Phật giáo với Nho giáo

Phật giáo với Nho giáo  (1935) 
của Nguyễn Hữu Tiến

PHẬT-GIÁO



VỚI NHO-GIÁO


Bài diễn-giảng của
ĐÔNG-CHÂU
NGUYỄN-HỮU-TIẾN
diễn ở hội Phật-giáo trung-ương
Hanoi và chi-hội Phật-giáo Bắc-Ninh
ngày 14-15 tháng bảy năm Ất-Hợi
(12-13 Août 1935)



HANOI
IMPRIMERIE TONKINOISE
1935

PHẬT-GIÁO VỚI NHO-GIÁO

Thưa Chư Tăng,
Thưa Các Ngài,

Hôm nay tôi được cái hân-hạnh hội Phật-giáo cử ra diễn-giảng kỳ này, được các ngài đến đông vui như thế này, tôi lấy làm cảm-tạ vô cùng!

Tôi vốn là một nhà Nho, học Nho đã thô-thiển, còn biết gì là Phật-học, thì biết lấy câu chuyện gì mà nói. Nhưng xưa nay đã theo đòi về Nho-học, đã đeo tiếng là một nhà Nho, thì miễn sao cho khỏi cái tiếng là anh-đồ hủ! Nay mới theo đòi về Phật-học, tuy chưa từng tu đến cõi Phật, nhưng miễn sao cho khỏi cái tiếng là chú-tiểu ngây-ngô! Vậy hôm nay tôi xin nói về vấn-đề Phật-giáo với Nho-giáo, để hầu chuyện các ngài, gọi là mấy câu thiết-thực, chứ không dám khoe tài uyên-bác nói những câu chuyện cao xa, có chỗ nào sai-lầm, xin các ngài cũng thể lòng Phật khoan-hồng từ mẫn mà lượng thứ cho.

Thưa các ngài.

Phật-giáo truyền sang nước ta, chưa biết đích là từ đời nào, nhưng trước kia ta đã có tiếng « bụt » chắc là bởi tiếng « Bouddha » chữ Phạm mà dịch ra; chữ Hán thì dịch là « Phật-đà 佛 陀 », nói tắt là Phật; chúng ta là môn-đồ nhà Phật, trước hết phải hiểu nghĩa chữ « Phật ». Chữ « Phật » nghĩa là giác-ngộ, là tỉnh-thức. Nghĩa thứ nhất là tự giác 自 覺, tự tỉnh-ngộ hiểu thấu được bản-tính của mình; nghĩa thứ hai là giác-tha 覺 他 là thuyết pháp diễn giảng để độ cho mọi người; ba là phải tu cho giác hạnh viên-mãn 覺 行 圓 滿, chứng đến bậc chính-đẳng chính-giác, mới là thành Phật. Vả Phật thường nói rằng: « Chúng-sinh mà chưa giác ngộ thành Phật, thì ta cũng chưa dám nhận là đã giác-ngộ thành Phật ». Xem thế thì đạo Phật cốt dạy cho tâm-tính mọi người giác-ngộ tỉnh thức luôn, chứ có phải là đạo ru ngủ đâu!

Phàm lời Phật thuyết-pháp ra, dạy bảo cho chúng-sinh, đến sau học-trò ghi chép lại bằng chữ Phạm, tức là kinh Phật, kinh Phật truyền sang đến nước Tàu, mới lại dịch ra chữ Hán, tức là chữ Nho. Thế cho nên muốn học kinh Phật, thì phải học thông chữ Nho mới được. Nước ta từ đời Đinh, Lê trở về trước, chưa có cái học khoa-cử, nên không mấy người học chữ Nho; chưa có ai là ông Nghè ông Bảng chữ Nho cả, duy có người nào tu-hành phải học đến kinh Phật, mới cần đến học chữ Nho. Vậy nên những chư-tăng ở về đời Đinh, đời Tiền-Lê có nhiều vị hay chữ, thơ từ đối-đáp cũng giỏi, hễ động có sứ Tàu sang Ta thì tất là phải cử đến nhà sư ra thù ứng. Tức như ở đời Đinh có vị Khuông-Việt đại-sư là Ngô Chân-Lưu 吳 真 流 và vị thiền-sư Đỗ Thuận 杜 順 được cử ra đón tiếp sứ Tàu là Lý-Giác, có làm ra nhiều bài ca-từ bằng chữ nho để tiễn sứ hay lắm, người Tàu phải khen nước ta là nước văn-hiến từ đấy. Xem thế thì biết chư-tăng đời trước, tuy là học Phật, mà là các bậc thông-nho cả, thế thì chữ Nho nguyên trước cũng bởi Phật-học mà truyền rộng ra.

Nay tôi xin nói về đức Thích-ca là tổ Phật-giáo, đức Khổng-tử là tổ Nho-giáo, so sánh xem có chỗ nào giống chỗ nào khác nhau không. Đức Thích-Ca thì giáng-sinh ở đất Trung Ấn-độ đến nay (1935) là hơn 2.500 năm, mà đức Khổng-tử giáng-sinh ở đất Trung-hoa, đến nay cũng hơn 2487 năm, đông, tây hai vị thánh sinh ra cũng đồng-thời, đương cái khi đức Khổng-tử giảng-giáo ở Hạnh-đàn, cũng chính vào cái lúc đức Thích-ca đương thuyết-pháp ở đất Lộc-uyển và thành Xá-vệ. Tuy học-thuyết của đức Khổng-tử chuộng về thực-tế chỉ cốt lực-hành; cách dạy người thì định ra đạo ngũ-luân để làm khuôn phép cho cái nghĩa-vụ vua tôi, cha con, vợ chồng, anh em, bè bạn, chuyên-trọng về đường nhập-thế; khác với Phật-giáo vì chịu cái ảnh-hưởng của giáo Bà-la-môn mà chuyên-trọng về đường xuất-thế. Nhưng Phật cũng thường giảng về đường luân-lý nhập-thế để dạy đời, thì cũng chẳng khác gì Khổng-giáo. Đức Khổng-tử thường dạy về nghĩa chữ « bác thi tế chúng 博 施 濟 衆 » là rộng thi ơn trạch cho dân mà tế-độ khắp cả; mà giáo-nghĩa của đức Thích-ca thì trọng về bốn chữ « bác ái từ bi 博 愛 慈 悲 », bác ái là rộng yêu, từ-bi là nhân-từ thương xót, cũng là một lòng khắp yêu cả chúng-sinh. Đức Khổng-tử thường dạy cho thầy Nhan thầy Mẫn lấy chữ hiếu chữ nhân; mà đức Thích-ca thì siêu-độ cho cha mẹ, cứu khổ cho chúng-sinh, thế cũng là nghĩa chữ hiếu chữ nhân cả.

Chân-như đạo Phật rất mầu,
Tâm trung chữ hiếu, niệm đầu chữ nhân;
Hiếu là độ được song thân,
Nhân là cứu vớt trầm-luân mọi loài.

Xem thế thì Khổng-giáo với Phật-giáo có khác gì nhau đâu.

Huống-chi, Phật-giáo có ba điều răn là: thamsân 嗔 , si 癡, thì Khổng-giáo cũng có ba điều răn, như là khi nhỏ thì răn về điều sắc, tức là giới si, khi lớn thì răn về điều hăng-hái đấu-ẩu, tức là giới sân; đến khi già thì răn về điều tham-lam vơ lấy được, tức là giới tham. Ấy đấy, tam-giới của nhà Phật cũng chẳng khác gì tam-giới của nhà Nho.

Phong-dao ta cũng có câu rằng:

Chừa dâm, chừa độc, chừa tham,
Chừa ba nết ấy mới làm nên ăn.

cũng là nói về nghĩa tam giới. Chúng ta đây ai chẳng là dòng dõi nhà Nho, mà lại cùng là môn-đồ cửa Phật. Ai ơi! cùng nên ghi lấy tam giới làm lòng.

Đức Khổng-tử lại thường dạy người bảo rằng: « Mình muốn tự thụ-lập lấy mình, thì lại phải giúp đỡ phù-trì thụ-lập cho người; mình đã thông-đạt được mọi lẽ rồi, thì lại dẫn-dụ dạy bảo cho người ta thông-đạt », lời ấy có khác gì đức Phật dạy rằng: « Đã làm ích-lợi cho mình, lại phải làm ích-lợi cho người; mình đã giác-ngộ rồi thì lại phải khai-đạo cho người cùng giác-ngộ ». Xem thế thì lời Phật Thánh khuyên bảo người đời có khác gì nhau.

