Phát biểu của Tổng thống Obama tại lễ tốt nghiệp của trường Đại học Kinh tế mới

Phát biểu của Tổng thống Obama tại lễ tốt nghiệp của trường Đại học Kinh tế mới  (2009) 
của Barack Obama, do Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam dịch

Barack Obama phát biểu tại lễ tốt nghiệp của trường Đại học Kinh tế mới (NES), Gostinny Dvor, Mátxcơva, Liên bang Nga.

12:13 chiều (Giờ địa phương)

Gostinny Dvor, Mátxcơva, Liên bang Nga

TỔNG THỐNG: Cảm ơn các quý vị rất nhiều. Xin chúc mừng, Oxana. Và chúc mừng toàn thể sinh viên Khoá 2009. Không biết liệu có còn ai gặp vợ hoặc chồng tương lai của mình khi học cùng lớp như tôi không, nhưng tôi tin rằng tất cả các bạn đều sẽ có những sự nghiệp tuyệt vời.

Tôi xin ghi nhận một vài người có mặt tại đây. Chúng ta có sự hiện diện của cựu Tổng thống Mikhail Gorbachev và tôi muốn mọi người dành cho ông một tràng pháo tay. (Vỗ tay). Tôi muốn cảm ơn Sergei Gurief, Hiệu trưởng Đại học Kinh tế mới. (Vỗ tay). Max Boiko, Chủ tịch Hội đồng Nhà trường. (Vỗ tay). Và Arkady Dvorkovich, Uỷ viên Hội đồng Nhà trường, Chủ tịch Hội Cựu sinh viên, người đang phục vụ xuất sắc cho Tổng thống Medvedev, vì ông đã tham dự cuộc gặp của chúng tôi ngày hôm qua. (Vỗ tay).

Xin chào quý vị. Tôi thật vinh hạnh được tham dự cùng quý vị tại Đại học Kinh tế mới (NES). Michelle và tôi rất vui được tới Mátxcơva. Là một người sinh ra ở Hawaii, tôi thích đến đây vào tháng Bảy hơn là tháng Giêng. (Cười và vỗ tay).

Tôi biết Đại học Kinh tế mới là một ngôi trường còn trẻ, nhưng tôi phát biểu với quý vị hôm nay với sự kính trọng sâu sắc đối với di sản bất hủ của đất nước Nga. Các nhà văn Nga đã giúp chúng ta hiểu về sự phức tạp của tình cảm con người và nhận ra những chân lý vĩnh cửu. Các hoạ sĩ, nhà soạn nhạc, vũ công Nga đã đưa chúng ta đến với những hình thái mới của cái đẹp. Các nhà khoa học Nga đã chế ngự bệnh tật, tìm kiếm những chân trời tiến bộ mới và giúp loài người bay vào không gian.

Những đóng góp đó không bị giới hạn trong đường biên giới của nước Nga, cho dù đó là một đường biên giới rộng mênh mông. Thực vậy, di sản của Nga đã vươn tới mọi ngõ ngách của thế giới, và thể hiện tinh thần nhân văn mà chúng ta đều chia sẻ. Di sản đó vươn tới cả đất nước tôi, nơi may mắn được đón nhận những di dân người Nga qua hàng thập kỷ qua; văn hóa của chúng tôi đã phong phú thêm nhờ văn hoá Nga, và lớn mạnh hơn nhờ hợp tác với nước Nga. Và là một người dân ở Washington, D.C., tôi tiếp tục thừa hưởng những đóng góp của người Nga – cụ thể là từ Alexander Ovechkin. Chúng tôi rất vui có được ông ấy ở Washington, D.C. (Vỗ tay).

Ngay tại Đại học Kinh tế mới này, quý vị đã được thừa kế di sản văn hoá vĩ đại đó, nhưng sự tập trung vào kinh tế học cũng không kém phần quan trọng đối với tương lai của nhân loại. Như Pushkin đã nói: "Cảm hứng cần cho hình học cũng không kém gì đối với thơ". Hôm nay, tôi muốn nói riêng với những bạn sắp tốt nghiệp. Các bạn đã sẵn sàng để trở thành những nhà lãnh đạo trong khoa học và trong công nghiệp; trong lĩnh vực tài chính và bộ máy nhà nước. Nhưng trước khi các bạn tiến bước, cần nhìn lại những gì đã xảy ra trong những năm tháng tuổi trẻ của mình.

