Phát biểu của Ngoại trưởng Hillary Rodham Clinton tại Hội nghị APEC Singapore

Phát biểu của Ngoại trưởng Hillary Rodham Clinton tại Hội nghị APEC Singapore  (2009) 
của Hillary Rodham Clinton, do Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam dịch

Ngoại trưởng Hillary Rodham Clinton phát biểu tại Hội nghị APEC Singapore ngày 11 tháng 11 năm 2009.

11/11/2009

Trung tâm Hội nghị Suntec, Singapore

NGOẠI TRƯỞNG CLINTON: Xin chào các quý vị. Xin cảm ơn quý vị đã đến đây vào buổi chiều hôm nay. Trước khi tôi bắt đầu phát biểu ý kiến về các cuộc họp quan trọng được tổ chức tại Hội nghị các bộ trưởng APEC này, tôi muốn dành ra ít phút để nhớ rằng hôm nay chính là Ngày Cựu Chiến Binh ở nước Mỹ, và tôi muốn bày tỏ sự biết ơn tới các cựu chiến binh, những nam nữ quân nhân và gia đình họ, nhiều người trong số ấy vẫn đang phải đóng ở những vùng rất khó khăn trên khắp thế giới. Tôi không thể bày tỏ được hết sự biết ơn của nhân dân Mỹ đối với sự cống hiến và hi sinh của họ.

Tại nơi này trên đất Singapore, chúng ta vừa có một ngày thảo luận hiệu quả, đề cập đầy đủ các vấn đề khu vực và toàn cầu mà các quốc gia chúng ta đang phải đối mặt. Tôi đã nhấn mạnh cam kết hợp tác sâu rộng của chính quyền Obama. Đó là một cam kết mà tôi đã quán triệt sâu sắc và nêu rõ ngay từ chuyến công du đầu tiên tới châu Á với tư cách Ngoại trưởng Hoa Kỳ đầu năm nay. Còn khi nào Tổng thống Obama tới đây trong tuần này, ông sẽ làm rõ quan điểm của chúng tôi coi APEC là một diễn đàn quan trọng để liên kết và cùng nhau hành động.

Tôi đánh giá rất cao sự nỗ lực hết sức của Singapore để đưa hội nghị này tới thành công và tôi cảm ơn hai vị đồng chủ tịch, Bộ trưởng Yoh và Bộ trưởng Lim, về sự chủ trì hội nghị này. Trong buổi gặp mặt sáng nay của các ngoại trưởng APEC, chúng tôi đã bàn về những vấn đề an ninh khu vực quan trọng. Chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên là mối lo ngại hàng đầu, và nước Mỹ cam kết sẽ kiến tạo tiến bộ cho vấn đề này.

Đặc phái viên của chúng tôi về Chính sách với Bắc Triều Tiên, Đại sứ Stephen Bosworth, sẽ thăm Bình Nhưỡng trong thời gian sắp tới. Quyết định phái ông ấy đi được đưa ra sau khi bàn thảo kỹ lưỡng với các đối tác của chúng tôi trong tiến trình đàm phán sáu bên. Họ đều có chung quan điểm như chúng tôi rằng Đại sứ Bosworth có thể sử dụng cơ hội này để nhấn mạnh các nguyên tắc của tuyên bố chung tháng 9/2005, bao gồm giải trừ toàn diện vũ khí hạt nhân một cách hòa bình và có thể kiểm chứng được trên bán đảo Triều Tiên, và nối lại các cuộc đàm phán sáu bên.

Chúng tôi đã nói rõ mục đích và những điều kiện của chuyến viếng thăm này với Bắc Triều Tiên. Đây không phải là một cuộc đàm phán; nó là một nỗ lực để mở đường đưa Bắc Triều Tiên trở lại bàn đám phán sáu bên. Tôi xin nhấn mạnh rằng những mong đợi của chúng tôi với Bình Nhưỡng không hề thay đổi và sẽ không thay đổi, cũng giống như cam kết của chúng tôi với tiến trình đàm phán sáu bên. Chúng tôi sẽ dùng chính sách ngoại giao và sẽ phối hợp chặt chẽ với các đối tác để tìm kiếm một con đường hòa bình tới cái đích chung của chúng ta trên bán đảo Triều Tiên.

Chúng tôi cũng đã thảo luận về quan điểm của Mỹ với Miến Điện. Chúng tôi đã bắt đầu thương thuyết với chính quyền Miến Điện trong các cuộc đối thoại cấp cao nhằm thúc đẩy các mục tiêu cải cách dân chủ và nhân quyền. Các nước láng giềng của Miến Điện và các thành viên ASEAN đã đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong việc khuyến khích Chính phủ Miến Điện tiến hành cải cách, bắt đầu một cuộc đối thoại nội bộ có ý nghĩa với bà Aung San Suu Kyi, với các chính đảng và dân tộc thiểu số; đồng thời tổ chức các cuộc bầu cử công bằng, đáng tin cậy vào năm 2010. Tôi xin được nhắc lại rằng những trừng phạt của nước Mỹ sẽ vẫn được giữ nguyên cho tới khi nào chúng tôi thấy có tiến bộ đáng kể ở các lĩnh vực then chốt.

Trong các cuộc họp cấp bộ trưởng và qua bữa ăn trưa đến cuối ngày hôm nay, chúng tôi đã thảo luận về một loạt các vấn đề chính sách kinh tế và đối ngoại, đặc biệt là việc mở rộng mậu dịch, đảm bảo phát triển bền vững và toàn diện. Tôi đã nói về những nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm thúc đẩy phát triển và mở rộng cơ hội thông qua gia tăng tài trợ và các chương trình mới.

Tôi cũng muốn nói vài lời về một thách thức toàn cầu cấp bách sẽ là một tâm điểm trong những tuần tới đây tại hội nghị ở Copenhagen. Hôm nay, chúng ta đã thảo luận rất hiệu quả về biến đổi khí hậu. Năm ngoái, nước Mỹ đã thực hiện nhiều biện pháp mạnh để thay đổi cách sử dụng năng lượng trong nước và đã tham dự vào các cuộc đàm phán quốc tế về khí hậu. Chúng tôi tin rằng tất cả các quốc gia dân tộc đều có trách nhiệm phải tháo gỡ thách thức toàn cầu cấp bách này, và chúng tôi đã sẵn sàng thực hiện phần trách nhiệm của mình.

Tiến tới, chúng tôi cam kết đạt được mục tiêu kiến tạo thành công một hiệp ước khí hậu toàn cầu có ràng buộc pháp lý. Và chúng tôi sẽ tích cực phối hợp với cộng đồng quốc tế để đạt được mục tiêu ấy. Nếu chúng ta tất cả đều cố gắng hết mình và kết hợp đúng đắn nguyên tắc và thực tiễn, tôi tin rằng chúng ta có thể đạt được kết quả rất tốt ở Copenhagen, và đó sẽ là một nền tảng vững chắc để tiến tới một hiệp ước toàn diện mang tính pháp lý. Chúng ta không thể để sự cầu toàn làm cản trở tiến bộ, nhưng cũng cần có các thước đo để chúng ta đánh giá kết quả đạt được tại Copenhagen.

Trước hết, bất kỳ hiệp ước nào cũng phải đòi hỏi hành động toàn cầu ngay lập tức trong đó mọi quốc gia đều phải thực hiện phần nghĩa vụ của mình. Chúng ta không thể có thêm sự trì hoãn nào nữa. Thứ hai, bất kỳ hiệp ước nào cũng cần bao hàm tất cả các vấn đề lớn, trong đó có sự điều chỉnh cho phù hợp, tài chính, hợp tác công nghệ, phổ biến công nghệ, bảo vệ rừng và các vấn đề khác. Nó cũng nên có một cam kết thực hiện những biện pháp giảm nhẹ mạnh mẽ như mục tiêu giảm khí thải quốc gia đối các nước phát triển và các biện pháp của các nước lớn đang phát triển giúp giảm mạnh khí thải so với thông thường.

