Sự thực không thể dấu: Bộ Kinh tế, dù xã dân hay chẳng xã dân, cũng quyết không làm được việc gì
Gần nay vì tình thế làm ăn chốn dân gian mỗi ngày một thắt ngặt mà trong bạn đọc của bản báo có nhiều người viết bài gởi đến phàn nàn cái tình thế ấy và rập một ý trách vọng ở bộ Kinh tế của Triều đình mới lập ra mà ông Nguyễn Khoa Kỳ đứng đầu. Cho đến cái người có thể cho là thông hiểu việc đời như ông Võ Đình Thùy mà trong mấy bản thỉnh cầu ở đại hội nghị vừa rồi ông gởi cho chúng tôi cũng có ý như vừa trông mong vừa bắt buộc bộ Kinh tế phải làm việc này việc kia, là những việc có ích lợi cho nhân dân về phương diện kinh tế.
Những bài nói trên đó, cả đến mấy bản thỉnh cầu của ông dân biểu họ Võ nữa chúng tôi đều không đăng; vì chúng tôi biết chắc rằng sự trách vọng ấy là quá đáng, đăng lên không khỏi gây cho bà con một mối thất vọng sau này.
Sự gì đã là sự thực thì không thể giấu ai được. Bộ Kinh tế quyết không thể làm được việc gì có ích lợi cho dân Trung Kỳ, đó là một cái sự thực, chúng tôi phải nói toang ra cho người ta biết, nhất là cho những người có bài không được đăng ấy sẽ được an tâm.
Chúng ta nên nhớ lại trong ngày nhóm hội đồng dân viện Trung Kỳ độ nọ, có ông dân biểu đã lấy làm lạ rằng sao nhà nước đã thiết lập ra bộ Kinh tế mà trong sổ dự toán không thấy có để riêng món tiền nào cho bộ ấy làm việc, thế thì còn mong bộ ấy làm được việc gì.
Cái điều chỉ trích của ông dân biểu đó rất phải. nhưng nay ta thử tới một bước mà nói, cho dù bộ Kinh tế có món tiền thường chi hằng năm đi nữa, lại mong được rằng bộ ấy sẽ làm được những việc có ích cho dân về kinh tế hay sao?
Lúc bộ Kinh tế mới lập ra, chúng tôi đã có bài bàn về nó, trong có một đoạn thế này:
“Cái hàm nghĩa của chữ kinh tế rộng lắm. Lấy cái hàm nghĩa của nó đem chiếu với quyền hạn một vị đại thần Nam triều, đành rằng không có thể phù hợp được: ấy là như những việc thuộc về kim dung, về khoáng sản, về quốc tế mậu dịch, …. mà quan Thượng thư bộ Kinh tế sẽ không biết đến …”
Chúng tôi nói như thế, có ý chỉ rõ cho người ta thấy rằng cái danh từ hai chữ “kinh tế” thì to mà cái quyền hạn của quan Thượng thư bộ ấy thì nhỏ. Việc kinh tế trong một xứ nào có phải chỉ làm ruộng, nuôi tằm và làm các thức thủ công thôi đâu. Nó còn dính dấp với bao nhiêu thứ việc khác nữa, mà trong những việc ấy bộ Kinh tế không có quyền, thôi thì cũng đến khoanh tay ngồi ngó mà thôi!
Đại để như đồng bạc bị định giá là 10 francs, người ta cho là một sự thiệt hại lớn cho thương nghiệp trong xứ. Quan Thượng thư bộ Kinh tế nếu có biết chắc rằng phá giá đồng bạc là lợi cho cả xứ nữa cũng phải làm thinh mà chịu như một người dân thường đã làm thinh mà chịu bấy lâu nay. Giả sử trong xứ gặp hồi khó đồng tiền trự bạc lưu thông, cần phải khai ít nhiều mỏ đồng mỏ bạc để đúc thêm tiền tệ, nhưng sự ấy bộ Kinh tế cũng lại không có quyền.
Đó là chúng tôi thử cắt nghĩa về những chữ kim dung, khoáng sản, đã thấy quan hệ là thế nào; đến như về quốc tế mậu dịch, với kinh tế lại còn quan hệ hơn nữa.
