Bèn truyền lệnh cho các cung nga, cấm không ai được nói cho Mao hậu biết. Khi ấy, Mao hậu hơn một tháng trời không thấy Tào Tuấn vào đến chính cung, trong bụng buồn rầu, cũng dẫn vài mươi tên cung nhân ra chơi lầu Thúy-hoa cho tiêu khiển. Bỗng nghe tiếng nhạc réo rắt liền hỏi rằng:

- Nhạc đánh ở đâu thế?

Một viên quan tâu rằng:

- Nhạc ấy là thánh thượng chơi hoa uống rượu với Quách phu nhân ở trong vườn ngự đó.

Mao hậu nghe xong, lại càng não ruột lắm, trở về cung nghỉ ngơi.

Hôm sau Mao hậu ngồi xe ra chơi ngoài cung, gặp Tào Tuấn ở hành lang, cười nói rằng:

- Bữa qua bệ hạ chơi ở Bắc-viên vui vẻ lắm nhỉ!

Tuấn nổi giận, sai đòi hết các cung nữ hầu hạ hôm qua đến mắng rằng:

- Trẫm đã cấm không đứa nào được nói chuyện cho Mao hậu biết, làm sao chuyện lại lộ ra?

Lập tức sai chém ráo cả. Mao hậu kinh hãi về cung. Tuấn giáng chiếu bắt Mao hậu phải tự tử, lập Quách phu nhân lên làm hoàng hậu. Quần thần không ai dám can.

Sực có thứ sử ở U-châu là Vô Kỳ-kiệm dâng biểu về tâu rằng:

- Có Công-tôn Uyên ở Liêu-đông làm phản, tự xưng là Yên vương, cải niên hiệu là năm Thiệu Hán thứ nhất, dựng nên cung điện, đặt ra quan chức, cất quân vào cướp, làm nhiễu động cả phương bắc.

Tuấn giật mình, hội cả văn võ lại thương nghị.

Đó là:

Trong nước vừa lao công thổ mộc,
Ngoài biên lại nổi việc can qua.

Chưa biết Tào Tuấn chống cự ra làm sao, xem hồi sau phân giải.