Như Tổng thống Medvedev và bản thân tôi, các bạn sinh ra chưa đủ sớm để được chứng kiến những thời khắc đen tối nhất của Chiến tranh Lạnh, khi mà người ta thử bom hyđrô trong khí quyển, trẻ em luyện tập trong hầm chống phóng xạ và chúng ta đứng trên bờ vực của thảm hoạ hạt nhân. Nhưng các bạn là thế hệ cuối cùng được sinh ra khi thế giới bị chia cắt. Khi đó, quân đội Mỹ và quân đội Xô-viết còn tràn ngập ở châu Âu, được huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu. Những lằn ranh ý thức hệ của thế kỷ trước được đặt ra vững chắc. Cạnh tranh trên mọi lĩnh vực từ vật lý thiên thể tới thể thao luôn được xem là cuộc chơi thắng-thua. Nếu một người thắng, người kia ắt sẽ phải thua.

Rồi sau đó, chỉ trong vài năm ngắn ngủi, thế giới không còn như trước nữa. Giờ đây, không được mắc sai lầm nữa: Sự thay đổi này không đến từ riêng quốc gia nào. Chiến tranh Lạnh đã kết thúc vì hành động của nhiều quốc gia trong nhiều năm và bởi vì người dân Nga và Đông Âu vươn dậy và quyết định kết thúc nó trong hoà bình.

Chiến tranh Lạnh kết thúc đã dẫn đến những trông đợi quá tầm – về hoà bình và thịnh vượng; về những dàn xếp mới giữa các nước và những cơ hội mới cho mỗi người. Cũng như mọi thời kỳ có thay đổi lớn, đó là thời kỳ của những kế hoạch đầy tham vọng và những khả năng vô tận. Nhưng, tất nhiên, mọi thứ không lúc nào cũng diễn ra đúng như dự định. Nhớ lại năm 1993, không lâu sau khi trường này được thành lập, một sinh viên Đại học Kinh tế mới đã tóm tắt khó khăn của sự thay đổi này khi nói với một phóng viên, và tôi trích lại: "Thế giới thực không hợp lý như trong lý thuyết." Thế giới thực không hợp lý như trong lý thuyết.

Chân lý đó đã được chứng minh trên toàn thế giới trong hơn hai thập kỷ đầy biến động vừa qua. Vô số của cải được tạo ra, nhưng nó không xoá được vô vàn những số phận nghèo khó. Nghèo đói hiện diện ở đây, ở Hoa Kỳ và ở khắp nơi trên thế giới. Thêm nhiều người đã đi bỏ phiếu, nhưng quá nhiều chính phủ vẫn không bảo vệ được những quyền của người dân. Các cuộc đấu tranh ý thức hệ đã bớt đi, nhưng chúng lại được thay thế bởi những xung đột bộ tộc, sắc tộc và tôn giáo. Một người với máy tính có thể lưu giữ lượng thông tin bằng cả Thư viện Quốc gia Nga, nhưng công nghệ đó cũng có thể được sử dụng để gây hại khủng khiếp.

Trong một nước Nga mới, sự biến mất của những hạn chế chính trị và kinh tế cũ thời kỳ hậu Liên bang Xô-viết đem đến cả cơ hội và thử thách. Một số người giàu lên, nhưng nhiều người khác không được như vậy. Đã có những thời kỳ khó khăn. Nhưng dân tộc Nga đã thể hiện sức mạnh và sự hy sinh, và các bạn đã vất vả để đạt được tiến bộ nhờ kinh tế tăng trưởng và ngày càng tự tin. Và mặc dù có những lúc gian khó, nhiều người ở Đông Âu và Nga giờ đây giàu có hơn nhiều so với cách đây 20 năm.

Chúng ta nhìn thấy sự tiến bộ đó ngay tại Đại học Kinh tế mới -- một trường được thành lập với sự giúp đỡ của phương Tây giờ đây mang đậm bản sắc Nga; một nơi học tập và nghiên cứu mà ở đó một ý tưởng không phải được kiểm chứng là của Nga, của Mỹ hay của châu Âu, mà để xem nó có hiệu quả hay không. Trên hết, chúng ta nhìn thấy tiến bộ đó ở tất cả các bạn -- những bạn trẻ với một thế kỷ mới để tạo dựng theo cách của bạn.

Thời của các bạn trùng hợp với thời kỳ chuyển giao này. Nhưng hãy nghĩ về những câu hỏi căn bản đã được đặt ra khi ngôi trường này được thành lập. Tương lai nào sẽ dành cho nước Nga? Đâu sẽ là tương lai chung cho cả Nga và Mỹ? Trật tự thế giới nào sẽ thế chỗ Chiến tranh Lạnh? Vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng cho những câu hỏi này, và bây giờ chính các bạn sẽ là người trả lời chúng, bằng chính thế hệ của mình, ở Nga, ở Mỹ, và ở khắp nơi trên thế giới. Các bạn sẽ phải quyết định. Và mặc dù tôi không thể đưa cho các bạn câu trả lời, tôi có thể nói một cách thẳng thắn về tương lai mà nước Mỹ đang kiếm tìm.

