Nhà sử học mới Lương Khải Siêu và bộ Trung Quốc sử trong lý tưởng
I
Nói về nền học thuật của Trung Hoa trước kia, cái gì so với Thái Tây thì còn kém, chứ về sử học thì ai cũng phải nhận rằng của họ phát đạt lắm. Kể những đồ trứ thuật của người Tàu từ xưa đến nay về loại sử, mà chỉ kể sơ qua, cũng đã đến trên mười vạn quyển rồi. Con số ấy đủ làm cho học giới các nước thấy mà ghê.
Còn nói đến sử gia thì quả là vật mà nước họ chẳng lấy làm hiếm. Khổng Tử, một bậc đại thánh, đồng thời cũng là một tay chép sử. Rồi kế đến Tả Kỳ Minh, Tư Mã Thiên, Ban Cố, Phạm Việp, Trần Thọ, Âu Dương Tu, Tư Mã Quang... không kể xiết.
Nhân tài của nước họ về phương diện ấy hời hợt lắm,[1] đến nỗi phải chia sử gia với sử học gia làm hai hạng. Sử gia là những người vừa lược kể trên đó; còn sử học gia thì có ba người đặc sắc hơn hết: Lưu Tri Kỷ ở đời Đường, Trịnh Tiều ở đời Tống và Chương Học Thành ở đời Thanh.
Nhờ các sử gia làm ra nhiều sách, lập lên nhiều thể thức và nhờ các sử học gia phê bình những sách và những thể thức ấy, làm cho nghĩa lý trong đó được sáng tỏ ra, được đầy đủ thêm, thành thử môn sử học của Trung Hoa từ trước thật là xương thịnh.
Tuy vậy, nước Tàu là nước thủ cựu nhất trên thế giới thì về sử học cố nhiên họ cũng là thủ cựu.
Cái quan niệm về lịch sử của người Tàu ở hai ngàn năm trước làm sao thì ở hai ngàn năm sau cũng làm vậy. Giả như đức Khổng Tử nghĩ rằng làm một pho sử ra cốt để răn dạy vua chúa, lại cốt để thưởng người lành, phạt kẻ dữ, thì một ông cử đời Mãn Thanh cũng lại nghĩ như ngài.
Cái quan niệm ấy đối với thế giới ngày nay, nó không còn thích hợp nữa. Nó phải thay đổi. Ở nước Tàu, Lương Khải Siêu tiên sinh là người đi đầu thay đổi tư tưởng của quốc dân, và cũng là người đi đầu thay đổi quan niệm của sử học.
Hồi tiên sinh đương còn lánh nạn ở Nhật Bản, làm chủ bút Tân dân tùng báo, thì đã chú ý đến việc này. Trong báo ấy, tiên sinh có mở mục gọi là "Tân sử học", hết sức công kích những điều hủ lậu của sử học giới nước mình mà dần dần thâu nhập những tư tưởng mới của phương Tây: Tiên sinh mạnh dạn làm việc ấy trong lúc còn có nhiều người kính trọng và bảo thủ những lề lối xưa, vì vậy mà đã được tiếng là tay cách mệnh trong sử giới.
Lương tiên sinh chăm công kích nhất là "thơ pháp" của sách Xuân Thu. Sách này khi muốn thưởng ai thì biên chức quan, biên tước người ấy; còn khi muốn phạt ai thì khử chức quan, khử tước mà biên thẳng cái tên. Làm như thế, vì cho rằng biên theo cách trước là vinh, biên theo cách sau là nhục. Chung với những điều khác cũng oái oăm như thế nữa, tóm gọi là "thơ pháp" người ta bảo từ đức Khổng bày ra.
Mặc dù của Khổng Tử, Lương Khải Siêu sổ toẹt cả. Tiên sinh cho rằng cái thơ pháp ấy chẳng lấy đâu làm tiêu chuẩn, chẳng qua do cái chủ quan của một người mà ra, lắm lúc làm mất sự công bằng. Rồi lấy ra nhiều cái lệ chứng trong các sách theo thơ pháp của Xuân Thu, tiên sinh chỉ ra bao nhiêu chỗ mâu thuẫn để đánh đổ thơ pháp.
Cái vấn đề "kỷ niên" cũng là một vấn đề hay đem ra tranh biện giữa sử học giới Trung Hoa xưa nay. Tức là việc chép số năm theo niên hiệu nhà vua, họ lấy làm một việc quan trọng lắm. Vào những lúc mà trong nước đồng thời có vài ba ông vua, thế thì nhà làm sử nên theo niên hiệu ông vua nào: vấn đề tranh biện bởi đó mà ra.
Họ Lương nói ngay rằng sử gia mà cứ đeo đuổi theo những việc nhỏ mọn ấy thì chỉ làm nô lệ cho quân chủ. Theo ý tiên sinh, sự biên năm chẳng qua để ghi thời gian cho nhớ, thế thì biên cách nào giản tiện cho dễ nhớ thì biên, hà tất kiện với nhau cái vặt ấy làm chi.
Sự công kích thơ pháp phạm đến cái lòng tôn Khổng của nhiều người, cũng như sự công kích kỷ niên phạm đến cái lòng tôn quân của nhiều người. Đương thuở đó mà dám cầm những cái luận điệu như thế, không trách được người ta đã bảo Lương là nhà cách mệnh.
Sau Dân quốc Trung Hoa thành lập, Lương tiên sinh có dấn thân vào chính giới một độ, rồi thấy không thể làm gì được, kéo mình trở ra. Chăm việc nghiên cứu và trứ thuật, tiên sinh quyết chí còn bao nhiêu ngày của đời mình đem hiến cả cho học giới.
Tiên sinh từng nói mình là người "đa dục" trong việc học. Nhưng tôi thấy như tiên sinh có tình với sử học nhiều hơn.
Tiên sinh đã ra công nghiên cứu cả học thuật nước Tàu từ xưa đến nay suốt hai ngàn năm, quyết định viết ra một bộ Học thuật sử năm quyển cho năm thời đại. Mà tiếc, trước khi chết, tiên sinh chỉ mới viết được hai quyển: một về thời đại Phật học lúc Tùy Đường; một về thời đại Pháp học lúc Mãn Thanh!
Nhưng đó mới là cái công việc của tiên sinh làm trong những giờ thừa mà thôi, chưa phải là công việc chính của tiên sinh về sử học.
Cái chí nguyện và cái kế hoạch lớn lao của họ Lương là cải cách cả nền sử học của Trung Hoa, nhất là làm sao cho dân tộc mình có một pho lịch sử theo quan niệm mới, theo phương pháp mới, đủ cung cho sự nhu cầu của hết thảy người Trung Hoa đương sống với thế kỷ hai mươi nầy.
Muốn cho cái chí nguyện và cái kế hoạch ấy được thực hiện, Lương cứ nghiên cứu mãi. Mỗi một vấn đề về sử học, nghiên cứu xong, tiên sinh đem giảng diễn ở các trường đại học trong nước để rước lấy những lời phê bình. Kết quả năm Dân quốc 11, tiên sinh xuất bản ở Thượng Hải một quyển sách dày 230 trang, tên là Trung Quốc lịch sử nghiên cứu pháp. Sách ra chưa đầy một năm thì tái bản.
Trên kia có nói cái quan niệm mới và cái phương diện mới của một pho lịch sử, hết thảy những điều ấy, ta có thể nói được rằng đã chứa trong cuốn sách này. Cuốn sách nầy, lấy việc kiến trúc làm ví dụ, tức là cái "giá tế" để dựng nên cái lâu đài lịch sử Trung Hoa.
Trong bạn đọc của tôi, hẳn phải có người lấy làm lạ: Ở nước Nam ta, trước kia vẫn có năm ba bộ quốc sử chép bằng chữ Hán; thứ chữ ấy không dùng ra giữa người đời nay được, nên bây giờ ta phải cần có một bộ Việt sử chép bằng quốc ngữ cho thật xứng đáng để cung cấp cho quốc dân. Chứ còn bên Tàu, họ vốn không có sự thay đổi văn tự như ta, trên mười vạn quyển sử chép ra từ đời xưa, bây giờ vẫn còn đọc được, thì có thiếu thốn gì mà ông Lương Khải Siêu phải lo việc ấy?
Nhưng nếu vị độc giả ấy có biết ít nhiều về sử học xưa với nay, Đông với Tây khác nhau làm sao, thì không còn lấy làm lạ nữa. Lương tiên sinh có lần ngỏ ý như thế nầy: Hết thảy sách sử của Trung Quốc từ lúc mới chép đến giờ – dù nhiều đến trên mười vạn cuốn đi nữa – bây giờ chỉ coi được là "sử liệu" mà thôi, chớ không coi được là "sử" vậy. Người ta dù đọc được hết mười vạn cuốn ấy cũng chưa chắc có ích; nhưng lấy tài liệu trong mười vạn cuốn ấy viết ra một pho sử "kim thời" mà đọc, mới là có ích.
Pho sử "kim thời" ấy, tức trên đầu đề tôi gọi là "Bộ Trung Quốc sử trong lý tưởng" của Lương tiên sinh. Nó như thế nào, các bạn sẽ biết khi đọc bài nối của tôi trong số tới.
II
Trong bài trước tôi đã giới thiệu sơ qua cho bạn đọc biết Lương Khải Siêu tiên sinh, không phải Lương Khải Siêu, một nhân vật trọng yếu trong thời đại cách tân của Trung Hoa như nhiều người An Nam đã biết hơn hai mươi năm nay, nhưng là Lương Khải Siêu, một nhân vật tiên tri tiên giác trong sử học giới nước ấy, có cái chí nguyện cải tạo lịch sử nước mình giữa lúc mọi sự trong nước đều thay đổi.
Tôi đã nói họ Lương cố ý mong cho nước mình có một pho quốc sử làm theo phương pháp mới, hợp với quan niệm mới. Pho sử ấy bất tất chính tay họ Lương tự viết ra, vì sự ấy có lẽ là một sự không thể có được; nhưng, dù cho ai viết cũng vậy, cốt là pho sử ấy phải thoát ly hẳn với cả hình thức cũ lẫn tinh thần cũ. Cái điều quan trọng này thì Lương tiên sinh không từ chối và cũng không nhượng cho ai nữa, chính tiên sinh đã phỏng định một cái quy mô mới mẻ và rộng lớn, đem cống hiến cho sử giới nước mình.
Trong sách Trung Quốc lịch sử nghiên cứu pháp của tiên sinh, ở chương đầu có nói:
"Ngày nay muốn làm nên một bộ Trung Quốc sử thích hợp với sự cần dùng của người Trung Quốc hiện thời, thì trong bộ quốc sử ấy phải bao hàm những cái yếu mục như dưới nầy:
Dân tộc Trung Hoa có phải là sinh ra đất nầy và ở mãi đây, hay là ở đâu dời đến?
Dân tộc Trung Hoa bởi bao nhiêu dân tộc khác hỗn hợp mà thành ra? Nếu vậy thì sự hỗn hợp còn có dấu vết thế nào?
Sự hoạt động đầu tiên của dân tộc Trung Hoa lấy phần đất nào trong nước làm chỗ căn cứ? Rồi thời đại nào phát triển thêm đến miền nào và thời đại nào lại phát triển thêm đến miền nào? Đến thời đại bây giờ có vẫn còn phát triển nữa hay đã đình đốn lại rồi?
Có bao nhiêu dân tộc dã man từ ngoài đến, như Hung Nô, Đột Khuyết, cùng dân tộc Trung Hoa giành nhau miếng đất nầy? Gốc gác của các dân tộc ấy thế nào? Cái kết quả của sự giành nhau ấy có ảnh hưởng cho văn hóa Trung Hoa ra làm sao? Vả lại, văn hóa của Trung Hoa có ảnh hưởng đến họ ra làm sao?
Các dân tộc văn minh ở về bộ phận khác trên thế giới, như Ấn Độ, Âu châu, đã giao thông tiếp xúc với dân tộc Trung Hoa thế nào? Có những dấu vết gì còn lại? Họ có ảnh hưởng đến văn hóa Trung Hoa ra làm sao? Và văn hóa của Trung Hoa có ảnh hưởng đến họ ra làm sao?
Cách tổ chức chính trị của dân tộc Trung Hoa, khi phân khi hợp, đắp đổi nhau và thay thế cho nhau, cái dấu vết ấy thế nào?
Dân tộc Trung Hoa khi thì thống trị các dân tộc khác, khi thì bị các dân tộc khác thống trị, cái dấu vết thành và bại của những sự ấy thế nào?
Cái chế độ giai cấp như chia ra quý tộc, bình dân, nô lệ, phát sinh từ hồi nào? Hồi nào thì tiêu diệt? Nó có ảnh hưởng đến chính trị thế nào?
Các thứ đoàn thể trong nước, như đoàn thể gia tộc, đoàn thể địa phương, đoàn thể tôn giáo, đoàn thể chức nghiệp: sự thịnh hay suy, hưng hay phế của nó ra sao? Nó có ảnh hưởng đến chính trị thế nào?
Trong nước Trung Hoa từ xưa có cái cơ sở của chủ nghĩa dân trị hay là không có? Vì cớ gì đã lâu đời lắm mà chủ nghĩa ấy không phát sinh ra?
Cái dấu vết của sự thay đổi, thêm bớt về pháp luật ra làm sao? Cái hiệu lực của nó ở trong xã hội thế nào?
Nền kinh tế, cái trạng huống của những sự ăn, mặc, ở, từ hồi sơ dân cho đến ngày nay, cái đại thể tiến hóa ra làm sao?
Nông, công, thương, ba cái đó đắp đổi nhau, hết cái nầy đến cái khác, mà chiếm lấy cái ngôi chủ của nền kinh tế ra thế nào? Có dấu vết gì còn lại?
Chế độ kinh tế như tiền tệ tiêu dùng, sự bảo hộ quyền sở hữu, cùng sự thi hành các chính sách cứu tế, v.v... thay đổi ra sao? Nó có ảnh hưởng đến cái trạng huống của kinh tế thế nào?
Từ xưa đến nay nhân khẩu tăng gia và di trú, có cái trạng huống như thế nào? Sự ấy có ảnh hưởng thế nào đến kinh tế?
Sau khi giao thông với ngoại quốc, nền kinh tế có sinh ra sự biến động như thế nào?
Ngôn ngữ văn tự của Trung Hoa có cái đặc chất như thế nào? Nó thay đổi ra sao? Nó có ảnh hưởng đến văn hóa thế nào?
Cái tư tưởng gốc của dân tộc ở đâu? Các thời đại đều có sự biến thiên về tư tưởng, có những dấu vết gì còn lại?
Cái tình trạng của sự tín ngưỡng tôn giáo cùng sự thay đổi về tín ngưỡng thế nào?
Cho được nối dõi và truyền bủa văn hóa, đã dùng cách giáo dục thế nào? Sự thay đổi và nên hư của những cách giáo dục ấy ra sao?
Về những triết học, mỹ thuật, âm nhạc, công nghệ, khoa học, v.v... mỗi một thời đại phát đạt ra làm sao? Cái giá trị của nó ra làm sao?
Mỗi một thời đại chịu ảnh hưởng của văn hóa ngoại quốc thế nào? Văn hóa của Trung Hoa đã cống hiến và sẽ cống hiến cho thế giới ra sao?"
Những điều trên đó, theo Lương tiên sinh, chẳng qua là những cái đại cương chưa kể được là tường tận. Nhưng một pho sử đời nay, tiên sinh quyết rằng phải có đủ những điều ấy. Những điều ấy có đủ rồi, cứ theo đó mà tìm thấy nhân và quả, một pho sử khi ấy mới thành ra một vật hữu dụng, không cách bức với sự sống của quốc dân, và người đọc sử mới thấy nó là có màu mè lý thú vậy.
Muốn cho những điều trên đó được tóm lại bằng mấy cái ý cốt càng rõ hơn, Lương tiên sinh chỉ định cho bộ Trung Quốc sử trong lý tưởng ấy bốn cái chức vụ dưới nầy:
- Thuyết minh sự thành lập và phát triển của dân tộc Trung Hoa, để suy tìm cái cớ tại sao mà dân tộc ấy vẫn còn tự bảo tồn được và thịnh đại như bây giờ, lại cũng phải xét thử có cái cớ gì suy bại hay không?
- Thuyết minh có bao nhiêu dân tộc đã hoạt động trong đất Trung Hoa thuộc về lịch sử, dân tộc Trung Hoa với các dân tộc khác có những sự điều hòa hay xung đột thế nào? Và kết quả thế nào?
- Thuyết minh cái văn hóa của dân tộc Trung Hoa sinh sản ra, lấy gì làm căn bản, nó có ảnh hưởng đắp đổi nhau với văn hóa thế giới ra sao?
- Thuyết minh cái vị trí của dân tộc Trung Hoa ở giữa toàn thể nhân loại và cái đặc tính của dân tộc ấy, vả lại, nó phải có mang cái trách nhiệm gì đối với cả nhân loại sau nầy.
Trong bạn đọc, ai từng đọc qua bộ sử Tàu trước kia, rồi bây giờ thấy cái đại cương của bộ Trung Quốc sử lý tưởng nầy, nhất là bốn điều chủ đích mà Lương tiên sinh chỉ ra đây, phải nhận rõ là có sự sai biệt nhau xa lắm, hoặc đến trái hẳn nhau.
Sử Tàu xưa kia là của một nhà vua hay một triều đình mà bây giờ là của một dân tộc.
Sử Tàu xưa kia là để chép những văn trị võ công của vua chúa mà bây giờ là để chép sự sinh hoạt và tiến hóa của nhân dân.
Sử Tàu xưa kia chỉ biết có một nước mình mà bây giờ biết cả đến thế giới và chịu trách nhiệm đối với cả loài người trên thế giới.
Bởi cái óc người đời bây giờ khuynh hướng về dân chủ, bị chinh phục bởi thuyết tiến hóa, lại tôn trọng nhân đạo để dần dần đi tới đại đồng, sự nhu cầu của ai nấy là ở đó, cho nên một bộ sử mà cái dân giá của nó như thế thì mới thích hợp với sự nhu cầu ấy vậy.
Bộ Trung Quốc sử mà Lương tiên sinh ao ước đó cho đến năm nay cũng vẫn chưa thấy có, nhưng quyết rồi nó phải có, vì dân Tàu đã cần tới nó thì không có không được. Sở dĩ tôi đem nói ra đây là có ý gióng theo đó mà ước ao một bộ sử Việt Nam hiện cũng thấy cần dùng lắm cho người Việt Nam. Rồi tôi sẽ nói rõ trong một bài sau.
PHAN KHÔI
Chú thích
- ▲ Câu viết này có vẻ tối nghĩa vì từ “hời hợt”, nếu hiểu theo nghĩa hiện đại (hời hợt = chỉ lướt qua bề ngoài, không đi sâu, – Từ điển tiếng Việt, Viện Ngôn ngữ học, H., 2006); song có lẽ Phan Khôi, ở thời mình, đã dùng từ “hời hợt” theo hàm nghĩa mà Huình Tịnh Paulus Của ghi được (hời hợt = bộ rơi rớt, có dư – Đại Nam quấc âm tự vị, Sài Gòn, 1895-96); vậy nói “nhân tài của họ hời hợt lắm” là ý nói nhân tài của họ dư lắm, nhiều lắm.