Vả lại, đức Phật dạy cho người ta tu làm sao cho chân-tâm 真 心 hiện ra mà vọng-tâm 妄 心 diệt đi; cũng tức như Khổng-giáo dạy cho người ta phải thành-ý chính-tâm, mà thu lấy phóng-tâm, thế thời Phật-giáo và Khổng giáo đều cốt là tu lấy cái tâm cả. Tâm tuy chia ra có chân-tâm và vọng-tâm, nhưng kỳ thực cũng là một. Tâm-chân-như 心 真 如 thì bất-sinh, bất diệt, thường trụ bất-động; sách Nho gọi là lương-tri, tức là cái đạo-tâm, nghĩa là cái tâm yên lặng, trong sáng như mặt bể đương lúc gió yên sóng lặng. Vọng-tâm thì hốt sinh, hốt diệt, biến động vô thường, sách Nho gọi là dục-tâm, tức là cái tâm nó đùng đùng khởi lên những mối nghĩ càn tưởng bậy, nào là ngốt về lợi-danh, ham về sắc dục, đó tức là vọng-tâm khởi lên đấy, khác gì như cơn phong-trào khởi lên ở trên mặt bể. Xem thế thì biết chân-tâm hiện, tức là lúc mặt bể trong sáng mà vọng-lâm hiện là lúc mặt bể khởi cơn phong-ba đấy mà thôi. Vọng-tâm đã khởi lên rồi thì nào là si-mê, nào là tham-lam, nào là sẩn-cồ tức-giận, tam-giới đều phạm hết cả. Người ta sao mà không hay diệt được vọng-tâm đi mà lại để cho nó hay động lên như thế kia? Đó là bởi cái ma vật-dục nó quyến-dụ, nó thúc-giục, nó làm cho vọng-tâm phải sôi nổi động lên luôn. Xin các ngài thử xem như cuộc đấu chim họa-mi kia thì biết, đôi chim họa-mi kia vì sao mà nó hăng lên, chịu được những trăm mỏ nghìn mỏ, vật lộn giữ miếng nhau từng tí; thậm-chí khóa cổ nhau mà không chịu buông, sân-si nổi lên đến như thế, chẳng qua chỉ vì một tiếng « xùy » của chị chim mái kia mà thôi, thế mà phải liều thân chịu được đến trăm mỏ, nghìn mỏ, dẫu chết cũng chẳng từ, rút-cục lại đến cái mồi « xùy » kia, không vẫn hoàn không, chẳng là khổ-não lắm ru!

Chúng ta đã được sinh lên làm người, nào có dại như loài chim kia đâu, thế mà lắm lúc cũng sân-si tham-luyến, nào là xâu xé lẫn nhau, bóc lột lẫn nhau, lừa-lật khuynh-loát lẫn nhau, múa may quay cuồng ở trong vòng lợi-danh sắc-dục, mà không biết nhọc, đó chẳng qua cũng là chỉ bị cái mồi phú-quí kia nó xùy, cái bả công-danh kia nó xùy, đầu gà má lợn kia nó xùy, mặt hoa da phấn kia nó xùy, lại còn câu ca dịp nhẩy kia nó xùy, nó làm cho mê-tơi đi mà không biết; quân bài nước bạc kia nó xùy, nó làm cho xơ-xác đi mà không hay; nó xùy cho đến mặt bủng da chì, thất-điên bát-đảo, nó làm cho cái vọng-tâm vọng-niệm mình khởi động lên luôn, không thể nào diệt đi được, kiếp người như thế chẳng khổ lắm ru!

Bởi vậy chúng ta phải tu sao cho cái chân-tâm nó hiện ra, đừng để cho cái nghiệp vô-minh nó làm mờ ám đi, thì mới không bị những ma đưa lối, quỉ đưa đường là những vật-dục kia nó cám-dỗ.

Thiện-căn ở tại lòng ta,
Tu là cỗi phúc, tình là dây oan.

Nếu không biết đường mà tu, thì mối tình vương-víu, dây oan chập trùng, gỡ sao, tránh sao cho khỏi. Nhưng nếu hay tu được cái tâm cho tỉnh-ngộ, chẳng lẽ nào là không thành Phật. Phép tu tĩnh-độ có nói rằng: « Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành, khiết-tĩnh kỳ tâm, tức thị chư Phật 諸 惡 莫 作。衆 善 奉 行。潔 淨 其 心。卽 是 諸 佛。» Nghĩa là chừa hẳn không làm điều ác, theo về đường thiện mà làm, giữ lấy tâm mình cho trong sạch, tức là lên được cõi giác đấy! Thế thì không kỳ phái nào, ai mà hay giữ được cái tâm cho trong-sạch, đều là tu được cả; già tu cũng được, trẻ tu cũng được, cũ tu cũng được mà mới tu cũng được. Xưa kia có phái cựu-học là phái Đông-nho, nay có phái tân-học là phái Tây-nho, Nho tuy có mới cũ, mà đông tây đều là nhất-lý, thì Nho với Phật cũng chỉ cốt tại nhất-tâm. Nho mà hay tỉnh giác được cái tâm, thì tu lên cõi phật cũng chẳng khó gì.

Chẳng xem những truyện đâu xa,
Xem ngay Phật-tích nước ta cho gần.

Nước ta xưa kia đã có một vị chân-nho đi tu thành Phật. Vị Phật-tổ ấy là ai? Chính là đức tổ Huyền-Quang 玄 光 người làng Vạn-ty, huyện Gia-bình, tỉnh Bắc-ninh đó. Người vốn là một nhà Nho, đã đỗ đến Trạng, đã làm nên quan, mà đi tu lại lên đến cõi Phật, nên mới có lắm truyện ly-kỳ, xin kính-thuật ra sau đây, để cống-hiến các ngài cho biết được một vị Chân-Nho mà Chân-Phật.