Để bắt đầu, tôi xin được nói rõ rằng: nước Mỹ muốn thấy một nước Nga mạnh, thái bình và thịnh vượng. Niềm tin này bắt nguồn từ lòng kính trọng của chúng tôi đối với người dân Nga, cũng như với lịch sử chung của hai nước mà đã vượt ra khỏi phạm vi của mọi sự cạnh tranh. Bất chấp sự kình địch trong quá khứ, hai dân tộc đã liên minh với nhau trong cuộc chiến vĩ đại nhất của thế kỷ 20. Mới đây tôi đã nhắc lại điều này khi ở Normandy, rằng cũng như những người lính ở Boston và Birmingham đã phải liều thân để đổ bộ vào bờ biển và trèo lên những vách đá, những người lính Xô-viết ở những nơi như Kazan và Kiev đã phải chịu đựng những gian khổ phi thường để đẩy lùi một cuộc xâm chiếm và đảo ngược tình thế ở mặt trận phía đông. Như Tổng thống John Kenedy đã nói, “Không dân tộc nào trong lịch sử chiến tranh đã phải chịu đựng đau khổ nhiều hơn Liên bang Xô-viết trong Thế Chiến thứ Hai”.

Khi tôn vinh quá khứ, chúng ta cũng nhìn thấy những lợi ích trong tương lai có được nhờ một nước Nga vững mạnh và đầy sức sống. Hãy nghĩ đến những vấn đề sẽ định hình cuộc sống của các bạn: an toàn trước nguy cơ hạt nhân và chủ nghĩa cực đoan, cơ hội và khả năng tiếp cận các thị trường, sức khoẻ và môi trường, một hệ thống quốc tế bảo vệ chủ quyền quốc gia và nhân quyền đồng thời thúc đẩy ổn định và thịnh vượng. Những thử thách này đòi hỏi quan hệ đối tác toàn cầu, và đối tác đó sẽ trở nên mạnh hơn nếu nước Nga giữ đúng vị trí siêu cường của mình.

Tuy nhiên, không may là đôi khi có vẻ những giả định cũ, những tư duy cũ, phải thắng thế - đó là quan niệm về quyền lực bắt rễ từ quá khứ chứ không phải tương lai. Trong thế kỷ 20, có quan niệm rằng định mệnh của nước Mỹ và nước Nga là trở thành đối thủ của nhau, và rằng một nước Nga hùng mạnh hay một nước Mỹ hùng mạnh chắc chắn sẽ khẳng định mình ở thế đối lập với nước kia. Thế kỷ 19 cũng có quan niệm rằng hai nước hiển nhiên sẽ tranh giành khu vực ảnh hưởng với nhau, và rằng các cường quốc sẽ phải hình thành các khối cạnh tranh để cân bằng lẫn nhau.

Những giả định này là sai lầm. Ở năm 2009, một cường quốc không thể hiện sức mạnh bằng cách thống trị hoặc làm tổn hại các quốc gia khác. Thời kỳ các đế quốc đối xử với các quốc gia có chủ quyền như những quân cờ trên bàn cờ đã chấm hết. Như tôi đã phát biểu tại Cairo, với sự phụ thuộc lẫn nhau của chúng ta, bất kỳ trật tự thế giới nào mà cố gắng đưa một quốc gia hoặc một nhóm người lên vị trí cao hơn các quốc gia khác chắc chắn sẽ thất bại. Việc theo đuổi sức mạnh sẽ không còn là một cuộc chơi “thắng-thua” – tiến bộ phải được chia sẻ.

Đó là lý do tại sao tôi kêu gọi “khởi động lại” quan hệ giữa Hoa Kỳ và Nga. Điều này không chỉ dừng lại ở một sự khởi đầu mới mẻ giữa Điện Kremlin và Nhà Trắng, mặc dù việc đó rất quan trọng và tôi đã có các cuộc trao đổi rất tốt đẹp với Tổng thống và Thủ tướng của các bạn. Cần có một nỗ lực lâu dài giữa người Mỹ và người Nga để xác định các lợi ích chung, mở rộng đối thoại và hợp tác, mở đường cho các tiến bộ trong tương lai.

Việc này không dễ dàng. Rất khó để xây dựng quan hệ đối tác dài lâu giữa hai nước cựu thù, cũng như để thay đổi những thói quen đã ăn sâu trong chính phủ và bộ máy chính quyền của hai nước từ nhiều thập kỷ qua. Nhưng tôi tin rằng với những vấn đề then chốt định hình nên thế kỷ này, người Mỹ và người Nga chia sẽ các mối quan tâm chung, những điều sẽ làm nên cơ sở cho quan hệ hợp tác. Xác định các lợi ích quốc gia của Nga không phải là việc làm của tôi, nhưng tôi có thể trình bày với các bạn về các lợi ích quốc gia của nước Mỹ. Tôi tin các bạn sẽ thấy chúng ta có chung một nền tảng.

