Sương tháng tám

(Đổi hướng từ Sương tháng Tám)
Sương tháng tám  (1939) 
của Thâm Tâm

Vở kịch đăng trên Tiểu thuyết thứ Bảy, số 277, ngày 23 tháng 9 năm 1939.

SƯƠNG THÁNG TÁM

KỊCH MỘT HỒI

Thâm-Tâm

Thâm-Tâm

CÁC VAI:

Một vũ-nữ — Một nghệ-sĩ

Nửa đêm. Đèn tắt, nhưng buồng lờ-mờ sáng vi phía trong là cửa sổ mở rộng nhìn ra bên ngoài có ánh trăng. Nghệ-sĩ ngồi im như một chiếc bóng, mắt nhìn thẳng vào một pho tượng bán thân thiếu-nữ để bên những pho tượng khác. Chàng thỉnh-thoảng hút một hơi thuốc lá, làm cho ánh lửa của mẩu thuốc cháy thoi-thóp sáng lóe ra từng lúc. Bên ngoài chợt có tiếng hát sai điệu một bản hát tây đưa lại, trước xa, sau gần. Nghệ-sĩ gục mặt xuống cánh tay. Vũ-nữ đi qua cửa sổ, dừng lại, nhìn vào một lúc, rồi trèo qua cửa, bước nhẹ lại đằng sau nghệ-sĩ. Nàng chưa kịp làm gì, thì...

NGHỆ SĨ (ngửng lên) — Cô vào đây làm gì ?

VŨ-NỮ. — Tại anh ! Tại ai bảo anh còn thức đến bây giờ ! Sao đêm hôm nay tĩnh quá anh nhỉ !

N. S. — Đêm hôm nay tĩnh quá, ừ, quả có thế. Đến nỗi con chim sơn-ca của ngõ hẹp này...

V. N. — Con chim sơn-ca của anh lại hót. Nhưng em hát thì ra cái quái gì !

N. S. — Đến nỗi... đấy, hãy im mà nghe... cô có nghe thấy gì không đã ?

V. N. — Nghe thấy gì, hở anh ? Tiếng dế khó chịu kia, hay là tiếng chân người chơi đêm bước nghe rời-rã... thế thôi, còn gì nữa ? À, còn, còn tiếng chim câu gáy, phải rồi, tiếng chim câu gáy ở bên kia, anh nhỉ !

N. S. — Ước gì dưới trăng sáng, ta thấy đôi bồ câu lông trắng như kết bằng tuyết, song-song nằm ngủ giữa đám rơm vàng óng như tơ ! Ước gì đẹp như thế !

V. N. — Không hiểu anh ước làm gì vậy ? Nhưng em hoi anh thức khuya để... để chờ em phải không ? Hôm nay em mặc áo trắng, vì em biết trước phải làm con chim câu của anh đấy, anh ạ.

N. S. — Ừ nhỉ, cô mặc áo trắng. Thế thì phải để tôi đi thắp mẩu nến kia đã. Đây, mẩu nến gần hết rồi, nhưng cũng còn đủ thì-giờ cháy để soi rõ mầu áo trắng. Bao giờ nến tắt, nghĩa là chỉ độ mươi phút nữa, thì mời cô về ngủ, vì thật tình hôm nay tôi không chờ cô.

V. N. — A, anh đuổi em. Nhưng mà ngoài kia trăng sáng, trong này có một ngọn nến, có bóng anh trông buồn-buồn Ồ, sao đep đến thế nhỉ ! Không, em không về, anh để cho em ở đây với anh Anh phải để cho em ở đây, em muốn thế, nghe không ?

