Tình hình sanh hoạt của bọn hoạn quan sau khi nền quân chủ bị úp đổ

Tình hình sanh hoạt của bọn hoạn quan sau khi nền quân chủ bị úp đổ  (1931) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, số 91 (16.7.1931)

Loài người chia ra hai tánh (sexe), là nam và nữ. Vậy mà thỉnh thoảng lại có thứ phi nam phi nữ nữa mới lạ cho. Té ra Hóa công là khéo mà cũng còn có chỗ vụng. à mà các bà các cô có đổ một thứ bánh kêu là bánh bò bông, nó thường nở ra ba tai đẹp lắm, song cũng có đôi khi trịt lít không nở tai nào hết, thì mới làm sao? Đã vậy thì cũng không nên trách Hóa công kia sao có thỉnh thoảng đổ ra thứ bánh bò người trịt lít!

Giống người phi nam phi nữ ấy, theo chế độ mấy nước phương Đông ta ngày trước, chuyên sung vào việc hầu hạ chốn cung vua, kêu là hoạn quan hoặc thái giám. Không nói thì ai cũng biết xưa kia mỗi một ông vua nhốt đến đôi ba ngàn đàn bà trong cung, làm của riêng mình, sợ nuôi kẻ hầu người hạ bằng giống đực thì nó chấm mút của mình, nên mới dùng rặt hạng phi nam phi nữ nầy cho tiện.

Tức như nước ta đây, hồi nhà vua còn thạnh, trong cung nuôi bọn thái giám cũng tới một đôi trăm. Theo tiếng tục, gọi bọn ấy là ông bộ. Thấy nói hồi bấy giờ trong dân gian, làng nào có sanh ra ông bộ thì phải đi khai với quan liền; quan cấp lương cho nuôi đến trộng trộng[1] thì đem vào cung, dạy cho cái nghề làm đầy tớ nhà quý phái, rồi ở hầu hạ luôn cho tới già tới chết.

Đừng nghe nói đầy tớ mà khinh. Đời xưa, bọn đầy tớ nầy có quyền hành lắm. Nhiều triều vua đã bị mất ngôi mất nước vì tay họ. Trong sử Tàu thấy chép luôn luôn, quen kêu là hoạn quan chi họa, nhứt là nhà Hán, nhà Đường và nhà Minh.

Thứ hạng người để sai sử mà làm gì đến nỗi mất nước người ta? Chắc có người tưởng như thế. Nhưng có lạ gì đâu, ấy là chuyện thiệt trong sử sách. Bởi trong đám họ cũng nhiều người có tài mà thường hay có cái tánh âm hiểm; họ ở gần vua, mạng lịnh của vua ra từ tay họ; khi vua cầm quyền được thì quyền về vua còn khi vua hoặc nhỏ dại, hoặc già yếu, hoặc ốm đau, hoặc ngu ngốc, thì quyền về tay họ dễ như chơi. Thứ tiểu nhân mà đắc chí thì tài gì chẳng làm nên mất nước.

Giống gì ở trên đất nầy cũng vậy, duy có tự lập thì mới được bền, chớ còn nhờ vào kẻ khác mà sống, thì khi người ta đổ, mình cũng đổ. Giây bìm bìm dựa cây cột giậu mà lên cao, đến khi cột giậu đổ, bìm bìm đổ thể nào, thì đằng nầy, hoạn quan nhờ quân chủ mà sống, đến khi quân chủ đổ, hoạn quan đổ theo cũng thể ấy.

Nước ta nhỏ, số hoạn quan không mấy, vả lại còn có vua, nên cái tình hình sanh hoạt của họ cũng chưa đến nỗi nào; chớ ở bên Tàu, từ hồi Dân quốc thành lập trở lại đây, bọn họ nguy ngập lắm, sự sanh hoạt của hoạn quan ý muốn thành ra một vấn đề giữa xã hội. Có gì đi nữa, họ cũng là một giống người với ta, cái tình cảnh đau thương của họ, ta cũng nên biết qua mới phải.

Hiện nay bọn hoạn quan của Tàu tụ ở tại Bắc Bình, người ta coi như một món đồ xưa hồi đời quân chủ còn sót lại. Năm Dân quốc 13 về trước, khi vua Tuyên Thống chưa bị Phùng Ngọc Tường đuổi khỏi Tử Cấm Thành, thì số hoạn quan còn được hơn một ngàn người. Sau khi vua Tuyên Thống bị đuổi, họ mất chỗ ăn chỗ nhờ, kẻ thì đi lưu lạc, kẻ thì đau và chết, kẻ thì kiếm nơi làm ăn, hiện còn ở Bắc Bình hơn bốn trăm người mà thôi. Họ ở rải rác trong các chùa, các đền, các miếu, hoặc chung nhau một tụi, hoặc riêng ra từng người. Mà đại để người giàu lắm hay nghèo lắm mới ở riêng một mình.