Ngài nguyên là người làng Vạn-ty, trước là Vạn-tải, huyện Gia-bình, tên là Lý Đạo-Tái 李 道 載, đấng thân-phụ ngài là Bỉnh Tuệ, đỗ Thái-học-sinh, làm tri-huyện rồi cáo về, vui chơi sơn-thủy, Ngài vốn là con nhà dòng-dõi Nho-gia đấy. Khi ngài hai mươi tuổi, đỗ đầu khoa hương, rồi liền đỗ trạng-nguyên năm Giáp-thìn, niên-hiệu Bảo-phù đời vua Anh-tôn nhà Trần. Khi ấy ngài tuy đỗ rồi nhưng vẫn chưa lấy vợ, vua muốn đem nàng Liễu-trang công-chúa gả cho. Nhưng ngài từ chối. Ngài làm quan đến chức Nội-hàn, tức là chức Hàn-lâm giữ về việc từ hàn ở trong Nội, quan chức không phải là không to. Ngài thường phải ra thù tiếp sứ Tàu, mà ngài lại hay viện dẫn kinh điển, thư từ đi lại đối đáp với sứ Tàu đều trôi trẩy cả, thế có phải là một nhà Nho cự-phách không? Sau ngài thường được hầu vua lên chùa Vĩnh Nghiêm, trên huyện Phượng-nhãn tỉnh Bắc-giang, nhiều lần được nghe vị thiền-sư Pháp-loa thuyết-pháp, ngài liền tỉnh-ngộ mà than rằng: « Làm quan lên chốn non Bồng, sao bằng đắc-đạo ngoài vòng tiêu-dao, kìa những mầu phú-quí, vẻ vinh-hoa kia, chẳng qua như lá mùa thu, mây mùa hạ, thoảng một lúc là tan là rụng hết, có tham-luyến mãi được đâu! » Ngài bèn dâng biểu lên xin từ chức, rồi xuất-gia đi tu, thụ giới ở đức tổ Pháp-loa, cho pháp-hiệu là Huyền-Quang. Vua vẫn khen ngài là có đạo-nhãn, khá tu nên pháp-khí được. Sau ngài lên trụ-trì ở chùa Hoa-yên trên núi Yên-tử. học càng rộng đạo-lý càng tinh-thâm, tăng ni theo học ngài đến hàng nghìn người. Ngài có phụng sắc vua giao cho sửa soạn các kinh sách. Vua Anh-tôn có ngự phê ban khen rằng: « Kinh sách nào mà đã qua tay thầy Huyền sửa soạn thì đã chính-đính lắm rồi, không thể thêm bớt được một chữ nào nữa! » Ngài tu ở Yên-tử được ít lâu, rồi trở về làng thăm cha mẹ, dựng lên một ngôi chùa ở gần nơi cố-trạch, gọi là chùa Đại-bi 大 悲, nay vẫn còn ở xã Vạn-ty, để độ cho cha mẹ. Xong rồi ngài đem những tiền của thập phương công-đức còn thừa lại đó, phân tán cho tất cả thân-bằng cố-hữu trong làng và chu-cấp cho những kẻ nghèo khốn. Đâu đấy rồi ngài lại lên núi Yên-tử ở chùa Hoa-Yên trụ trì, vua có gia-tặng cho ngài mười lạng vàng, khi ấy ngài đã sáu mươi tuổi.

Một hôm vua bảo chư-tăng và thị-thần rằng: « Người ta ai cũng bẩm-thụ khí âm dương mà sinh ra đã từng ăn vị nọ, mặc sắc kia, thì ai cũng phải có tình-dục. Chúng ta vì dốc lòng tu đạo, nên phải cố nén bớt lòng dục đi mà thôi. Sao thầy Huyền kia từ thủơ bé chẳng chịu lấy vợ, tấm lòng như nước trắng gương trong, chẳng hay thầy ấy cố nén bụng dục đi, hay là thầy ấy không có chút dục-tâm nào? »