Chúng tôi không dám chắc quan Thượng thư bộ Kinh tế là ông Nguyễn Khoa Kỳ có đủ tài để chủ trương bộ Kinh tế xứng đáng với cái tên của nó; chúng tôi chỉ biết chắc và cũng muốn cho người khác biết chắc rằng, theo cái quyền hạn nhỏ hẹp của bộ Kinh tế của Nam triều hiện nay thì dù cho người giỏi về khoa kinh tế đến đâu đi nữa cũng chẳng làm được việc gì bổ ích cho ai.
Thấy nói mới rồi quan Thượng thư bộ Kinh tế đã tâu xin bỏ hai chữ “xã dân” đứng trên cái tên bộ của mình. Đó có lẽ bởi quan Thượng nghĩ rằng nếu bỏ hai chữ ấy đi thì cái quyền hạn của bộ ngài sẽ rộng ra cho dễ làm việc! Nhưng theo ban đầu, Triều đình đặt ra bộ Kinh tế mà có để hai chữ “xã dân” trên đầu là có ý lắm.
Để hai chữ ấy tức là tự nhận rằng bộ Kinh tế nầy sẽ không có quyền về kim dung, về khoáng sản, về quốc tế mậu dịch … mà chỉ lo việc làm ăn trong xã dân thôi: làm ruộng, nuôi tằm, làm các thức thủ công …
Dù chỉ có vậy đi nữa là bộ Kinh tế cũng sẽ chẳng làm được chút gì có ích trong những việc đó, theo như chúng tôi tưởng.
Làm ruộng có thừa lúa, bộ Kinh tế có thể tìm được thị trường bán lúa cho dân chăng? Nếu một ngoại quốc nào nói rằng vì đồng bạc của các ông cao giá quá, chúng tôi không thể mua lúa của các ông – thì lại đã dính với vấn đề kim dung, ra ngoài quyền hạn của bộ Kinh tế Nam triều rồi; quan Thượng phải bó tay!
Chúng tôi đã nói, với kinh tế, quốc tế mậu dịch còn quan hệ hơn. Trong một xứ ngạch hàng nhập cảng nhiều mà không có phương hạn chế thì khó mong công nghệ trong xứ ấy cho phát đạt.
Bộ Kinh tế ta dù cho hết lòng hết sức khuyên dân nuôi tằm siêng năng đến đâu đi nữa mà thứ tơ nhân tạo cứ tự do nhập cảng hoài là nghề tằm cũng phải tuyệt diệt.
“Khuyến khích các công nghệ trong dân” – ấy là lời tờ Dụ lập ra bộ Kinh tế nói như vậy. Nhưng khi nhân dân làm ra những mũ, những giày, những đồ sành đồ khảm rồi nhờ quan Thượng Kinh tế chỉ chỗ cho mà bán, thì quan Thượng sẽ chỉ chỗ nào?
Cho nên chúng tôi nói: dù “xã dân” hay chẳng “xã dân”, bộ Kinh tế cũng sẽ chẳng làm được việc gì có ích cho dân được cả là vậy đó, là bởi bộ ấy không có thể làm, không có quyền hạn đủ làm.
Đây lại một cái chứng rõ ràng hơn nữa.
Khi quan Thượng Kinh tế đi tuần thị các tỉnh phía bắc Trung Kỳ, đi qua một tỉnh kia, hỏi quan Tổng đốc có điều gì nhu cần cho dân thì cứ nói. Quan tổng đốc bèn nói: Tỉnh chúng tôi hiện có một điều khẩn yếu thứ nhất là chính ngày mùa, lúa dư ra mà không chỗ bán. Quan Thượng phải trả lời bằng câu này mới thảm hại chớ: Không phải! Tôi hỏi dân có thiếu ăn không, có đói không kia; chớ còn sự bán lúa không thuộc về quyền hạn bộ tôi…
Bạn đọc nghe lấy đó, còn trách vọng ở bộ Kinh tế nữa thôi?
Kỳ thực, đường nào quan Thượng Kinh tế cũng chẳng làm gì được hết. Khi người ta dư lúa, kêu với ngài, ngài còn lúng túng thay; huống chi là khi thiếu lúa, khi không có cái ăn, khi đói…!
Bộ Kinh tế sẽ chẳng làm gì được đâu, ấy là sự thực mà!
P. K.