Trước hết, nước Mỹ có lợi ích trong việc đảo ngược sự phổ biến của vũ khí hạt nhân và ngăn chặn việc sử dụng chúng.

Trong thế kỷ trước, các thế hệ người Mỹ và người Nga đã được thừa hưởng sức mạnh có thể huỷ diệt các quốc gia, đồng thời với sự hiểu biết rằng sử dụng sức mạnh đó cũng sẽ huỷ diệt chính mình. Năm 2009, di sản của chúng ta đã khác. Các bạn và tôi không cần hỏi liệu các nhà lãnh đạo Mỹ và Nga có tôn trọng sự cân bằng về nỗi sợ hay không – chúng ta đều hiểu những hậu quả khủng khiếp của bất kỳ cuộc chiến tranh nào giữa hai quốc gia. Chúng ta cần hỏi liệu những kẻ cực đoan đã giết chết những người dân vô tội ở New York và Mát-xcơ-va có cùng sự kiềm chế đó hay không. Chúng ta cần hỏi liệu 10, 20, hoặc 50 quốc gia có vũ khí hạt nhân sẽ giữ gìn kho vũ khí của mình và kiềm chế không sử dụng chúng hay không.

Đây là cốt lõi của vấn đề hạt nhân trong thế kỷ 21. Ý niệm cho rằng uy tín đến từ việc sở hữu các vũ khí đó, hoặc rằng chúng ta có thể bảo vệ mình bằng cách lựa chọn quốc gia nào sẽ được phép sở hữu chúng, chỉ là một ảo tưởng. Chỉ trong một thời gian ngắn sau khi kết thúc Chiến Tranh Lạnh, chúng ta đã thấy Ấn Độ, Pakistan và Bắc Triều Tiên tiến hành thử vũ khí hạt nhân. Nếu không có một thay đổi căn bản, có ai trong chúng ta thực sự tin rằng trong hai thập kỷ tới vũ khí hạt nhân sẽ không được phổ biến nhiều hơn nữa?

Đó là lý do tại sao nước Mỹ cam kết ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân và hướng đến một thế giới phi hạt nhân. Điều này nhất quán với cam kết của chúng ta trong khuôn khổ Hiệp ước Chống Phổ biến Vũ khí Hạt nhân (NPT). Đây là trách nhiệm của chúng ta với tư cách là hai cường quốc hạt nhân hàng đầu của thế giới. Và mặc dù tôi biết rằng mục tiêu này không thể đạt được trong thời gian ngắn, việc theo đuổi nó mang lại nền tảng đạo đức và pháp lý để ngăn chặn sự phổ biến và sử dụng vũ khí hạt nhân.

Chúng ta đã tiến hành những bước đi quan trọng để xây dựng nền tảng này. Hôm qua, Tổng thống Medvedev và tôi đã đạt được các tiến triển về đàm phán một hiệp ước mới. Hiệp ước này sẽ giảm đáng kể đầu đạn và các hệ thống vận chuyển của chúng ta. Chúng ta đã đổi mới cam kết của chúng ta về năng lượng hạt nhân sạch, an toàn và hoà bình. Cam kết này phải là một quyền lợi của mọi quốc gia sống gắn với các trách nhiệm của họ trong NPT. Và chúng ta đã nhất trí tăng cường hợp tác về an ninh hạt nhân, đây là vấn đề thiết yếu để đạt được mục tiêu siết chặt mọi nguyên liệu hạt nhân không được bảo vệ trong khoảng thời gian bốn năm.

Khi chúng ta thực hiện các cam kết của mình, chúng ta phải yêu cầu các quốc gia khác có trách nhiệm đối với các cam kết của họ. Cho dù là Hoa Kỳ hay Nga, không nước nào được hưởng lợi từ cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân ở Đông Á hay Trung Đông. Đó là lý do tại sao chúng ta phải thống nhất trong việc phản đối những nỗ lực của Bắc Triều tiên để trở thành một cường quốc hạt nhân.Và tôi vui mừng rằng Tổng thống Medvedev và tôi đã nhất trí về một đánh giá hiểm hoạ chung của các thách thức tên lửa – thách thức tên lửa đạn đạo trong thế kỷ 21 từ Iran và Bắc Triều Tiên.

Đây không phải là việc điểm tên từng quốc gia đơn lẻ - đây là trách nhiệm của mọi quốc gia. Nếu chúng ta không kề vai sát cánh, NPT và Hội đồng Bảo an sẽ mất uy tín, và luật quốc tế sẽ nhường chỗ cho luật rừng. Và điều này chẳng đem lại lợi ích cho một ai. Như tôi đã nói tại Prague, các quy định phải mang tính ràng buộc, các vi phạm phải bị trừng phạt, và lời nói phải có giá trị.

