Tàu Đồng Sanh chìm là một cái quảng cáo xấu cho nghề chạy tàu của An Nam
Xứ Nam kỳ là xứ mà người ta kêu bằng "thuỷ quốc". – Xin người ưa dùng toàn tiếng mẹ đẻ hãy biết cho, chữ nầy không có thể nói tiếng mẹ đẻ được, vì không thể nói "nước nước"! – Thủy quốc là xứ có nhiều sông ngòi, lợi cho việc chạy tàu và đi thuyền. Tuy vậy, cái lợi ấy vào tay ai, chớ vào tay người mình thì không có mấy.
Đường tàu nào cũng toàn là tàu Khách chạy hết, không tàu Khách thì tàu Tây. Mỗi năm họ chở bộ hành, chở hàng hóa, lấy tiền sở phí về vận tải của người mình, thiệt không biết bao nhiêu mà kể. Món lợi ấy vào tay người Khách đến 5-6 chục năm nay rồi. Chừng 10 năm trở lại đây, An Nam ta mới có một đôi người sắm được một đôi chiếc tàu ra chen lấn với họ.
Chen lấn chớ không phải tranh cạnh. Mình có thế lực gì đâu mà hòng dám tranh cạnh với họ được? Chẳng qua trong một đám đông toàn là người họ ra tay hốt lấy tiền, thì một vài người mình cũng xen vào, lượm mót được đồng nào hay đồng nấy, như vậy thì đâu nói đặng là tranh cạnh?
Vốn mình đã ít, sức mình đã yếu, thế mình đã mỏng, thì lý ưng làm việc gì cũng nên giữ cho vững vàng chắc chắn, đừng cho sa sẩy mà hư hỏng đi. Ấy vậy mà lại không. Người mình có tánh cẩu thả, vả lại hay tự đắc xằng, cho nên việc nào làm ra chưa thấy cái thành mà đã mang cái bại.
Một ông chủ tàu An Nam trong tay có vài chiếc tàu, chạy một con đường quen thuộc, nếu mà biết giữ gìn cẩn thận thì càng ngày càng phát đạt, chớ có đến nỗi làm sao. Cái nghề nầy, ai có đạp tới nó thì đã biết, biết mánh lới thì muốn phát đạt đâu có khó? Bởi mình là chủ An Nam dễ mà quyến khách bộ hành hơn người ngoại quốc, lại thêm cách phí tổn của mình cũng nhẹ hơn họ, đồng vô thì nhiều mà đồng ra có ít, sự đứng vững là cầm chắc trong tay.
Chẳng những không phát đạt mà lại không đứng vững, ấy là tại mình. Sao lâu nay không hề nghe tàu Khách có sự tai nạn như vầy mà ngày nay tàu An Nam lại mắc phải? Ôi, chiếc tàu Đồng Sanh chìm, làm hại việc làm ăn cho chủ nó đã đành, mà còn cái ảnh hưởng ấy lan ra, ai còn dám đi tàu của An Nam nữa? Sự làm hại cho toàn thể nghề chạy tàu của người An Nam nầy mới thiệt là lớn vậy.
Sự chìm nầy không có thể cho là một sự rủi ro được. Thấy nói tàu chỉ được phép chở có 90 người mà lại chở đến hơn trăm người, còn thêm những mấy tấn tôm khô và hóa hạng gì đó là khác nữa. Sự chở trái phép ấy nếu quả thật thì sau nầy sẽ có quan trên truy cứu ra, chúng tôi không quyết bề nào, chỉ nhơn đó mà chỉ ra cái tánh tự đắc xằng của người mình đó thôi.
Bất luận xe hay tàu cũng vậy, mấy ông chủ An Nam hay làm lấy được lắm. Họ nói xe họ là tốt, tàu họ là bền, không có của ai bằng của họ hết, nên nhiều khi chở quá lố mà họ cũng làm thinh cứ việc chở. Mà cũng vì nhiều khi họ tự đắc làm liều như vậy mà không xảy ra việc chi, nên họ mới ăn quen. Lạ gì hễ ăn quen thì có ngày phải vấp.
Đến cái thói cẩu thả thì ở đâu cũng thấy hết, trong việc gì cũng có hết, có thể nói được rằng sự cẩu thả đã thành ra cái tánh của người An Nam ta. Tàu Đồng Sanh cũng như tàu khác, có hai tên tài công, một chánh một phụ. Mà trong khi bị chìm đây là do tên tài công phụ cầm lái vậy.
Tài công phụ coi lái, thế thì thử hỏi: chớ nào tài công chánh làm gì? Ở đâu? Người ta nói lúc đó va mắc ngủ! Ngủ cho đến khi tàu bị nước ọc vô, ướt cả mình rồi, anh tài công chánh mới hay! Như vậy có phải là cẩu thả quá tay không!
Việc nầy rồi đây còn phí ngày giờ quan trên điều tra lâu lắm chớ đã xong đâu. Sáu bảy chục mạng sanh linh vô tội mà chịu chết, đã không phương làm cho họ sống lại được rồi. Người chủ tàu Đồng Sanh e cũng không khỏi lâm lụy về đường nầy, lại còn về đường khác nữa. Hết thảy những sự thiệt hại ấy, bây giờ có kêu trời cũng vô ích.
Chúng tôi chỉ lo là lo cho cái nghề chạy tàu An Nam từ rày về sau, bị cái ảnh hưởng ấy mà rồi phải trụy lạc trầm trệ cho đến bao giờ! Thật là cái chìm của chiếc tàu Đồng Sanh phen nầy đã làm quảng cáo xấu cho nghề ấy vậy. Bởi e rằng người mình thấy vậy rồi tránh tàu An Nam mà tìm tàu Khách, đi lại cũng là gánh vàng đi đổ sông Ngô!
Làm nghề gì cũng vậy, xin đừng tự đắc xằng nữa, xin đừng cẩu thả nữa. Hại một mình chẳng nói làm chi, chớ ảnh hưởng đến cả toàn thể thì nguy lắm. Vậy mà mấy chiếc xe hơi đò cũng không tởn, cũng còn cứ chở liều chở lĩnh, cũng còn cứ làm bảnh qua mặt nhau, đến bao giờ bị lụy rồi mới ngồi bó gối thở ra thì đã muộn!
T. R.