N. S. — Tôi không bao giờ theo những lệnh của đàn-bà, vì, vì...

V. N. — Mặc dầu, em yêu anh ! Mà em đã yêu ai thì phải biết, phải coi chừng ! Anh ngước mắt lên một tí.

N. S. — Tay cô sao lạnh thế ? Hãy đứng nhích ra một chút, đừng gục thế này, ngửng lên, ngửng lên tôi bảo.

V. N. — Anh bảo gì, anh lại bảo rằng anh chả yêu em. Anh ác lắm !

N. S. — Không ! Tôi bảo rằng vai áo cô hơi ẩm, vì cô đã đi nhiều dưới sương khuya.

V. N. — Ai bảo anh thế, trời sáng như kia, làm gì có sương !

N. S. — Có đấy. Vì nhớ rằng mười-hai tháng tám rồi và thỉnh-thoảng vẫn có đêm hơi lạnh. Nhìn mà xem : ánh trăng hơi mờ, những mặt hè hơi ướt, và nếu người ta đứng lâu ở ngoài đường thì vai áo hơi ẩm. Cô thử sờ vai áo cô xem.

V. N. — Ờ, có sương thực, anh ạ. Em thử ra nhìn lên trời xem có đúng như anh nói không nhé. Anh ra đây với em.

N. S. — Trời không có mây nhiều như tháng sáu nữa. Ta không nhìn thấy mặt trăng, vì mái nhà cao che khuất cả. Nhưng cô hãy trông lưng trời đều môt mầu, vì sương mờ.

V. N. — Anh nói làm em thấy lạnh đấy. Anh ngồi như em lên thành cửa này, anh không ngồi à, thế đứng sát vào đây vậy.

N. S. — Cô ngồi trông giống như giáng ngồi khi cô làm kiểu mẫu cho tôi nặn pho tượng khỏa-thân ngày nọ.

V. N. — Em dành cho anh đấy. Ngả đầu vào ngực em thế, ngửa mặt lên. Ồ, má anh gầy nhỉ...

N. S. — Buông ra, em ! Buông ra, cô ! Nến tắt rồi. Để tôi đi tìm mẩu khác. À quên, đến phút cô nên về rồi đấy.

V. N. — Em không về. Hôm nay có sương, lạnh trời, hôm nay em buồn thế nào ấy, em không về đâu. Giá anh cứ để tối thế có hơn không.

N. S. — Thắp nốt mẩu này để cho cô ngồi thêm một lát nữa. Bao giờ nến lại tắt, thì nhất-định là tôi đóng cửa,

V. N. — Để chúng mình thành ra đôi chim câu.

N. S. — Chậc ! để mời cô ra ngoài kia thì có ! Tôi không ngủ đêm nay đâu, nhưng tôi cần ngồi một mình.

V. N. — Thế cho em ngồi bên cạnh thì đã sao ?

N. S. — Cũng được, nhưng mà không được. Ban tối, trống sư-tử của lũ trẻ láng diềng đã làm tôi khó chịu, bây giờ đến lượt cô, cô không nên thế.

V. N. — Anh không nên thế. Anh không nên ác quá với một người con gái, hiện giờ ngồi nghĩ đến những con bồ-câu.

N. S. — Là nghĩ đến hạnh-phúc, nhưng có phải ở tôi cô tìm thấy hạnh-phúc đâu ! Ở những người nào kia chứ !

V. N. — Anh đừng chửi em thế ! Chả ở người nào  ! Mà em có nghĩ thế đâu, em nghĩ khác kia, em nghĩ... nói thế nào được nhỉ ! À, thế này, em nghĩ đến một trong những vật mà mùa thu làm cho em buồn. Em nói hình như vụng quá, anh có hiểu không hở anh ?

N. S. — Hiểu rồi. Những hình-ảnh ngày xưa ấy, ai mà không có. Nhưng cô nói chưa hết, cô nói nữa đi.

V. N. — Có thế chứ, ai lại đuổi một người con gái bao giờ, khi người ấy sắp khóc ? Anh ạ, mà thôi, em không muốn nói nhiều đâu ! Em chỉ ân-hận một điều là ở một huyện bé nhỏ kia, người cha già không bao giờ tha lỗi cho em cả.