Việc thực thi thành công những qui định này sẽ lại bỏ các nguyên nhân của bất đồng. Tôi biết Nga phản đối việc xây dựng phòng thủ tên lửa đã được lập kế hoạch tại châu Âu. Và chính quyền của tôi đang xem xét lại những kế hoạch này để tăng cường an ninh của Hoa Kỳ, châu Âu và thế giới. Và tôi đã nói rõ rằng hệ thống này là nhằm ngăn ngừa khả năng Iran tấn công. Hệ thống không liên quan gì tới Nga. Thực tế, tôi muốn làm việc với Nga về kiến trúc phòng thủ tên lửa giúp chúng ta đều được an toàn. Song nếu mối đe doạ từ chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Iran được loại bỏ thì động lực cho phòng thủ tên lửa ở châu Âu sẽ bị loại bỏ, và điều đó phù hợp với lợi ích chung.

Hiện nay, ngoài việc siết chặt vũ khí nguy hiểm nhất thế giới này, vấn đề thứ hai mà Hoa Kỳ rất quan tâm là việc cô lập và đánh bại những kẻ cực đoan bạo lực.

Trong nhiều năm qua, al Qaeda và các phe đồng minh đã làm vẩn đục niềm tin lớn về hoà bình và công lý, và đã sát hại tàn bạo con người, phụ nữ và trẻ em thuộc mọi quốc gia và tín ngưỡng. Hơn thế nữa, chúng còn sát hại cả những người Hồi giáo. Những kẻ cực đoan này đã giết người ở Amman và Bali; Islamabad và Kabul; và bàn tay họ đã vấy máu cua người Mỹ và người Nga. Họ âm mưu giết nhiều người của dân tộc chúng ta, và họ đã lợi dụng những chốn an toàn cho phép họ luyện tập và hoạt động, đặc biệt là dọc theo biên giới của Pakistan và Afghanistan.

Và đó là lý do tại sao Hoa Kỳ có mục tiêu rõ ràng: ngăn chặn, dỡ bỏ, triệt phá và đánh bại al Qaeda cùng các đồng bọn tại Afghanistan và Pakistan. Chúng tôi không thiết lập căn cứ hay mong muốn kiểm soát các quốc gia này. Trái lại, chúng tôi muốn làm việc với các đối tác quốc tế, bao gồm cả Nga để giúp người dân Afghanistan và Pakistan đẩy mạnh an ninh và thịnh vượng. Đó là lý do tại sao tôi vui mừng khi Nga đồng ý cho Hoa Kỳ cung cấp các lực lượng liên minh qua lãnh thổ của các bạn. Cả Hoa Kỳ và Nga đều không có lợi ích gì từ Afghanistan hay Pakistan do Taliban thống trị. Đã đến lúc chúng ta cùng làm việc vì một tương lai khác biệt – một tuơng lai mà ở đó chúng ta gác lại trò chơi lớn trong quá khứ và những xung đột của hiện tại; một tương lai mà ở đó tất cả chúng ta đóng góp vào an ninh của Trung Á.

Bây giờ, ngoài Afghanistan, Hoa Kỳ cam kết đẩy mạnh cơ hội nhằm cô lập các đối tượng cực đoan. Chúng tôi giúp nhân dân Iraq xây dựng một tương lai tốt hơn và để cho Iraq thuộc về người dân Iraq. Chúng tôi theo đuổi mục tiêu của hai quốc gia Israel và Palestine là được sống trong hoà bình và an ninh. Chúng tôi phối hợp với các cộng đồng Hồi giáo trên toàn thế giới để đẩy mạnh giáo dục, y tế và phát triển kinh tế. Trong mỗi nỗ lực này, tôi tin tưởng rằng nhân dân Nga chia sẻ các mục tiêu của chúng tôi và sẽ được hưởng lợi từ sự thành công – và chúng ta cần cộng tác với nhau.

Bên cạnh các quan ngại về an ninh, tôi sẽ đề cập đến lĩnh vực thứ ba – đó là mối quan tâm của nước Mỹ đối với thịnh vượng toàn cầu. Bởi vì chúng ta có nhiều nhà kinh tế và doanh nhân tương lai trong căn phòng này, tôi biết đây là vấn đề các bạn rất quan tâm.

Chúng ta gặp gỡ trong bối cảnh cuộc suy thoái toàn cầu tồi tệ nhất trong phạm vi một thế hệ đang diễn ra. Tôi tin rằng thị trường tự do là động lực lớn nhất cho việc tạo ra và phân phối của cải mà thế giới từng biết. Nhưng bất cứ ở nơi nào thị trường được phép vận hành mà không bị kiềm chế - do sự mạo hiểm quá mức, không có điều tiết, hoặc tham nhũng – thì tất cả chúng ta sẽ gặp nguy hiểm, dù chúng ta ở bên sông Mississippi hay bên bờ Volga.

Ở Mỹ, chúng tôi đã tiến hành những bước đi chưa từng có để phục hồi nền kinh tế và cải cách hệ thống pháp quy. Không có quốc gia nào có thể ngăn mình khỏi những hệ luỵ của cuộc khủng hoảng toàn cầu, cũng như không ai có thể đóng vai trò là động cơ duy nhất cho tăng trưởng toàn cầu. Các bạn thấy đấy, trong cuộc sống của các bạn, một điều gì đó có tính căn bản đã thay đổi. Và mặc dù cuộc khủng hoảng hiện nay cho chúng ta thấy các mối nguy cơ đến cùng với sự thay đổi, nguy cơ đó đã bị các cơ hội lấn át.

Hãy nghĩ về những gì có thể thực hiện hôm nay mà là điều không tưởng cách đây hai thập kỷ. Một phụ nữ trẻ với Internet ở Bangalore, Ấn Độ, có thể cạnh tranh với bất kỳ ai ở bất cứ đâu trên thế giới. Một doanh nhân với một công ty mới mở ở Bắc Kinh có thể kinh doanh toàn cầu. Một giáo sư của Đại học Kinh tế mới ở Mátxcơva có thể hợp tác với đồng nghiệp ở Đại học Harvard hay Đại học Stanford. Điều đó tốt cho tất cả chúng ta, bởi khi thịnh vượng được tạo ra ở Ấn Độ, đó là thị trường mới cho hàng hoá của chúng ta; khi những ý tưởng mới nảy ra ở Trung Quốc, nó thúc đẩy các doanh nghiệp của chúng ta phải đổi mới; khi những mối liên hệ mới giữa mọi người được củng cố, tất cả chúng ta đều được tốt lên.

Triển vọng là cực kỳ lớn để tăng cường hợp tác giữa Hoa Kỳ và Nga. Chúng ta có thể theo đuổi thương mại tự do, bình đẳng và hội nhập với cả thế giới. Chúng ta có thể tăng cường đầu tư để tạo thêm việc làm ở cả hai nước, chúng ta có thể thúc đẩy những hợp tác về năng lượng để không chỉ khai thác tài nguyên truyền thống, như dầu và khí đốt, mà cả những nguồn năng lượng mới sẽ thúc đẩy tăng trưởng và chống lại biến đổi khí hậu. Tất cả những điếu đó, Hoa Kỳ và Nga đều có thể cùng hợp tác.

Giờ đây, chính phủ có thể khuyến khích hợp tác, nhưng rốt cuộc mỗi cá nhân phải thúc đẩy sự hợp tác này, bởi vì nguồn lực lớn nhất của bất kỳ quốc gia nào trong thế kỷ 21 chính là các bạn. Đó là con người; đặc biệt là lớp trẻ. Đất nước nào khai thác được nguồn lực đó sẽ là đất nước thành công. Thành công đó phụ thuộc vào những nền kinh tế vận hành trong khuôn khổ pháp quyền. Tổng thống Medvedev nói rất đúng rằng một hệ thống pháp luật hiệu quả và phát triển đầy đủ là một điều kiện cho phát triển kinh tế bền vững. Người dân ở mọi nơi cần phải có quyền kinh doanh hoặc được giáo dục mà không phải trả tiền hối lộ. Dù họ ở Mỹ, Nga, châu Phi hay Mỹ Latinh, đó không phải là ý tưởng của Hoa Kỳ hay của Nga -- đó là cách mọi người và các quốc gia sẽ thành công trong thế kỷ 21.

Và điều đó dẫn tới vấn đề thứ tư mà tôi muốn trao đổi – mối quan tâm của nước Mỹ đối với các chính phủ dân chủ, bảo vệ quyền con người của người dân.