Có một ông quan tâu rằng: Tri nhân tri diện bất tri tâm; xin cho thử qua mới biềt. Vua nín lặng, rồi ngầm chọn lấy một người cung-nữ tuyệt-sắc tên là Thị-Bích, cũng gọi là nàng Ba. Nàng xuân xanh mới độ đôi mươi, vẻ người lại hoa cười ngọc thuyết đoan trang, dẫu rằng dạ sắt cũng tan vì tình. Nàng phụng mệnh vua đi lên chùa núi để thử thầy Huyền, chủ-ý cốt tán-tỉnh lấy lạng vàng kia của thầy để đem về làm tin, không thì vua trị tội. Nàng cải-trang lần mò lên đến chùa, nhờ được một bà vãi già, đưa vào chùa làm lễ, rồi xin xuất-gia, theo thầy học đạo. Thầy Huyền thấy con người có vẻ cười hoa cợt liễu không phải là người cầu đạo, đuổi ra ngoài cửa tam-quan cho về. Nhưng nàng lại khôn khéo nằn nì, kêu khóc muốn tự-tử, rồi bịa ra một truyện vì cha nàng làm huyện-thừa đi thu thuế đem nộp quan, chẳng may đi nửa đường bị cướp, nay phải bán hết gia-cư điền-sản, để đền vào tiền thuế quan mà vẫn chưa đủ, nên phải đi phổ khuyến thập phương để thêm vào, kêu xin sư cụ bố-thí cho lạng vàng, không thì cả nhà cha mẹ, vợ con đều phải tội cả. Lời oanh thỏ-thẻ, cảnh khổ não-nùng, nhà sư sẵn mối thương tâm, phải bố-thí cho lạng vàng. Nàng Ba được vàng liền đem về dâng vua, tâu man là đã thử được thầy Huyền mắc mưu, đã đem được vàng về đây; chính đêm hôm ấy đương lúc trăng trong gió mát có nghe thầy ngâm rằng:

Vằng vặc trăng mai ánh nước,
Hiu hiu gió trúc ngâm sênh;
Người hòa tươi tốt, cảnh hòa lạ,
Mầu Thích-ca nào thử hữu tình!

Ấy đều là những câu của đứa mỏng-mỏi kia nó bịa ra, để đặt điều cho thầy cả. Thế chẳng oan cho thầy lắm ru!

Xin đọc một bài hát cổ để cho thêm rõ đầu đuôi câu chuyện.

Nhớ xưa cổ tục,
Chùa danh-lam có đấng thầy Huyền;
Nhà học trò thi đỗ trạng-nguyên,
Từ quan chức trở về giới-hạnh,
Tưởng đạo Phật cũng như đạo Thánh,
Quyết lên chùa Yên-tử tu-hành;
Tu ba năm đắc-đạo thành danh,
Nổi danh tiếng gần xa nô nức;
Vua khâm sai nàng Ba quốc-sắc,
Đi thử thầy xem đắc-đạo hay không?
Nàng Ba quì gối sân rồng,

Vua dạy thử tôi xin đi thử.
Đi mười ngày đến chùa Yên-tử,
Ngoài tam quan tiếng thấp tiếng cao
Suốt năm canh cũng chẳng cho vào,
Xin cứu lấy chẳng oan người nhi-nữ!
Chẳng mở cửa ra, Nàng Ba tự tử;
Mở cửa ra, thời mắc phải tiếng oan,
Tiểu từ ra mái tam-quan.

Ấy gặp phải những cái cảnh nó trêu ngươi như thế, đuổi đi thì thương, mà vương thì tội, tránh sao cho khỏi mắc tiếng oan, gớm thay cho cái nhan-sắc khuynh thành, nó làm cho vua cũng sinh nghi nhà đạo-đức. Khi ấy có câu rằng:

Dù mà tát cạn Bình-than,
Rửa làm sao sạch tiếng oan cho thầy.

Bình-than là ngọn sông Lục-đầu, dù tát hết nước sông ấy để tẩy cái tiếng oan ấy đi, cũng không thể rửa cho sạch được.

Cái truyện Nang Ba trêu thử trên này, tôi xét về những sách Bắc-ninh ảto-ký, Sơn-cư tạp-lục và sách Địa-dư Bắc-ninh, sách Trúc-lâm tam-tổ thực-lục, mỗi chỗ chép có khác nhau, hoặc là tục truyền có sai đi chăng, nên tôi cũng lược thuật qua ra đây mà thôi, hư-thực sẽ để sau này phán-đoán.