N. S. — Cửa gia-đình đã đóng lại rồi không bao giờ còn mở. Cũng như...

V. N. — Anh nói gì ? Anh ơi ! Em khổ lắm, mỗi khi em nghĩ đến người cha già, rượu say, giữa mọi người ở huyện ấy, réo tên em lên mà chửi. Giời ơi ! Em biết, em biết lắm, người chả bao giờ quên em...

N. S. — Vì còn nhắc nên người còn nguyền-rủa mãi. Cũng như trong một đêm kia, có người đã nói rằng : « Đêm còn trăng, tôi còn nhớ, và tôi còn hờn-oán mãi, tôi còn hờn-oán đến phút cuối cùng ! Muốn tha-thứ thì hãy đợi khi nào trăng không bao giờ còn mọc nữa ! »

V. N. — Sao ở đời lại có những người nhẫn-tâm đến thế ? Đã đành rằng lỗi ở tự mình, nhưng chính những gái giang-hồ như em, không phải rằng không có những đêm thấy mình cô-độc quá, chính lúc ấy chúng em đã nhớ cảnh gia-đình xưa kia hơn ai hết. Một người mẹ, không còn ; một người chị, không có ; thế thì anh bảo em làm thế nào không nhớ đến người cha còm-cõi ở xó huyện kia, người cha nghiêm-khắc đến trọn đời không thèm nhận của con một lời nào nữa ! Em vẫn biết tội em rất nặng, nhưng làm thế nào cho một đứa con gái mười-bẩy tuổi, sáu năm về trước sớm hiểu rằng thành-thực tin đời là dại ?

N. S. — Bây giờ cô nói thì ngoan lắm, nhưng thường ngày tôi thấy cô khác hẳn : thường ngày, cô là một con yêu-tinh !

V. N. — Ha... ha... yêu-tinh ! Con yêu tinh vừa ở bãi bể Sầm-sơn trở về đây, và một tháng trời sống bên cạnh những thằng ngốc vung tiền không tiếc tay, con yêu đó quên hết, quên tất cả... Thế rồi, trời mát dần, những người nghỉ mát về quang hẳn, họ về, về mãi, cho đến ngày bãi biển chỉ còn ít người ở nán. Một buổi sớm, em, chính em đó, vừa trở dậy, đứng trong nhà nhìn ra bên ngoài. Trên con đường trước cửa một khách-sạn, một chiếc xe hơi chở một gia-đình ai vừa nổ máy chạy. Em nhìn theo, và không biết sao nghĩ đến bãi biển kia, một chiều thu không nắng, không còn in bóng một người nghỉ mát cuối cùng... Anh ơi ! Em sợ quá, em sợ khi ngoài ba-mươi tuổi, chắc em không còn trẻ đẹp được như bây giờ đâu ! Ai làm cho em biết nghĩ như thế, em cố nhớ lại, mãi mới tìm ra tên anh. Chính anh đã dùng em làm kiểu mẫu để đắp pho tượng « ả giang-hồ sau giấc ngủ », chính anh đã nói ra những cái gì ghê-tởm, trống-lạnh của đời em đấy, anh ạ !

N. S. — « Ả giang-hồ sau giấc ngủ » tôi đã bán mất rồi, tuy vẫn tiếc rằng đấy là một ân-huệ của cô, vì cô đã sẵn lòng làm kiểu mà không lấy một xu nhỏ.

V. N. — Em không nghĩ là một ân-huệ. Từ ngày anh cho hiểu thế nào là một nghệ-sĩ, chính em đó, em đã thực-thà quý-mến anh. Kìa, anh đứng mãi thế, ngồi lên đây với em. Anh cho phép em cầm tay anh thế này. Nếu một người gái nhẩy mà có tình yêu, thì em chỉ yêu anh. Em không nói dối, xin thề rằng không nói dối !

