Nhân dân thành phố Huế đối với ngày lễ Vía Phật nên thế nào?

Nhân dân thành phố Huế đối với ngày lễ Vía Phật nên thế nào?  (1935) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Tràng An, Huế, số 19 (3 Mai 1935), trang 1.

Như chúng tôi đã nói trong số báo trước, ngày lễ sinh nhật Phật ở Huế hôm mồng tám tháng tư âm lịch tới đây là một ngày từ xưa đến nay ở kinh đô mà cho đến cả xứ này cũng chưa từng có.

Ngày hội Chánh chung có; ngày lễ Hưng quốc khánh niệm có; ngày lễ Đình chiến có; nhưng một ngày như ngày lễ Vía Phật này lâu nay chưa có mà đến bây giờ mới có, ta phải coi ngày ấy khác với những ngày kia, vì nó có cái ý nghĩa không giống những ngày kia.

Những ngày hội kia cốt chỉ có vui, dù cái vui ấy hoặc của ta hoặc không phải của ta mà đã cử hành ra giữa chỗ ta ở thì ta không thể không chung vui được. Rủ nhau đi coi, đi ăn uống, đi đánh đá, đi khoe quần áo,… sự ấy dù có khi không đáng nữa cũng chẳng ai trách làm chi, vì nó là cái ngày vui.

Ngày hội Phật sinh nhật có một cái ý nghĩa khác, không phải vui. Cho nên, đối với ngày hội ấy, điều thứ nhất là ta không nên bày ra những trò vui, những trò ăn chơi, đánh đá, để khỏi trái với ý nghĩa của ngày ấy.

Cũng như Jésus-Christ, Phật Thích-ca Mầu-ni sinh ra, nói rằng để cứu thế.

Một người sinh ra mà hằng hà sa số người được cứu, là một sự nên mừng, lẽ đáng vui mới phải, nhưng ở trong đó lại có cái ý nghĩa không vui.

Không vui bởi Phật đã biết và bảo chúng ta rằng: sinh là khổ. Khổ thì còn vui sao được?

Muốn thoát khỏi khổ phải giác. Theo tiếng nói đương lưu hành thì nói rằng giác ngộ.

Như vậy, ngoài ra những người ở ngoài đạo Phật không nói, những người làm tín đồ của Phật, gặp ngày ấy phải tâm tâm niệm niệm, nghiền ngẫm về sự “ra đời” của Phật, bởi Phật có nói: “Ta vì một việc lớn ra đời”.

Việc lớn là việc gì? Việc cứu chúng sinh.

Chúng sinh tại sao mà phải cứu? Bởi chúng sinh đều khổ.

Như thế, chưa biết mình được cứu cùng chăng mà chỉ biết chắc là mình đương ở trong cái khổ, thì làm sao vui được trong ngày ấy?

Đã không vui thì nên giác ngộ. Ngày nào lại chẳng là ngày nên giác ngộ? Nhưng gặp ngày ấy nó có cái ý nghĩa thân thiết hơn, cho nên nó là ngày đáng cho ta giác ngộ nhiều hơn.

Trong thành phố ta, chỉ có một số người theo đạo Phật, còn thì những người theo đạo khác hay không theo đạo nào.

Chúng tôi không dám cưỡng những người sau đây cũng đi làm lễ, cũng tâm tâm niệm niệm như tín đồ của Phật. Nhưng chúng tôi chỉ yêu cầu những người ấy phải kính trọng một ngày lễ cho một số người ở trong thành phố, hầu cho khỏi trái phép lịch sự, khỏi có điều chướng mắt người ngoài.

Trong thành phố, một cái đám ma đi ngang qua đường nào đó, những người đi đường còn phải cất mũ lặng thinh để tỏ lòng bi đát, huống chi là gặp một ngày kỷ niệm một ông giáo chủ.

Thường thường gặp ngày hội – ngày hội khác – dân ta hay bày những bàn đánh “nhứt lục”, đánh “đỏ đen”, đánh “bài ba lá”,… Nhưng ngày Vía Phật có lẽ nào cũng có những sự đánh ấy được?

Ngày hội khác, người ta đánh quần đánh áo, đi tốp năm tốp ba, ghẹo gió chào trăng, chùng hương trộm ngọc, cho là vui thích; nhưng ngày Vía Phật có phải là ngày để ta làm những việc ấy đâu?

Ở Huế ngày hội nào cũng thường có ít nữa là một quán bán thịt chó. Nếu ngày Vía Phật mà cũng có món ấy thì thật dân thành phố ta đã chẳng biết nể mách lòng ai hết!

Vậy chúng tôi mong hai ngày hai đêm mồng 7 và mồng 8 tháng tư sắp tới đây, nhân dân trong thành phố Huế: ai ra đường đi coi cũng phải giữ sự lặng lẽ, ai ở trong nhà cũng tịnh túc để nghe những hồi chuông. Thứ nhất là chúng tôi mong cho đừng có những sự chơi bời, đánh đá, ăn uống nói trên kia mà ở các ngày hội khác thường thấy.

Dân nào có giáo dục, gặp một việc gì họ hiểu thấu cái ý nghĩa của việc ấy nên đối đãi một cách thích nghi. Còn người mình thì chưa được như thế. Chúng tôi chỉ sợ vì ngày Phật sinh nhật này mà người mình lại mang tiếng, cho nên có lời bày tỏ trước.

TRÀNG AN