Sau vua mới nghĩ ra rằng, nếu chuyện này mà có thực, thì chẳng hóa ra tự mình thả lưới cho cá mắc. Nếu chuyện này mà tự Thị-Bích bịa đặt ra để cho thầy mắc tiếng oan, thì cái mối ngờ kia bao giờ cho tỏ ra được. Vua mới định mở ra một Vô-già-đại-hội ở kinh-thành (tức là Hà-nội bây giờ) cho đón đức thiền-sư Huyền-Quang về để thử xem pháp-thuật thế nào thì khắc rõ. Thầy Huyền thấy nhà vua triệu về kinh, biết ngay là mình bị mắc lừa kẻ thiếu-nữ. Khi về tới kinh, thấy nhà vua cho lập đàn, hương hoa lục cúng đủ cả, mà sao thức tray thức tạp bày ra lẫn lộn, quanh đàn che màn bố-vi đều bằng lụa vàng, lụa vàng chữ nho là hoàng quyên 黃 絹, hoàng quyên lái lại là Huyền-Quang, là ngụ cái ý chê thầy như tấm lụa trắng nếu dây mầu vàng thì giặt sao cho sạch. Thầy Huyền biết ý như vậy, nhưng cứ tự-nhiên lên đàn cúng Phật, vừa mật-niệm rứt lời, thì bỗng nổi ngay cơn gió lớn, thổi bay cả những thức tạp-vật ấy đi. Ai nấy đều biết là thầy Huyền đã đắc-đạo chân-tu, thẩy đều kinh sợ. Thị-Bích phải tự thú là câu chuyện nói vu. Vua bèn tạ lỗi, phong cho thầy làm Quốc-sư, càng thêm kính lễ; mà đầy thị Bích cho làm đứa thị-tỳ quét chùa ở cung Cảnh-linh.

Sau ngài lại về trụ-trì ở Côn-sơn, tiếng nôm là chùa Hun, thuộc huyện Chí-linh, Hải-dương, có lập lên Cửu-phẩm liên-hoa-đài. Ngài lại giảng các phẩm-kinh để dạy cho kẻ hậu-học. Chùa Hun cũng là một ngôi chùa cổ-tích tự đời Trần, thể-thế tôn-nghiêm, hòn ngói lợp chùa ấy vừa to vừa dài đến bốn năm mươi phân tây. Cuối đời Trần, ông Trần Nguyên-Đán tránh loạn Hồ Quý-Ly về ở đấy, ông Nguyễn-Trãi cũng về ở đó, lập trường dạy học. Nay còn cây tháp đức tổ Huyền-Quang xây bằng đá xanh ở trên sườn núi. Ngài tịch về ngày 23 tháng giêng năm Giáp-tuất.

Ngài là một vị Trúc-lâm thiền-sư đệ-tam tổ, được đặc-phong là tự-pháp Huyền-Quang tôn-giả, nối dòng đức tổ Điều-ngự Pháp-hoàng là vua Trần Nhân-tôn và đức tổ Pháp-loa, người ta tôn ba vị ấy là Trúc-lâm tam-tổ.

Chùa thờ tổ Huyền-Quang, ông nghè Bảo-triện có câu đối rằng:

Thiện quả tam sinh nhân thế Phật,
善 果 三 生 人 世 佛
Cao danh thiên cổ trạng-nguyên thiền.
高 名 千 古 狀 元 禪

Lại câu rằng:

Nhất giáp y quan Tiên thế giới,
一 甲 衣 冠 仙 世 界
Ức niên hương hỏa Phật nhân gian.
億 年 香 火 佛 人 間

Xem thế thì biết Ngài vốn là nhà Nho, đã thi đỗ làm lên quan to, mà lại tu-hành chứng thành Phật-quả, chẳng phải là một nhà chân-nho cao-thượng lại hay như thế ru? Cứ theo như thói thường thì ai cũng cho cái sự Ngài hay « biến tạp vi trai » làm lạ, mà không biết được cái chí của Ngài hay « từ vinh mộ đạo » mới là cao! Đó đều bởi cái tâm chân-như của ngài nó trong sáng như gương, dẫu cái mồi lợi-lộc, cái miếng đỉnh-chung cũng không làm cho ngài ham mến được; nữa là những loài môi son má phấn, cợt liễu cười hoa kia, lại hay làm cho ngài say mê đi được hay sao! Tu thế mới là tu, Phật thế mới nên Phật, chứ có phải chỉ Na-mô hão mà thôi đâu; nay ta cứ trông gương các vị Phật-tổ nước ta đó, đường tu đã sẵn, sao chẳng cố mà tu cho đến cõi giác. Khi ngài tu ở chùa Yên-tử có ngâm rằng:

Bão chuyết vô dư sách
抱 拙 無 餘 策
Phù suy hữu xấu đằng
扶 衰 有 瘦 藤
Trúc lâm đa túc điểu
竹 林 多 宿 鳥
Quá bán bạn nhàn tăng
過 半 伴 閒 僧

Nghĩa là: Vụng dại dám đâu khoe chước lạ,
Gậy mây lững-thững dắt ta đi;
Chim về rừng trúc tìm nơi nghỉ,
Bạn với sư già chẳng ngại chi!

Ấy cái khí-vị đạm-bạc thanh-cao của ngài nó tỏ ra lời thơ như thế, biết ngài chỉ vui thú cùng chim hoa cây cỏ, chứ xá chi những loài liễu ngõ hoa tường, lẽ nào lại có cái truyện nàng Ba thử được. Những văn thơ của ngài nay còn chép ở trong tập Ngọc chiên chích-diễn và tập Việt-âm, còn nhiều bài có chí-khí cao-thượng không thể kể ra đây cho xiết được. Lại còn bài Huyền-Quang hành-giải của ông Nguyễn Công-Hoàn người Cổ-đô làm ra bằng văn nôm, tiếc nay chưa tìm thấy. Cụ Ngô Thời-Sĩ có làm ra bài Huyền-Quang hành-giải, để giải thích những mối hiềm-nghi, nay còn chép ở tập Ngô-gia văn-phái, cũng bổ ích cho truyện đức tổ Huyền-Quang này nhiều lắm.

Thưa các ngài

Nếu đức tổ Huyền-Quang mà không phải là bậc uyên-thâm Nho-học, thì sao hay hiểu thấu được triết lý đạo Phật; nếu Ngài không phải là bậc giới-hạnh trang-nghiêm, thì sao hay cự-tuyệt sắc-dục, từ bỏ vinh-hoa, mà tu nên cõi chính-giác; tất là ngài đã thâm-thấu về chỉ-thú huyền-vi của Phật-giáo lắm rồi, mới hay như thế được. Truyền rằng khi ngài chứng quả Nát-bàn có câu kệ rằng:

Có thì có tự mảy may,
Không thì cả thế gian này cũng không;
Thử xem bóng nguyệt dòng sông,
Ai hay không có, có không là gì?

Câu kệ trên này ngụ có một cái triết-lý rất sâu-xa, là cái triết-lý « có » với « không » trong đạo Phật. Nếu bảo thế-gian nhất-thiết là « không » cả, thì là hư-huyễn quá, hay nhất-thiết là « có » cả, thì chẳng chấp trược lắm ư, đều là không hợp với đạo trung cả. Phật cốt bảo cho người ta đừng có chấp-trược về một bên, phải giác-ngộ lấy cái trung-đạo là: « Phi không mà phi hữu » là chẳng phải không mà chẳng phải có, hay là không tức là có, mà có cũng tức là không.

Nay nói: « Có thì có tự mảy-may » là thế nào? Thử xem như một hạt cát kia nó bồi tích lên cho có mãi rồi thành ra bãi bể mênh-mông; một hạt sỏi kia nó đắp cao lên mãi rồi thành ra một trái núi cao lớn; một ngọn suối nhỏ ở trong khe núi kia mà chảy mãi ra sông ngòi, rồi thành ra bể lớn; một tí lửa không bằng con đom-đóm, mà bùng lên cháy hết cả cánh đồng; một giọt tinh, một giọt huyết mà thành ra loài người, suy ra một tí điện mà chạy khắp cả mọi nơi; thế có phải là có thì có tự mảy-may không? Nhưng nếu cứ chấp-trược là có cả, là có mãi, thì chỉ ham về cái có, mà cầu cho lấy được cái có, chẳng nhọc lắm ru! Không mà cầu cho được ra có, cũng đã khổ; nếu cầu mà chẳng được ra có, thì lại càng khổ khổ, vậy phải biết có đấy, nhưng mà không đấy, cho nên nói rằng: « Không thì cả thế-gian này cũng không », đừng chấp-nệ nhất-thiết là có, thì mới không đến nỗi say-mê quá, phải giải-thoát lấy cái tâm ra ngoài vòng « không » với « có », nghĩa là sắc sắc đấy mà không không.

Song nếu chỉ thiên về một bên mà cho cái gì cũng là không cả, « Không mà đến cả thế-gian này cũng không », thì ai còn muốn đua ganh tinh-tiến lên làm gì nữa, thế-giới chẳng hóa ra thoái-hóa mất ư? Nếu bảo rằng không cả, thì trời cũng không, đất cũng không, cái thân nhỏ mọn này cắm-cúi ở trong cõi không, có thú gì không? ngày cũng không, tháng cũng không, quanh đi quẩn lại có làm nên nghề ngỗng gì không? Ruộng cũng không đất cũng không, thay đổi lần hồi, hết chủ này sang chủ khác có giữ mãi được không? Tiền cũng không của cũng không, lúc nhăm mắt hai tay buông xuôi, có đem được của đi không? vợ cũng không, con cũng không, khi về chín suối có lại được gặp vợ con không? Nói không cả như thế, thì ai cũng sinh ra ngã lòng, mà cho đạo Phật là đạo chán đời, có chán đời mới đi tu cho rảnh, chẳng thanh ra cái thuyết tiêu-cực mất ư.