N. S — Nhưng ngộ tôi đối với cô lại lạnh nhạt thì sao ?

V. N. — Ai bảo thế, ai bảo rằng hai con mắt say-đắm trước người kiểu-mẫu khỏa thân hôm nào ấy, lại là hai con mắt hiền-lành của một thằng trai tân ? Ha... ha... Anh đừng giả-ngộ nữa ! Người-ta vẫn bảo những nghệ-sĩ là những người phóng-đãng nhất, nhiều tình nhất ! Anh không làm Thích-ca được đâu ! Em đố anh giả-ngộ mãi, em đố anh đấy, khi em ghì lấy anh thế này, và hôn anh thế này...

N. S. — Dung !

V. N. — Anh gọi em ? Ồ, có thế chứ, chả lẽ lại cứ gọi là cô mãi l Bây giờ thì người-ta bỏ cái tiếng « không thèm » đi rồi !

N. S. — Dung ! Không phải tôi không biết cô đẹp, và cũng không phải tôi không thích cô. Thôi, nến lại tắt mất rồi.

V. N. — Kìa, anh trông cái tàn lửa, lụi dần, gẫy xuống, thôi thế là trong kia lại tối rồi. Ô, em vừa nhớ một cảnh trong phim em đi xem đã lâu lắm. Em quên mất cả tên phim lẫn tên người, chỉ nhớ khi viên hạm-trưởng sắp chết trong một chiếc tầu, thì một viên thiếu-úy hay gì đó định nói rõ sự thực cho ông ta biết rằng mình không có tình ý gì với vợ ông ta như ông ta đã nghi oan. Nhưng viên hạm-trưởng lắc đầu, bảo : « Ta sắp chết, anh đừng nói một lời nào có thể làm phiền lòng ta trong phút này » Em kể chuyện đó là vi em nghĩ đến người cha già, cũng chẳng còn sống bao lâu nữa, thế mà chắc rằng đnế phút thở hơi cuối cùng, người vẫn còn giận em, và vẫn không tha-thứ cho em.

N. S. — Đã hai lần tết Trung-thu...

V. N. — Anh nói gì thế ? Anh nói gì lại cứ ra ngoài câu chuyện của em, thế là cái gì !

N. S. — À, nói chuyện Trung-thu đấy Rằm này, chắc em cũng bận, nhưng khuya cũng về chứ ? Anh đợi em phá cỗ đấy nhé. Chúng ta sẽ có rất nhiều hoa, rất nhiều quả, và rất nhiều bánh ; chúng ta sẽ thắp cả một bao nến cho cháy rực lên, rồi uống rượu đến kỳ say.

V. N. — Bừa bãi khiếp người và đùa cho thực hả, đấy em sống chỉ nhờ thế, anh có chiều nổi không ? Ăn không hết cỗ thì vứt tung ra, say quá thì gục lên nhau mà ngủ cho đến khi tỉnh dậy thấy mình vẫn ngồi ở bàn, nến tắt hoặc cháy hết từ bao giờ, không biết nữa ! Đấy, thế là môt đêm vui thực đầy-đủ của hai người yêu nhau, anh ạ !

N. S. — Nhưng em phải hát, hát rõ nhiều đấy nhé ! Vì xin nhớ rằng tiện thể đêm ấy anh mời em, chỉ mời có một em, đến khánh thành pho tượng « người khắc-khổ » vừa đắp xong. Kia pho tượng ở trong cùng ấy.

V. N. — Thế à ? Thế thì anh cũng phải gẩy đàn-bầu cho em nghe chứ ! Không có tiếng đàn bầu những đêm vắng, có lẽ em không biết anh là ai, dù ở cùng một giẫy. Vậy chỉ vì tiếng đàn mê người ấy mà anh quyến-dũ nổi em, một đứa con gái chỉ đi quyến-dũ người thì cố-nhiên là anh phải nhớ đến chứ ! Kìa, sao anh cứ ngồi đực ra thế kia, anh lại nghĩ gì rồi, người đâu mà hay nghĩ thế không biết. Ồ, nhưng trông anh, trông đôi mắt anh lặng-lẽ, bí-mật thế kia, yêu lạ ! Trời ơi, anh của em, anh của em ! Em thì yêu cho kỳ chết !