Hoa Kỳ không phải là hoàn hảo. Nhưng chúng tôi theo đuổi một số giá trị phổ quát cho phép chúng tôi sửa chữa những khiếm khuyết, liên tục cải tiến và phát triển mạnh hơn theo thời gian. Tự do ngôn luận và tự do tụ họp đã cho phép phụ nữ, người dân tộc thiểu số và công nhân được biểu tình đòi những quyền đầy đủ và bình đẳng khi mà họ bị từ chối. Nền pháp quyền và thực thi pháp luật công bằng đã phá vỡ độc quyền, xoá bỏ những bộ máy chính trị tham nhũng, chấm dứt những lạm dụng quyền lực. Báo chí độc lập đã vạch ra tham nhũng ở mọi cấp độ trong kinh doanh và chính phủ. Các cuộc bầu cử cạnh tranh đã cho phép chúng tôi thay đổi đường lối và buộc lãnh đạo chúng tôi phải có trách nhiệm. Nếu nền dân chủ của chúng tôi không thúc đẩy những quyền đó, thì tôi, một người có nguồn gốc châu Phi, sẽ không thể phát biểu trước các bạn với tư cách một công dân Mỹ, chưa nói là một Tổng thống. Bởi ở thời kỳ lập quốc, những người như tôi không có một quyền nào. Nhưng chính bởi quá trình đó mà tôi có thể đứng đây trước các bạn với tư cách Tồng thống Hoa Kỳ.

Vì vậy trên khắp thế giới, Hoa Kỳ ủng hộ những giá trị này bởi vì chúng đúng đắn, nhưng cũng vì chúng hữu ích. Lịch sử đã chỉ ra rằng những chính phủ phục vụ chính nhân dân mình sẽ tồn tại và phát triển; những chính phủ chỉ phục vụ quyền lực của mình thì ngược lại. Những chính phủ đại diện cho ý nguyện của nhân dân chắc chắn sẽ khó tuột dốc thành những nhà nước sụp đổ, sẽ khó khủng bố công dân của mình, hoặc tiến hành chiến tranh với nước khác. Những chính phủ khuyến khích nền pháp quyền, hoạt động dưới sự giám sát và cho phép tồn tại các tổ chức độc lập là những đối tác thương mại đáng tin cậy hơn. Trong lịch sử của chúng tôi, những nền dân chủ luôn là những đồng minh bền vững nhất, gồm cả những nước mà chúng tôi đã từng có chiến tranh ở châu Âu và châu Á – những nước ngày nay rất thịnh vượng và an toàn.

Tôi xin nói rõ: Hoa Kỳ không thể và không nên tìm cách áp đặt bất kỳ hệ thống chính quyền nào lên bất kỳ quốc gia nào khác và cũng sẽ không tự tiện chọn đảng nào hoặc cá nhân nào lãnh đạo một đất nước. Và chúng tôi cũng không phải lúc nào cũng làm được việc nên làm trên khía cạnh đó. Ngay cả khi chúng ta gặp nhau hôm nay, Hoa Kỳ đang ủng hộ việc khôi phục chức vụ cho vị Tổng thống đã được bầu bằng con đường dân chủ ở Hunduras, ngay cả khi ông này cực lực phản đối các chính sách của Hoa Kỳ. Chúng tôi làm vậy không phải vì chúng tôi đồng thuận với ông này. Chúng tôi làm vậy vì chúng tôi tôn trọng nguyên tắc phổ quát rằng người dân cần được lựa chọn nhà lãnh đạo của mình, cho dù chúng tôi có nhất trí với họ hay không.

Và điều đó dẫn tới lĩnh vực cuối cùng mà tôi muốn trao đổi, đó là sự quan tâm của Hoa Kỳ đối với một hệ thống quốc tế thúc đẩy hợp tác trong khi tôn trọng chủ quyền của tất cả các quốc gia.

Chủ quyền quốc gia phải là nền tảng của trật tự quốc tế. Cũng như mọi đất nước phải có quyền chọn nhà lãnh đạo của mình, các nước phải có quyền đối với biên giới để đảm bảo an ninh và đối với chính sách đối ngoại của riêng mình. Điều này đúng với Nga, cũng như đúng với Hoa Kỳ. Bất kỳ hệ thống nào từ bỏ những quyền đó sẽ dẫn tới hỗn loạn. Chính vì vậy chúng ta phải áp dụng nguyên tắc này đối với mọi quốc gia – bao gồm cả những nước như Georgia và Ucraina. Hoa Kỳ sẽ không bao giờ áp đặt một dàn xếp an ninh lên một nước khác. Ví dụ, để một nước bất kỳ trở thành thành viên của một tổ chức như NATO, đó phải là lựa chọn của đa số người dân nước đó; họ phải tiến hành cải cách; họ phải có khả năng đóng góp vào sứ mệnh của Liên minh. Và tôi xin nói rõ: NATO cần tìm kiếm hợp tác với Nga, chứ không phải đối đầu.

