Nghị quyết của Hội nghị Ban Thường trực Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mở rộng ngày 28-7-1954

Nghị quyết của Hội nghị Ban Thường trực Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mở rộng ngày 28-7-1954  (1954) 
Ban Thường trực Quốc hội Việt Nam

Nghị quyết được ban hành ngày 28 tháng 7 năm 1954.

Hội nghị Ban Thường trực Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mở rộng đã họp vào ngày 28 tháng 7 năm 1954 để nghe báo cáo của Ban về kết quả cuộc Hội nghị Giơnevơ.

Sau khi nghe báo cáo và nghiên cứu các văn bản về Hội nghị Giơnevơ và các điều khoản của bản Hiệp định đình chiến được 9 nước trong Hội nghị Giơnevơ thừa nhận.

Hội nghị nhận định:

1. Hiệp định đình chiến ở toàn Đông Dương là một thắng lợi lớn của nhân dân Việt Nam ta và nhân dân Cao Miên, Lào, đồng thời là thắng lợi của phong trào hòa bình thế giới. Thắng lợi ấy là do lực lượng kháng chiến của nhân dân ta trong 8, 9 năm nay, do sự đấu tranh của nhân dân Pháp, do sự ủng hộ của nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới, do đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ta đã tranh đấu kiên quyết và khôn khéo và do sự giúp đỡ của hai đoàn đại biểu Liên Xô và Trung Quốc mà thu được.

2. Thắng lợi lớn này là bước đầu. Nhân dân ta còn phải đi con đường hòa bình tiếp tục đấu tranh để tiến lên nữa. Phải đề phòng bọn hiếu chiến ngăn cản việc thi hành Hiệp định đình chiến phá hoại hòa bình ở Đông Dương.

Hội nghị quyết nghị:

1. Hoàn toàn tán thành đường lối chủ trương chính sách hòa bình của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tỏ lòng tín nhiệm Chính phủ và tin tưởng tuyệt đối ở sự lãnh đạo của Hồ Chủ tịch.

2. Kêu gọi các vị đại biểu và nhân dân trong toàn quốc nhận rõ thắng lợi ngoại giao to lớn, thi hành đúng Hiệp định đình chiến đồng thời cũng đòi Chính phủ Pháp thi hành đúng những điều đã ký kết. Nhân dân ta nhất định thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong toàn quốc. Đoàn kết chung quanh Hồ Chủ tịch và Chính phủ, nhân dân ta nhất định sẽ củng cố được hòa bình, thực hiện được thống nhất, hoàn thành được độc lập và dân chủ trong toàn quốc.

Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng vì theo Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam, Điều 15, khoản 2, thì "Văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, văn bản khác thuộc lĩnh vực tư pháp và bản dịch chính thức của văn bản đó" không phải là đối tượng bảo hộ bản quyền. Còn theo Nghị định số 17/2023/NĐ-CP, Điều 8, khoản 2 của Chính phủ Việt Nam, văn bản hành chính bao gồm "văn bản của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân".