Quốc văn trích diễm của Dương Quảng Hàm
67. — Dạy con ở cho có đức của Nguyễn Trãi

GIA-HUẤN CA

67. — DẠY CON Ở CHO CÓ ĐỨC

Lấy điều ăn ở dạy con,
Dẫu mà gặp tiết nước non xoay vần.
Ở cho có đức có nhân,
Mới mong đời trị được ăn lộc trời.
Thương người tất-tả ngược xuôi,
Thương người lỡ bước, thương người bơ-vơ.
Thương người ôm dắt trẻ thơ,
Thương người tuổi tác già nua bần hàn.
Thương người cô quả cô đơn,
Thương người đói rách lầm than kêu đường.
Thấy ai đói rách thời thương,
Rách thường cho mặc, đói thường cho ăn.
Thương người như thể thương thân,
Người ta phải bước khó khăn đến nhà.
Đồng tiền bát gạo mang ra,
Rằng đây cần kiệm gọi là làm duyên.
May ta ở chốn bình yên,
Còn người tàn phá chẳng nên cầm lòng.
Tiếng rằng ngày đói tháng đông,
Thương người bớt miệng bớt lòng mà cho.
Miếng khi đói, gói khi no,
Của tuy tơ tóc, nghĩa so nghìn trùng.
Của là muôn sự của chung,
Sống không thác lại tay không có gì.
Ở sao cho có nhân nghì,
Thơm danh vả lại làm bia miệng người.
Hiền lành lấy tiếng với đời,
Lòng người yêu giấu là trời độ ta.
Tai ương hoạn nạn đều qua,
Bụi trần rũ sạch thật là từ đây.
Vàng tuy trời chẳng trao tay,
Bình an hai chữ xem tầy mấy mươi.
Mai sau bạc chín tiền mười,
Sống lâu ăn mãi của trời về sau.

CÂU HỎI. — I. Ý-tưởng. — Trong bài này tác-giả khuyên con điều gì? — Chia bài này ra từng đoạn và tóm đại ý mỗi đoạn. — Cứ ý tác-giả tại sao ta nên ở nhân-đức? Có phải ý tác-giả cũng hợp với câu trong sách nho « Thiện giả thiện báo » không?

II. Lời văn. — 1 Tất-tả bơ-vơ: nghĩa là gì? — Làm duyên: ý nói gì? — Cầm lòng: nghĩa. — Bớt miệng bớt lòng: ý nói gì? — Miếng khi đói, gói khi no: cắt nghĩa câu phương-ngôn ấy. — Giải nghĩa hai câu 23, 24. — Trời độ ta: nghĩa chữ độ. — Bụi trần: nghĩa đen chữ trần; có phải hai chữ ấy trùng ý nhau không? Lấy mấy cái tỉ-dụ mà chứng dẫn rằng trong tiếng ta thường có những thành-ngữ như vậy. — Tầy: nghĩa.

2. Trong bài này có chữ gì hay lắp đi lắp lại? Tại sao?