Sự dịch sách ở nước ta ngày nay là sự rất cần và rất quan hệ

Sự dịch sách ở nước ta ngày nay là sự rất cần và rất quan hệ  (1930) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Trung lập, Sài Gòn, số 6292 (7.11.1930)

Đôi lời về bản dịch “Sự tích phật Thích Ca

Nước ta một vài mươi năm nay, đương muốn lấy chữ quốc ngữ làm chữ riêng của nước, đương muốn xây một nền văn hóa cho tương lai bằng thứ chữ ấy. Sự đó là rất phải, mà cũng rất may, người hữu tâm rất có hy vọng cho tiền đồ nước nhà ở trong đó.

Trong thời kỳ sáng tạo quốc văn nầy, đại khái có ba cái công việc mà chúng ta nên làm. Một là tìm tõi những nguyên tắc của tiếng nói, của cách sắp đặt tiếng nói cho thành văn, hầu sau nầy nhơn đó làm ra sách mẹo bằng tiếng An Nam, cho kẻ học có khuôn phép kiểu mẫu mà noi theo. Hai là dùng tiếng nói mà viết sách ; như vậy, một là để tập cho quốc ngữ được dần dần thành văn, một là để cống hiến mọi sự tri thức cho đồng bào. Ba là dịch sách các nước, hoặc sách xưa, hoặc sách nay để thâu thái các học thuyết của thế giới và cũng làm cho rừng văn của ta được thêm nhiều tài liệu.

Ba điều đó đều quan hệ như nhau, song bài nầy tôi hẵng để riêng hai điều trên ra mà nói nội điều thứ ba là điều dịch sách.

Nói riêng về sự dịch sách, thì tôi tưởng ở nước ta ngày nay, bất luận sách gì, nếu có thể dịch được thì nên dịch hết, vì sách gì bằng tiếng ta cũng chưa có. Bởi vậy chẳng luận các sách về khoa học đời nay, kinh truyện cùng sử ký của Tàu ngày xưa, ta đều nên dịch ra mà cho đến kinh Phật, kinh Đạo, cũng nên dịch.

Ta nếu không dịch được những sách ấy, thì chính các nhà tông giáo họ dịch ra ta cũng nên tán thành và hoan nghinh.

Bởi vậy, mới rồi tôi có phê bình Thánh Kinh báo trong Phụ nữ tân văn và cũng giới thiệu cho đồng bào mà nói là một thứ báo nên đọc lắm. Thật, về sự học của nước ta, khác nào như gặp mất mùa đói kém mấy lâu nay, cho nên bất luận là lúa, là khoai, là đậu, ta đều nên kiếm giống mà trồng cho nhiều, cho rõ nhiều.

Kinh của đạo Cơ đốc còn như vậy, huống chi Phật giáo, là một đạo ta đã theo hằng ngàn năm nay, mà bằng tiếng ta chẳng có một thứ kinh thứ sách nào hết, thì há chẳng là sự đáng lạ, đáng lo sao ?

Gần đây có một vài nhà sư hữu tâm, đem kinh Phật dịch ra quốc ngữ, ấy là sự chúng tôi rất lấy làm hoan nghinh lắm. Năm ngoái, sư Thiện Chiếu có ra cuốn sách Phật học tổng yếu chính tôi đã phê bình và giới thiệu trong báo Thần chung cũng là vì lòng sốt sắng ấy.

Tuy vậy, sự dịch sách là rất cần mà lại là rất quan hệ. Quan hệ cái gì ? Bởi vì, lần nầy là lần đầu tiên ta đem một cái đạo lý nào hay một cái học thuyết nào dịch ra mà cống hiến cho quốc dân, cốt nhứt là phải cho đúng. Bằng sai đi thì sau nầy sẽ mất công chữa lại, và cũng chưa chắc là chữa lại được nữa. Cái sự tôi lấy làm quan hệ là ở đó.

Vì cớ ấy trong lúc phê bình cuốn sách ông Thiện Chiếu tôi lượm lặt những chỗ sai mà chỉ trích ra. Ý tôi là thành thiệt. Đức Phật soi lòng tôi, bên ngoài sự muốn cho đúng với nguyên ý nguyên văn, tôi chẳng có vì một chút tư tâm gì mà chỉ trích cả. Vậy mà nhiều người lấy làm lạ, có kẻ đã hỏi tôi : Sao trong khi ông Thiện Chiếu mới bắt đầu làm một việc có ích, lại theo mà phá ? - Trời đất ôi ! Thật người ta đã chẳng thèm xét đến lòng tôi thì chớ, người ta lại còn không nghĩ đến chơn lý là gì và tương lai là gì !