N. S. — Dung cười khéo lắm, nhưng dành đến hôm rằm hãy cười cho thật nhiều. Nói thật, đêm nay, anh không vui lắm đâu.

V. N. — Mặc dầu, em bắt phải vui ! Con này mà đã muốn cái gì thì phải được. Em sẽ dâng anh tất cả, tất cả, làm cho anh quên kỳ hết những ngày vừa qua, bao giờ trời sáng mới thôi. Anh đã gặp yêu-tinh đó, biết chưa ? Thôi, anh thắp nến lên, khánh-thành tượng ngay hôm nay, vì đêm rằm này, em phải nhẩy xuốt sáng, em phải làm Hằng-Nga trong Nguyệt-điện xuốt sáng, để còn... lấy tiền chứ ! Đó, em chỉ sống sượng thế thôi, em có cần giấu anh cái gì!

N. S. — Em lại ho rồi đấy, thôi về nghỉ không có lại ốm mất. Cứ ham thức khuya làm gì !

V. N. — Không sao, tại nói nhiều nên ho qua-loa đấy mà...

N. S. — Đấy, Dung lại ho thêm nữa, cứ nói mãi. À, có lẽ ngồi đây có hơi sương không tốt. Thôi, chúng ta vào trong kia, ngoài này trăng cũng khuất rồi, không còn sáng mấy. Dung vào trước, để tôi đóng cửa lại.

V. N. — Anh thắp nến lên. một ngọn thôi. Anh ngồi bên cạnh em này. Anh để tay lên ngực em, chỗ này, đấy, có phải còn đập mạnh lắm không ? Em mệt quá.

N. S. — Dung vào giường nằm nhé !

V. N. — Không, ngồi đây cơ. Sắp đến mùa lạnh rồi, anh nhỉ ? Ơ, cả hai chúng mình tự-dưng lại cùng buồn thế này ? Thôi, anh cười lên, cười lên đi ! Kìa, anh nhìn gì pho tượng ấy thế, anh nhìn gì mà nhìn mãi thế ? Ai thế anh, ai mà cũng đẹp đấy chứ, anh nhỉ !

N. S. — Biết được ! Đó là một người đàn-bà như em !

V. N. — Thế nhìn em chứ sao lại nhìn pho tượng. Đã thế, em đem nó đặt sang chỗ khác, vào xó tối kia, cho mất nhìn như thủng mắt ra !

N. S. — Chết ! Ô hay ! Ai cho cô đụng đến pho tượng này ? Để im đấy !

V. N. — Làm gì mà giằng sái cả tay người ta, nếu mà tôi không yêu ông, thì phải biết ! Anh nóng quá, anh làm như anh khinh em ấy ! Thôi, mời ông cứ việc mà nhìn, mà hôn, mà hít nó, chả ai bảo sao nữa đâu !

N. S. — Tôi xin lỗi cô, và nếu có đau tay đưa tôi chữa đền. Cười lên nào. Thế chứ. Nhưng từ rầy đừng có động-chạm đến những cái gì mà tôi ngăn cấm nhớ, nghe chưa ?

V. N. — Nghe rồi ! Song anh làm gì mà giữ-giàng gớm thế ?

N. S. — Vì... tại tôi sợ cô làm vỡ.

V. N. — Nhưng sao anh nghĩ gì mà cứ nhìn vào pho tượng ấy ?

N- S. — Lúc nghĩ thì nhìn gì mà chả được. Tôi vừa nghĩ đến một ngày rằm tháng tám năm xưa, trong một gian nhà nhỏ, có đôi trai gái đã ngồi khít bên nhau như chúng ta bây giờ. Khi ấy, bên ngoài đang mưa gió. Người thiếu-nữ dễ-dãi hiến trọn mình trong đôi tay mê-dại của người yêu... Nhưng một người thứ ba vừa bước đến mé cửa ngoài thì dừng chân lại, rồi quay đi không hề ai nghe tiếng giầy trên nên gạch...Ơ kìa cô Dung cô ngủ đấy à ?