Nhưng mà không, không phải thế, chúng ta đã mang lấy nghiệp vào thân, đã chót có cái thân thì phải có cái sống, phải sống chung với cái xã-hội hiện đương có đây, không có lẽ ta cứ sống một cách ngẩn-ngơ, vơ-vẩn, hay là sống một cách vênh-váo nghênh-ngang, hay là sống một cách ù-lì, ụt-ịt, lần-lần lữa-lữa, rày-rày mai-mai, hay là sống một cách nhẩy nhót ngông cuồng, vơ-vét cặn bã ở trong cõi không này. Sống sao cho khỏi thẹn với kiếp sông, cho khỏi hổ với cái thân! Thế nhưng ta sống ở trong cõi không này, chẳng qua như bọt trong bể khổ bèo đầu bến mê, thời-gian ngắn-ngủi như chớp-nhoáng, như chiêm bao, ta phải nghĩ sao để lại trong cõi « không » này, còn lại một chút « Có », ta phải tìm lấy cái « có tinh-thần » ở trong cõi không, mà đặt lấy một cái « có tinh-thần » ở trong cõi không, thì mới là có ta ở trong xã-hội này.

Cái « có hữu-hình » ở trong không-gian đây tôi chưa nói đến; nay tôi chỉ nói về cái « có tinh-thần » của người ta ở đời. Cái « có tinh-thần » ấy là cái gì? Tôi thiết nghĩ rằng cái gì có thực mới là có, cái gì có giả, không phải là có.

Có thực là cái gì? Tôi xin thưa rằng cái gì tự mình tu-dưỡng lấy được, hay là tự mình kiến-thiết gây dựng lên được, mới là cái có thực của mình, tức như những đức-tính tốt, học-thức giỏi của mình là cái có thực; cái gương đạo-đức của người cao-sĩ, cái bút văn-chương của bậc anh-tài, cái tài đảm-đang cần-cù của bà nội-tướng giỏi, cái nết trong sạch đoan-trang của cô nữ-sĩ hiền, cái sự-nghiệp lừng-lẫy của đấng anh-hùng, cái công-đức lớn-lao của nhà từ-thiện, ấy đều là cái « có thực » tự mình làm ra, tự mình có mãi ở trong khoảng không này, không ai cho mình được, không ai lấy của mình được, mà không bao giờ tiêu diệt đi được.

Trăm năm bia đá thì mòn,
Nghìn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ.

Chứ còn như những cái bám ở ngoài, cái phải nhờ người mới có, có phải là cái có thực đâu? Như những cái danh suông hão-huyền, cái sắc đẹp mầu-mỡ, đều là cái có giả cả, chẳng khác gì mình mượn cái áo gấm của người mà khoác vào mình, có phải là thực có của mình đâu?

Chúng ta sinh ra ở trên cõi đời này, theo như thuyết nhà Nho thì nhận biết cõi đời này là có, mà muốn ra tay cứu-vãn lấy hiện-tại xã-hội này, cho nó có một cách tử-tế trang-nghiêm thì rất hay. Nhưng lại phải xét về thuyết nhà Phật xem rộng ra trên cõi đời này, có đấy mà không đấy, để cho khỏi chấp-mê nhất-thiết là có, thì mới lại càng cao thượng.

Nay tôi xin các ngài đọc lại câu kệ của đức tổ Huyền-Quang: « Thử xem bóng nguyệt dòng sông, ai hay không có, có không là gì? » Thế thì cái gì là có, cái gì là không, bóng nguyệt kia cứ theo dòng sông mà trôi đi luôn mãi, sự-vật biến đổi vô cùng, có đấy mà không đấy, thử hỏi lại tâm mình xem, đã giác-ngộ đến cõi « có » với « không » chưa?

Tâm đã giác-ngộ, thì tâm tức Phật, Phật tức tâm.

Nam-mô a-di-đà phật

NGUYỄN HỮU-TIẾN

Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng ở Hoa Kỳ vì nó được phát hành lần đầu tiên ở bên ngoài lãnh thổ Hoa Kỳ (và không được phát hành ở Hoa Kỳ trong vòng 30 ngày) nó được phát hành lần đầu tiên trước 1989 mà không tuân thủ các thủ tục bản quyền của Hoa Kỳ (gia hạn và/hoặc thông báo bản quyền) nó thuộc phạm vi công cộng ở quốc gia gốc vào ngày URAA (1 tháng 1 năm 1996 đối với đa số quốc gia, đối với Việt Nam là ngày 23 tháng 12 năm 1998).


Tác giả mất năm 1941, do đó tác phẩm này cũng thuộc phạm vi công cộng tại các quốc gia và vùng lãnh thổ có thời hạn bảo hộ bản quyềncuộc đời tác giả và 80 năm sau khi tác giả mất hoặc ngắn hơn. Tác phẩm này có thể cũng thuộc phạm vi công cộng ở các quốc gia và vùng lãnh thổ có thời hạn bảo hộ bản quyền dài hơn nhưng áp dụng luật thời hạn ngắn hơn đối với các tác phẩm nước ngoài.