Rõ thật tôi đã làm một việc xứng đáng mà lại bị mang tiếng là tiểu nhân ! Nhưng, không người nầy thì người khác, rồi cũng có ngày người ta biết cho tôi. Tôi cứ làm. Tôi đã thấy là quan hệ thì tôi phải nói, dầu mang tiếng cũng không từ.

Tôi xin lặp lại rằng : Bất kỳ dịch sách gì, tôi đều muốn dịch cho đúng nguyên văn nguyên ý. Hễ sai với nguyên văn nguyên ý là tôi sẽ đứng một bên tôi nhắc chừng cho.

Mới đây, tôi có nhận được của người bạn gởi cho một tờ in làm mẫu về bộ sách Sự tích Phật Thích Ca Như Lai. Tờ in làm mẫu ấy in thật đẹp và có nhiều bức vẽ rất có công phu. Người đứng in là ông Ngô Trung Tín ở Trà Vinh ; người dịch không ký tên thiệt, ký là Huyền Mặc đạo nhơn, ở Sài Gòn. Thấy nói in lần thứ nhứt 3000 bộ, mỗi bộ 3 cuốn ; giá bán 3p00 ; mỗi cuốn 1p00. Đây chừng như sách chưa in, nhưng rao trước cho ai muốn mua thì gởi tiền trước cũng được.

Ông Ngô Trung Tín thì tôi nghe tiếng chớ chưa biết người. Thấy có ông bạn ở Phan Thiết nói với tôi rằng ông Ngô học chữ Hán tinh thông vả lại có tư tưởng mới, thêm nhà sẵn tiền, thế thì sao ông làm việc nầy là việc lớn mà hình như không được thận trọng, tôi rất lấy làm lạ, rất lấy làm tiếc !

Trong tờ mẫu ấy có in một bài trong sách ra, chừng như muốn cho người mua coi kiểu thì phải. In nửa phần chữ Hán, nửa phần quốc ngữ. Nhờ đó mà tôi đem đối chiếu nhau, thấy nhiều chỗ sai lầm quá. Nói “quá” đây, nghĩa là chỉ trong có mấy hàng mà đã sai bộn chỗ, thì nói “quá” cũng không hại.

Như một bài kệ có tám câu mà chỉ dịch trúng có hai câu đầu mà thôi, còn thì dịch khác hết. Khác hết, tức là sai. Cứ theo bản dịch thì nghe cũng có nghĩa chớ không đến nỗi bậy, duy sai với nghĩa của nguyên văn.

Lại còn có chữ bỏ đứt đi, không dịch. Như chữ “Tu-di”, tiếng Phạn, tên núi, tức là núi Hymalaya, nghĩa đen là diệu và cao. Trong bài kệ đó có câu “nhi dữ Tu-di đẳng”, nghĩa là “và cùng núi Hymalaya bằng nhau”, vậy mà không có trong bản dịch. Còn câu “Bất nghi cung kính ngã”, chữ “ngã” ấy là “chư thiên hiện hình” mà tự xưng, bảo thế gian “chớ nên cung kính ta” mà chỉ nên cung kính Phật. Vậy mà lại dịch “Ai không cung kính ngài”, thật là sai đi đâu xa lơ xa lắc !

Câu rốt hết, bổn dịch nói : “Nếu ai dám kiêu mạn, tai nạn sẽ tới nơi”, thì rõ thật là dịch bậy, đến nỗi làm sai ý Phật, bởi vì Phật không hề hăm dọa ai bao giờ. Nguyên văn có hề nói như vậy đâu, nói rằng : “Nhược nhân khử kiêu m ạ n, thiên sanh chứng nát bàn”, nghĩa là : “Nếu người ta bỏ sự kiêu mạn, sẽ sanh ra trên trời, chứng nghiệm cõi nát bàn”, thì có chữ gì là chữ tai nạn ?

Tôi viết bài nầy có ý tỏ cho ông Ngô biết rằng việc ông làm đó là việc nên làm, chắc ông tốn tiền cũng lắm, lẽ đáng kiếm người dịch cho đúng thì sách mới có giá trị. Còn như cả bộ sách đều như bài ấy hết thì thà ông đừng in là hơn.

PHAN KHÔI