V. N. — Em mệt quá... Ờ, mà anh vừa nói chuyện người đàn-ông hay người đàn-bà gì ấy nhỉ.

N. S. — Người thứ ba là một người đàn-bà, đẹp giống như pho tượng này, Dung ạ. Nàng bắt được chồng ngoại-tình với em gái mình, nên đau-khổ lắm. Người chồng đã không hối-hận, lại còn vùi rập vợ là khác, và kết-cục là một chuyện ly-dị đau-đớn vô cùng, đến nỗi người vợ hóa điên, bây giờ cũng chưa khỏi. Kìa, Dung lại nhắm mắt lại rồi, Dung !

V. N. — Anh cởi hộ em chiếc áo giài ra, kẻo nát mất. Được, anh vắt lên ghế ấy. Chào, nhọc quá ! Tay anh để lên cổ em, lạnh đấy. À, anh kể đến đâu rồi nhỉ ? Sao anh thở giài ?

N. S. — Không ! Cô chị hóa điên, và cô em sau lấy một người khác : còn trơ lại anh chàng kia lúc đó trở về một mình, mới kịp hối-hận, thì đã muộn. Giờ hễ cứ đến mùa sương xuống nhiều, anh-ta lại nhớ cái đêm mà người vợ cả-quyết từ-chối sự tái-hợp, và nhất-định mời chồng ra khỏi cửa. Anh chàng đi lang-thang, để cho sương thấm ướt cả hai vai áo. Từ đấy, anh không yêu ai được nữa, vì cứ bi ám-ảnh hoài bởi đôi mắt người vợ, đôi mắt của pho tượng ! Thôi, Dung lại ngu rồi, Dung buồn ngủ lắm à ?

V. N. — Ờ, sương thấm ướt cả hai vai, hở anh ? Lạnh nhỉ ! Anh nhấc em lên một tí, anh đỡ tay em thế ..

N. S. — Dung... Dung, hãy nhích má ra ! Đôi mắt pho tượng...

V. N. — Không ! Anh cười lên, anh cười như thế, như thế ấy. Nến mờ rồi, thôi thế là tắt. Tối quá ! Anh, anh đừng rời lỏng tay em. Hình như sương xuống hơi nhiều, lạnh đấy ! Ghé mặt vào đây, anh !

Sự-vật, mất ánh sáng, không còn rõ gì nữa cả. Một tiếng gọi đê-mê « Dung... » và tiếng đáp rất nhỏ « Khôi ơi !»

Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng vì thời hạn bảo hộ bản quyền của nó đã hết ở Việt Nam. Nếu là tác phẩm khuyết danh, nó đã được công bố lần đầu tiên trước năm 1960. Đối với các loại tác phẩm khác, tác giả (hoặc đồng tác giả cuối cùng) của nó đã mất trước năm 1974. (Theo Điều 27, Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam sửa đổi, bổ sung 2009 bắt đầu có hiệu lực từ năm 2010 và điều khoản kéo dài bản quyền đối với tác phẩm khuyết danh từ 50 thành 75 năm nhưng không hồi tố)


Ngoài ra, một tác phẩm của Việt Nam thuộc phạm vi công cộng tại Việt Nam theo quy định này cũng thuộc phạm vi công cộng tại Hoa Kỳ chỉ nếu nó thuộc phạm vi công cộng tại Việt Nam vào ngày 23 tháng 12 năm 1998, tức là: tác phẩm khuyết danh đã được công bố lần đầu tiên trước năm 1948; đối với các loại tác phẩm khác, tác giả (hoặc đồng tác giả cuối cùng) của nó đã mất trước năm 1948 tác phẩm chưa bao giờ được xuất bản tại Hoa Kỳ trước ngày 23 tháng 12 năm 1998. (Theo Tuyên cáo 7161 của Tổng thống Bill Clinton áp dụng Đạo luật Thỏa thuận Vòng đàm phán Uruguay (URAA) đối với các tác phẩm được xuất bản lần đầu tiên tại Việt Nam)