Nghị quyết của Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về chế độ phụ cấp và các quyền lợi khác của đại biểu Quốc hội, Ủy ban thường vụ và các Ủy ban của Quốc hội

Nghị quyết của Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về chế độ phụ cấp và các quyền lợi khác của đại biểu Quốc hội, Ủy ban thường vụ và các Ủy ban của Quốc hội  (1960) 
của Quốc hội Việt Nam

Nghị quyết được ban hành ngày 6 tháng 7 năm 1960 và hết hiệu lực ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Để tạo điều kiện thuận tiện cho các đại biểu Quốc hội làm nhiệm vụ đại biểu của mình, Quốc hội quy định chế độ phụ cấp và các quyền lợi khác của đại biểu Quốc hội như sau:

I- Đối với các đại biểu Quốc hội sửa

1- Mỗi đại biểu Quốc hội được hưởng một khoản phụ cấp đại biểu Quốc hội hàng năm là 200 đồng.

2- Đại biểu Quốc hội đi dự hội nghị Quốc hội, trong thời gian hội nghị, được hưởng một khoản phụ cấp hội nghị ngang với chế độ phụ cấp hội nghị cao nhất của Nhà nước.

3- Đại biểu Quốc hội đi làm nhiệm vụ đại biểu sẽ sử dụng phương tiện vận tải thông thường, được ngồi hạng nhất nếu có, được quyền ưu tiên trong việc mua vé tàu hoả, ô-tô, ca-nô. Chi phí vận tải do Nhà nước đài thọ theo thể lệ hiện hành.

4- Khi đại biểu Quốc hội phải tạm thời thoát ly nơi mình làm việc thường xuyên để đi làm nhiệm vụ đại biểu, thì:

- Nếu đại biểu ở trong biên chế Nhà nước thì cơ quan mà đại biểu làm việc thường xuyên vẫn đài thọ lương và phụ cấp của đại biểu trong thời gian ấy;

- Nếu đại biểu làm việc ở một tổ chức không thuộc biên chế Nhà nước, và nếu bộ máy tổ chức này không có điều kiện trả lương trong thời gian đại biểu vắng mặt, thì ngân sách Nhà nước sẽ đền bù lại cho đại biểu Quốc hội bằng một khoản phụ cấp - Uỷ ban thường vụ Quốc hội sẽ nghiên cứu chế độ và cách đền bù cho thoả đáng.

5- Khi đau ốm cần được điều trị, các đại biểu Quốc hội được hưởng chế độ cung cấp thuốc men, nằm bệnh viện theo tiêu chuẩn ấn định cho Chủ tịch Uỷ ban hành chính tỉnh.

Đại biểu phụ nữ, khi sinh đẻ, được hưởng chế độ như trên.

6- Mỗi đại biểu Quốc hội được cấp Công báo nước Việt Nam dân chủ cộng hoà và các tài liệu khác mà Uỷ ban thường vụ Quốc hội xét cần thiết cho sự hoạt động của đại biểu.

II- Đối với các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa

1- Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký và những Uỷ viên thường xuyên công tác tại cơ quan Uỷ ban thường vụ Quốc hội được hưởng chế độ lương và phụ cấp như sau:

- Chủ tịch: tương đương với Thủ tướng Chính phủ.

- Phó chủ tịch: tương đương với Phó thủ tướng Chính phủ.

- Tổng thư ký: tương đương với Bộ trưởng.

- Các Uỷ viên khác: tương đương với Thứ trưởng.

2- Những Uỷ viên của Uỷ ban thường vụ Quốc hội không thường xuyên công tác tại cơ quan Uỷ ban thường vụ Quốc hội thì hưởng chế độ lương và phụ cấp theo nhiệm vụ công tác chủ yếu của mình, và do cơ quan nơi mình làm việc chính đài thọ.

III- Đối với các thành viên các Ủy ban của Quốc hội sửa

1- Chủ nhiệm, Phó chủ nhiệm và những Uỷ viên thường xuyên công tác tại cơ quan các Uỷ ban Quốc hội thì được hưởng chế độ lương và phụ cấp tương đương với chế độ của các thành viên các Uỷ ban Nhà nước thuộc Hội đồng Chính phủ.

2- Những Uỷ viên của các Uỷ ban của Quốc hội không thường xuyên công tác tại cơ quan Uỷ ban thì hưởng chế độ lương và phụ cấp theo nhiệm vụ công tác chủ yếu của mình, và do cơ quan nơi mình làm việc chính đài thọ.


Nghị quyết này đã được Quốc hội nhất trí thông qua ngày 6 tháng 7 năm 1960.

 

Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng vì theo Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam, Điều 15, khoản 2, thì "Văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, văn bản khác thuộc lĩnh vực tư pháp và bản dịch chính thức của văn bản đó" không phải là đối tượng bảo hộ bản quyền. Còn theo Nghị định số 17/2023/NĐ-CP, Điều 8, khoản 2 của Chính phủ Việt Nam, văn bản hành chính bao gồm "văn bản của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân".