Những cái nhược điểm của nước Ý trong cuộc Ý – Á chiến tranh

Những cái nhược điểm của nước Ý trong cuộc Ý – Á chiến tranh  (1935) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Tràng An, Huế, số 56 (10 Septembre 1935), trang 1.

Cứ theo tin tức gần đây thì Ý với Abyssinie chừng như đã khai chiến.

Bất luận ở vào thời đại nào, gặp khi có hai nước đánh nhau, những người ở địa vị bàng quan bao giờ cũng muốn dự trắc thử bên nào thắng bên nào bại. Huống chi ở vào ngày nay, vì lẽ liên đới quan hệ giữa quốc tế, người ta lại càng nóng muốn biết sự thắng bại ấy hơn để đoán định con đường lợi hại của nước mình. Vì cớ ấy, trong cuộc Ý – Á chiến tranh này, dù khi nó chưa xảy ra mà nhiều người đã so sánh thế lực cùng thủ đoạn hai bên để ức đoán cuộc tương lai.

Trước hết so sánh về binh lực. Nước Ý từ hôm có việc đến nay, kể đến hôm 4 Juillet mà thôi, đã đem quân đội qua Phi châu hơn 16 vạn người rồi. Ấy là còn chưa kể những thổ binh của thuộc địa Ý ở đó nữa là khác. Nói riêng về máy bay đánh trận, Ý cũng đã có sẵn 50 chiếc để dùng trong việc giao chiến với Á. Đến như các đồ binh khí thì toàn là đồ tân thức, cực kỳ tinh nhuệ và sung túc.

Nói về cả binh lực ở bổn quốc Ý thì còn quá nữa. Tức như hôm 25 Août vừa rồi, chính Mussolini thân hành chỉ huy một cuộc tập trận đến 50 vạn lính, khí giới hoàn bị, thanh thế rúng động cả Âu châu. Vậy mà còn dự trù rằng đến tháng mười tới đây ngạch quân của Ý sẽ lên đến một trăm vạn nữa.

Binh lực nước Ý như vậy, thôi còn có sợ ai? Bởi vậy vừa rồi nước Anh mới vừa rao lên toan lấp cái kênh ở Địa Trung Hải mà các báo Ý đã nhao nhao lên đòi khai chiến với Anh.

Đến binh lực nước Á thì làm sao cho bằng nước Ý. Cứ như hiện tình thì động viên một cái, nước ấy có thể kéo ra ngay được hai triệu lính, song không phải hết thảy đều thao luyện theo tối tân. Súng thì được 60 vạn khẩu nhưng số đại pháo thì có ít. Đến máy bay lại càng ít lắm, giỏi lắm chỉ được mươi chiếc là cùng.

Theo hiện tình ấy, nước Á không tài nào địch với nước Ý nổi vậy.

Ấy vậy mà có người nói: nếu Ý – Á đánh nhau, Ý chưa chắc thắng được Á đâu, vì Ý mắc phải những cái nhược điểm này.

1/ Sự nguy bách về tài chánh. – Từ hôm Ý bắt đầu dự bị về chiến tranh đến nay, đã thấy tốn mỗi ngày đến 6 vạn bổn (tiền Anh) rồi.[1] Trong hai tháng nay như thế đã làm cho cái kho nhà nước Ý trống trơn, không có mà trả cho các món nợ quốc trái đã đến kỳ. Nhơn đó bắt đầu từ ngày 2 Juillet, chánh phủ đã hạ lệnh thủ tiêu sự dự trữ vàng bạc thật phòng để đổi bạc giấy ở các kho nhà nước. Một điều đó đủ tỏ ra tài chánh nước Ý là đương khốn nạn lắm rồi.

2/ Quân Ý bất phục thủy thổ Phi châu. – Hồi chưa khai chiến mà đã thấy trong quân Ý đóng tại Phi châu có một điều rất là bất lợi. Gần đây quân Ý có 77 người bị say nắng mà chết. Lại lính thợ hai vạn ba ngàn người từ bên Ý đem qua mà đã hết hai ngàn vào nằm nhà thương. Những cái hiện trạng đó tài nào chẳng làm cho những người đương hăm hở tính bề ra trận thấy mà rùng mình?

3/ Sự hai lòng của lính thổ. – Lính thổ là lính lấy ở các thuộc địa của Ý ở Phi châu để dùng vào cuộc giao chiến với Á. Những lính này với người Á cùng màu da, có khi cùng tông giống, người Á rất dễ mà lấy cảm tình khuyên dỗ họ theo mình. Đã có sự thực xảy ra: hôm 18 Mai năm nay một ngàn lính thổ ở thuộc địa Ý đã đầu về với chánh phủ Á cả người lẫn súng đạn. Việc ấy chánh phủ Ý giữ khét nước, thế mà người ngoài cũng biết được rồi.

4/ Sự bất lợi về việc dụng binh. – Theo ý kiến của các nhà quân sự thì cái cách chiến tranh theo tân thức của Ý mà đem dùng tại đất Á là sự quyết đoán không có thể được. Đất Á là đất núi, những đường sá chở chuyên – nhất là chở chuyên về việc binh – hoàn toàn không có, thì sau khi quân Ý vào cõi Á rồi làm sao cho có đủ các thức quân nhu. Lại còn không rõ địa thế của Á thì không biết có đánh được với họ hay không nữa. Khi ấy rồi hết thảy những đồ binh khí tối tân của người Ý sẽ mất cả sức chiến đấu mà thành ra vô dụng chưa biết chừng.

Người ta còn lo đến rằng những máy bay của Ý sẽ không có chỗ xứng đáng mà thả trái phá xuống đất Á nữa. Vì ở Á không có những nơi đô hội mà công thương trù mật. Nếu trái phá chỉ thả xuống những xóm nhà lá thì có ngứa gì người Á, họ sẽ lập lại như chơi?

5/ Cái chiến lược “đoạn thủy”. – Nguy nhất cho Ý là nếu người Á họ thi hành cái chiến lược này. Vì quân Ý tiến đánh đô thành Á phải trải qua nhiều núi cao và những dải đất gần như sa mạc. Khốn nhất là đương trong lúc tiến quân mà bị nắng nóng quá và không có nước uống. Nước Á đương bắt ngặt nước Ý về chỗ đó.

Số là các con sông mà quân Ý sẽ đi ngang qua đều phát nguyên ở Á cả. Bởi vậy, nghe chừng chánh phủ Á đã theo kế sách của người Bỉ-lỵ-thì,[2] định lấp hết các ngõ nguồn cho quân Ý chết khát. Hễ lúc nào sắp khai chiến là họ thực hành ngay cái chiến lược “đoạn thủy” đó. Chỉ có cái chiến lược đó là làm cho người Ý rất khó lòng.

Chỉ mới cử ra năm cái nhược điểm ấy đã thấy rằng người Ý không dễ gì mà thắng Á được. Huống chi lại còn các nước ở ngoài như Anh, Nhật, Pháp, Mỹ nữa, có lẽ nào họ chịu để cho Mussolini muốn gì thì muốn hay sao?

Chúng tôi không nói quân Ý vì năm điều bất lợi ấy mà phải thua trận; chúng tôi chỉ nói họ khó mà thắng trận được vì năm cái nhược điểm ấy.

T. A.

   




Chú thích

  1. đồng “bổn”: tức đồng “bảng” (tiền Anh).
  2. Bỉ-lỵ-thì: Belgium, nước Bỉ.