Những người nào giàu, ấy là người năm nay cỡ năm sáu chục tuổi trở lên, họ từng phục sự bà Tây Hậu, từng tom góp của riêng, có kẻ giàu đến đôi chục vạn, lại có kẻ giàu đến một trăm vạn. Bọn nầy ở nhà lầu cao, ăn mặc sang trọng, không khác mấy nhà thế gia. Còn những kẻ nghèo kia là hoạn quan lớp sau, hầu vua Tuyên Thống rồi bị đuổi, nên không có tư cơ gì để lập thân hết. Trong đám họ, có kẻ đi kéo xe; có kẻ đi ở bồi ở bếp; có kẻ không biết nghề gì, đành nằm đó chờ chết; coi tình hình thật là tội nghiệp, thế mà bọn giàu kia chẳng hề nghĩ tình đồng loại mà giúp giùm chút chi. Đến như những kẻ ở trong các đền chùa đó, là hồi trước họ có quy y, và mỗi người có tư sản ít nhiều, ngày nay thất cước, thì họ đem của cúng vào chùa rồi ở đó làm tôi thần phật cho qua đời.

Một số ít trong đám hoạn quan, ngày nay cũng vẫn còn có chỗ dung thân. ấy là như vua Tuyên Thống dầu bị phế mặc lòng, chớ nhà ngài ở tại Thiên Tân cũng vẫn nuôi được đôi mươi thái giám là tay chưn thân cận hồi trước. Lại mấy ông vương tước, công tước, ông nào có tiền khá, cũng vẫn nuôi họ để sai khiến chớ chẳng không. Duy có số hoạn quan thất nghiệp thì nhiều, mà người dùng thì ít, thành ra phần nhiều họ không khỏi cực khổ.

Ta phải khen trong xã hội Tàu hay có người làm việc từ thiện để cứu nhau. Hễ thấy chung quanh mình có cái tình cảnh gì đáng thương, ấy là có người ra tay cứu vớt rồi. Mấy người hoạn quan giàu có bạc triệu nỡ bỏ bao nhiêu kẻ đồng loại với mình sa vào vòng đói rách; nhưng lại có kẻ khác rủ lòng thương mà làm phước cho họ.

Có một bà, kêu là Cáp Đồng phu nhân, trước kia có quen với một bà Phi đời Quang Tự, thường ra vào cung cấm, biết bọn hoạn quan sau khi nhà vua bị đổ sẽ phải nguy to. Cho nên, năm Dân quốc 12, bà ấy có lập ra một kiển chùa tại Thượng Hải, rồi cho người lên Bắc Kinh rao bảo các thái giám ai muốn về ở đó thì về. Bấy giờ họ rủ nhau về ở kiển chùa ấy được vài trăm. ở đó cũng thong thả, khỏi phải làm gì cho lắm. Hai bữa ăn mỗi ngày rồi, người thì chép kinh, người thì trồng bông tưới kiển, giống như là chỗ dưỡng già cho họ vậy. Duy có điều, ngoài sự ăn mặc, không có cho ai đồng tiền lẻ nào để tiêu vặt, vả lại cấm không cho đi đâu, nên lâu rồi nhiều người bực rực, bỏ trở về Bắc Bình, hiện còn ở tại kiển chùa đó chỉ hơn mươi người mà chớ.

Mới đây có một việc xảy ra ở Bắc Bình, việc quan hệ với đám hoạn quan thất nghiệp ấy, nghĩ đáng thương hại mà cũng đáng buồn cười. Cách chừng một vài tháng trước đây, có người đến Bắc Bình chiêu mộ bọn hoạn quan đem về Thượng Hải. Người ấy xưng mình là đại biểu cho một công ty kia, vì muốn mở tại Thượng Hải một cái nhà tắm cho đàn bà, theo quy mô rất rộng lớn và lịch sự, nay cần mộ nhiều hoạn quan về làm phổ ky trong nhà tắm ấy, ai ứng mộ thì sẽ được lương cao. Nghe được tin ấy, bao nhiêu hoạn quan cùng kiết mừng đà hết lớn, người nào cũng hằm hằm toan ứng mộ, sợ ở Bắc Bình có ngày chết đói.

Cái người đi rao mộ đó có giả dối gì không thì không biết; và ở Thượng Hải có công ty nào toan lập cái nhà tắm cho phụ nữ ấy không, cũng không ai tra gạn lại làm chi. Duy sau đó ít ngày, giữa khi các hoạn quan đương mừng khúm, thì lại có tin đồn rất nên lợi hại. Đồn rằng cái người đi mộ đó nói dối cho được việc, chớ có phải làm phổ ky nhà tắm gì đâu; số là ở Thượng Hải có một cái y viện kia nhơn muốn nghiên cứu về sanh lý của những người phi nam phi nữ ra sao, nên mộ những hoạn quan nầy về, để mổ ra mà nghiên cứu, có vậy họ mới chịu trả giá mắc! Khi ấy các hoạn quan nhảy nhót hôm trước, đều xuội lơ, không một mống nào dám ló cổ ra ứng mộ nữa!

Nghĩ mà giận cho Hóa công, vì vụng một chút mà làm cho trong xã hội loài người lại thêm một khoản lôi thôi!

(Lấy tài liệu ở một bài điều tra trong báo Tàu)

C. D.

   




Chú thích

  1. Trộng trộng : khá lớn (theo Từ điển phương ngữ Nam Bộ)