Thứ ba, dù là hiệp ước nào thì cũng phải có cam kết về một hệ thống đảm bảo tính minh bạch và đáng tin cậy trong việc thực hiện các hành động của từng quốc gia. Thứ tư, dù là hiệp ước gì cũng phải có những biện pháp hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển. Chúng tôi sẵn sàng ủng hộ một quỹ khí hậu toàn cầu hỗ trợ các nỗ lực điều chỉnh thích nghi và giảm thiểu khí thải, và một cơ quan tương ứng để giúp các nước đang phát triển sử dụng nguồn lực sẵn có cho đúng nhu cầu của họ. Tiền tài trợ thông qua quỹ khí hậu toàn cầu mới và một cơ chế công nghệ sẽ giúp các nước đang phát triển xác định rõ họ cần gì, nơi nào có thể tìm kiếm cũng như cách cấp vốn, vận hành và duy trì.

Đây là những thước đo chúng ta sẽ sử dụng để đánh giá kết quả đạt được. Nhưng dù thế nào, Copenhagen vẫn sẽ không phải là điểm kết của quá trình. Đó chỉ là một phần trong cam kết chung lớn hơn của chúng ta để ràng buộc trách nhiệm của chính chúng ta và các quốc gia khác, để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang một nền kinh tế toàn cầu ít sử dụng các-bon, và để lưu lại cho thế hệ con cháu chúng ta một hành tinh xanh và sạch hơn. Vì vậy khi rời khỏi Copenhagen, chúng ta phải tiếp tục theo đuổi lộ trình này với sự khẩn trương và kiên quyết.

Một lần nữa, tôi xin được cảm ơn nước chủ nhà Singapore vì sự tiếp đãi thật chu đáo và vì việc lập ra kế hoạch cho cuộc họp như thế này, giờ tôi sẵn sàng trả lời một vài câu hỏi của quý vị.

CHỦ TỌA: Chúng ta có thời gian cho một vài câu hỏi. Có ai có câu hỏi nào không? Dave Gollust của Đài tiếng nói Hoa Kỳ.

CÂU HỎI: Thưa bà Ngoại trưởng —

NGOẠI TRƯỞNG CLINTON: Dave, xin mời dùng mic.

CÂU HỎI: Vâng, tôi xin lỗi. Ổn rồi. Bà có nhận thấy dấu hiệu nào trong những trao đổi bước đầu của ông Kurt Campbell đối với Miến Điện cho thấy họ sẽ dễ dàng nghe theo để thay đổi sự sắp đặt chính trị họ chuẩn bị cho năm tới không? Và liệu việc bà Aung San Suu Kyi quay trở lại chính trường Miến Điện có là một điều kiện để Mỹ bình thường hóa hơn nữa quan hệ với Miến Điện không?

NGOẠI TRƯỞNG CLINTON: Dave, như anh biết, chúng tôi đã cử hai nhà ngoại giao rất cao cấp của Hoa Kỳ là Trợ lý ngoại trưởng Kurt Campbell và Phó trợ lý ngoại trưởng Scot Marciel tới Miến Điện vào tuần trước và dành khá nhiều thời gian gặp gỡ không chỉ với các quan chức chính phủ mà còn gặp riêng bà Aung San Suu Kyi, các thành viên của các nhóm chính trị đối lập và dân tộc thiểu số. Đó là một loạt các chuyến thăm chi tiết mang tính cách xây dựng, và Hoa Kỳ cam kết theo đuổi một tiến trình nhằm cố gắng khuyến khích và hỗ trợ Miến Điện trên con đường đi tới dân chủ.

Có rất nhiều việc phải làm. Chúng tôi không hề có ảo tưởng rằng những việc này sẽ dễ dàng và chóng vánh. Nhưng chúng tôi đã tham khảo ý kiến rộng rãi với các đồng minh và đối tác tại khu vực, đặc biệt trong ASEAN, và chúng tôi có được sự đồng tình của nhiều nước khi tiếp tục theo đuổi một chính sách cụ thể hơn. Chúng tôi đang tìm kiếm một tiến trình bên trong Miến Điện, khuyến khích và cho phép đối thoại giữa tất cả những bên liên quan để có một sự đồng thuận ngày càng cao ngay trong nội bộ đất nước này về con đường phía trước.

Đây là một tình huống đầy thách thức, mà nhiều nước có mặt trong hội nghị này có thể làm chứng, nhưng nước Mỹ vẫn cam kết tiếp tục và tham khảo chặt chẽ với các bên tại Miến Điện cũng như các nước khác có chung mục đích tạo dựng một nước Miến Điện hòa bình hơn, ổn định hơn và dân chủ hơn.

Chúng tôi cho rằng điều này do chính nhân dân Miến Điện tự giải quyết, vì vậy chúng tôi sẽ không đặt ra hay ép buộc bất kỳ điều kiện nào. Chúng tôi muốn tạo môi trường thuận lợi và cơ hội để nhân dân Miến Điện tìm cách giải quyết những thách thức mà họ phải đối mặt trong việc tổ chức các cuộc bầu cử tự do và tin cậy, và vạch ra một kế hoạch hướng tới một tương lai thịnh vượng và hòa bình hơn.

CHỦ TỌA: Câu hỏi tiếp theo, Sondang Sirait của đài Truyền hình SCTV Indonesia.

CÂU HỎI: Thưa bà Ngoại trưởng, chúng tôi biết rằng bà có cuộc gặp với Ngoại trưởng Indonesia vào buổi sáng nay. Liệu bà có thể cho chúng tôi biết hai bên đã những gì trong cuộc gặp không? Và những gì về cuộc gặp sắp tới giữa Tổng thống Obama và Tổng thống SBY cuối tuần này?

NGOẠI TRƯỞNG CLINTON: Chúng tôi có một cuộc gặp tuyệt vời với Ngoại trưởng Indonesia ngày hôm nay. Chúng tôi thảo luận về một loạt các vấn đề, một số có tác động tới mối quan hệ song phương, một số tới các vấn đề khu vực và các vấn đề toàn cầu khác. Nói một cách công bằng, tôi cho rằng đó là một cuộc thảo luận toàn diện tới mức chúng tôi đã hết thời gian trước khi phải quay trở lại với trách nhiệm của mỗi người. Nhưng tôi rất có ấn tượng về ngài Ngoại trưởng. Ông ấy nắm bắt được những vấn đề không chỉ đất nước ông mà tất cả chúng ta đang phải đối mặt. Phương pháp tiếp cận có nguyên tắc và thực tế của ông ấy trong cách giải quyết các vấn đề này cực kỳ ấn tượng, và tôi rất mong được làm việc với ông ấy.

Chúng tôi sẽ thiết lập đối thoại chiến lược giữa hai nước, và mong muốn Indonesia đóng một vai trò lớn hơn nữa trong khu vực và trên vũ đài toàn cầu, như nước này đang làm tại G20 chẳng hạn. Đặc biệt, kinh nghiệm mà Indonesia có được trong hơn 10 năm qua về sự chuyển đổi sang một nền dân chủ sinh động, chúng tôi tin rằng, là đáng quý cho châu Á, nhất là Miến Điện. Chúng tôi cũng học được rất nhiều điều từ cuộc nói chuyện với những người đồng cấp của Indonesia.

Chúng tôi thực lòng chúc mừng ngài Bộ trưởng, và tất nhiên cả ngài Tổng thống SBY về thắng lợi ấn tượng vừa qua trong cuộc bầu cử. Chắc chắn hai vị tổng thống của chúng ta sẽ còn nhiều điều để bàn bạc khi họ gặp nhau ở đây vào cuối tuần. Tôi biết rằng Tổng thống Obama dành một vị trí rất đặc biệt trong trái tim ông cho Indonesia và đang rất muốn tới thăm Indonesia sớm. Giữa hai nước chúng ta chỉ có một mối quan hệ tích cực và chúng tôi muốn mở rộng và củng cố thêm mối quan hệ ấy, và đưa nó lên một tầm cao mới.

CHỦ TỌA: Câu hỏi tiếp theo, Lachlan Marmichael của AFP.

CÂU HỎI: Thưa bà Ngoại trưởng, tôi xin có ba câu hỏi về Bắc Triều Tiên: Bà có ủng hộ, Hoa Kỳ có ủng hộ tuyên bố của Hàn Quốc rằng thuyền của Bắc Triều tiên đã vi phạm biên giới không? Và bà đã bàn vấn đề này với ai trong ngày hôm nay? Cuối cùng, bà có chút phân vân nào về việc cử đại sứ Bosworth tới Bắc Triều Tiên trước những diễn biến này không? Tôi nghĩ mục tiêu là cử ông ấy tới đó trước cuối năm nay.

NGOẠI TRƯỞNG CLINTON: Lachlan, như anh đã biết, đã có nhiều đốm lửa bùng lên trong nhiều năm qua như những gì chúng ta đã thấy hôm qua giữa Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên. Có một vài vấn đề về lãnh hải thường trở thành nền tảng cho sự đối đầu này. Tôi không có lý do gì để nghi ngờ các tin tức mà chúng tôi nhận được. Chúng tôi chỉ hi vọng tình hình không leo thang, và lấy làm yên lòng vì phản ứng thận trọng của các bên tính tới ngày hôm nay.

Tôi đã nói chuyện với nhóm của tôi ở Washington và với Kurt Campbell và những người khác chịu trách nhiệm khu vực này khi chúng tôi đang ở đây. Nhưng điều này không hề ảnh hưởng tới quyết định cử đại sứ Bosworth sang Bắc Triều Tiên. Tôi nghĩ việc này bản thân nó đã là một bước đi quan trọng. Nó liên quan tới nỗ lực của chúng tôi, cùng với các đối tác của tiến trình đàm phán sáu bên, tiếp tục nối lại tiến trình ấy. Tôi nghĩ rằng đó mới là điều tối quan trọng.

Vì vậy, chắc chắn chúng tôi khuyến khích sự bình tĩnh và thận trọng đối với bất kỳ tranh chấp nào, đặc biệt là tranh chấp có thể gây ra những hậu quả và thiệt hai khiến nó trở nên rất khó giải quyết. Nhưng đồng thời, chúng tôi vẫn tiếp tục xúc tiến chuyến thăm đã định của Đại sứ Bosworth.

CHỦ TỌA: Câu hỏi cuối cùng sẽ đến từ Kênh News Asia, Augustine Anthuvan.

CÂU HỎI: Thưa bà Ngoại trưởng, tôi muốn đặt lại câu hỏi mà đồng nghiệp của tôi đã hỏi trước đó về Miến Điện. Điều này rất có ý nghĩa với ASEAN, và tất nhiên ở Singapore này cũng có một cộng đồng lớn người Miến Điện. Trợ lý Ngoại trưởng Campbell, khi phát biểu trước Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện, đã nhấn mạnh và nêu rõ với các quan chức của Chính phủ Trung Quốc về sự cần thiết Bắc Kinh phải đóng một vai trò tích cực trong việc thúc đẩy cải cách ở Miến Điện. Tôi muốn được nghe bà ngoại trưởng nói rõ xem chính xác bà mong đợi gì từ Trung Quốc?

Và một câu hỏi liên quan là bà nói chủ yếu người Miến Điện phải tự quyết định cách thức của các cuộc bầu cử năm 2010. Nhưng ASEAN có thể đóng vai trò gì tại chỗ, phải chăng là quan sát viên trực tiếp độc lập trong cuộc bầu cử? Xin cảm ơn bà.

NGOẠI TRƯỞNG CLINTON: Rất cảm ơn, và tôi nghĩ rằng đó là những vấn đề quan trọng bởi vì chúng ta cần một phản ứng rộng khắp từ các quốc gia trong khu vực. Tất nhiên, Trung quốc có cơ hội đóng một vai trò rất tích cực, cũng như Thái Lan, Ấn Độ và các nước ASEAN khác. Chúng tôi muốn thấy từng nước, và thông qua ASEAN, tiếp cận với các nhà lãnh đạo Miến Điện, thuyết phục họ rằng đã đến lúc họ cần bắt đầu lập kế hoạch cho các cuộc bầu cử tự do, công bằng và tin cậy trong năm 2010 – năm 2010 thì đã rất gần rồi – và rằng việc giám sát các cuộc bầu cử này sẽ rất có lợi. Và một lần nữa, các nước trong khu vực, tất nhiên cả ASEAN về mặt thể chế có thể giúp đỡ để đảm bảo rằng các cuộc bầu cử được xem là đáng tin cậy.

Nhưng tôi nghĩ cũng cần phải nhận thấy rằng các vấn đề nội bộ bên trong Miến Điện không hề giới hạn bên trong biên giới Miến Điện. Chúng ta đã chứng kiến những dòng người tị nạn chạy khỏi Miến Điện, thuyền nhân chạy tới Malaysia, tới Indonesia, tới Australia, vượt biên giới vào Thái Lan. Sự bất ổn ấy là không tốt cho ai cả. Bất kỳ nước nào có giao dịch với Miến Điện đều muốn đảm bảo rằng các khoản đầu tư của họ và doanh nghiệp của họ được an toàn. Và cách tốt nhất để đảm bảo điều đó là thúc đẩy nền dân chủ và sự ổn định mà nền dân chủ tạo ra, môi trường đầu tư đó sẽ thu hút nhiều các doanh nghiệp hơn.

Vì vậy, chúng tôi trông mong tất cả các nước trong khu vực sẽ đóng một vai trò, và đặc biệt chúng tôi mong đợi ASEAN sẽ đóng một vai trò quan trọng. Ý tôi là nếu chúng ta có thể khuyến khích các nhà lãnh đạo Miến Điện gặp gỡ đối thoại với đại diện các nhóm khác nhau trong xã hội Miến Điện, và chúng tôi hi vọng rằng điều đó sẽ được ASEAN và các nước khác ủng hộ, có thể là do ASEAN điều phối, bởi vì việc lập kế hoạch cho các cuộc bầu cử này cần phải được xem là một ưu tiên, và cách thức giám sát nó cần phải được thảo luận và phân tích.

Nhưng quan trọng là cần phải tạo được niềm tin rằng những cuộc bầu cử này sẽ tự do, công bằng và đáng tin cậy. Nếu không, lãnh đạo Miến Điện và kết quả các cuộc bầu cử sẽ không được quốc tế xem là hợp pháp. Và vì lãnh đạo Miến Điện đã nói họ muốn có được các cuộc bầu cử như vậy, chúng tôi hi vọng họ sẽ hợp tác với chúng tôi để đảm bảo những cuộc bầu cử này có được độ tin cậy và kết quả được thế giới thừa nhận.

Xin cảm ơn.

 Tác phẩm này là một bản dịch và có thông tin cấp phép khác so với bản quyền của nội dung gốc.
Bản gốc:
Bản dịch: