Nghị quyết của Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về báo cáo của Chính phủ 1963

Nghị quyết của Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về báo cáo của Chính phủ 1963  (1963) 
của Quốc hội Việt Nam

Nghị quyết được ban hành ngày 8 tháng 5 năm 1963.

Sau khi nghe báo cáo của Chính phủ,

Sau khi nghe thuyết trình của Tiểu ban Quốc hội nghiên cứu báo cáo của Chính phủ và tham luận của các đại biểu,

QUYẾT NGHỊ:

1- Quốc hội nhất trí tán thành sự đánh giá của Chính phủ về những thắng lợi to lớn trong mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá và xã hội mà nhândân miền Bắc nước ta đã giành được trong những năm vừa qua.

Những thắng lợi to lớn đó là kết quả của lao động sáng tạo của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng lao động Việt Nam, của Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hoà và Hồ Chủ tịch, với sự giúp đỡ quý báu của Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa anh em khác.

Kế hoạch Nhà nước phát triển kinh tế quốc dân 5 năm lần thứ nhất (1961 - 1965) là một bước rất quan trọng mở đầu thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc nước ta.

Để hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, nhân dân ta và cán bộ ta cần tiếp tục phát huy những thuận lợi to lớn, ra sức khắc phục những khó khăn và những chỗ non yếu trong tình hình kinh tế và trong công tác.

Quốc hội tán thành chủ trương của Chính phủ đẩy mạnh hơn nữa phong trào thi đua yêu nước và tiến hành tốt mấy cuộc vận động lớn :

-"Vận động cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật, nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện, mạnh mẽ và vững chắc",

- "Vận động nâng cao ý thức trách nhiệm, tăng cường quản lý kinh tế tài chính, cải tiến kỹ thuật, chống tham ô, lãng phí, quan liêu",

- "Vận động đồng bào miền xuôi tham gia phát triển kinh tế ở miền núi".

Quốc hội đặc biệt lưu ý Chính phủ về sự cần thiết phải ra sức tăng cường vai trò quản lý kinh tế và chỉ đạo thực hiện của Nhà nước theo nguyên tắc tập trung dân chủ; nâng cao ý thức trách nhiệm và ý thức kỷ luật của các cơ quan Nhà nước; nâng cao tinh thần hợptác xã hội chủ nghĩa giữa các ngành, các cấp; tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa ; tăng cường kiểm tra việc thực hiện các chủ trưong, chính sách và các chỉ tiêu của kế hoạch Nhà nước.

2- Phong trào yêu nước của đồng bào miền Nam không ngừng lớn mạnh và thu được nhiều thắng lợi. Kế hoạch Xta-lây-Tay-lơ của đế quốc Mỹ nhằm lập ấp chiến lược để tập trung dân và tăng cường hoạt động quân sự hòng tiêu diệt lực lượng yêu nước của đồng bào miền Nam, đến nay đã phá sản. Ảnh hưởng và uy tín của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam, người tổ chức và lãnh đạo phong trào yêu nước ở miền Nam, đang lan rộng và ăn sâu trong mọi tầng lớp đồng bào và vang dội khắp thế giới.

Quốc hội nhiệt liệt hoan nghênh những thắng lợi của phong trào yêu nước ở miền Nam, nhiệt liệt biểu dương lòng yêu nước nồng nàn, ý chí kiên cường, bất khuất của nhân dân miền Nam anh hùng. Miền Nam luôn luôn xứng đáng là "Thành đồng của Tổ quốc".

Thay mặt nhân dân Việt Nam, Quốc hội chân thành cảm tạ nhân dân Liên Xô, Trung Quốc, Cu Ba và các nước xã hội chủ nghĩa anh em khác, chân thành cảm tạ nhân dân In-đô-nê-xi-a, An-Giê-ri và nhân dân các nước khác trên thế giới đã hết lòng ủng hộ phong trào yêu nước của nhân dân miền Nam Việt Nam.

Quốc hội cực lực lên án cuộc chiến tranh xâm lược mà đế quốc Mỹ đang tiến hành ở miền Nam Việt Nam, cực lực lên án tội ác của đế quốc Mỹ và tay sai Ngô Đình Diệm đang dùng chất độc hoá học làm phương tiện chiến tranh.

Quốc hội tin tưởng sắt đá rằng : mặc dù còn phải trải qua nhiều cuộc đấu tranh gay go, ác liệt, đồng bào miền Nam ta nhất định sẽ thu được thắng lợi cuối cùng.Miền Nam thân yêu nhất định sẽ được giải phóng.

Quốc hội hoàn toàn tán thành đường lối của Chính phủ luôn luốn nghiêm chỉnh thi hành hiệp nghị Giơ-ne-vơ năm 1954 về Đông dương và kiên quyết đấu tranh để thực hiện hoà bình thống nhất nước nhà theo Hiệp nghị Giơ-ne-vơ.

3- Tình hình thế giới tiếp tục phát triển có lợi cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân các nước đang đấu tranh cho hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.

Quốc hội tán thành đường lối và những hoạt động ngoại giao của Chính phủ đã góp phần quan trọng làm cho địa vị quốc tế của nước ta không ngừng được nâng cao, ngày càng tranh thủ được sự đồng tình và ủng hộ rộng rãi của nhân dân các nước trên thế giới đối với công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh nhằm thực hiện hoà bình thống nhất đất nước của nhân dân ta.

Quốc hội hoàn toàn tán thành chủ trương của Chính phủ tăng cường quan hệ hữu nghị với Vương quốc Lào, nghiêm chỉnh thi hành hiệp nghị năm 1962 về Lào, góp phần bảo đảm nền hoà bình trung lập của Vương quốc Lào, ủng hộ Chính phủ liên hợp dân tộc của Lào do Hoàng thân Xu-va-na Phu-ma làm thủ tướng, ủng hộ những cố gắng to lớn của nhân dân Lào nhằm xây dựng một nước Lào hoà bình, trung lập, độc lập, thống nhất và thịnh vượng. Quốc hội kiên quyết vạch trần và lên án âm mưu của đế quốc Mỹ và phe lũ đang phá hoại hiệp nghị Giơ-ne-vơ năm 1962 về Lào.

Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hoà khoá II, kỳ hợp thứ 6, kêu gọi toàn thể đồng bào ta hãy tăng cường đoàn kết, ra sức thi đua yêu nước, hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch Nhà nước năm 1963 và kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ nhất, giành những thắng lợi ngày càng to lớn hơn trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và trong công cuộc đấu tranh để thực hiện hoà bình thống nhất Tổ quốc, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giầu mạnh, góp phần vào sự nghiệp đấu tranh vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội của nhân dân toàn thế giới.


Nghị quyết này đã được Quốc hội nhất trí thông qua ngày 8 tháng 5 năm 1963.

Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng vì theo Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam, Điều 15, khoản 2, thì "Văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, văn bản khác thuộc lĩnh vực tư pháp và bản dịch chính thức của văn bản đó" không phải là đối tượng bảo hộ bản quyền. Còn theo Nghị định số 17/2023/NĐ-CP, Điều 8, khoản 2 của Chính phủ Việt Nam, văn bản hành chính bao gồm "văn bản của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân".