Sau cuộc bầu cử nghị viên thành phố Sài Gòn: Đảng viên cọng sản sao cũng được dự cử và đắc cử?

Sau cuộc bầu cử nghị viên thành phố Sài Gòn: Đảng viên cọng sản sao cũng được dự cử và đắc cử?  (1935) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Tràng An, Huế, số 24 (21 Mai 1935), trang 1

Bài này của chúng tôi chỉ có một tánh chất thuyết minh, cắt nghĩa một điều có lẽ là khó hiểu cho mọi người cùng hiểu, chứ bản ý người viết bài không để mà phê bình gì và nhất là không để mà công kích gì hết cả.

Một điều nên nói trước, là trong khi chúng tôi kêu tên những người này người kia mà bảo là đảng viên cọng sản, chúng tôi không có ý khống cáo họ đâu. Vì theo thực sự, hiện nay ở Sài Gòn, làm một đảng viên cọng sản theo kiểu các người ấy, đối với pháp luật, không có phạm tội gì hết; mà đã không phạm tội thì chúng tôi khống cáo họ làm gì?

Làm một đảng viên cọng sản, sao lại không phạm tội đối với pháp luật? Hẳn bạn đọc phải lấy làm lạ tai. Nhưng công việc rành rành ra đó: chẳng những không phạm tội mà những người ấy vừa rồi lại được ra ứng cử nghị viên thành phố và trúng cử nữa kia, sự này tưởng lại còn lạ tai hơn nữa!

Viết bài này, chúng tôi cốt muốn cắt nghĩa sự lạ tai ấy.

Như Tràng An đã đăng tin trong số trước, cuộc tuyển cử nghị viên thành phố Sài Gòn ngày 12 Mai mới rồi có sáu người trúng cử, mà trong số đó có bốn người đứng chung trong một sổ gọi là “sổ lao động”, tức là các ông: Trần Văn Thạch, Nguyễn Văn Tạo, Tạ Thu Thâu và Dương Bạch Mai.

“Sổ lao động” (liste ouvrière), ấy là bốn người ấy tự xưng như vậy, chứ theo một vài tờ báo Tây ở Sài Gòn, người ta kêu sổ ấy là “sổ cọng sản” (liste communiste) hẳn hòi.

Như thế, dù chúng tôi gọi họ là đảng viên cọng sản, bốn người ấy chắc cũng chẳng lấy làm điều. Mà thật, ba người kia thì không biết, chứ ông Tạ Thu Thâu, chúng tôi có biết ông ấy, ông vẫn tự xưng mình là đảng viên cọng sản (communiste) trước mặt quan tòa hoặc trước mặt công chúng mà không giấu giếm gì hết.

Theo thường, chủ nghĩa cọng sản là nghịch với chính phủ đương thời, những người theo chủ nghĩa ấy hay bị tình nghi bắt bớ, thì sao những người này lại công nhiên được làm nghị viên thành phố, chánh phủ vẫn để họ được tự do? Hơn nữa, vào khoảng trước sau ngày 1er Mai, đâu đó vẫn phòng bị cọng sản nghiêm ngặt lắm, mà sao ở Sài Gòn đảng viên cọng sản lại được thong thả một cách phi thường như vậy?

Muốn rõ thấu chỗ đó, chúng ta nên biết qua các quyền tự do trong hiến pháp của nước Pháp và nên phân biệt sự lý tưởng và sự thực hành của một chủ nghĩa có khác nhau.

Trong hiến pháp của nước Pháp có nhìn nhận mấy điều nhân dân được tự do, mà một là tự do về tư tưởng, hai là tự do về ngôn luận. Cho nên trong nhân dân có ai khuynh hướng về chủ nghĩa nào bất kỳ, mà hễ còn ở trong phạm vi tư tưởng ngôn luận là dù có trái với chỗ khuynh hướng của chánh phủ, chánh phủ cũng không được cấm.

Thực sự bày ra ở giữa nước Pháp hầu một thế kỷ nay đã như thế. Sau khi dân quốc thành lập mà giữa nghị viện còn có đảng bảo hoàng, nó vi phản với cái quốc thể hiện tại là dường nào, nhưng chỉ vì sự hành động của đảng ấy chẳng có chi vượt ra ngoài vòng tư tưởng ngôn luận, cho nên phải để nó tồn tại giữa quốc hội.

Đảng cọng sản được công khai giữa nghị viện nước Pháp ngày nay thì cũng lại bởi lẽ ấy. Cũng đồng là cái hành vi của đảng cọng sản ở nước Pháp, nhưng những cuộc biểu tình, bạo động luôn luôn bị chánh phủ can thiệp, còn chỉ diễn thuyết hay viết báo mà thảo luận và tuyên truyền cái học thuyết của Mã Khắc Tư hay của Lý Ninh, thì chẳng ai có quyền phép được ngăn trở ai. Thế cho biết đảng cọng sản tồn tại giữa nước Pháp chẳng khác nào đảng bảo hoàng, nó trái với quốc thể hiện tại mặc dù, song chánh phủ mà biết tôn trọng hiến pháp thì nó phải tồn tại.

Như thế, đối với đồng một chủ nghĩa, nước Pháp kính trọng phần lý tưởng mà cấm chế phần thực hành. Sự phân biệt ấy chẳng có gì khác hơn là phần lý tưởng có thể đưa một xã hội lên đường tiến hóa, nhưng lại sợ phần thực hành nếu mà xốc nổi, cũng có thể hãm nước nhà vào cảnh hiểm nghèo.

Hiểu đến đó, ta thấy hiến pháp nước Pháp có ý rất khoan hồng nhưng không quên sự tiết chế.

Sài Gòn mà cho đến cả đất Nam Kỳ cũng vậy, đã là thuộc địa của nước Pháp, chịu trị dưới pháp luật của nước Pháp, lẽ nào không hưởng thọ được sự khoan hồng của hiến pháp ấy lấy một vài? Những cọng sản đảng viên ngày nay được công nhiên đắc cử hội đồng thành phố, thật là một sự lạ cho người xứ mình, song nếu là người Pháp thì họ chẳng lấy gì làm lạ cả.

Bọn ông Tạ Thu Thâu, Trần Văn Thạch chỉ là những người tuyên truyền chủ nghĩa cọng sản bằng tư tưởng ngôn luận, họ có tờ báo La Lutte[1] làm cơ quan, nhưng họ chưa từng dự vào một cuộc âm mưu nào, chưa từng xúi ai làm một việc bạo động nào, chánh phủ Nam Kỳ kể họ cũng như một đảng viên trong đảng cọng sản bên nước Pháp, thành thử họ vẫn hoàn toàn hưởng được quyền lợi công dân của họ mà không có gì ngăn trở hết.

Sau hết, muốn cho bạn đọc khỏi hiểu lầm, chúng tôi xin nhắc thêm rằng câu chuyện trên đó chỉ nói riêng về ở Sài Gòn hay Nam Kỳ mà thôi. Ở Trung Kỳ ta lại không như thế được. Chủ nghĩa cọng sản hình như bị cấm ở Trung Kỳ chẳng những phần thực hành mà luôn cả phần lý tưởng.

PHAN KHÔI

   




Chú thích

  1. La Lutte: báo chữ Pháp, xuất bản tại Sài Gòn, số 1 ra ngày 24.4.1933, số cuối cùng: số 220 ra tháng 6/1939.