Tư cách phụ nữ xưa nay khác nhau: Làm vợ làm mẹ với làm người

Tư cách phụ nữ xưa nay khác nhau: Làm vợ làm mẹ với làm người  (1933) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Phụ nữ thời đàm, Hà Nội, số 2 (24. 9. 1933), trang 1-2.

Từ xưa đến nay, người ta cho con trai đi học, trừ cái học để làm quan ra không kể, còn thì ai cũng kỳ vọng cho học để làm người. Nhưng đến lúc dạy con gái ‒ phải nhớ rằng con gái được dạy là sự ít có lắm ‒ thì lại chỉ mong cho học để làm vợ và làm mẹ.

Ủa hay, sao lại có sự phân biệt như thế? Con trai đi học, sao chẳng chỉ mong cho chúng nó biết đạo làm chồng và làm cha mà thôi?

Coi một chút đó đủ thấy thói thường trọng nam khinh nữ là thế nào. Con trai mới là “người” thật, cho nên phải học làm người. Còn con gái, tiếng là “người”, nhưng là “người phụ thuộc”, thôi thì chỉ học cho biết làm vợ làm mẹ là đủ; vì hai điều ấy là sự cần có cho bên nam, tự nhiên phải nhận là cái nghĩa vụ của bên nữ!

Học làm người, thì chẳng những làm chồng làm cha mà thôi; làm quan, làm dân, làm thầy, làm thợ, cho đến làm gì nữa cũng gồm vào trong hai chữ “làm người” ấy. Nhưng đến “làm vợ, làm mẹ”, thì cái tư cách hẹp hòi có hạn, hầu như chỉ có thế là đủ.

Thật thế, “làm người” là một cái danh từ cử cả toàn thể; còn “làm vợ, làm mẹ”, chẳng qua là một vài bộ phận của sự làm người.

Nói rằng ngày xưa coi phụ nữ không phải là người thì khí quá. Nhưng sự thực đành rành như đã nói trên kia, duy có đàn ông mới là người, còn đàn bà con gái chỉ là phụ thuộc vào người: Đó là điều người xưa vẫn tưởng.

Từ ngày chúng ta chịu giáo dục của nước Pháp ban cho, nói cho phải, cái quan niệm cũ ấy thay đổi hẳn.

Lâu nay ở trong trường học, chương trình bên nữ cũng đại để giống bên nam. Trước mặt luân lý, bên nào cũng là người cả; cái đạo đức không vì sự khác giống mà phân biệt.

Cho đến pháp luật, bây giờ cũng không giống trước. Theo luật cũ, “vợ làm lỗi, chồng chịu tội”, ấy là như bỏ đứt đằng vợ, không kể là người. Nhưng theo luật mới, thi hành ở Bắc Kỳ, nhất là Dân luật, thì vợ có quyền lợi của vợ; luật lại có ý giữ cho người chồng không được xâm phạm tới.

Như thế thì đàn bà con gái sinh ra ngày nay, há chẳng nên biết mà tự trọng dư? Há chẳng nên trau dồi mà mở rộng phạm vi cái tư cách của mình dư?

Đạo đức và pháp luật ngày nay đối với chúng ta như thế, là có ý nhắc dần dần cái địa vị phụ nữ lên cho bằng đàn ông. Nhân dịp ấy, nếu đàn bà con gái không biết tự trọng, không biết trau dồi và mở rộng phạm vi cái tư cách của mình thì thật là rất uổng!

Sự học của phụ nữ ngày nay, không những để làm vợ, làm mẹ, mà để làm người nữa. Ngày xưa chỉ học làm vợ, làm mẹ, tự nhiên phải không đủ mà làm người. Bây giờ cứ nói như bên nam mà học làm người đi. Hễ làm người được thì làm vợ làm mẹ được, có khi rồi cũng không cần phải học riêng sự làm vợ làm mẹ nữa.

Cái mục đích của sự nữ học hiếm có ở xứ ta xưa nay, chỉ ở bốn chữ “lương thê hiền mẫu”. Dạy cho họ như thế hằng ngàn năm nay, mà cái công hiệu ra sao cũng đã thấy rồi. Bây giờ tưởng nên đổi cái mục đích ấy đi, dạy cho họ làm người đi. Ấy là vài lời chúng tôi muốn đem hiến cho nhà đương đạo mới vừa cầm lấy quyền giáo dục trong xứ ta.

PHAN KHÔI