Nói một cách rộng hơn, chúng ta cần tăng cường hợp tác và tôn trọng giữa các quốc gia và dân tộc. Là Tổng thống Hoa Kỳ, tôi sẽ làm việc không ngừng để bảo vệ an ninh của Hoa Kỳ và thúc đẩy những lợi ích của chúng tôi. Nhưng không một quốc gia nào có thể tự mình đối phó với những thách thức của thế kỷ 21, cũng như áp đặt quan điểm của mình lên cả thế giới. Đó là điều mà Hoa Kỳ và Nga đều hiểu. Chính vì vậy, Hoa Kỳ tìm kiếm một hệ thống quốc tế cho phép các quốc gia theo đuổi lợi ích của mình một cách hoà bình, nhất là khi những lợi ích đó khác biệt; một hệ thống mà những quyền phổ quát của con người được tôn trọng và chống lại việc vi phạm những quyền này; một hệ thống mà chúng ta tuân theo những chuẩn mực chúng ta muốn có cho những nước khác, với những quyền và trách nhiệm rõ ràng với tất cả các bên.

Đã có thời kỳ Roosevelt, Churchill và Stalin có thể định hình thế giới chỉ trong một cuộc thảo luận. Nhưng thời kỳ đó đã chấm dứt. Thế giới ngày nay đã trở nên phức tạp hơn. Hàng tỉ người đã tìm thấy tiếng nói của mình cũng như tìm kiếm phương tiện để đạt được thịnh vượng và tự chủ cho bản thân ở mọi nơi trên khắp hành tinh. Trong hai thập kỷ qua, chúng ta đã chứng kiến các thị trường lớn mạnh, sự thịnh vượng được ra tăng và công nghệ được sử dụng để xây dựng chứ không để phá huỷ. Chúng ta đã thấy những hận thù xưa cũ đã qua đi, những ảo tưởng về sự khác biệt giữa con người dần phai nhạt. Chúng ta cũng đã thấy vận mệnh của loài người nằm trong tay của ngày càng nhiều những người có khả năng định hình số mệnh cho chính mình. Giờ đây, chúng ta cần thấy rằng giai đoạn chuyển tiếp mà các bạn đã sống qua đang mở ra một thời kỳ mới, trong đó các quốc gia sống trong hoà bình, người dân thực hiện những khát vọng của mình về nhân phẩm, an ninh, và một cuộc sống tốt đẹp hơn cho con em mình. Đó là mối quan tâm của nước Mỹ và tôi tin rằng cũng là mối quan tâm của nước Nga.

Tôi biết tương lai đó có thể còn xa. Thay đổi là điều khó khăn. Như một sinh viên của NES đã nói năm 1993, thế giới thực không hợp lý như trong sách vở. Nhưng hãy suy nghĩ về sự thay đổi đã xảy đến cùng với thời gian. Một trăm năm trước đây, một vị Sa Hoàng đã trị vì nước Nga, châu Âu khi đó là một đế chế. Khi tôi sinh ra, phân biệt chủng tộc vẫn còn là luật ở một số nơi trên nước Mỹ, đất nước Kenya của cha tôi vẫn còn là thuộc địa. Khi các bạn sinh ra, một ngôi trường như thế này là điều không tưởng, Interent cũng chỉ được một số ít người có đặc quyền biết đến.

Các bạn sẽ phải quyết định điều gì sẽ đến tiếp theo. Các bạn phải lựa chọn nơi mà sự thay đổi sẽ mang chúng ta đến, bởi tương lai không thuộc về những ai mang quân đội đến các chiến trường hoặc chôn tên lửa trong lòng đất. Tương lai thuộc về những người trẻ tuổi có nền tảng giáo dục và trí tưởng tượng phục vụ sáng tạo. Đó chính là nguồn gốc của sức mạnh trong thế kỷ này. Và với những gì đã xảy ra trong hai thập niên các bạn sống trên Trái Đất vừa qua, hãy tưởng tượng những gì các bạn có thể tạo ra trong những năm sắp tới.

Mỗi quốc gia tự vạch ra đường đi cho mình. Nước Nga đã đi qua thời gian giống như một dòng sông hùng vĩ chảy qua một hẻm núi, để lại dấu ấn không thể xoá mờ trên lịch sử loài người. Khi hướng câu chuyện này về phía trước, các bạn hãy nhìn về một tương lai có thể được dựng xây nếu chúng ta rũ bỏ gánh nặng của những trở ngại và nghi ngờ trong quá khứ, hãy nhìn về một tương lai có thể được dựng xây nếu chúng ta hợp tác với nhau nhân danh những khát vọng chúng ta cùng chia sẻ. Chúng ta có thể cùng nhau xây dựng một thế giới trong đó con người được bảo vệ, thịnh vượng được gia tăng và sức mạnh của chúng ta phục vụ thực sự cho tiến bộ. Và điều đó nằm hoàn toàn trong tay các bạn. Chúc các bạn may mắn. Xin cảm ơn. (Vỗ tay).

KẾT THÚC 12:34 chiều (Giờ địa phương)

 Tác phẩm này là một bản dịch và có thông tin cấp phép khác so với bản quyền của nội dung gốc.
Bản gốc:
Bản dịch: